Đại cương.
Khái niệm:
Rối loạn lo âu là sự sợ hãi quá mức, không có nguyên nhân, do chủ quan của người bệnh và không thể giải thích được do một bệnh tâm thần khác hoặc do một bệnh cơ thể. Rối loạn lo âu là rối loạn mà bệnh nhân không thể kiểm soát được, biểu hiện vững chắc, mạn tính và khuếch tán dưới dạng kịch phát. Bệnh nhân có rối loạn lo âu, đặc biệt là cơn hoảng sợ, thường kèm theo các rối loạn chức năng xã hội và có nguy cơ lạm dụng thuốc cao hơn người bình thường.
Bệnh sinh:
Giả thuyết về di truyền:
Ở những người họ hàng mức độ I của bệnh nhân thì nguy cơ bị rối loạn lo âu lên tới 19,5 %. Ở những người sinh đôi cùng trứng nguy cơ bị rối loạn lo âu cao hơn nhiều so với người sinh đôi khác trứng.
Giả thuyết về catecholamin:
Bệnh nhân rối loạn lo âu có tăng tiết adrenalin làm ảnh hưởng đến các triệu chứng lâm sàng do tích lũy axit lactic và axit béo tự do. Thực tế cho thấy các thuốc ức chế beta đặc biệt là ức chế ngoại vi có tác dụng chống lo âu.
Giả thuyết serotonin:
Vai trò của serotonin trong rối loạn lo âu đánh giá trước hết là do tác dụng chống lo âu của một số thuốc chống trầm cảm tác dụng trên thụ cảm thể 5HT như clomipramin.
Các biểu hiện cơ thể của rối loạn lo âu:
Tim mạch:
Hồi hộp.
Tăng huyết áp động mạch.
Đau, bỏng vùng trước ngực.
Cảm giác co thắt trong lồng ngực
Dạ dày – ruột:
Nôn.
Cảm giác trống rỗng trong dạ dày.
Trướng bụng.
Khô miệng.
Tăng nhu động ruột.
Cảm giác “hòn, cục ở trong cổ”.
Hô hấp:
Tăng nhịp thở.
Cảm giác thiếu không khí.
Cảm giác khó thở.
Các biểu hiện khác:
Tăng trương lực cơ.
Run.
Mệt mỏi.
Ra mồ hôi.
Chóng mặt.
Đau đầu.
Giãn đồng tử.
Mót đi tiểu.
Rét run.
Một số rối loạn lo âu.
Ám ảnh sợ khoảng trống không có tiền sử hoảng sợ:
Lâm sàng:
Bệnh nhân có các triệu chứng bất kì trong số các triệu chứng như khó chịu, mất kiểm soát đi tiểu, sợ ra khỏi nhà một mình, sợ không kiểm soát được mình, sợ không có người giúp đỡ thì sẽ ngã…
Để xác định chẩn đoán, các tiêu chuẩn cho hoảng sợ không bao giờ được thoả mãn đầy đủ. Các triệu chứng đó không phải là hậu quả của một chất (ví dụ lạm dụng ma túy) hoặc một bệnh thực tổn (ví dụ bệnh tim mạch).
Tiêu chuẩn chẩn đoán theo dsm-iv:
A. Có ám ảnh sợ khoảng trống liên quan đến sự xuất hiện của một số triệu chứng giống hoảng sợ (ví dụ: chóng mặt hoặc đi ngoài).
B. Không bao giờ thoả mãn các tiêu chuẩn cho hoảng sợ.
C. Rối loạn không phải là hậu quả sinh lí trực tiếp của một chất (ví dụ: lạm dụng ma túy, thuốc) hoặc một bệnh thực tổn.
D. Nếu có bệnh cơ thể phối hợp, sợ ở tiêu chuẩn A là rất rõ ràng so với bệnh thực tổn gây ra.
Ám ảnh sợ khoảng trống có tiền sử hoảng sợ:
Lâm sàng:
Triệu chứng của bệnh là sợ ở một mình hoặc không có người giúp đỡ trong cơn hoảng sợ kịch phát, bệnh nhân né tránh các tình huống ám ảnh như sợ chỉ có một mình khi ra khỏi nhà hoặc khi đi ôtô buýt, đi máy bay… Có một số bệnh nhân khắc phục tình huống sợ hãi, né tránh bằng cách đi cùng người khác. Việc né tránh các tình huống có thể gây ảnh hưởng đến khả năng làm việc hoặc khả năng nội trợ (ví dụ: không tự đi mua sắm hoặc không tự đưa con đến trường).
