Đại cương
Ghép thận hiện là một trong các phương pháp điều trị thay thế thận ở các người bệnh bị bệnh thận mạn tính giai đoạn cuối do các nguyên nhân khác nhau. Ghép thận ngày càng được phát triển rộng rãi trên thế giới cũng như trong nước.
Tình trạng suy giảm chức năng thận sau ghép thận do nhiều nguyên nhân gây nên. Sinh thiết thận ghép sau ghép thận là một thủ thuật cần thiết phải được tiến hành ở những người bệnh sau ghép thận khi có giảm sút chức năng thận ghép. Các mẫu sinh thiết thận ghép được làm xét nghiệm giải phẫu bệnh với nhiều phương pháp khác nhau sẽ đánh giá được các tổn thương thận ghép và các nguyên nhân gây nên suy giảm chức năng thận ghép.
Chỉ định
Thải ghép
Tăng cao creatinin máu không rõ nguyên nhân
Ngộ độc thuốc chống thải ghép
Có protein niệu sau ghép thận
Nghi ngờ có bệnh thận mạn tính sau ghép thận
Chống chỉ định
Rối loạn đông máu.
Người bệnh đang trong tình trạng nhiễm trùng, nhiễm độc.
Chuẩn bị
Những người thực hiện
Bác sĩ: 02 người
Điều dưỡng hoặc kỹ thuật viên: 01 người.
Phương tiện
Dung dịch betadine sát trùng: 01 lọ
Thuốc gây tê lidocaine 2%: 04 ống 10mg/ml-2 ml
Nước muối sinh lý 0,9%: 200ml
Bơm, kim tiêm 5ml: 01 chiếc
Bông băng gạc vô trùng: 04 gói
Găng tay vô trùng: 03 đôi
Săng vô khuẩn: 04 chiếc
Panh kẹp săng
Khăn trải bàn thủ thuật: 01 chiếc
Bàn thủ thuật: 01 bàn
Bộ đầu dò: 01 bộ
Súng sinh thiết: 01 chiếc
Kim chuyên dụng để sinh thiết thận: 01 chiếc
Túi nilon vô khuẩn bọc đầu dò siêu âm: 01 bộ
Máy siêu âm có đầu dò 7,5 MHz và 3,5 MHz
Dung dịch formol: 10ml
Lọ đựng bệnh phẩm sinh thiết.
Người bệnh
Người bệnh được làm các xét nghiệm cơ bản và đông máu cơ bản.
Người bệnh và người nhà được nghe bác sĩ giải thích kỹ về tác dụng và tai biến của thủ thuật. Gia đình ký vào giấy cam kết đồng ý làm thủ thuật.
Hồ sơ bệnh án
Hoàn thiện bệnh án và chẩn đoán.
Các bước tiến hành
Kiểm tra hồ sơ
Kiểm tra các xét nghiệm đã được làm.
Kiểm tra người bệnh
Đối chiếu tên, tuổi, chẩn đoán bệnh.
Thực hiện kỹ thuật
Người bệnh được thử phản ứng với thuốc gây tê lidocaine.
Người bệnh được theo dõi mạch, huyết áp trước khi tiến hành thủ thuật.
Người bệnh được nằm ngửa trên bàn, hai chân duỗi thẩng.
Định vị bằng siêu âm để tìm điểm sinh thiết thận.
Bác sĩ rửa tay, đi găng vô trùng, mặc áo thủ thuật, đội mũ, đeo khẩu trang.
Sát trùng da vùng định sinh thiết (bên hố chậu phải hoặc trái tùy vào vị trí ghép thận).
Trải ga, săng vô khuẩn.
Gây tê vùng định chọc kim sinh thiết qua da bằng kim nhỏ.
Chọc kim sinh thiết vào vị trí cực dưới của thận ghép dưới sự hướng dẫn của siêu âm.
Khi kim sinh thiết đã vào vùng định sinh thiết thì tiến hành cắt 01 mảnh tổ chức thận.
Rút súng sinh thiết, lấy mảnh tổ chức thận để vào miếng gạc có tẩm nước nuối sinh lý để gửi đến Khoa Giải phẫu bệnh làm xét nghiệm miễn dịch huỳnh quang. Sau rút súng sinh thiết phải ấn chặt cầm máu vị trí sinh thiết.
Sinh thiết lần 2, mảnh sinh thiết được cho vào lọ đựng formol, gửi đến Khoa Giải phẫu bệnh làm xét nghiệm dưới kính hiển vi quang học.
Ấn cầm máu điểm sinh thiết trong vòng 5 phút.
Siêu âm kiểm tra lại thận ghép.
Sát khuẩn lại vùng sinh thiết.
Băng ép nhẹ vùng sinh thiết thận ghép.
Cho người bệnh về giường nằm bất động 24 giờ.
Theo dõi
Người bệnh cần được theo dõi mạch, nhiệt độ, huyết áp, màu sắc nước tiểu, vị trí sinh thiết thận ghép và toàn trạng.
Sau sinh thiết, người bệnh cần được cho làm xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu ngay khi đi tiểu được.
Tai biến và xử trí
Đau vị trí sinh thiết:
Nếu đau nhiều có thể dùng thuốc giảm đau như paracetamol, nospa uống hoặc tiêm.
Đái máu vi thể:
Theo dõi, không cần xử trí.
Đái máu đại thể.
Đái máu ít: truyền thêm natriclorua 9% hoặc glucose 5%, theo dõi chặt chẽ mạch, huyết áp, toàn trạng.
Đái máu nhiều cần cho người bệnh siêu âm kiểm tra lại thận ghép xem có dò động – tĩnh mạch thận hay không. Có thể tiêm thuốc tranxenamic acid 250mg x 2- 4ống.
Nếu có đái máu nhiều thường do rò động mạch – tĩnh mạch thận gây tụt huyết áp cần truyền máu sau đó cho người bệnh làm các thăm dò và xét nghiệm chẩn đoán. Trong trường hợp nặng có thể phải giải quyết triệt để bằng nút mạch thận hoặc phẫu thuật.
Tài liệu tham khảo
Iftikhar Ahmad (2004). Biopsy of the Transplanted Kidney. Semin Intervent Radiol. December; 21(4), 275-281.
Lefaucheur C, Nochy D, Bariety J(2009). Renal biopsy: procedures, contraindications, complications. Nephrol Ther. Jul 5(4), 331-339.
William L. Whittier and Stephen M. Korbet (2004). Timing of Complications in Percutaneous Renal Biopsy. JASN January 1(15), 1 142-147.