Đại cương
Sinh thiết màng phổi mù là kỹ thuật nhằm mục đích lấy một số mảnh lá thành màng phổi làm xét nghiệm mô bệnh học.
Chỉ định
Tràn dịch màng phổi dịch tiết hoặc dịch đỏ máu.
Chống chỉ định
Rối loạn đông máu, cầm máu không điều chỉnh được: tiểu cầu
Người bệnh có rối loạn huyết động, rối loạn nhịp tim nặng.
Người bệnh đang có suy hô hấp, suy thận cấp, suy thận mạn tính.
Người bệnh không đồng ý sinh thiết màng phổi.
Chuẩn bị
Người thực hiện
01 Bác sĩ được đào tạo về sinh thiết màng phổi mù.
01 Điều dưỡng được đào tạo phụ sinh thiết màng phổi mù.
Người bệnh
Chuẩn bị phim chụp X quang phổi, CT scan ngực (nếu có), siêu âm màng phổi, xét nghiệm công thức máu, đông máu cơ bản.
Kiểm tra lại chỉ định sinh thiết màng phổi.
Giải thích cho người bệnh và gia đình mục đích của thủ thuật, các tai biến có thể xảy ra trong quá trình làm thủ thuật và ký giấy đồng ý làm sinh thiết màng phổi.
Đặt người bệnh ở tư thế cưỡi ngựa, nếu người bệnh nặng nằm đầu cao.
Hướng dẫn người bệnh các động tác hít vào, thở ra và nín thở để người bệnh phối hợp theo yêu cầu trong quá trình sinh thiết.
Xác định vị trí sinh thiết màng phổi: dựa vào thăm khám lâm sàng, X quang phổi, CT scan ngực, siêu âm màng phổi. Vị trí sinh thiết luôn ở bờ trên xương sườn để tránh bó mạch thần kinh liên sườn. Nếu là sinh thiết lần 2 tránh vùng đã sinh thiết lần 1.
Điều dưỡng tiêm dưới da 1 ống Atropin 1/4mg trước khi làm thủ thuật 15 phút.
Thuốc và dụng cụ
Atropin 1/4mg: 2 ống, Lidocain 2% 2ml: 5 ống.
Hộp thuốc chống shock.
Bơm tiêm 5ml: 1 cái, bơm tiêm 20ml: 1 cái, kim 20G: 1 cái, kim luồn: 1 cái.
Gạc N2: 2 gói.
Dây truyền: 1 bộ.
Chạc ba: 1 cái.
Lưỡi dao mổ: 1 cái.
Bộ kim sinh thiết Castelain: một bộ trocar, kim cắt và kim lấy bệnh phẩm.
Ống đựng bệnh phẩm dịch xét nghiệm: 5 ống
Lọ chứa formol bảo quản bệnh phẩm sau sinh thiết: 1.
Đĩa petri đựng nước muối sinh lý để bệnh phẩm khi sinh thiết: 1 cái.
Bình dẫn lưu dịch: 1 cái.
Găng tay vô trùng: 2 đôi, găng sạch: 1 đôi.
Săng vô trùng.
Các bước tiến hành
Sát trùng vùng định sinh thiết.
Trải săng lỗ.
Gây tê thành ngực theo từng lớp, từ da vào đến lá thành màng phổi. Tránh bơm Lidocain vào trong lòng mạch. Dùng kim gây tê chọc thăm dò dịch màng phổi.
Đánh dấu độ dày thành ngực.
Trường hợp ít dịch có thể bơm 500ml Natriclorua 0.9% vào khoang màng phổi trước khi tiến hành sinh thiết.
Đặt ốc định vị trên trocar sao cho khoảng cách từ mũi trocar đến ốc bằng bề dày thành ngực cộng thêm 0.5cm.
Dùng lưỡi dao mổ rạch da một vết nhỏ ở vị trí định sinh thiết.
Đưa trocar vào qua vết rạch theo hướng vuông góc với thành ngực. Rút nòng trocar gắn bơm tiêm 20ml vào vỏ của trocar, hút thử, nếu ra dịch là trocar đã vào đến khoang màng phổi.
Tháo bơm 20ml, đưa nhanh kim cắt vào trong vỏ của trocar, tiến hành cắt. Dựa vào mốc đánh dấu trên kim cắt và trên vỏ của trocar để đặt kim sao cho mặt cắt của kim quay về phía lá thành màng phổi.
