Nội dung

Sinh thiết gan dưới hướng dẫn của siêu âm

Đại cương

Sinh thiết gan qua da dưới dẫn đường của siêu âm làm tăng khả năng lấy được bệnh phẩm và giảm thiểu những tai biến liên quan, đặc biệt là tai biến liên quan mạch máu vùng lân cận.

Chỉ định và chống chỉ định

Chỉ định

Xác định tính chất và mức độ của bệnh nhu mô lan tỏa.

Phân biệt lành tính hoặc ác tính từ tổn thương khu trú ở gan.

Phân giai đoạn của bệnh ác tính.

Chống chỉ định

Người bệnh không hợp tác: trẻ nhỏ, người bệnh lơ mơ, mê sảng, tâm thần, hôn mê.

Người bệnh có rối loạn đông máu nặng

Những người bệnh có bệnh lý toàn thân, hoặc những bệnh có rối loạn hô hấp hoặc tim mạch.

Chuẩn bị

Người thực hiện

Bác sỹ chuyên khoa 

Bác sỹ phụ 

Điều dưỡng

Phương tiện

Máy siêu âm với các đầu dò chuyên dụng

Giấy in, máy in ảnh, hệ thống lưu trữ hình ảnh

Túi nylon vô trùng bọc đầu dò siêu âm.

Thuốc

Thuốc gây tê tại chỗ

Dung dịch sát khuẩn da, niêm mạc

Vật tư y tế thông thường

Bơm tiêm 5; 10ml

Nước cất ho c nước muối sinh lý 

Găng tay, áo, mũ, khẩu trang phẫu thuật

Bộ dụng cụ can thiệp vô trùng: dao, kéo, kẹp, 4 bát kim loại, khay quả đậu, khay đựng dụng cụ

Bông, gạc, băng dính phẫu thuật.

Hộp thuốc và dụng cụ cấp cứu tai biến thuốc đối quang.

Vật tư y tế đặc biệt

Kim chọc hút

Kim sinh thiết

Người bệnh

Người bệnh được giải thích kỹ về thủ thuật để phổi hợp với thầy thuốc.

Tại phòng can thiệp: người bệnh nằm, đặt đường truyền tĩnh mạch, lắp máy theo dõi nhịp thở, mạch, huyết áp, điện tâm đồ, SpO2. 

Sát trùng da sau đó phủ khăn phủ vô khuẩn có lỗ. 

Người bệnh quá kích thích, không nằm yên: cần cho thuốc an thần…

Phiếu xét nghiệm

Hồ sơ bệnh án điều trị nội trú

Có phiếu chỉ định thực hiện thủ thuật đã được thông qua

Phim ảnh chụp X quang, CLVT, CHT (nếu có).

Các bước tiến hành

Chọn vị trí đường vào: đảm bảo nguyên tắc

Gần khối u nhất: Xác định bằng siêu âm

An toàn nhất: Xác định đường kim vào tránh các mạch máu đường mật mà siêu âm có thể xác định được.

Đánh dấu vị trí đường vào: bác sỹ siêu âm định vị thương tổn, xác định vị trí đường vào an toàn.

Sát khuẩn rộng vùng da tại vị trí chọc kim, trải săng

Vô khuẩn đầu dò bằng cách bọc bao vô khuẩn, dùng gel vô khuẩn.

Gây tê tại vị trí chọc bằng Lidocain, gây tê theo hướng vào khối u từ da đến phúc mạc, gây tê dưới bao gan, sau đó chờ 1 phút cho thuốc tê có hiệu lực.

Qua da

Dùng dao phẫu thuật tạo một lỗ nhỏ trên da, dưới da đến lớp cơ tại vị trí đã đánh dấu.

Chọc kim đồng trục, và siêu âm xác định mũi kim, cho người bệnh hít thở sâu, tạm ngưng thở, điều chỉnh kim theo hướng vào khối u gan đến bờ ngoài ổ bệnh lý thì dừng lại (người bệnh có thể thở nhẹ nhàng trở lại).

Tiến hành rút phần lõi kim.  

Cắt tổ chức

Kích hoạt súng sinh thiết, lồng vào phần nòng kim đồng trục. Sau đó đẩy phần lõi kim và lõi khuyết bên trong sẽ tiến vào trong ổ bệnh lý khoảng 10-20mm (khoảng cách này cho loại kim có đường kính 1,2mm).

Tiếp theo đó, nòng ngoài cũng được kích hoạt tiến về phía trước để cắt và giữ lại cột mô bên trong lõm khuyết.

Rút kim lui, lắp lõi kim đồng trục để tránh chảy máu. Kích hoạt súng sinh thiết để lấy phần mô ra khỏi lõm khuyết. Tiến hành lấy tối thiểu 3 mảnh ở 3 hướng khác nhau. 

Sau khi lấy đủ số mẫu cần thiết, dùng siêu âm xác định không có xuất huyết trong gan và khoang phúc mạc. Tiến hành rút kim đồng trục, băng ép tại chỗ.

Cột mô sinh thiết được cho vào lọ chứa dung dịch formalin, đánh giá độ vỡ của tổ chức sinh thiết

Nhận định kết quả

Đánh giá sự vỡ ra của mảnh sinh thiết: Mảnh sinh thiết phải lấy được tổn thương, chiều dài tối thiểu 1cm  không bị vỡ ra khi cho vào dung dịch formalin

Gửi kết quả đến phòng xét nghiệm.

Tai biến và xử trí

Xuất huyết

Ít gặp và thường là nhẹ. Để giảm thiểu nguy cơ xuất huyết cần:

Điều chỉnh các yếu tố đông máu

Tránh chọc vào các mạch máu lớn trong gan

Hạn chế số vị trí chọc kim qua bao gan.

Sử dụng vật liệu (có thể dùng Gelfoam) gây tắc đường vào kim sinh thiết.

Tràn khí màng phổi

Người bệnh thường  không triệu chứng với những tràn khí màng phổi lượng nhỏ, có thể theo dõi và chụp kiểm tra Xquang ngực thẳng sau 2 tiếng.

Nếu tràn khí màng phổi ổn định hoặc giảm kích thước, có thể cho người bệnh xuất viện, và hướng dẫn theo dõi tình trạng đau tăng lên hoặc khó thở.

Trong vài trường hợp cần đặt ra chỉ định đặt dẫn lưu màng phổi.

Cách giảm thiểu rủi ro: sử dụng đường hạ sườn, hạn chế đường gian sườn phía cao, để hạn chế chọc kim vào màng phổi hoặc nhu mô phổi.

Biến chứng thủng ruột hoặc nhiễm trùng

Hiếm gặp và có thể biểu hiện như là một biến chứng như chậm (áp xe)

Cần hội chẩn chuyên khoa.