Rối loạn loạn thần cấp.
Khái niệm:
Rối loạn loạn thần cấp và nhất thời (theo ICD – 10) hay rối loạn loạn thần ngắn (theo DSM-IV) là một hội chứng loạn thần cấp, kéo dài từ 2 ngày đến 1 tháng, có những triệu chứng giống TTPL và thường được gọi là “Cơn hoang tưởng cấp”. Bệnh có đặc điểm là rối loạn tư duy và tri giác dẫn đến xa rời thực tế, diễn ra trong một thời gian ngắn, thoái lui nhanh, xuất hiện khi có stress cấp và không ảnh hưởng đến nhân cách. Đó là điểm phân biệt cơ bản với rối loạn tâm thần khác.
Theo ICD – 10, có mối liên quan giữa khởi phát và tiên lượng bệnh, bệnh khởi phát càng cấp tính thì tiên lượng càng tốt, đặc biệt là giai đoạn khởi phát không vượt quá 2 tuần và bệnh tiến triển trong khoảng 2 – 3 tháng. Theo DSM – IV, sử dụng thời gian để phân loại rối loạn loạn thần cấp ra thành 2 loại: rối loạn tâm thần ngắn với thời gian tối đa là 1 tháng và rối loạn dạng phân liệt thời gian kéo dài trên 1 tháng và tối đa là 6 tháng.
Triệu chứng lâm sàng rất phong phú và dễ thay đổi (từng giờ hoặc từng ngày), có thể xuất hiện ảo giác hoặc hoang tưởng không hệ thống đa dạng, rối loạn cảm xúc (hội chứng trầm cảm hoặc hưng cảm) hoặc cảm xúc không ổn định, rối loạn lo âu, rối loạn hành vi (trạng thái kích động hoặc giải ức chế), rối loạn phản xạ, rối loạn chú ý và trí nhớ.
Chẩn đoán:
Tiêu chuẩn chẩn đoán:
Khởi đầu cấp tính từ 24h đến 1 tuần có đầy đủ các triệu chứng điển hình của rối loạn loạn thần cấp.
Có stress cấp kết hợp.
Loại trừ một giai đoạn hưng cảm hoặc giai đoạn trầm cảm, mặc dù các rối loạn cảm xúc rõ nét, các căn nguyên thực tổn và nhiễm độc rượu hoặc ma tuý.
Các nguyên tắc chỉ đạo chẩn đoán theo icd – 10f:
Khởi đầu cấp tính, song không có rối loạn thoả mãn với các tiêu chuẩn chẩn đoán của giai đoạn hưng cảm (F30.) hoặc giai đoạn trầm cảm (F32.).
Các rối loạn phải được xác định là không có căn nguyên thực tổn như chấn động não, mê sảng hay mất trí và loại trừ nhiễm độc rượu hoặc ma tuý.
Thời gian 48 giờ hoặc 1 tuần để các triệu chứng loạn thần trở lên rối loạn trầm trọng làm gián đoạn lao động và sinh hoạt hàng ngày.
Chữ số thứ 5 dùng để chỉ rối loạn loạn thần cấp có kết hợp với stress cấp.
F23. x 0: Không kết hợp với stress cấp.
F23. x 1: Có kết hợp với stress cấp.
Các nguyên tắc chỉ đạo chẩn đoán theo dsm-iv-tr (2000):
Có ít nhất là các triệu chứng sau:
Các hoang tưởng.
Các ảo giác.
Loạn ngôn hoặc ngôn ngữ không liên quan.
Hành vi thanh xuân hoặc hành vi căng trương lực.
Ghi chú: không bao gồm triệu chứng nếu được văn hoá thừa nhận.
Thời gian kéo dài từ 1 ngày đến dưới 1 tháng và sau đó hoàn toàn trở lại mức độ hoạt động trước khi bị bệnh.
Rối loạn không phải do rối loạn khí sắc có loạn thần, rối loạn phân liệt cảm xúc hoặc TTPL và không do tác động trực tiếp của một chất hoặc của một bệnh lí khác.