Tiêu chuẩn chẩn đoán theo dsm-iv:
A. Lo âu liên quan đến các tình huống hoặc ở nơi không thể có đường thoát hoặc không có người giúp đỡ trong xung động hoảng sợ hoặc một số triệu chứng giống hoảng sợ. Sợ khoảng trống được áp dụng cho các tình huống như bệnh nhân ở một mình ở trên tàu, trên xe buýt, trên cầu, nơi đông người.
B. Các tình huống là thật sự rõ rệt, thậm chí tạo ra một khủng hoảng hoặc cơn hoảng sợ, hoặc các triệu chứng giống với hoảng sợ hoặc cần phải có người giúp đỡ bên cạnh.
C. Lo âu hoặc né tránh sợ hãi không giải thích được do một bệnh tâm thần khác.
Cơn hoảng sợ kịch phát:
Đặc điểm lâm sàng:
Đặc điểm lâm sàng của cơn hoảng sợ kịch phát là có một giai đoạn hoảng sợ kịch phát với ít nhất 4 trong số 13 triệu chứng cơ thể và nhận thức.
Cơn hoảng sợ kịch phát khởi phát đột ngột và nhanh chóng đến cường độ tối đa (thường sau 10 phút hoặc ngắn hơn). Phối hợp với cảm giác nguy hiểm hoặc đe doạ bị chết và mong muốn được thoát khỏi tình trạng này.
13 triệu chứng cơ thể và nhận thức là:
Hồi hộp.
Ra mồ hôi.
Run.
Thở nông hoặc bị nghẹn ở cổ.
Cảm giác hụt hơi.
Đau hoặc khó chịu ở vùng trước tim.
Nôn hoặc khó chịu ở vùng bụng.
Chóng mặt.
Giải thể nhân cách.
Sợ mất kiểm soát.
Sợ chết.
Dị cảm.
Rét run hoặc nóng bừng.
Khi cơn hoảng sợ tái phát, cường độ sợ hãi có thể giảm đi và thở gấp là triệu chứng hay gặp. Có 3 loại cơn hoảng sợ kịch phát:
Cơn hoảng sợ kịch phát không có dấu hiệu, không có tình huống thuận lợi.
Cơn hoảng sợ kịch phát có dấu hiệu có tình huống thuận lợi.
Cơn hoảng sợ kịch phát có thể xuất hiện nhưng không phải ngay lập tức mà có thể sau một thời gian ngắn, trước một kích thích hoặc một tình huống thuận lợi.
Tiêu chuẩn chẩn đoán theo icd-10:
Để chẩn đoán quyết định các cơn lo âu trầm trọng xảy ra trong khỏng thời gian 1 tháng:
a/ Trong hoàn cảnh không có nguy hiểm về mặt khách quan.
b/ Không khu trú vào hoàn cảnh được biết trước hoặc không lường trước được.
c/ Giữa các cơn bệnh nhân thoát ra khỏi một cách tương đối các triệu chứng lo âu.
Ám ảnh sợ xã hội:
Đặc điểm lâm sàng:
Ám ảnh sợ xã hội thường bắt đầu ở tuổi thanh thiếu niên biểu hiện sợ người khác nhìn chăm chú vào mình dẫn đến né tránh các hoàn cảnh xã hội, ám ảnh sợ xã hội phổ biến đều nhau ở nam và nữ. Ám ảnh có thể kín đáo như sợ ăn uống ở nơi công cộng hoặc sợ nói trước công chúng.
Sợ nôn ở nơi công cộng là triệu chứng rất quan trọng, giúp cho chẩn đoán quyết định.
