Nội dung

Tâm lí người bệnh thể chất

Khi bị bệnh, tâm lí người bệnh cũng  bị  thay  đổi. Sự  thay  đổi  tâm  lí  người bệnh thường diễn ra trên hai bình diện:

Bình diện thứ nhất: mối quan hệ tương hỗ giữa hiện tượng tâm lí với bệnh tật.

Bình diện thứ hai: mối quan hệ giữa tâm lí người bệnh và môi trường xung quanh (kể cả môi trường tự nhiên và môi trường xã hội).

Có thể phân định một cách tương đối:  mối  quan  hệ  giữa  tâm  lí  người  bệnh với bệnh tật là mối quan hệ bên trong và mối quan  hệ  giữa tâm  lí  người  bệnh với môi trường là mối quan hệ bên ngoài của người bệnh.

Tâm lí người bệnh và bệnh tật.

Một số vấn đề chung:

Điều dễ dàng nhận thấy rằng  một  khi  bị  bệnh  thì  bản  thân  bệnh  ảnh  hưởng đến tâm lí của bệnh nhân. Tuy  nhiên sự ảnh  hưởng  này  được  diễn ra trên các cấp độ khác nhau.

Cấp độ cơ thể:

Một khi có bộ phận hay cơ quan nào đó bị  bệnh thì  hoạt  động chung của hệ thống đó cũng bị thay đổi. Đến lượt mình, hệ  thần  kinh  cũng  phải  có  sự  điều chỉnh trong hoạt động của nó do ảnh hưởng của hệ thống bị  bệnh.  Sự  điều chỉnh hoạt động của hệ thần kinh chính là cơ  sở  dẫn  đến sự  thay đổi tâm lí của bệnh nhân. Ví dụ: trong trạng thái mệt mỏi, hệ  thần  kinh  trở  nên nhạy cảm hơn đối với các kích thích từ bên ngoài. Tiếng người nói bình thường như mọi khi đã làm cho bệnh nhân cảm thấy to hơn, khó chịu hơn.

Cấp độ tâm lí:

Khi bị bệnh, tâm lí của bệnh nhân có các thay đổi nhất định. Trạng thái tâm lí thường gặp nhất là trạng thái lo âu. Tùy theo  mức  độ  của bệnh và  đặc  biệt  là các đặc điểm nhân cách của cá nhân, phản  ứng  lo  âu  của  bệnh  nhân  biểu  hiện  rất khác nhau, từ thờ ơ coi thường bệnh tật cho đến phản  ứng  thái  quá.  Có  những trường hợp thậm chí còn rơi vào trạng thái bệnh lí mặc dù  có  thể  bệnh  cơ  thể không nặng. Bên cạnh  đó, các  hiện tượng tâm  lí  của con người  lại có liên quan mật thiết với  nhau.  Trong trạng thái  lo  âu  hoặc  cảm xúc  không ổn định, khả  năng tư duy, trí nhớ và trí tuệ nói chung cũng đều bị ảnh hưởng.

Cấp độ xã hội:

Mỗi bệnh nhân không chỉ đơn thuần là một cơ thể bị  bệnh.  Trên bình diện xã  hội, họ là chủ thể của các mối quan hệ  và  các hoạt  động cá nhân, xã hội. Họ  là  thành viên của gia đình (với một số  cương  vị nhất  định  như  cương  vị  người  chồng và người cha), là thành viên của một nhóm xã hội nào đó  (trong cơ sở lao  động hoặc trong các tổ chức chính quyền,  đoàn  thể…).  Một  khi  bị  bệnh,  các cương vị của họ ít nhiều cũng bị chi phối, bị ảnh hưởng. Thêm vào đó còn có thể là các ảnh hưởng đáng kể về kinh tế: tăng chi phí cho các hoạt  động khám,  chữa  bệnh, giảm thu nhập do nghỉ việc. Tất cả những điều đó  đều có  ảnh  hưởng không nhỏ đến tâm lí bệnh nhân.

Sự kết hợp cả ba cấp độ đó càng  làm  cho  những  biến đổi  tâm  lí  của bệnh nhân trở nên phức tạp hơn.

Tâm lí người bệnh ảnh hưởng  trở  lại  bệnh  tật  đến mức  nào  là tùy thuộc  vào đời sống tâm lí vốn có của  người  bệnh.  Mỗi  người  bệnh có những thái  độ khác nhau đối với bệnh tật. Có người cho bệnh tật  là  điều bất  hạnh  không  thể  tránh được, đành cam chịu, mặc cho bệnh tật hoành  hành.  Có  người  kiên  quyết  đấu tranh, khắc phục bệnh tật. Có  người  không sợ bệnh tật, không quan  tâm  tới  bệnh  tật. Có người sợ hãi, lo  lắng vì  bệnh tật. Đôi  khi  chúng ta gặp  những  người  thích thú với bệnh tật, dùng bệnh tật để tô vẽ  cho  thế  giới  quan  của mình.  Bên cạnh những người giả vờ mắc  bệnh,  lại  có  người  giả  vờ  như  không  bị  bệnh tật… Thái độ đối với bệnh tật nói riêng và đời sống tâm  lí  của người  bệnh nói chung ảnh  hưởng trực tiếp đến khả năng huy động sinh lực bản  thân  trong  phòng  và  chữa  bệnh cũng như trong khắc phục hậu quả bệnh tật của người bệnh.

Những diễn biến bệnh tật và biến đổi tâm lí của người bệnh tác  động lẫn nhau theo vòng tròn khép kín: bệnh ảnh hưởng đến tâm lí  của bệnh nhân  và  ngược  lại, tâm lí cũng ảnh hưởng  đến diễn  biến  và  kết  cục  của bệnh. Các  yếu tố  tâm lí có thể đóng vai trò là nguyên nhân (như trong một  số  trường hợp bệnh cơ thể tâm sinh), cũng có thể là hậu quả của bệnh (lo âu,  trầm cảm..)  hoặc  là hiện tượng đi cùng. Khi thăm khám bệnh nhân tại  một  thời  điểm nào  đó, các  yếu tố  tâm lí  có thể vừa là hậu quả song chúng lại vừa  có  thể  ảnh  hưởng  tiếp tới  diễn biến của  bệnh (có thể làm xấu đi hoặc ngược  lại, giúp  bệnh nhân  có  thêm nghị  lực  đấu  tranh chống lại bệnh tật).

