Nội dung

Rối loạn nhân cách

Đại cương.

Khái niệm:

Rối loạn nhân cách  là các  rối  loạn sự hình  thành  tính cách và  xu  hướng hành vi của một cá nhân gắn liền với một sự đảo  lộn lớn về  mặt  cá nhân và xã hội. Rối loạn nhân cách là một bệnh tâm thần ranh giới, biểu hiện bằng những  nét tính nết bệnh lí đặc biệt, nhân cách mất thăng bằng, rối  loạn sự thích nghi của cá nhân với  môi trường và các mối quan hệ  bình  thường  với  những  người  xung  quanh.  Rối loạn nhân cách thường phát triển ở  lứa  tuổi  vị  thành  niên  và  tuổi  thanh  niên,  vì thế cho nên người ta không chẩn  đoán rối loạn nhân  cách ở  trước tuổi 16  – 17  tuổi.

Bệnh thường kéo dài dai dẳng hết  cả một  đời người. Rối  loạn nhân cách chủ  yếu là sự biến đổi các thuộc tính về ý  chí, nhưng trí năng vẫn  còn được  duy trì tương đối bình thường. Những đặc điểm nói trên được duy trì tương đối ổn định trong quá trình sống và ít khi thoái triển để dẫn đến mất trí.

Rối loạn nhân cách trước đây thường được  gọi  là nhân  cách bệnh hoặc  bệnh thái nhân cách (psychopathy). Tỉ  lệ  rối  loạn nhân  cách ở  nhiều nước trên thế giới là vào khoảng 2,3  %. Theo  điều tra của Ngành Tâm  thần học, tỉ lệ  này ở Việt  Nam là 0,2 – 0,5% dân số.

Bệnh nguyên:

Rối loạn nhân cách do nhiều nguyên nhân  khác  nhau.  Theo  I.P.  Pavlov,  rối loạn nhân cách là do tư  chất  bệnh  lí  của mỗi  cá nhân  trong hoạt  động thần kinh cao cấp, có thể do một bệnh bẩm sinh của bào thai hoặc do một bệnh mắc phải ở những điều kiện sống không thuận lợi.

Các tác nhân có hại như: giang  mai,  nghiện  rượu,  thụ  thai  khi  bố  hoặc  mẹ đang say rượu, các chấn thương sản khoa, nhiễm khuẩn  hoặc  nhiễm độc từ trong  bào thai hoặc ở lứa tuổi nhũ  nhi  đã gây  ra rối  loạn phát  triển chức  năng  của não dần dần làm thay đổi nhân  cách của trẻ. Rối  loạn nhân cách bẩm sinh cũng có thể còn do các yếu tố di truyền.

Các yếu tố tâm lí như: sự giáo dục không hợp lí và thiếu tế nhị của gia đình,  những tác động không lành mạnh, không  phù  hợp  với  lối  sống  có  văn  hoá  của môi trường tự nhiên và  xã hội, các  stress  kéo  dài,  làm cho  sự phát triển tâm thần  ở lứa tuổi trẻ em và thiếu niên bị  lệch lạc…  cũng  có  thể  là nguyên nhân dẫn  đến sự phát triển nhân cách bệnh lí.

Nguyên tắc chẩn đoán rối loạn nhân cách.

Để chẩn đoán xác định rối loạn nhân cách, điều quan trọng  nhất  là  phải  có những tài liệu khách quan về người  bệnh  được  ghi  nhận  từ  nhiều  nguồn  khác nhau. Đặc điểm bệnh lí ở  người  bệnh không phải chỉ  thể  hiện ở  lời nói mà còn ở cả hành vi, tác phong của người bệnh trong điều kiện sống hàng ngày.

Nguyên tắc chung chỉ đạo chẩn đoán rối loạn nhân cách như sau:

a/ Hành vi và thái độ thiếu  hài  hoà  rõ  rệt, thường đụng  chạm  đến nhiều lĩnh vực hoạt động tâm thần khác nhau như: cảm xúc, tri giác, tư duy và  hành vi,  tác  phong.

b/ Những đặc điểm của rối loạn nhân  cách  ổn  định  kéo  dài,  dai  dẳng  và không khu trú vào các giai đoạn của một bệnh tâm thần biệt định.

c/ Những hành vi cứng nhắc, bất thường đã ăn  sâu vào  tiềm thức  không  thích ứng được với hoàn cảnh sống hiện tại của cá nhân và xã hội.