Những ám ảnh sợ xã hội phối hợp với tự ti và sợ bị phê bình có thể bộc lộ bằng những lời phàn nàn, bị đỏ mặt, run tay, buồn nôn hoặc mót đi tiểu. Các triệu chứng này có thể tiến triển thành cơn hoảng sợ, né tránh hoàn toàn, cách li xã hội.
Bệnh nhân ám ảnh sợ xã hội gần như luôn bộc lộ rối loạn lo âu trong các tình huống xã hội gây sợ như đánh trống ngực, run, vã mồ hôi, khó chịu ở dạ dày và ruột, ỉa chảy, căng trương lực cơ. Các trường hợp nặng có thể có các triệu chứng thoả mãn chẩn đoán cho cơn hoảng sợ kịch phát. Đỏ mặt có thể là đặc trưng của ám ảnh sợ xã hội. Bệnh nhân thừa nhận rằng: các sợ hãi của họ là vô lí và quá mức. Ở người trên 18 tuổi, bệnh phải kéo dài trên 6 tháng mới được chẩn đoán là ám ảnh sợ xã hội.
Tiêu chuẩn chẩn đoán theo dsm-iv:
A. Sợ hãi với cường độ mạnh và bền vững của một hay nhiều tình huống xã hội, trong đó bệnh nhân bộc lộ với người khác sự sợ hãi hoặc sự phụ thuộc vào người quen để giảm sợ hãi. Bệnh nhân sợ rằng sẽ phản ứng bằng cách xấu hổ hoặc thiếu tự tin.
Lưu ý: ở trẻ em có liên quan xã hội thích hợp với những người trong gia đình hoặc xuất hiện trong các tình huống tương đương, không chỉ tác động qua lại với người lớn.
B. Biểu hiện trong tình huống xã hội gây ra lo âu, dưới hình thức một cơn hoảng sợ kịch phát. Lưu ý: ở trẻ em, lo âu có thể biểu hiện sự kinh ngạc trong tình huống xã hội với những người ngoài gia đình.
C. Bệnh nhân thừa nhận rằng sợ hãi là quá mức và không có lí do.
Lưu ý: ở trẻ em không có yếu tố này.
D. Các tình huống xã hội gây sợ hãi bị né tránh hoặc chịu đựng với lo âu hoặc sợ hãi mãnh liệt.
E. Sự né tránh lo âu hoặc sợ hãi trong tình huống xã hội gây ra sợ hãi, cản trở rõ rệt đến cuộc sống bình thường, hoạt động xã hội, nghề nghiệp do ám ảnh sợ.
F. Ở người trên 18 tuổi, bệnh kéo dài ít nhất 6 tháng.
G. Sợ hãi hoặc né tránh không phải là hậu quả của một chất (lạm dụng ma túy, thuốc hướng thần) hoặc một bệnh thực tổn mà không phải là do một bệnh tâm thần khác như hoảng sợ có hoặc không có ám ảnh sợ khoảng trống.
H. Nếu biểu hiện một bệnh thực tổn hoặc một bệnh tâm thần, sợ hãi ở tiêu chuẩn A không liên quan đến các bệnh này.
Ám ảnh sợ biệt định:
Đặc điểm lâm sàng:
Đó là những ám ảnh sợ khu trú và các tình huống đặc biệt như sợ gần động vật, sợ độ cao, sợ sấm, sợ bóng tối, sợ đi máy bay, sợ nơi kín, sợ bị các bệnh hiểm nghèo… Hoàn cảnh phát sinh bệnh rất kín đáo và có thể gây ra hoảng sợ.
Yếu tố ám ảnh sợ biệt định được xây dựng trên nền một sợ hãi mãnh liệt, bền vững và rõ rệt. Khi có các kích thích ám ảnh sợ sẽ dễ dàng gây ra đáp ứng lo âu.
Chẩn đoán chắc chắn nếu như né tránh sợ hãi hoặc lo âu trước đó của kích thích ám ảnh sợ gây trở ngại rõ rệt đến cuộc sống hàng ngày, đến hoạt động nghề nghiệp và xã hội. Ở bệnh nhân dưới 18 tuổi, các triệu chứng cần bền vững ít nhất là 6 tháng mới được chẩn đoán chắc chắn.