Phản ứng điều trị nội trú:

Một số đặc điểm chung:

Với người trưởng thành, hầu như ai cũng đã có  một  vài  lần nằm  viện. Đối với một số người, việc nằm viện diễn  ra  thường  xuyên.  Tuy  nhiên  phần  lớn  ít  khi phải nằm viện. Đối với họ, lần nhập viện đầu tiên chính là sự báo  hiệu cho những  thay đổi lớn.

Có rất nhiều thay đổi về mặt xã hội đối với mỗi  cá nhân khi  phải  nhập viện. Trước hết họ “có” thêm một vai trò mới, vai  trò  hầu  như  không  mấy  ai  mong muốn: bệnh nhân. Nằm viện kéo theo một loạt các hậu quả. Tự do bị hạn chế, không còn được ăn, uống, đọc sách, thức đêm tùy ý. Mặc dù biết là cần thiết song nhiều người vẫn cảm thấy ngần ngại khi  phải  cởi  bỏ  quần  áo  ngoài  của mình để mặc bộ quần áo bệnh nhân. Nhiều người,  đặc  biệt  là phụ  nữ,  cảm thấy không dễ chịu chút nào khi có tay người lạ đặt lên cơ thể mình.

Ở nhà, nếu buồn người ta có thể đi chơi, gọi điện thoại tán gẫu hay nghe nhạc. Trong bệnh viện, họ không được như vậy. Mặt khác việc  thích nghi  với  chế độ, các qui định trong bệnh viện với nhiều người  không  thể  diễn  ra  một  cách  nhanh chóng.

Có nhiều tác giả đã nghiên cứu những phản ứng  tâm  lý  đối  với  nằm  viện. Taylor (1979) nghiên cứu khá tỉ mỉ những phản  ứng  của bệnh nhân.  Bà cảm thấy rằng giảm khả năng tự chủ và giải   thể  nhân  cách  (bệnh  nhân  cảm  thấy  mình không phải là mình nữa) là hai đặc điểm thường gặp ở bệnh nhân điều trị nội trú. Taylor cũng đã mô tả những đặc  điểm mà theo  nhân  viên  y tế, là bệnh nhân “tốt”  họ là những người thụ động, không  đòi  hỏi  và  hợp  tác.  Những  người  này  tuyệt đối nghe lời nhân viên, không bao giờ đưa ra câu  hỏi  hoặc  một  đề  nghị  nào.  Ngược lại, đối  với  những  “bệnh  nhân  kém”,  đó  là những  người được Taylor  mô  tả là “hành động có chút nổi loạn”, dạng như đi lại  nhiều, hút  thuốc  lá hay uống  rượu, bia hoặc thỉnh thoảng  đùa  cợt  với  nhân  viên.  Họ  là  những  người  không tuân thủ hoàn toàn nội qui bệnh viện, hay đưa ra câu hỏi hoặc đòi hỏi về điều trị.

Mặc dù nhân viên y tế thường khuyến khích những  hành  vi  “tốt” song Taylor cũng nêu ra những khả năng “bệnh  nhân  tốt” dẫn  đến hồi  phục  kém.  Điểm  chủ  yếu là do hạn chế tính tích cực  của cá nhân. Do  vậy những bệnh nhân “tốt” có thể dẫn đến tình trạng họ trở thành “nô lệ” của các chế độ điều trị (Goffman, 1961).

Bệnh nhân “kém” cũng không phải đã hay. Những đòi  hỏi  phải  được  chú  ý, quan tâm, chấp hành nội qui không nghiêm  dễ  làm  cho  nhân  viên  y  tế “lẫn lộn” giữa những phàn  nàn  quan  trọng  và  không  quan  trọng.  Tuy  nhiên  những  người này cũng có lợi thế nhất định. Do  vẫn  “giữ  lại”  ít  nhiều  quyền tự chủ, khả năng kiểm soát cuộc sống cũng như cảm  xúc  nên  những  bệnh  nhân  này  họ   rất  vui mừng khi được ra viện và nhanh  chóng thích ứng với  cuộc  sống:  Karmel  (1972) cho thấy ở  nhóm bệnh nhân  được  coi là “ngang  bướng” hay gây nhiều “phiền hà”  cho nhân viên y tế lại có tỷ lệ trầm cảm thấp hơn và tinh thần, khí thế cao hơn.

Ngôn ngữ bệnh viện cũng là một  trong những  thay  đổi. Ngôn ngữ  của nhân viên y tế, đặc biệt là những người  có  thâm  niên  trong  nghề  thường  giống  với ngôn ngữ của người lớn đối với trẻ nhỏ. Bệnh nhân được “mời” như ra lệnh đến chỗ bác sĩ, bị yêu cầu cởi áo,  lên giường,  xuống  giường.  Nhiều  bệnh  nhân  cao tuổi nghe những lời nói như vậy cứ có  cảm  tưởng  rằng  mình  là  một  đứa  bé nghịch ngợm. Những cảm nhận khó chịu như  vậy  càng  tăng  lên  khi  họ  lại  phải nghe ngôn ngữ bất cẩn của các y tá, điều dưỡng viên.

Các dạng phản ứng với bệnh:

Khi bị bệnh, đặc biệt là khi  phải  vào  điều trị nội trú, cá nhân đều có các phản ứng đối với bệnh cũng như đối với quá trình điều trị. Có thể  phân  chia ra 4 dạng phản ứng chính.

Trầm cảm – lo âu:  có rất nhiều yếu tố  trong bệnh viện có thể  gây stress hoặc lo âu cho bệnh nhân. Các cứ liệu cho thấy những biểu hiện lo âu là khá phổ biến.

Kết quả những phỏng vấn của Wilson  và  Barnet  (1976)  cho  thấy  sự cách li gia đình, bạn bè, công việc là nguyên nhân chủ yếu gây  lo  âu  ở  người bệnh. Theo kết quả nghiên cứu của Johnston (1982), nhân  viên  điều dưỡng  đánh  giá quá  cao sự chăm sóc y tế còn bệnh nhân lại lo lắng đến cuộc sống của họ sau khi ra viện. Trong nghiên cứu sau (Johnston, 1987) bà lại thông  báo  rằng  lo  lắng  đến phẫu thuật là quan tâm số 1 của bệnh nhân.

Trầm cảm ở bệnh nhân cũng là đề tài được nhiều người quan tâm. Moffic và Paykel (1975) cho thấy có 24% số bệnh nhân  điều trị  nội  trú tại  bệnh  viện  đa khoa có biểu hiện của trầm cảm theo thang trầm cảm Beck (Beck Depression Inventory – BDI). Một số tác giả khác  đưa  ra tỉ  lệ  33% số  bệnh nhân nội trú bị trầm cảm. Cũng có những nghiên cứu cho  thấy có  sự liên quan giữa mức độ nặng của bệnh và mức độ nặng của trầm cảm. Tuy nhiên cũng có nghiên cứu cho rằng không có sự liên quan như vậy. Các  tác  giả  cũng  chưa tìm thấy mối  tương quan giữa thời gian bị bệnh và mức độ trầm cảm.