d/ Những đặc điểm bệnh lí xuất hiện trong  thời  kì  thơ  ấu hoặc  ở tuổi thanh thiếu niên và tiếp tục đến tuổi trưởng thành cũng được  ghi  nhận  và  không thể  bỏ qua khi khám rối loạn nhân cách.

e/ Những rối loạn tâm lí nhân cách đã dẫn đến sự đau khổ sâu sắc về  mặt  cá nhân, nhưng xuất hiện muộn hơn trong quá trình tiến triển của bệnh.

f/ Rối loạn nhân cách không giảm sút trí năng  và  không  làm  giảm  các  hoạt động nghề nghiệp và xã hội. Có thể  đánh  giá nhân cách bằng  sử dụng một số test tâm lí, ví dụ MMPI.

Các thể lâm sàng.

Rối loạn nhân cách paranoid:

Rối loạn nhân  cách  paranoid  thường  tiến triển dai  dẳng và  bền vững.  Bắt  đầu ở tuổi vị thành niên và có  các  đặc  điểm như:  không tin tưởng hoặc có hành vi  đe doạ người khác. Có khuynh  hướng  hình  thành  các  ý tưởng quá  đáng hoặc  có  thể có các hoang tưởng đa dạng như: hoang tưởng nghi bệnh,  hoang tưởng ghen tuông, hoang tưởng phát minh, hoang  tưởng bị  theo  dõi,  hoang  tưởng kiện cáo,… và nhậy cảm quá mức, đa nghi,  tư  duy  phiến diện,  bảo  thủ.  Đấu  tranh dai  dẳng  cho quyền lợi cá nhân không tương xứng  với  hoàn  cảnh  thực  tế.  Có  khuynh  hướng đánh giá cao về bản  thân,  hành  vi  thô  lỗ, ác  ý và  thiếu tế  nhị. Có rất ít bạn bè thân thiết, thường xuyên có xung đột và đấu tranh  với  những  kẻ  thù  tưởng tượng. Bệnh nhân có thể làm tổn thương, mất lòng người khác bằng nhiều cách, không chung thủy với vợ hoặc chồng hoặc bạn bè. Bệnh nhân bộc lộ cảm xúc của  mình ra ngoài và sử dụng cảm xúc ấy để bảo vệ các dự kiến khó chấp nhận.

Rối loạn nhân cách dạng phân liệt:

Người bệnh có xu hướng khép kín, ít cởi  mở, tách rời  thực  tế, mất khả năng nhận cảm về sự thích thú. Cảm xúc  lạnh  nhạt  hoặc  mất  khả  năng  thể  hiện  tình cảm với người khác, đáp ứng kém với lời khen ngợi  hoặc  chê  bai  của mọi người,  thu hẹp các mối quan hệ  với  người  khác,  thường  người  ta  gọi  là  những  người gàn, người lập dị và khó  hiểu.  Do  khuynh  hướng  tưởng tượng quá  đáng, họ  thường thu thập các tài liệu thực tế và  xác  định cho  mình một  quan điểm riêng, một  thế giới riêng. Họ thường ít hoạt động, khép kín, thô lỗ và sống đơn độc.

Bệnh nhân có tư duy, lời  nói  và  hành  vi  rất  kì  dị, khó  hiểu, không  phù  hợp  với xã hội bình thường về các giá trị đạo đức  và  xã  hội.  Có  ý tưởng quá  đáng  nhưng không đủ mạnh để trở thành hoang tưởng. Ngôn ngữ  rất  kì  dị, lời nói  lộn xộn, quá chi tiết, vụn vặt,  nhưng  lại  sử  dụng  những  từ  ngữ  không  bình  thường, mơ hồ và thiếu những điểm nhấn  cần thiết  và cuối cùng không thể diễn đạt ý nghĩ  của mình bằng lời nói. Bệnh nhân  rối  loạn nhân  cách dạng  phân  liệt  thích sống  một mình, không có quan hệ bạn bè và thậm chí ít có sự giao tiếp với người thân, thường lạnh lùng, xa lánh, ít bộc lộ cảm xúc.

Rối loạn nhân cách chống đối xã hội:

Hành vi chống đối xã hội bắt đầu xuất hiện từ trước tuổi 15 và đến tuổi thanh  niên, biểu hiện bằng hành vi  nói  dối,  trốn  nhà,  ăn  trộm, đánh nhau  và  kích động mà không tỏ ra hối lỗi. Ở trường  học,  trẻ hay trốn học, bỏ  giờ học  không lí  do hoặc xúc phạm các giáo viên và thường là trung tâm gây rối  trong lớp học. Bệnh  nhân thường bỏ học dở chừng và lạm dụng  hoặc  nghiện  chất  như  rượu,  ma túy. Hoạt động đặc trưng của hành vi chống đối xã hội như: đánh  nhau,  trộm  cắp, thường xuyên phạm pháp và bị  bắt  nhiều  lần đưa vào  các  bệnh viện chuyên khoa  tâm thần điều trị bắt buộc do chưa đủ tuổi thành niên.