Tiêu chuẩn chẩn đoán theo dsm-iv:
A. Sợ hãi với cường độ mạnh, bền vững, quá mức hoặc không có cơ sở do sự có mặt hoặc đã từng có mặt một sự vật hoặc một tình huống biệt định (ví dụ: sợ đi máy bay, sợ độ cao, sợ động vật, sợ tiêm thuốc, sợ nhìn thấy máu…).
B. Khi có kích thích ám ảnh sợ, thường gây ra phản ứng lo âu ngay lập tức các kích thích này thể hiện dưới dạng một cơn hoảng sợ trong tình huống thuận lợi.
Lưu ý: ở trẻ em lo âu có thể biểu hiện là lời than phiền, kinh ngạc hoặc giữ vật gì đó.
C. Bệnh nhân thừa nhận rằng sợ hãi là quá mức và không có lí do.
Lưu ý: ở trẻ em yếu tố này có thể không có.
D. Tình huống ám ảnh sợ hãi là rõ rệt hoặc có sự chịu đựng rối loạn lo âu mãnh liệt.
E. Né tránh hoặc lo âu trước trong tình huống gây ra sợ hãi đã cản trở rõ rệt đến cuộc sống bình thường, hoạt động xã hội, nghề nghiệp và học tập.
F. Ở bệnh nhân dưới 18 tuổi, bệnh kéo dài ít nhất 6 tháng.
G. Rối loạn lo âu hoặc cơn hoảng sợ hoặc né tránh ám ảnh sợ phối hợp với một sự vật hoặc tình huống biệt định không giải thích được do một bệnh tâm thần khác như rối loạn ám ảnh- cưỡng bức và rối loạn stress sau sang chấn, rối loạn lo âu bị chia cắt, ám ảnh sợ xã hội, hoảng sợ có ám ảnh sợ khoảng trống, ám ảnh sợ khoảng trống không có tiền sử hoảng sợ.
Các thể lâm sàng ám ảnh sợ biệt định:
Sợ động vật: sợ rắn, sợ côn trùng,… nhìn chung thể này khởi phát ở trẻ em.
Sợ môi trường thiên nhiên: sợ bão, sợ độ cao, sợ nước,…thể này khởi phát ở trẻ em.
Sợ máu, sợ tiêm, sợ vết thương.
Sợ tình huống: tham gia giao thông công cộng, qua cầu, hầm, thang máy, đi máy bay, lái xe hoặc ở nơi khép kín,… hay khởi phát ở những lứa tuổi 20.
Rối loạn ám ảnh cưỡng bức:
Đặc điểm lâm sàng:
Yếu tố xác định rối loạn ám ảnh cưỡng bức là các ám ảnh hoặc cưỡng bức tái diễn. Bệnh nhân thừa nhận ám ảnh cưỡng bức là quá mức và không giải thích được. Các ám ảnh và cưỡng bức phải đủ tiêu chuẩn và đủ thời gian (từ 1 giờ đến 1 ngày). Rối loạn không phải là hậu quả của một chất hoặc một bệnh thực tổn.
Ám ảnh là ý nghĩ, ý tưởng hoặc sự tưởng tượng biểu hiện không chắc chắn và gây ra rối loạn lo âu hoặc mất chức năng rõ rệt. Nội dung của ám ảnh rất lạ lùng, không chịu sự kiểm soát của bản thân bệnh nhân và không phải là ý nghĩ mà bệnh nhân muốn có. Bệnh nhân có đủ khả năng thừa nhận ám ảnh là sản phẩm của hoạt động tâm thần và không phải là do bị ép buộc từ bên ngoài, ý nghĩ ám ảnh thường gặp là ý nghĩ lặp đi lặp lại như sợ lây bệnh truyền nhiễm do bắt tay, ý nghĩ nghi ngờ cửa không khoá…
Hành vi cưỡng bức là hành vi lặp đi lặp lại như rửa tay, cầu nguyện, đếm các hàng gạch hoặc im lặng với mục đích làm giảm bớt lo âu, căng thẳng nhưng không tạo ra được một sự thoả mãn.
