Nội dung

Quy trình ngâm thuốc

Đại cương

Theo y học cổ truyền ngâm thuốc là dùng nước sắc hoặc hãm các thuốc cổ truyền để ngâm toàn thân hoặc vùng cơ thể để phòng bệnh và chữa bệnh. Thường dùng các thuốc có tác dụng giải biểu, khu phong, tán hàn, trừ thấp, hoạt huyết, tiêu viêm, lưu thông kinh lạc, …

Theo y học hiện đại, ngâm thuốc có tác dụng điều hòa hoạt động của hệ tuần hoàn, tiêu hoá, thần kinh, tăng cường hệ thống miễn dịch, tăng chuyển hoá, chống viêm, chống stress và điều hoà cơ thể, giảm đau, …

Chỉ định

Viêm khớp, đau khớp, đau và viêm dây thần kinh, đau cơ, bong gân, cứng khớp, teo cơ, hạn chế vận động, sẹo co kéo, mỏm cụt đau, …

Đau do co thắt cơ quan tiêu hoá và tiết niệu, sinh dục.

Tăng huyết áp, …

Bệnh ngoài da: viêm da dị ứng, tổ đỉa, nấm, chàm,…

Vết thương nhiễm khuẩn.

Tắc động mạch hay tĩnh mạch ở người bệnh.

Trĩ, nứt kẽ hậu môn, viêm phần phụ, sa sinh dục, sa trực tràng, …

Rối loạn thần kinh thực vật: mồ hôi lòng bàn tay, bàn chân, một số bệnh rối loạn vận mạch, …

Chống stress, an thần, giảm béo, giải độc, …

Chống chỉ định

Dị ứng với các thành phần của thuốc.

Vết thương hở.

Bệnh cấp cứu.

Thận trọng:

Người bệnh say rượu, tâm thần.

Trường hợp giảm cảm giác nóng, lạnh.

Trẻ em, người già sa sút trí tuệ, …

Người có tiền sử động kinh.

Chuẩn bị

Người thực hiện

Bác sĩ, y sĩ, lương y, kỹ thuật viên, điều dưỡng được đào tạo về y học cổ truyền có chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh theo quy định của luật khám bệnh, chữa bệnh.

Trang thiết bị

Nước thuốc ngâm của bài thuốc để ngâm hoặc thuốc bột để hãm với nước xôi

Phòng ngâm hoặc phòng điều trị đảm bảo sự riêng tư của người bệnh, kín gió

Dụng cụ đun nước nóng hoặc phích nước nóng.

Bồn ngâm hoặc chậu ngâm.

Khăn lau tay, khăn tắm.

Nhiệt kế đo nhiệt độ nước.

Quần áo sạch để thay.

Ghế ngồi cho người bệnh.

Xà phòng rửa tay

Dầu tắm, dầu gội đầu.

Dung dịch sát khuẩn tay nhanh.

Bàn chải, dung dịch vệ sinh bồn ngâm, chậu ngâm; dung dịch vệ sinh phòng ngâm

Găng tay cao su, dép chống trơn trượt.

Giường nghỉ cho người bệnh sau khi ngâm thuốc toàn thân.

Hộp chống shock, thuốc chống dị ứng.

Thuốc trị bỏng (panthenol, …).

Nước uống.

Thầy thuốc, người bệnh

Thầy thuốc: khám và làm bệnh án theo quy định, hướng dẫn quy trình ngâm thuốc để người bệnh yên tâm hợp tác. Kiểm tra mạch, nhiệt độ, huyết áp của người bệnh.

Người bệnh tuân thủ hướng dẫn của thầy thuốc.

Các bước tiến hành

Thủ thuật

Ngâm toàn thân

Chuẩn bị bồn ngâm cho người bệnh. Thay dép chống trơn trượt, tắm tráng và uống đủ nước trước khi ngâm.

Bắt đầu ngâm từ 2 chân đến cổ hoặc các bộ phận khác phù hợp với tình trạng bệnh lý.

Tắm tráng, gội đầu (nếu cần) lau khô, mặc quần áo, tránh gió lạnh, uống nước bổ sung, nằm nghỉ 15 phút.

Ngâm bộ phận

Bộ phận: chuẩn bị chậu ngâm. Người bệnh bộc lộ và làm sạch bộ phận cần ngâm và uống đủ nước.

Kiểm tra nhiệt độ của nước ngâm xem nóng quá hoặc chưa đủ nóng đề điều chỉnh, nhiệt độ thích hợp từ 35 – 390C.

Ngâm bộ phận cần điều trị vào nước thuốc.

Trong quá trình ngâm thuốc người bệnh tự xoa bóp vùng trị liệu để tăng hiệu quả.

Làm sạch vùng trị liệu vừa ngâm bằng nước sạch, uống nước bổ sung.

Liệu trình điều trị

Ngâm thuốc 15 – 20 phút/lần, 1 – 2 lần/ngày, tùy thuộc vào vị trí, tình trạng bệnh lý và thể trạng của người bệnh.

Một liệu trình điều trị từ 10 – 20 ngày, tùy theo mức độ và diễn biến của từng bệnh, có thể tiến hành 2 – 3 liệu trình liên tục.

Theo dõi và xử trí tai biến

Theo dõi

Trong quá trình ngâm theo dõi nhiệt độ nước ngâm đề phòng bị bỏng.

Những diễn biến trong quá trình ngâm, những tác dụng không mong muốn như: dị ứng, mệt mỏi, chóng mặt, …

Xử trí tai biến

Tại chỗ:

Bỏng do nước quá nóng, xử lý bỏng theo phác đồ.

Dị ứng với thuốc ngâm: dừng ngâm, làm sạch thuốc trên da bằng nước sạch, dùng thuốc điều trị dị ứng.

Toàn thân: Cho người bệnh nằm nghỉ nếu thấy mệt mỏi, chóng mặt.

Xử trí shock theo phác đồ.