Ở người lớn, có những mâu thuẫn bền vững với xã hội và các qui định thông thường, coi thường các giá trị đạo đức, khước từ một cách có hệ thống với xã hội trong điều kiện vẫn có hiểu biết tốt. Họ hay bồn chồn, không tự  kiềm chế, dễ  có hành vi bạo  lực  đánh đập dã man người  khác  và  không hề  mảy may ân hận về  tội lỗi của mình, thậm chí ngay cả  khi  bị  trừng phạt.  Bệnh nhân  không yên tâm làm việc và thường xuyên xin chuyển từ cơ quan này sang cơ quan khác, thường xuyên căng thẳng với các đồng nghiệp, dễ  bị  kích  động  cãi  nhau  và  dễ  có hành vi  bạo lực, không tuân theo mệnh lệnh và tự do vắng mặt thường xuyên tại nơi làm việc.

Người bệnh không thực hiện các nghĩa vụ  xã  hội,  ít  quan  tâm  chăm  sóc  và giáo dục con cái, hay nói dối để đạt được mục đích của  mình  và  cũng  thường nghiện chất như rượu và ma túy. Người bệnh dễ phản ứng tấn công và  có  hành  vi hung bạo nhưng mất khả năng nhận ra lỗi lầm và rút kinh nghiệm, đặc biệt  là hay  trách móc người khác hoặc đưa ra những lí lẽ có vẻ hợp lí để bào chữa cho  những hành vi xung đột với xã hội của mình.

Rối loạn nhân cách cảm xúc không ổn định (ranh giới):

Rối loạn nhân cách cảm  xúc  không  ổn  định nằm  ở  ranh giới  giữa suy nhược và loạn thần. Các đặc  điểm nổi  bật  là không  ổn định về  cảm  xúc, khí  sắc, hành vi và các mối quan hệ về bản thân.

Bệnh khởi phát ở tuổi thanh niên, các đặc điểm lâm sàng đặc trưng của rối loạn nhân cách cảm xúc không ổn định (được sắp xếp theo thứ tự quan trọng) gồm:

Có sự nghi ngờ và căng thẳng trong mối quan hệ với mọi người.

Hành vi tự hủy hoại cơ thể lặp đi lặp lại nhiều lần.

Luôn sợ bị bỏ rơi.

Có xung động.

Đáp ứng xã hội kém.

Trong mối quan hệ  với  mọi  người,  bệnh  nhân  mất  khả năng độc lập và  sợ bị  bỏ rơi, họ cần sự bảo vệ của bất  cứ người  nào  có  quan  hệ  thân quen với  họ  như: vợ, chồng, bạn bè hoặc  bác  sĩ. Bệnh nhân  ở  cả 2 thái  cực “tốt” và  “xấu”,  có cảm  xúc không ổn định, thay đổi giữa hài lòng và thù địch, chờ đợi sức mạnh của một người ở tầng lớp trên và phụ thuộc  vào  họ, nhưng trong cùng lúc  đó  lại  sợ bị  bỏ rơi, cố tìm kiếm chỗ dựa về tâm lí và chỉ với  một  thiệt  hại  nhỏ  nhanh  chóng nổi cáu, thù địch và có các cơn kích động.

Bệnh nhân rối loạn nhân cách cảm xúc không ổn định có tỷ lệ  tự sát  cao, tái  diễn nhiều lần với mục đích biểu diễn rõ rệt. Xung động biểu hiện bằng các hoạt  động dẫn đến thiệt hại như: tiêu tiền quá mức cho phép, quan hệ tình dục bừa bãi, không an toàn và lạm dụng rượu, ma túy. Khí sắc của bệnh nhân  thường là rầu rĩ,  căng thẳng và cáu giận với bất kỳ điều gì không hài lòng.

Rối loạn nhân cách kịch tính (hysteria):

Rối loạn nhân  cách kịch tính được  đặc  trưng bởi  sự đam mê, đóng kịch, hành vi biểu diễn, cảm xúc bùng nổ, mất khả năng kiên nhẫn và gắn  bó  lâu dài  với  một công việc nào đó. Rối loạn nhân cách  kịch  tính  được  DSM  –  IV định  nghĩa  là biểu hiện cảm xúc quá mức và gây sự chú ý của mọi người.