Ví dụ: bệnh nhân có ám ảnh về bị lây bệnh do bắt tay, có thể giảm bớt căng thẳng bằng cách rửa tay nhiều lần đến khi da nhăn nheo lại. Bệnh nhân lo lắng do ám ảnh chưa khoá cửa có thể làm động tác kiểm tra lại nhiều lần. Người lớn rối loạn ám ảnh cưỡng bức có một vài thời điểm nhận ra rằng ám ảnh cưỡng bức là quá mức và vô lí. Nhưng điều này không áp dụng với trẻ con vì chúng có thể không nhận thức được đầy đủ.
Tiêu chuẩn chẩn đoán theo dsm-iv:
A. Có ám ảnh hoặc hành vi cưỡng bức.
Ám ảnh được giải thích là:
Ý nghĩ tái diễn và bền vững, ép buộc hoặc tưởng tượng rằng đã được trải nghiệm tại một thời điểm bị ép buộc, không thực tế và là nguyên nhân gây ra lo âu và lo lắng.
Các ý nghĩ thôi thúc hoặc tưởng tượng không đơn giản là lo lắng quá mức về các vấn đề thực tế.
Bệnh nhân có khả năng bỏ qua hoặc ngăn chặn các ý nghĩ thôi thúc hoặc dung hoà chúng bằng một số ý nghĩ hoặc hoạt động khác.
Người bệnh nhận ra rằng ý nghĩ ám ảnh là sản phẩm hoạt động trí tuệ của chính họ chứ không bị áp đặt từ bên ngoài.
Hành vi cưỡng bức được giải thích là:
Hành vi lặp đi lặp lại như rửa tay, cầu nguyện, tính toán hoặc nhắc lại một số từ trong im lặng để đáp lại sự ám ảnh.
Các hành vi hoặc hoạt động tâm thần có mục đích làm giảm sự khó chịu của các sự kiện gây sợ hãi, hoặc ngăn chặn các sự kiện và tình huống gây sợ hãi. Tuy nhiên các hành vi hoặc hoạt động tâm thần này là không có cơ sở thực tế và rõ ràng là quá mức.
B. Người bệnh tại một thời điểm nào đó nhận ra ám ảnh hoặc hành vi cưỡng bức là quá mức và vô lí.
Lưu ý: không áp dụng cho trẻ em.
C. Ám ảnh hoặc hành vi cưỡng bức gây ra khó chịu và mất thời gian (hơn một giờ mỗi ngày) cản trở hoạt động xã hội, nghề nghiệp, học tập và các mối quan hệ của bệnh nhân.
D. Nếu có các rối loạn khác thì nội dung của ám ảnh không bị giới hạn do các rối loạn như bận tâm về thức ăn (trong rối loạn ăn uống) hoặc nhổ tóc (trong rối loạn nhổ tóc), hoặc bận tâm về thuốc (trong rối loạn do một chất), hoặc bận tâm về bệnh tật nguy hiểm (trong rối loạn nghi bệnh), hoặc bận tâm về tình dục đồi trụy (trong loạn dục) hoặc ý nghĩ phạm tội, hiếm có rối loạn trầm cảm.
E. Rối loạn không phải là hậu quả của một bệnh thực tổn hoặc do một chất (lạm dụng ma túy hoặc chất hướng tâm thần).
Rối loạn lo âu lan toả:
Đặc điểm lâm sàng:
Những nét chính của rối loạn lo âu lan toả là dai dẳng, không khu trú, không nổi bật trong bất kì hoàn cảnh nào. Rối loạn lo âu lan toả là lo âu quá mức xảy ra vào ngày về một sự kiện hoạt động cho một giai đoạn kéo dài 6 tháng. Bệnh nhân rất khó kiểm soát rối loạn lo âu của bản thân.
Rối loạn lo âu và lo lắng phối hợp với ít nhất 3 trong số các triệu chứng thêm vào là mất thư giãn, dễ mệt mỏi, khó tập trung chú ý, cáu gắt, tăng trương lực cơ và mất ngủ (ở trẻ em chỉ cần một triệu chứng).