Ám ảnh – nghi bệnh: bệnh luôn là  nỗi  ám  ảnh  của  bệnh  nhân.  Trong  đầu bệnh nhân luôn xuất hiện những  câu hỏi  mà mỗi  khi  có  câu trả lời  thì  bệnh nhân lại cũng có cơ sở để đặt ra câu hỏi ngược lại. Ví dụ: bệnh nhân được chẩn đoán là viêm da song sau đó  lại  nghi  ngờ  mình  có thể bị tiểu đường. Sự nghi ngờ như vậy  là do có một người quen của bệnh nhân  bị  tiểu đường,  lúc  đầu cũng được  chẩn đoán là viêm da nhưng điều trị mãi mà không khỏi. Sau khi  được  giải  thích rằng bệnh tiểu đường còn có một số triệu chứng khác,  ví  dụ:  hay  khô  miệng,  uống nhiều nước, sút cân, bệnh nhân tự thấy mình có  vẻ cũng  hay  khô  miệng,  uống nhiều nước và thường xuyên cân để theo dõi sự sút cân.

Phản ứng phân li:  đối  với  người  có dạng  phản  ứng này,  bệnh tật  dường như là “tai hoạ”.  Bệnh nhân hay có  các  phản  ứng:  kêu,  rên,  hay  phàn  nàn  rằng  số mình khổ…Tuy nhiên những  phản  ứng  như  vậy  chỉ  diễn  ra  khi  có  mặt  người khác như nhân viên y tế, người nhà hoặc  người  thân.  Những  người  có  nét  tính cách phân li thường dễ có phản ứng phân li khi bị  bệnh.  Phản ứng này,  về  mặt vô thức, nhằm thu hút sự chú ý của người khác tới bản thân bệnh nhân.

Phản ứng phủ  định bệnh.  Đây  là dạng  phản  ứng  cũng  thường  hay gặp. Khi có những biểu hiện ban đầu của  bệnh,  họ  thường né  tránh sự thật. Ví  dụ:  khi  có các triệu chứng ban đầu như đau nhiều, người nhanh mệt mỏi… họ có thể tìm ra những lí do khác nhau (trừ bệnh) để giải thích. Khi buộc phải  đi khám và đã được  chẩn đoán, họ cho rằng có thể họ không bị bệnh như bác sĩ chẩn đoán bởi “bác  sĩ  nhìn đâu cũng thấy vi trùng”. Trong trường hợp  đã  có  các  triệu  chứng  bệnh  không thể bác bỏ được thì họ lại  cho  rằng mức  độ  của bệnh không nghiêm trọng như bác sĩ khẳng định.

Tâm lí và một số yếu tố chung của bệnh.

Yếu tố đau:

Đau là một cảm giác khó chịu song nó lại cần thiết cho cơ thể. Nếu chúng ta không có cảm giác đau, cơ thể của chúng ta có nguy cơ bị  tổn thương nhiều hơn  hoặc thậm chí dẫn đến việc chúng ta  tự  hủy hoại  cơ thể của mình. Ví  dụ:  chẳng may chúng ta bị ngã rạn xương; nếu không có cảm giác đau, cứ đi  lại, mang  vác,  chạy nhảy như bình thường thì nguy cơ chân bị gãy là rất rõ.

Dưới góc độ sinh lý học, các tín hiệu đau buộc  cơ  thể  không được hoặc  hạn chế huy động vùng bị tổn thương  vào  các  hoạt  động  thông  thường  cho  đến khi nào vùng tổn thương đó được phục hồi. Sinh  lý  học  cũng  không  thể  giải  thích được mọi khía cạnh của  đau.  Ví  dụ:  với  những  trường  hợp  đau  mạn tính, không có vùng cơ thể cụ thể nào bị tổn thương nhưng cảm giác đau cứ dai dẳng, kéo dài  triền miên. Tuy nhiên cũng không hợp lí nếu quan  niệm rằng đau hoàn toàn là do  yếu tố tâm lí.

Có một số cách lí giải yếu tố tâm lí trong đau:

Phân tâm học: năm 1893, Breurer và Freud là hai bác sĩ tâm thần đã đưa ra những giải thích  về  đau  không  đặc  hiệu  (đau không  liên quan đến những vấn  đề  về cơ thể). Họ cho rằng phần  chìm  của tảng  băng  chính là những  xung  đột  tâm thần được chuyển đổi sang các vấn đề cơ  thể  và  thành  các  triệu chứng  cơ  thể. Năm 1959, Engel đã phát triển những ý tưởng của Breurer và Freud khi cho rằng trải nghiệm của bệnh nhân đóng vai trò  rất  lớn  trong  những  vấn  đề  lâm  sàng. Cũng theo Ông, có người có “cơ địa đau” và trong trường hợp này yếu tố  tâm  lý đóng vai trò chủ yếu trong cảm giác  đau dù cho  có  hay  không có  các  kích thích  từ bên ngoài. Với những người như vậy cứ hết  đau chỗ  này  lại  đến đau chỗ khác, sau những cảm giác đau này chính là mặc cảm tội lỗi  (vô  thức  hoặc  là ý thức),  trầm cảm. Những người này, theo Engel, rất  ít  khi  thành  công trong cuộc sống.  Như vậy đau gắn liền với những vấn đề của nhân cách.

Tiếp cận hành vi:

Fordyce và CS (1973) thì  lại  cho  rằng:  đau liên quan đến các  yếu tố  hành vi  và môi trường hơn là nhân cách. Luận điểm này dựa trên lý thuyết của Skinner  (1971) về hành vi được củng cố do kết quả.

Khi một bệnh nhân đến khám bệnh,  họ  kể  với  bác  sĩ  rằng  họ  bị  đau  và  họ phải thể hiện đau như thế nào. Trong một  chừng  mực  nhất  định,  những  hành  vi  đau đớn cũng gây ấn tượng cho bác  sĩ. Song những hành vi  như  vậy  cũng có thể được củng cố bởi các hậu quả xã hội.

Củng cố dương tính: được sự quan tâm, chú ý, được cho thuốc, nghỉ ngơi.

Củng cố âm tính: sợ người khác coi thường hoặc chế diễu hay bị mất quyền lợi.