Ghi rõ nếu:
Có yếu tố stress rõ rệt.
Không có yếu tố stress rõ rệt.
Có khởi phát bệnh sau khi sinh trong vòng 4 tuần.
Chẩn đoán phân biệt:
Tâm thần phân liệt giống với rối loạn loạn thần cấp trong pha cấp tính, nhưng TTPL là bệnh mạn tính, kéo dài quá 6 tháng và ảnh hưởng sâu sắc đến nhân cách của người bệnh.
Rối loạn tâm thần do một chất hoặc một bệnh cơ thể giống với rối loạn loạn thần cấp ở hội chứng của hội chứng cai, nhưng rối loạn loạn thần cấp có liên quan đến stress và bệnh nhân không nghiện chất hoặc không có bệnh cơ thể.
Rối loạn dạng phân liệt và rối loạn loạn thần cấp có triệu chứng hoàn toàn giống nhau, nhưng bệnh kéo dài dưới 6 tháng.
Điều trị:
Trong trường hợp cần nhập viện chú ý theo dõi rối loạn hành vi, rối loạn tư duy và tri giác. Sử dụng thuốc an thần kinh như: Haloperidol 5 – 10 mg/ngày hoặc Risperidon 3 – 6 mg/ngày và thuốc bình thần Diazepam 30 mg/ngày. Cần áp dụng liệu pháp tâm lí cho bệnh nhân có triệu chứng stress cấp.
Rối loạn hoang tưởng cảm ứng.
Rối loạn hoang tưởng cảm ứng mà trước đây người ta gọi là “điên tay đôi”, có đặc điểm là một hoang tưởng ở bệnh nhân mang đến từ một người khác và người này có hoang tưởng trong một bệnh tâm thần như: bệnh paranoia hoặc TTPL và có mối liên hệ cảm xúc chặt chẽ với bệnh nhân. Rối loạn này sẽ mất đi khi 2 người bị tách ra xa nhau (ICD – 10). Theo DSM – IV gọi là “Rối loạn tâm thần chia sẻ”.
Người có hoang tưởng cảm ứng thường là phụ thuộc vào người bị bệnh tâm thần thực sự có liên quan chặt chẽ về cảm xúc. Trong nhiều trường hợp nội dung hoang tưởng là loại paranoid, nhưng cũng có thể là các loại hoang tưởng khác.
Tiêu chuẩn chẩn đoán theo dsm-iv-tr (2000):
Một hoang tưởng xuất hiện ở một cá nhân có liên quan chặt chẽ với một người khác có hoang tưởng thực sự.
Hoang tưởng cảm ứng có nội dung giống với hoang tưởng thực sự của người có hoang tưởng.
Rối loạn không phải là một loạn thần khác và không phải nghiện chất hoặc bệnh thực tổn gây nên.
Tiêu chuẩn chẩn đoán theo icd-10 (1992):
Có 2 hoặc nhiều người cùng chia sẻ với một hoang tưởng hoặc một hệ thống hoang tưởng và tin tưởng hoặc ủng hộ lẫn nhau.
Họ có những mối quan hệ chặt chẽ và bất thường theo cách mô tả trên.
Có bằng chứng về thời gian hoặc bối cảnh hoang tưởng đã được cảm ứng do một thành viên bị động đã tiếp xúc với một thành viên chủ động.
Các ảo giác cảm ứng hiếm gặp hơn, song cũng không phủ nhận được.
Điều trị:
Cần cách li người bệnh bị động khỏi người bệnh chủ động. Sử dụng các liệu pháp tâm lí hỗ trợ kết hợp với các thuốc chống loạn thần, nâng đỡ cơ thể và điều trị các bệnh kết hợp.
Cần kết hợp chặt chẽ với gia đình và người thân để tiến hành liệu pháp tâm lí gia đình và mở rộng mối quan hệ bình thường với xã hội.