Cường độ và tính chất của rối loạn lo âu là quá mức so với hoạt động bình thường và so với mức độ gây khiếp sợ của sự kiện. Bệnh nhân rất khó dừng các ý nghĩ lo âu do tập trung chú ý bị cản trở.
Người lớn rối loạn lo âu lan toả thường lo lắng về sinh hoạt hàng ngày và thói quen cuộc sống như khả năng đáp ứng công việc, tài chính, sức khoẻ các thành viên trong gia đình với con cái hoặc các vấn đề nhỏ nhặt khác. Ngược lại, trẻ em rối loạn lo âu lan toả có xu hướng lo lắng quá mức về năng lực của bản thân.
Tiêu chuẩn chẩn đoán theo dsm – iv:
A. Lo âu và lo lắng quá mức xảy ra nhiều ngày, kéo dài ít nhất 6 tháng, tập trung vào một số sự kiện hoặc hoạt động trong công việc và kết quả học tập.
B. Người bệnh khó kiểm soát được lo âu.
C. Lo âu và lo lắng được phối hợp với ít nhất 3 trong số 6 tiêu chuẩn sau (với ít nhất là 6 tháng):
Mất thư giãn hoặc cảm giác kích động, bực bội.
Dễ bị mệt mỏi.
Khó tập trung chú ý hoặc trí nhớ trống rỗng.
Dễ cáu gắt.
Tăng trương lực cơ.
Rối loạn giấc ngủ (khó vào giấc ngủ, khó giữ giấc ngủ, khó chịu khi thức giấc).
Lưu ý: ở trẻ em chỉ cần một triệu chứng.
D. Rối loạn lo âu không phải là rối loạn tâm thần khác như: rối loạn hoảng sợ ám ảnh sợ xã hội, sợ bị lây bệnh, sợ phải xa nhà, xa người thân, giảm cân, có nhiều than phiền về cơ thể hoặc bệnh hiểm nghèo và không xảy ra trong rối loạn stress sau sang chấn.
E. Rối loạn lo âu và lo lắng hoặc triệu chứng cơ thể là nguyên nhân dẫn đến khó chịu hoặc thiệt thòi về hoạt động xã hội, nghề nghiệp hoặc các chức năng khác.
F. Rối loạn không phải là hậu quả của một chất (lạm dụng ma tuý hoặc thuốc hướng tâm thần) hoặc một bệnh cơ thể như cường giáp và không xảy ra trong khi bị rối loạn cảm xúc, rối loạn tâm thần hoặc chậm phát triển tâm thần.
Rối loạn lo âu do bệnh thực tổn:
Đặc điểm lâm sàng:
Đặc điểm rối loạn lo âu do bệnh thực tổn là các triệu chứng lo âu do hậu quả của bệnh thực tổn. Các triệu chứng biểu hiện bằng rối loạn lo âu lan toả, cơn hoảng sợ kịch phát, rối loạn ám ảnh xung động. Để xác định rối loạn lo âu do bệnh thực tổn, trước hết thầy thuốc phải xác định các triệu chứng của bệnh thực tổn, đồng thời cũng phải xác định các triệu chứng lo âu là bệnh sinh liên quan trực tiếp đến bệnh thực tổn.
Các bệnh thực tổn có thể là nguyên nhân gây rối loạn lo âu là bệnh nội tiết, bệnh tim mạch, rối loạn chuyển hoá và bệnh thần kinh.
Tiêu chuẩn chẩn đoán theo dsm-iv:
Biểu hiện rối loạn lo âu, xung động hoảng sợ hoặc ám ảnh – xung động chiếm ưu thế trong lâm sàng.
Có bằng chứng rõ rệt của bệnh thực tổn qua tiền sử, khám lâm sàng, xét nghiệm được coi là bệnh sinh của rối loạn lo âu.
Rối loạn không phải là một bệnh tâm thần khác.
Rối loạn không xảy ra trong quá trình tiến triển của sảng.