Sự khác biệt về văn hoá và giới: Melzack và Wall (1991) cho rằng: cảm giác đau thì giống nhau nhưng khả năng chịu đựng thì lại khác nhau. Thực ra ngay từ năm 1952, Zborowski đã chỉ ra rằng: thổ dân Mỹ thường ít thể hiện nỗi đau của mình ở chỗ đông người, họ chỉ thường gào thét lên (do đau) khi chỉ có một mình. Người Do Thái và người Italia thì ngược lại.

Liệu có sự khác biệt về khả năng chịu đau ở 2 giới? Câu trả lời cũng rất khác  nhau. Có nghiên cứu thì  cho  rằng không có  sự khác  biệt, cũng có  tác  giả lại  đưa  ra nhận xét rằng phụ nữ chịu đau tốt hơn nam giới, đặc  biệt  là khả  năng  chịu đau của phụ nữ tăng lên sau  khi  họ  có con. Có  lẽ  những đau đớn trong khi  vượt  cạn  đã là đỉnh điểm đối với người phụ nữ.

Hiện nay người ta cũng đang tiếp tục  nghiên  cứu  sự  khác  biệt  giữa  các nền văn hoá về khả năng chịu đau.

Những khía cạnh tâm lí của cái chết:

Khái niệm chung:

Càng đi về cuối cuộc đời, người ta càng buộc  phải  chứng  kiến nhiều hơn cái chết của những người thân yêu,  của bạn  bè  trước  khi  phải  đối  mặt  với  cái  chết của chính mình. Trong thực hành y  học,  nhiều  thầy  thuốc  phải chứng  kiến  cái chết của người bệnh và sự đau khổ của những người thân của họ. Cũng không ít trường hợp có sự bất đồng giữa người nhà  với  nhân  viên  y  tế,  khi  những  con người đang đau khổ đó cho  rằng  các  thầy  thuốc  là những  người  “vô  cảm”,  chai sạn với cái chết của con người. Nếu phân loại, có thể  tạm chia ra làm 3  loại  cái chết:

Chết đột ngột: chết do cơn đột quị, do mất nhiều máu,  do  sốc phản vệ  khi  tiêm thuốc…

Chết từ từ: chết do bệnh AIDS, do ung thư, do bệnh nặng dần…

Chết do tuổi già.

Trong bệnh viện, thường gặp nhất là dạng  đầu.  Do  đặc  điểm văn  hoá,  người Việt Nam đều muốn được chết  (khi  cái  chết  đến gần)  trong  ngôi  nhà của mình với sự có mặt của những  người  thân yêu.  Trong bệnh viện,  nhiều trường hợp khi  tình trạng bệnh đã rất nặng, người nhà xin đón bệnh nhân về để lo liệu.

Các giai đoạn chết:

Không kể những trường hợp  chết  đột  ngột, nhìn  chung  trên đường “đi  đến”  cái chết, con người thường trải qua các giai đoạn khác nhau. Kubler – Ross (1970), người đi đầu trong lĩnh vực nghiên  cứu tâm lí  về  cái  chết  đã bắt  tay vào  những  vấn đề này từ những năm 60 của thế kỉ 20. Qua  phỏng  vấn  hơn  200  bệnh  nhân trước khi chết, Bà đã đưa ra một mô hình gồm 5 giai đoạn như sau:

Giai đoạn I (từ chối): chối bỏ, sốc  và  không tin. Đó là những phản ứng đầu  tiên khi bệnh nhân biết rằng  mình đã ở  vào  giai  đoạn cuối  và  cái  chết  đã cận kề với họ. Theo Kubler-Ross, một số người có  những phản  ứng này cho  đến những  giây phút cuối cùng của cuộc đời.

Giai đoạn II (tức giận/kích động): sau  khi  chối  từ,  bệnh nhân  trở nên khó tính, hay đòi hỏi,  gây  khó  khăn.  Họ  hay  đưa ra những  câu hỏi không có câu trả  lời: tại sao lại là tôi phải chết?

Giai đoạn III (mặc cả):  bệnh nhân  muốn có  nhiều thời  gian hơn để trì hoãn cái chết.

Giai đoạn IV (trầm cảm):  đây là dấu  hiệu đầu tiên của sự  chấp  nhận  mất  mát, không thể tránh.

Giai đoạn V (chấp nhận buông xuôi, sẵn sàng cho cái chết): lúc này họ rất muốn có người thân bên cạnh. Giao tiếp ngôn  ngữ  thường  là  không  cần  thiết trong giai đoạn này.

Tuy nhiên mô hình này cũng bị  phê  phán  rằng  rất  nhiều  trường  hợp  không diễn ra tuần tự qua 5  giai  đoạn  như  vậy,  rằng trạng thái  tâm lí  của bệnh nhân  có thể chuyển đột ngột từ giai đoạn này sang giai đoạn khác và có nhiều yếu tố ảnh hướng tới diễn biến của quá trình này như: tuổi,  giới,  dân  tộc, xã  hội,  các  đặc điểm nhân cách… (Butller và Lewis, 1982).

Sự đau buồn khi mất người thân:

Hầu như bất kì ai cũng cảm thấy đau khổ khi mất người thân. Theo Bowlby (1980), sự đâu khổ này có thể được chia thành 4 giai đoạn:

Giai đoạn I (sững sờ): quên hết mọi chuyện. Cảm giác ngột ngạt, khó thở.

Giai đoạn II (mong mỏi, khát khao): người  còn  sống  cố  gắng  tìm  kiếm người đã chết. Nhiều lúc họ không tin rằng người thân của họ đã chết và thậm chí những hình ảnh trong mơ làm cho họ có cảm giác  rằng hình như  họ  vẫn  còn gặp được người thân. Họ thường cảm thấy  bất  an,  kích  động, cảm giác  tội  lỗi, buồn rầu, khóc lóc, thương tiếc. Mất ngủ, kém  ăn  cũng  là  những  hiện  tượng  thường gặp.

Giai đoạn III (tuyệt vọng): mất mát đã là sự thật buộc phải chấp nhận. Điều này lại dẫn đến trầm cảm, cảm giác  trống  trải,  vô vọng,  suy sụp và  mất  ngủ  nhiều  hơn.

Giai đoạn IV (phục  hồi):  mọi  việc  dần  ổn định trở lại. Thỉnh  thoảng ý nghĩ về người đã khuất có xuất hiện trở lại song  không  kéo  dài  và  không  chi  phối  nhiều đến hành vi, cảm xúc cá nhân.

Bowlby cũng nhấn mạnh đến tính  linh  hoạt  của  mô  hình.  Tuy  nhiên  nhiều nhà nghiên cứu vẫn khẳng định rằng sự  đau  khổ  không  hoàn  toàn  diễn  ra  theo cách đó.