Đây là một thể dễ phát sinh các  phản  ứng  hysteria,  cảm  xúc  đóng  vai  trò quyết định trong hành vi tác phong của người bệnh  biểu hiện bằng cảm  xúc  mãnh liệt và rất dao động.  Sự  vui  sướng hoặc  buồn  phiền ở  người  bệnh  thường giống với các hình thức trên sân khấu  như:  ôm chầm  nồng nhiệt  hoặc  nức  nở  thất  vọng và rất dễ bị ám  thị, hay  nói  dối  nhằm  làm cho  mọi người  chú ý đến mình. Người có nhân cách đặc biệt này còn được gọi là “Những người nói dối bệnh lí”, hay bịa chuyện, muốn trở thành trung tâm chú  ý  hoặc  nhằm  thoả mãn  một  nguyện vọng nào đó, người bệnh bài trí ra ý đồ  tự  sát,  sắp  đặt  để  gây  cảm tưởng đây là nạn nhân vô tội của một âm  mưu  nào  đó, có  trường hợp  dùng  cách tuyệt thực  hoặc  làm ra vẻ đang bị một bệnh thực thể  nặng  nào  đó.  Nếu  người  bệnh  nhân  cách kịch tính không được mọi người  chú  ý quan tâm thì mau chóng trở nên lờ đờ, gây sự, nhỏ mọn, độc ác và hay trả thù.

Một số đặc điểm lâm sàng có thể quan sát được  ở tuổi thiếu niên, nhưng các triệu chứng thể hiện rõ nhất ở tuổi vị thành  niên  và  thanh  niên. Bệnh nhân luôn muốn mọi người  chú ý tới  mình  bằng  cách biểu hiện bùng  nổ  cảm  xúc  và  hành vi, đóng kịch một cách  thái  quá,  nói  to  và  nhiều,  hay  sử dụng các  mỹ từ để thu hút người nghe, nhưng nội dung hời hợt thiếu tính thuyết phục.

Bệnh nhân có xu hướng biểu hiện tình dục  phô  trương qua tư thế và  hành vi nhằm thu hút sự chú ý của người khác, nhưng thực chất không  thích quan  hệ  tình dục. Bệnh nhân rối loạn nhân cách kịch tính được coi là “Vay mượn” cảm xúc từ những người  xung quanh và khuếch đại lên quá mức (quá  vui  hoặc  quá  cáu  giận,…). Họ là người ích kỷ và hời hợt, không có khả năng cảm thông với  những người xung quanh, thường xuyên tìm kiếm cảm xúc mới và có xu hướng coi thường người xung quanh vì coi mình là trung tâm của mọi sự chú ý. Họ  rất  khó  chấp nhận các thiệt thòi  dù  là  nhỏ  và  biểu  hiện  thái  độ  không hài  lòng, hay gây ồn ào, chỉ trích, có xu hướng đe doạ tự sát, khi  gặp  các  stress  thường biểu hiện bằng trạng thái phân li  hoặc  rối  loạn dạng  cơ thể. Rối  loạn nhân  cách kịch tính  kéo dài suốt đời, bệnh thường có giai đoạn thuyên giảm hoặc tăng lên.

Rối loạn nhân cách ám ảnh – nghi thức:

Rối loạn nhân cách ám ảnh – nghi thức  được đặc trưng bởi cảm xúc  được làm sẵn, hành vi hoàn hảo, mất khả năng hoà  nhập  và  các  chức  năng  xã  hội  bình thường của người bệnh. Biểu hiện  lâm sàng đặc  trưng là tính do  dự,  nghi  ngờ  và cẩn thận quá mức. Người  bệnh luôn phân  vân  về  tất  cả, mỗi  hành  động đều kiểm tra lại nhiều lần, quan tâm quá mức đến các chi  tiết  không  tương xứng  với  tầm  quan trọng của vấn đề, luôn bận tâm đến công việc, suy nghĩ vô  ích nên giảm  sự thích thú và quan hệ với người  với  khác.  Họ  là  người  cứng  nhắc  và  bướng bỉnh, khó thay đổi, đòi hỏi những người  khác  phải  phục  tùng theo  thói  quen của mình,  rất cầu kỳ, tỷ mỉ, đặt kế  hoạch trước  cho  mọi hoạt động với  những chi tiết không thể thay đổi được, thường thiếu tự tin, nghi hoặc và lo âu.