Áp sát kim sinh thiết vào thành ngực, tay trái cố định chặt vỏ trocar, tay phải kéo mạnh kim cắt, nếu thấy nặng tay là được. Kim cắt vẫn ở trong lòng trocar, đưa từ từ cả 2 kim về tư thế vuông góc với thành ngực, rút nhanh kim cắt ra khỏi vỏ trocar, lắp thay thế ngay bơm 20ml.
Dùng kim lấy bệnh phẩm để lấy mảnh màng phổi ở đầu cắt của kim cắt và để vào đĩa petri có sẵn nước muối sinh lý.
Tiến hành sinh thiết 3-5 mảnh bệnh phẩm. Sau khi sinh thiết điều dưỡng lấy các mảnh bệnh phẩm để vào lọ formol.
Tránh sinh thiết khu vực từ 11 giờ đến 2 giờ để tránh bó mạch thần kinh liên sườn.
Mỗi lần thay kim hay bơm tiêm, hay rút kim sinh thiết phải dặn người bệnh thở ra hết rồi nín thở để hạn chế tràn khí màng phổi.
Sau sinh thiết muốn chọc tháo dịch màng phổi thì thay bằng kim 20G hoặc kim catheter tĩnh mạch ngoại biên, được nối với bộ chạc ba, dây truyền.
Theo dõi
Các triệu chứng lâm sàng: mệt, vã mồ hôi, đau ngực, tràn khí dưới da… Thay đổi màu sắc dịch (chảy máu màng phổi: dịch chuyển sang màu đỏ).
Hút ra nhiều khí sau khi sinh thiết.
Tai biến và xử trí
Triệu chứng cường phế vị
Triệu chứng: mệt, choáng, mạch chậm, huyết áp hạ.
Xử trí: ngừng thủ thuật, cho người bệnh nằm đầu thấp, tiêm bắp 2 ống Atropin 1/4mg, thở oxy kính mũi, theo dõi monitor mạch, huyết áp, độ bão hòa oxy máu, đặt đường truyền tĩnh mạch ngoại vi khi huyết áp
Tràn khí màng phổi
Triệu chứng: đau ngực, ho, khó thở…
Xử trí: chụp lại X quang phổi thẳng. Nếu tràn khí màng phổi ít cho thở oxy và theo dõi hoặc chọc hút khí bằng kim luồn, nếu tràn khí màng phổi nhiều chỉ định đặt dẫn lưu màng phổi.
Tràn máu màng phổi
Triệu chứng: mệt, đau ngực, khó thở, da xanh, niêm mạc nhợt, mạch nhanh, huyết áp hạ…
Xử trí: mở màng phổi dẫn lưu máu, truyền khối hồng cầu, hội chẩn bác sĩ chuyên khoa ngoại, theo dõi lượng dịch dẫn lưu > 300ml/1giờ xét phẫu thuật.
Nhiễm trùng khoang màng phổi
Người bệnh có thể sốt, chọc dò dịch màng phổi ra dịch mủ hoặc xét nghiệm dịch có nhiều bạch cầu đa nhân trung tính thoái hóa, cấy dịch màng phổi tìm vi khuẩn.
Điều trị: kháng sinh, chọc rửa màng phổi nếu dịch ít và khu trú, mở màng phổi để dẫn lưu và bơm rửa hàng ngày nếu dịch mủ rõ hoặc dịch nhiều.
Các tai biến khác rất ít gặp
Rách cơ hoành, gan, lách: can thiệp phẫu thuật.
Tắc mạch do khí: điều trị oxy cao áp.
Tài liệu tham khảo
Bộ Y tế “Hướng dẫn quy trình kĩ thuật bệnh viện tập 1”. Nhà Xuất bản Y học (1999).
Alfred P. Fishman, Jack A. Elias, Jay A. Fishman, “Pulmonary diseases and disorders”, 4th Mc Graw Hill company, 2008.
Dennis L. Kasper, Eugene Braunwald, Anthony S. Fauci et al “Harrison’s principle of internal medicine” 18th edition Mc Graw Hill company, 2011.
Peter Doelken and Paul H. Mayo. Ultrasound-Guided Transthoracic Procedures, 311-321.
Richard W.Light. Thoracentesis (diagnostic and therapeutic) and pleural biopsy. Pleural disease 5th, 2007, 375-391.