Qua tổng hợp các nghiên cứu, Wortmann và Silver (1990)  cho  thấy  có  4 dạng thể hiện đau khổ khác nhau:

Đau khổ kéo dài, triền miên.

Đau khổ xuất hiện một thời gian sau đó cá nhân ổn định trở lại.

Đau khổ xuất hiện muộn.

Đây là những trường hợp mà thoạt  đầu  dường  như  cá  nhân  không  có  phản ứng mạnh lắm. Tuy nhiên một thời gian sau khi người  thân qua  đời, cá nhân  cảm nhận thấy những thiếu hụt, mất mát không gì bù đắp được. Trạng thái này rất lâu hồi phục.

Không có biểu hiện đau khổ.

Dù sao chăng nữa các thầy thuốc cũng phải lưu ý rằng khi  có  một  bệnh nhân  chết thì có nhiều người khác đau khổ, dù rằng ở các trạng thái, các mức độ và các hình thức biểu hiện có thể khác nhau.

Yếu tố văn hoá:

Khi có người thân qua đời, mọi  người  đều cảm  thấy  đau  khổ.  Tuy  nhiên sự thể hiện cảm xúc này bị chi phối rất nhiều bởi  yếu tố  văn hoá. Ở nước  ta, theo  truyền thống văn hoá Phương Đông, người chết chỉ là người  đi xa và  người  còn  sống vẫn tuân theo một số cách thức duy trì quan  hệ  tình cảm với  người đã khuất như: cúng 3 ngày, 49 ngày, 100 ngày,  hàng năm,  lập bàn thờ… Ngược  lại, ở các  nước Âu- Mĩ, người ta thường  động  viên  gia chủ  nhanh  chóng  quên  đi  đau  khổ để trở về với công việc thường ngày.

Đặc điểm tâm lí người bệnh thực thể.

Đặc điểm tâm lí bệnh nhân nội khoa:

Biểu hiện thường gặp ở bệnh nhân nội khoa là các triệu chứng của trầm cảm. Bệnh nhân thường hay so sánh  tình  trạng  hiện  tại  với  “trước  khi  bị  bệnh”.  Do một số mặc cảm về  bệnh nên có  những  bệnh nhân  tự cách li mình với  gia đình và  xã hội. Cũng có người nôn nóng, muốn giải quyết  ngay  tình trạng bệnh,  tìm mọi cách “giúp” thầy thuốc chẩn đoán  và  điều trị  nhanh  chóng  nhất.  Họ  có thể  tìm đến nhiều thầy thuốc, vừa điều trị  Tây  y  vừa  điều trị  bằng Đông y, thậm chí họ còn đi xem bói và làm theo những gì  “thầy”  phán  như:  đặt  lại  bàn  thờ, chuyển cổng đi, sửa lại cửa…

Bệnh nhân bị bệnh cơ thể  thường có những phản ứng cảm  xúc  khác  nhau đối  với cái đau tăng lên, đối  với  hoàn  cảnh  bên ngoài, với  những  hành  vi  và  lời nói của nhân viên y tế… Dạng phản ứng cảm  xúc  này phụ thuộc nhiều vào  đặc điểm  nhân cách của bệnh nhân.

Đặc điểm tâm lí người bệnh tim mạch:

Bệnh động mạch vành, đặc biệt là bệnh nhồi máu cơ tim:

Theo Côxencô và Paramônôva,  những  biến  đổi  tâm  lí  ở  những  người  bệnh này thuộc ba hội chứng sau:

Hội chứng sảng khoái bệnh lí: người bệnh tươi tỉnh, tăng khí sắc, đánh giá không đúng mức độ nặng nhẹ  của  bệnh,  tay  chân  luôn  vận  động,  đứng  ngồi không yên, cởi mở, nói nhiều, phán đoán nông cạn.

Hội chứng nghi bệnh, loạn cảm giác:  người  bệnh có  cảm giác  tê, buồn,  co thắt ở vùng ngực và vùng  cổ, kim châm ở vùng  tim. Họ  hay hốt  hoảng,  lo sợ, ngủ  đứt quãng, suy nhược và dễ bị xúc động.

Hội chứng giống suy nhược thần kinh: người bệnh khó chịu với ánh sáng và tiếng động, khí sắc không ổn định, hay  giận hờn,  hay  cáu gắt, dễ bị kích động, có khi khóc sướt mướt, suy nhược nặng, làm việc kém.

Bệnh xơ vữa mạch não:

Người bệnh dễ xúc động, khó kiềm chế những hành động bột phát, có khi nói  năng ba hoa, có thái độ  khoan  dung,  song  lại  là người  bảo  thủ và  giảm khả năng lao động sáng tạo.

Những người có tính cách mạnh, có  ý chí, luôn muốn đạt  mục  đích, không  thỏa mãn trong công việc… thường dễ mắc  bệnh  tim  mạch.  Để  ngăn  ngừa  bệnh này, theo viện sĩ J. Tschaean, cần  tránh  căng  thẳng tâm lí, tình cảm; tránh bị  rối loạn điều hòa thần kinh; không  hút  thuốc  lá và  có chế  độ làm việc, ăn uống hợp  lí…

Đặc điểm tâm lí người bị bệnh gan – mật:

Những người bệnh suy gan, xơ gan,  viêm  gan,  viêm  đường  dẫn  mật,  túi mật… thường rất nóng nảy, khó tính, hay  cáu gắt,  bực  tức,  nặng  về  xúc  cảm âm tính. Đặc biệt người bệnh hay mỉa mai, nhạo báng, độc ác và đa nghi, tiêu cực.

Bệnh sinh của những rối loạn tâm lí này rất phức  tạp. Đa số các nghiên cứu  cho rằng, đây là hiện tượng nhiễm độc  gan  của cơ thể, nhất  là của hệ  thần kinh. Chất độc trong máu tăng lên khác thường có thể do các cơ chế sau:

Chức năng khử độc của gan bị suy giảm nên những chất  độc  của cơ  thể  không được thanh lọc, chúng ngày càng tồn đọng trong cơ thể.

Chức năng chuyển hóa của gan bị rối loạn nên các sản phẩm chuyển hóa dở dang (không thành những sản phẩm cuối cùng) của prôtít, lipít,  gluxít  được đưa  thẳng vào máu và gây độc cho cơ thể.

Hệ thống mật bị tổn thương (tế bào gan bị vỡ,  đường dẫn mật  bị  tắc…), nên  sắc tố mật,  muối  mật  đổ trực  tiếp vào  máu và  trở thành những chất  gây độc cho  cơ thể.