Bệnh nhân quá bận tâm sao cho  không phạm  sai  lầm, luôn chú ý tới tất cả các chi tiết, đòi hỏi sự chính xác trong  các  hoạt  động  của  bản  thân, bận tâm tới sự hoàn mỹ, tự phân tích, thay đổi các  chi  tiết  nhỏ  như  hình thức  bên ngoài. Bệnh nhân không chấp nhận sự thay đổi các điều luật và chuẩn mực đạo  đức  xã  hội, thường cứng nhắc và  mất  sự  linh  hoạt  trong  mọi  công  việc, thường rất chặt  chẽ và cố gắng áp đặt cho người khác, mất  khả năng thực  tiễn nếu đi chệch kế hoạch định sẵn. Bệnh nhân mất  khả  năng  thư  giãn  và  vui  vẻ,  nghiêm khắc  với  bản thân, ăn mặc chỉnh tề, lạnh lùng và xa cách, không chấp  nhận  bị  người khác  bác  bỏ  ý kiến,  không  tin vào  tương lai, luôn thận  trọng, căng  thẳng  và  keo  kiệt, chuẩn  bị kỹ càng cho mọi vấn đề chưa xảy ra.

Rối loạn nhân cách lo âu (xa lánh, né tránh):

Rối loạn nhân  cách xa  lánh có đặc trưng là rụt rè quá mức  trong các mối quan hệ với mọi người, cảm giác  lo  sợ  dai  dẳng  và  lan toả,  thường quá  chú trọng đối với bản thân và có  cảm  giác  không  an  toàn,  thiếu tự  tin, cho  mình  là thấp kém, rất nhạy cảm với sự hắt hủi, ít quan  hệ  mật  thiết  với  mọi  người.  Người  bệnh thường xuyên có khuynh hướng phóng đại các tai  hoạ và  nguy  cơ  có  thể xảy ra trong mọi hoàn cảnh đến mức tránh né một  số  hoạt  động  nhưng không đạt  đến mức ám ảnh sợ. Đặc điểm nổi bật nhất là cảm giác về sự thấp kém của bản thân, biểu hiện ổn định trong quan hệ với người khác. Có xu hướng tự ty thể hiện bằng hành vi tránh đưa ra những ý kiến phê bình để sau đó lại hối tiếc.

Bệnh nhân muốn có các mối quan  hệ  xã hội, sợ phải  ra khỏi  nhà hoặc  lái  xe một mình, né tránh các tình huống có thể bị chế nhạo hoặc phải khiêm tốn, nhún nhường do sự phê bình quá mức khi tiếp xúc với người khác.

Rối loạn nhân cách phụ thuộc:

Rối loạn nhân cách phụ thuộc  có 2 đặc điểm chi phối  mọi hành vi của bệnh  nhân như sau:

Mất khả năng đưa ra đáp ứng mà phụ thuộc vào quyết định của người khác.

Luôn cần sự giúp đỡ của người khác, phụ thuộc vào người khác.

Người bệnh thường khuyến khích hoặc cho phép người khác đảm nhận trách nhiệm trong những lĩnh vực chủ yếu của cuộc đời mình, luôn đặt nhu cầu của bản  thân dưới nhu cầu của người khác, luôn luôn chịu ảnh hưởng của một  ai  đó, bắt chước ai đó, bị ai đó điều khiển. Người bệnh không muốn đưa ra đòi hỏi mặc dù những đòi hỏi đó là hợp lí đối  với  những  người  mà  mình  phụ  thuộc.  Tự  nhận mình là người yếu đuối, thiếu nghị lực, luôn sợ hãi bị bỏ  rơi, có cảm giác  rất khó chịu khi ở một mình và dễ thất vọng khi có  một  mối  quan hệ  thân thiết  bị  gián đoạn.

Người bệnh dễ bị lôi cuốn vào  các tổ chức bị khả nghi, họ  phục  tùng bọn cầm đầu và thực hiện  theo  các  ý  muốn của chúng, rất khiêm tốn làm mọi cách để khỏi bị bỏ rơi hoặc khỏi bị tồn tại  độc lập, mất  niềm tin vào  năng lực  của bản thân và cảm thấy yên tâm được người khác che  chở. Trong điều kiện được  bảo  vệ, họ có thể làm rất tốt các chức năng  xã hội  và  công việc khác  nhưng khi không có người bảo vệ thì họ bị mất khả năng hoạt động xã hội nghiêm trọng.