Rối loạn là nguyên nhân gây ra biểu hiện khó chịu hoặc rối loạn chức năng xã hội, nghề nghiệp hoặc các chức năng khác.
Rối loạn lo âu do một chất:
Đặc điểm lâm sàng:
Đặc điểm rối loạn lo âu do một chất biệt định là có thể xảy ra rối loạn lo âu lan toả, xung động hoảng sợ, ám ảnh – xung động và không do một bệnh tâm thần khác. Chẩn đoán không được đặt ra nếu có sảng; các triệu chứng khó chịu ảnh hưởng tới chức năng xã hội, nghề nghiệp hoặc các chức năng quan trọng khác.
Tiêu chuẩn chẩn đoán theo dsm-iv:
A. Biểu hiện rối loạn lo âu, xung động hoảng sợ hoặc rối loạn ám ảnh- xung động chiếm ưu thế.
B. Các biểu hiện rõ rệt trong tiền sử, khám lâm sàng hoặc xét nghiệm (1) hoặc (2).
Các triệu chứng của tiêu chuẩn A phát triển trong vòng 1 tháng sau ngộ độc hoặc cai một chất .
Chất sử dụng là bệnh sinh của rối loạn lo âu.
C. Căn cứ vào triệu chứng khởi phát và kéo dài trong một thời gian (1 tháng) khi sử dụng và sau khi có ngộ độc cấp tính một chất.
D. Rối loạn không xảy ra trong quá trình sảng.
E. Rối loạn là nguyên nhân gây ra và các biểu hiện khó chịu trong các lĩnh vực xã hội, nghề nghiệp hoặc các chức năng khác.
Điều trị các rối loạn lo âu.
Nhóm benzodiazepine:
Tác động lên các thụ cảm thể GABA tạo ra tác dụng chống rối loạn lo âu. Thuốc có loại thời gian bán hủy khác nhau, từ 2 giờ với triazolam, đến 30 giờ với diazepam và 200 giờ với flurazepam. Thuốc có thể gây ra trạng thái phụ thuộc thuốc xuất hiện sau một thời gian dùng thuốc từ vài tháng trở lên.
Các thuốc benzodiazepine thường dùng là: diazepam; clodiazepoxit; oxazepam; alprazolam; nitrazepam. clonazepam; tranxen.
Thuốc chống trầm cảm 3 vòng và đa vòng:
Thuốc có hiệu quả tốt với các triệu chứng lo âu lan toả, ám ảnh, cơn hoảng sợ. Hiệu quả của thuốc thường xuất hiện sau 8 – 12 tuần. Cần tăng liều từ từ, nên uống thuốc sau bữa ăn. Thời gian điều trị cần kéo dài, tối thiểu từ 18 – 24 tháng. Để điều trị ám ảnh, liều thuốc điều trị tối ưu thường cao gấp 1 – 3 lần liều điều trị trầm cảm thông thường.
Các thuốc thường dùng là: doxepin; amitriptilin; prothiaden; anafranil; ludiomil; mianserin.
Các thuốc chống trầm cảm mới:
Có tác dụng tốt trên các rối loạn ám ảnh và cơn hoảng sợ kịch phát, ám ảnh – cưỡng bức. Hiệu quả của thuốc xuất hiện sau 8 – 12 tuần dùng thuốc. Khi dùng thuốc phải tăng liều dần, nên uống thuốc sau bữa ăn để hạn chế tác dụng dạ dày- ruột (đầy bụng, buồn nôn, nôn…). Thời gian bán huỷ dài, chỉ nên dùng 1 lần/ ngày, có thể pha vào nước hoa quả để hạn chế tác dụng phụ. Liều thuốc điều trị ám ảnh
phải cao hơn liều điều trị trầm cảm 1-3 lần. Khi đạt kết quả điều trị sử dụng liều duy trì bằng 1/3 – 1/2 liều tấn công. Thời gian điều trị kéo dài tối thiểu là 18 -24 tháng. Với rối loạn ám ảnh – xung động có thể phải điều trị kéo dài suốt đời.
Các thuốc thường dùng: fluvoxamin; fluoxetin; paroxetin; sertralin; venlafaxin; mirtazapin,…