Lượng chất độc tăng cao trong máu đã làm nhiễm độc hệ  thần kinh và  toàn cơ thể người bệnh. Tùy theo mức độ nhiễm độc bệnh biến đổi nhiều hay ít, mạnh mẽ hay từ từ.

Đặc điểm tâm lí người mắc bệnh dạ dày, tá tràng:

Những người bệnh viêm dạ dày mạn  tính  thường  hay  thờ  ơ,  lạnh  nhạt,  vô  cảm, có khi trầm cảm, nghi bệnh,  sợ hãi.  Những người  bệnh loét dạ dày  – tá tràng  có tính khí thất thường, thiếu kiên trì, nhẫn nại, khó kiềm chế, dễ nổi khùng, kích động, rất nóng tính, hưng phấn mạnh  hơn ức  chế, lắm  điều. Người  bệnh khó  làm chủ thói quen, không bỏ được  thói  quen  uống  rượu,  ăn ớt cay, hút  thuốc  lá… và khó chấp hành các chế độ ăn kiêng.

Người bị bệnh lao:

Có nhiều nghiên cứu về những biến đổi tâm lí ở người bị bệnh lao, nhất là lao phổi, song kết quả của những nghiên cứu này rất khác nhau.

Kraepelin nhận thấy ở những người  bệnh này  có  biến đổi  nhẹ  về  khí sắc và ý chí, hay cáu gắt, nhạy cảm với những  sang chấn tâm  lí  và  vật  lí, cả tin một cách  kỳ lạ, linh hoạt, rất ích kỷ, trí tuệ giảm sút ở mức  độ nhất định dẫn đến giảm khả  năng phê phán, gặp nhiều khó khăn trong giải quyết những vấn đề  bức  thiết,  có khuynh hướng sợ hãi, ảo giác phản ứng và tự đề cao thể lực của bản thân.

Lenhien – Lavaxtin lại  nhận thấy các  thuộc  tính tâm lí  cơ bản của người  bệnh  bị biến đổi trầm trọng, người  bệnh đa sầu,  đa cảm, ích kỷ, khó  tính, song ở họ  lại có sự tìm tòi, sáng tạo một cách độc đáo.

Có tác giả phán đoán rằng, những chất độc  đang  tràn ngập ở  não  và hệ  thần  kinh đã kích thích, làm cho người bệnh có trí tuệ  xuất  sắc, có  đời  sống tâm hồn đẹp đẽ và khả năng rung cảm cao…

Cũng có ý kiến nhận xét rằng, sự tế  nhị  và  tinh tế  về  tâm lí, đảm đang trong cuộc sống là những đặc điểm nổi bật ở những người bệnh này. Trong trạng thái hấp hối, người bệnh có trạng thái sảng  khoái,  đánh  giá  cao  khả  năng  bản  thân, kích động, lạc quan tếu, hưng phấn mãnh liệt…

T.P. Xiaxon nhận thấy tâm lí của trẻ em bị  lao  biến đổi  theo  kiểu tâm thần  phân liệt hoặc loạn thần kinh chức năng (kín đáo, lạnh lùng, độc ác…).

Đặc điểm tâm lí của người bệnh ung thư:

Những người bệnh này thường không được  biết  chính  xác  về  kết  quả  chẩn đoán bệnh. Họ tò mò  tìm hiểu nơi  thầy thuốc và  những  người  xung  quanh.  Họ sợ bị bệnh ung thư, sợ chết. Họ có trạng thái suy nhược,  tăng ám thị  (sẵn sàng nghe theo bất kỳ ai,  miễn là giúp  họ  khỏi  bệnh,  hoặc  làm dịu cơn đau). Nhiều người tỏ ra thất vọng, tiêu cực, sợ trở  thành  gánh  nặng  đối  với  người thân, thậm chí đi đến tự sát, không thiết sống…

Đặc điểm tâm lí bệnh nhân ngoài da và hoa liễu:

Trong số các bệnh ngoài da,  có  nhiều  bệnh  thể  hiện ở cả những phần không  che kín của cơ thể. Khi đó  bệnh  nhân  thường  cảm  thấy  ngại  ngùng  xuất  hiện ở chỗ đông người. Nhiều người trong số họ, đặc biệt là phụ  nữ,  đã tự  mình cách li khỏi xã hội.

Sự phát triển mạn tính của bệnh có thể dẫn tới xuất hiện những  nét nhân cách bệnh lí. Trong thực  tiễn  đã có  trường hợp chỉ  do  bệnh vảy  nến mà bệnh nhân  đã có ý định tự sát.

Những bệnh hoa liễu, ví dụ  như  bệnh giang  mai,  thường gây  ra các  stress tâm  lí kéo dài cho bệnh nhân. Trong nhiều trường hợp, do phải giấu diếm nên điều trị không được hệ thống. Khi đó, cùng với  những  kiến  thức  đã  tìm  và  đọc,  bệnh nhân sợ sau này bệnh tiến triển vào “thời kì 4”, thời kì xuất hiện liệt tuần tiến hay giang mai não.

Đặc biệt đối với bệnh nhân HIV/AIDS có những diễn biến tâm  lí  phức  tạp. Những biểu hiện thường gặp nhất là rối  loạn trầm cảm và  lo  âu.  Trong cơn trầm cảm, có bệnh nhân có thể thực  hiện hành vi  tự  sát.  Có  những  trường hợp, bệnh nhân kích động hoặc thực hiện những hành  vi phi  xã  hội,  ví  dụ  cố  tình  truyền bệnh cho nhiều người để trả thù đời.

Đặc điểm tâm lí bệnh nhân sản, phụ khoa:

Những cảm nhận của phụ nữ, lần đầu tiên chuẩn bị làm mẹ cũng khá đa dạng. Trước hết là những cảm nhận về thay đổi sinh học: ban đầu là các phản ứng thai nghén, sau là những khó khăn, hạn  chế  vận  động,  có  lúc  ăn  không  ngon,  ngủ không yên, tiểu tiện thất thường.

Cùng với sự thay đổi về cơ thể  là những  thay  đổi  về  tâm  lí.  Càng  gần  đến ngày sinh con, lo âu của người mẹ lại  càng tăng lên. Lo  không biết  có  được  mẹ tròn con vuông hay không, sợ sảy thai, ngôi  ngược, sợ đẻ non. Nhiều người  rất sợ các cơn đau đẻ, sợ băng  huyết,  sợ  nhầm  con, nhất  là đối với  những người đã từng bị sảy thai.