Rối loạn nhân cách khép kín:

Rối loạn nhân cách khép kín được  chẩn đoán đối  với  bệnh nhân  tự loại  mình  ra khỏi hoạt động xã hội trong suốt  cuộc  đời,  khó  chịu  khi  phải  tiếp  xúc  với người khác, thu mình, khó bộc lộ  cảm  xúc  và  thường được coi là người lập dị, cô lập hoặc cô đơn.

Bệnh nhân tránh xa quan hệ với mọi  người  kể  cả  những  quan  hệ  rất  hiển nhiên (bao gồm cả quan  hệ  tình  dục), thích ở  một  mình,  không tham  gia vào  bất cứ việc gì. Trong một số lĩnh vực như: toán học, vật lí, triết học, họ  có khả năng thông minh vượt trội, mất thích thú với hoạt động tình dục như: lãnh cảm, không quan tâm đến cuộc sống vợ chồng và  gia đình,  ít  quan hệ  bạn bè  và đôi khi  không hề có một người bạn nào, không thích thăm  hỏi  bất  kỳ  ai,  không  can thiệp vào  cuộc sống của người khác.

Điều trị rối loạn nhân cách.

Trong việc điều trị rối loạn nhân cách phải sử dụng cơ  chế bù trừ kết hợp, sử dụng liệu pháp tâm lí, giáo dục, lao động cùng với các  thuốc  điều trị triệu chứng kích động, lo âu hoặc trầm cảm.

Liệu pháp tâm lí:

Liệu pháp tâm lí được áp dụng rộng rãi đối với các  thể  lâm sàng của rối loạn nhân cách cũng như các bệnh tâm  căn.  Liệu pháp tâm  lí có thể thực hiện với  từng  cá nhân hoặc từng nhóm hoặc với cộng đồng.

Điều trị bằng hoá dược:

Trước đây do quan niệm rối  loạn nhân  cách chỉ  là biểu hiện một  trạng thái  bệnh lí bẩm sinh, không  thay  đổi  được  nên  người  ta  không  điều trị bằng thuốc. Để chữa các triệu chứng, tùy từng trường hợp người ta dùng  các  thuốc  giảm đau, gây ngủ và an  dịu thần  kinh  đồng thời  cần chú ý nhiều đến việc  tổ chức lao động  và giáo dục người bệnh. Với quan niệm mới  về  rối  loạn nhân  cách, các  thuốc  an thần kinh được sử dụng rộng rãi hơn.

Lưu ý:

Theo Andreasen N.C. (2001), cần có những điểm lưu ý khi điều trị cho bệnh  nhân rối loạn nhân cách:

Một số trường hợp rất khó chẩn đoán hoặc rất khó  chịu khi  tiếp xúc. Tuy  nhiên bác sĩ không nên sử dụng những cái đó để “định khuôn” cho tất  cả những trường hợp rối loạn nhân cách khác.

Những vấn đề  của bệnh  nhân  thường  là kéo  dài,  do  vậy  việc  điều trị cũng có thể phải lâu dài.

Thầy thuốc phải duy trì một khoảng cách nghề nghiệp đối  với  bệnh  nhân, không phải là bạn cũng không phải là  cộng  sự  của  họ, ví  dụ,  không cung cấp số điện thoại, tránh bị cuốn hút quá sâu vào những vấn đề của bệnh  nhân  bởi  thầy  thuốc có thể gặp nhiều rắc rối.

Phải xác lập những nguyên tắc cơ bản như: sẵn sàng tiếp bệnh nhân định kì nhưng phải vào thời gian nhất định,  phải  nói  rõ  bệnh  nhân  cần  phải  làm gì  hoặc cần phải gọi cho  ai  trong trường hợp khẩn  cấp và  những  hậu  quả  của các  hành  vi tự hủy hoại của họ.

Không phóng đại khả  năng  của  mình,  cam kết  sẽ chữa khỏi  bởi  những vấn đề của bệnh nhân thường là mạn tính và  sau một  khoảng  thời  gian,  nếu không có kết quả, bệnh nhân sẽ tìm đến thầy thuốc khác.

Thầy thuốc cần phải tìm người  ủng  hộ  mình (đồng nghiệp hoặc  thanh  tra y tế). Trong một số trường hợp, bệnh nhân rối loạn nhân  cách có thể gây hại  cho  người khác và thầy thuốc cũng có thể nằm trong số này.

Cần phải có sự hỗ trợ từ phía cộng đồng.