Đặc biệt có những nỗi lo hoàn toàn mang  tính  tâm  lí-xã  hội:  lo  không  đẻ được con trai khi chồng và gia đình bên chồng đang “khao khát” một quý tử.

Thậm chí có những lo âu dai dẳng gần như bệnh lí: lo đẻ ra quái thai, dị dạng.

Ngay sau khi sinh con, ở những phụ nữ này lại  xuất  hiện những vấn  đề khác.  Hiện tượng thường gặp là trầm cảm sau đẻ (hậu sản): tự nhiên khóc lóc chẳng có nguyên cớ gì, chăm sóc con vụng về hoặc ở  mức  độ  nặng  hơn,  người  mẹ  hoàn toàn bỏ trễ, thờ ơ đối với đứa con.  Ngoài  ra cũng có  thể có sợ quá mức: sợ đêm ngủ đè vào con, sợ con tắc thở khi bú.

Đối với những bệnh nhân  phải  phẫu thuật,  ví  dụ  như  phải  cắt  tử  cung  thì ngoài những yếu tố tâm lí  thường gặp như  đối với  bệnh nhân  ngoại  khoa, còn có  thể có những lo âu liên quan đến việc mang thai sau này.

Đặc điểm tâm lí bệnh nhân ngoại khoa:

Trạng thái lo âu cũng là một đặc điểm tâm  lí  nổi  bật  ở  bệnh  nhân  ngoại khoa. Trong nhiều trường hợp, trạng thái lo âu trước phẫu thuật có thể  đạt  đến  cường độ cao. Lo âu chủ yếu và phổ  biến nhất  là sợ chết. Mặc  dù có thể đã được giải thích song họ vẫn sợ “nhỡ” rủi ro  xảy  ra, sợ “nhỡ”  không thoát ra khỏi  trạng thái hôn mê và cuối cùng, lo rằng mổ cũng không giải quyết được bệnh tật.

Đối lập với nhóm trên là những người ưa phẫu  thuật.  Đó  là những người đề nghị được mổ để giải thoát  các  stress  do  bệnh  hoặc  liên quan đến bệnh. Ví dụ: một số bệnh nhân bị loét  dạ  dày  cố  gắng  thuyết  phục  bác  sĩ cho mổ. Thực  hiện các chế độ ăn kiêng: kiêng ăn  các  chất  chua cay; kiêng ăn  thức ăn quá nóng hoặc quá lạnh; kiêng uống rượu, bia; kiêng hút thuốc…tất cả các chế  độ  đó  đã thực  sự trở thành stress đối với họ. Họ muốn được tự do hơn, không bị  lệ  thuộc  vào  các  yêu cầu của bác sĩ và theo họ, cách tốt nhất là “cắt” phần dạ dày đã bị loét.

Trạng thái sau phẫu thuật  chủ yếu liên quan  đến những  cơn đau,  mất  sơ  đồ cơ thể. Sự thay đổi sơ đồ cơ thể, ví dụ: phẫu thuật cắt cụt, phẫu thuật tạo hình, phẫu thuật cắt bỏ vú thường  làm  tăng  những  lo  lắng  trong  quan  hệ  với  người khác.

Theo A. N. Baculev: phẫu thuật  không  phải  là sự kết  thúc  điều trị, mà chỉ  là  tạo nền tảng cho một điều trị mới tiếp theo.

Sự biến đổi tâm lí của người bệnh phụ  thuộc  rất  nhiều vào  các  giai  đoạn phẫu thuật:

Khi chuẩn bị phẫu thuật, người bệnh hay  lo  lắng  về  chỗ  nằm  trước  và  sau mổ; quan tâm đến những lời bàn tán về  trình  độ  của  bác  sĩ phẫu thuật  chính, về cách mổ và những điều khác liên quan đến cuộc mổ.

Giai đoạn tiền phẫu thuật và trong phẫu  thuật,  nhất  là  ở  những  người  bệnh gây tê, châm  tê  hoặc  gây  mê  không hoàn toàn (ý thức  còn tỉnh, chỉ  làm mềm cơ và giảm đau), họ lo lắng vì  tiếng va  chạm  của dụng  cụ, họ  chú ý theo  dõi  “không khí tâm lí” trong cuộc mổ và những lời bàn tán của phẫu thuật viên…

Trong số  những bệnh nhân nằm viện, bệnh nhân ngoại  khoa, đặc  biệt là trước  khi mổ, là những người chịu nhiều stress nhất. Theo M. Pitts (2003) có 3 thành tố chính tham gia vào stress của bệnh nhân trước khi mổ:

Bị gây mê: trong trạng thái bị gây mê, người  bệnh hiểu rằng mình bị  mất  ý thức, không còn khả năng kiểm soát bản thân. Mặt  khác  họ  cũng sợ “không  tỉnh dậy”, bị “ngủ” luôn hoặc tỉnh lại được nhưng có thể “quên hết mọi thứ”.

Lo ngại những  cơn đau sau mổ,  đặc  biệt  là khi  đã tỉnh lại và thuốc giảm đau đã hết tác dụng.

Chính sự kiện phẫu thuật: bị mổ, rạch thịt, da, dao, kéo…

Theo Pitts, mỗi thành tố trên cũng đã có thể là một tác  nhân gây stress. Tuy nhiên chúng thường xuất hiện kết hợp  với  nhau  làm  cho  stress càng phức  tạp và khó đối phó.

Một điểm cũng đáng lưu ý nữa và nó cũng có thể  là một  tác  nhân  gây  stress cho bệnh nhân trước phẫu thuật. Đó là ý nghĩ rằng  cơ  thể  mình  bị  bộc  lộ  cho người lạ. Tất nhiên không phải trường hợp nào cũng bị như vậy.

Trong giai đoạn hậu phẫu, người bệnh lo lắng vì  đau đớn, lo  bị  tai  biến sau mổ, lo cho sự lành sẹo và sự hồi phục sức  khỏe  sau này. Lúc  này thái  độ khách quan, lời nói động viên, sự  giúp  đỡ  tận  tình…  của  thầy thuốc, của người  thân và của những người xung quanh là rất  cần thiết, có tác  dụng hỗ  trợ cho  người  bệnh vượt qua những khó khăn của phẫu thuật và bệnh tật.

Có rất nhiều nghiên cứu tập trung vào những phản ứng của bệnh nhân  đối  với phẫu thuật, mối liên quan giữa lo âu, chuẩn bị cho phẫu thuật và  hồi  phục. Janis (1958, 1969) là một trong những  người  đầu  tiên đề  cập  đến lo âu trước mổ và mối liên quan với quá trình phục hồi sau mổ. Lo sợ của những người trong nhóm nghiên cứu được chia làm 3 mức độ:  thấp,  vừa và  cao. Kết quả cho thấy chỉ có nhóm lo sợ mức độ  vừa  là  có  kết quả  hồi phục  tốt hơn, Theo  tác  giả, điều này  cho thấy đối với một biến cố lớn như phẫu  thuật, người bệnh cũng cần phải  có sự quan tâm lo lắng ở mức độ vừa phải: không  nên  quá  mức  song cũng không nên chẳng lo lắng gì. Tuy nhiên nghiên cứu của Johnston và Carpenter (1980), của Wallace lại đưa ra kết quả khác: chỉ có những trường hợp lo sợ quá mức  thì  quá  trình phục hồi kém hơn.

Liệu pháp tâm lí đối với bệnh nhân bệnh cơ thể.

Khái niệm chung:

Suốt một thời gian dài, người ta xem liệu pháp tâm lí là biện pháp điều trị của riêng ngành Tâm thần. Nó được sử dụng chủ yếu đối với những rối loạn do  căn nguyên tâm lí. Trong lâm sàng  nội,  ngoại  khoa  chung  (hay  đối  với  bệnh  nhân thực thể nói chung) liệu pháp tâm lí chỉ giới hạn ở những tác động mang tính giải thích, động viên chung chung.

Từ những năm 1970 trở lại đây, liệu pháp tâm lí được ứng dụng rất mạnh mẽ  trong tất các các chuyên ngành  lâm  sàng  khác  nhau.  Nội  dung  của  khái  niệm cũng đã thay đổi. Nếu trước đây  liệu pháp tâm lí là một biện pháp điều trị thì bây giờ, liệu pháp tâm lí được coi là những tác động lên tâm lí người  bệnh nhằm  cải thiện tình trạng sức khỏe (cả về tâm lí  và  thể  chất),  nâng  cao  chất  lượng  cuộc sống của người bệnh, thậm chí còn nhằm góp phần kéo dài cuộc sống cho những trường hợp hiểm nghèo (ví dụ:  ung  thư).  Chính  vì  vậy,  xu  hướng  hiện  nay  là dùng thuật ngữ can thiệp tâm lí thay cho liệu pháp tâm lí.

Các dạng liệu pháp tâm lí:

Các dạng của liệu pháp tâm lí rất phong phú, đến nay người ta ước  tính  có khoảng 400 dạng liệu pháp tâm lí  dành  cho  người  lớn và  gần 200 dạng  dành  cho trẻ em (Kazdin, 1994). Cơ sở lí luận của các dạng liệu pháp tâm lí cũng rất phong  phú (xem thêm bài “Liệu pháp tâm lí” trong phần Tâm thần học). Tuy nhiên điều có thể dễ  dàng  nhận  thấy là các  kĩ  thuật  liệu pháp  tâm lí  dựa trên cơ sở của Tâm  lí học Hành vi là phát triển nhất.

Những kĩ thuật chủ yếu được sử dụng thường  tập  trung  vào:  thay  đổi  nhận thức, thay đổi thái độ và thay đổi hành vi theo hướng phù hợp,  thích ứng với  tình trạng hiện tại, qua đó nhằm đạt những mục tiêu của liệu pháp tâm lí. Trong nhiều trường hợp, các kĩ thuật này được sử dụng kết hợp với kĩ thuật thư giãn.

Chuẩn bị tâm lí trước phẫu thuật:

Chuẩn bị tâm lí cho bệnh nhân  trước  phẫu  thuật  là  điều đang  được  các  nhà lâm sàng ngoại khoa quan tâm.

hai loại thông tin chính mà các thầy thuốc, nhân viên y tế cần quan tâm trong chuẩn bị tâm lí cho bệnh nhân trước phẫu thuật:

Thông tin về qui trình: đây được xem  như là những thông tin về  mặt  kĩ  thuật mà bệnh nhân muốn (và cần)  biết.  Ví  dụ:  thời  gian mổ vào  lúc nào, kéo dài  bao  lâu, bệnh nhân phải qua những khâu nào.

Thông tin về giác quan:  bệnh nhân  rất  muốn biết  những  cảm giác  mà họ  sẽ có khi phẫu thuật, dạng đau như thế nào, mức  độ  dữ  dội  hay  vừa,  đau  kéo  dài trong bao lâu.

Theo nhiều tác giả, bệnh nhân cần phải được chuẩn bị tốt  về  mặt  tâm lí trước phẫu thuật.

Các tác giả khác cũng  đưa  ra  những  mô  hình của mình về  chuẩn bị  tâm lý cho bệnh nhân phẫu thuật. Những chủ đề mà các tác giả thường tập trung vào là:

Các phản ứng cảm xúc đối với việc nằm viện.

Luyện tập các kỹ năng thư giãn.

Luyện tập các kỹ năng nhận thức để đối phó.

Nhiều nghiên cứu cho thấy 2 qui trình: luyện tập  thư  giãn và  luyện tập nhận thức là có kết quả cao  hơn  tất cả. Nhìn chung các qui  trình này còn phụ thuộc vào đặc điểm nhân cách cá nhân.

Bảng 7.1: Chuẩn bị tâm lý trước phẫu thuật.

Nội dung

Ví dụ

Qui trình

Đầu tiên, ông/bà được đưa lên phòng mổ, sau đó được gây mê

Giác quan

Khi ông/bà tỉnh dậy thì thấy khát khô cổ. Điều đó cũng là bình thường thôi

Hướng dẫn hành vi

Ông/bà hãy thở thật mạnh một, hai lần để thông khí phổi

Luyện tập theo mô hình

Đây là đoạn băng ghi hình một người đã được phẫu thuật như của ông/bà

Luyện tập thư giãn

Chú ý đến thở sâu

Ngừa stress

Ông/bà hãy chú ý đến các kỹ thuật thư giãn như đã nắm được

Luyện tập nhận thức

Ông/bà nói rằng ông/bà rất lo lắng  đến  phẫu  thuật,  liệu  ông/bà có thể tập trung làm suy nghĩ của mình tích cực hơn  không

(Nguồn: Pitts “Health psychology, 2002 ”)

Một số  tác  giả sử dụng  liệu pháp  tâm lý nhóm:  bố  trí  bệnh nhân  chuẩn bị mổ ở cùng phòng với người mới mổ xong (Kulik và Mahler, 1993). Kết quả cho thấy những bệnh nhân ở cùng phòng với người  đã  mổ  ít  lo  âu  trước  phẫu  thuật  và nhanh ổn định hơn sau phẫu thuật.