Nội dung

Tâm lí người bệnh và môi trường

Tâm lí người bệnh và các yếu tố môi trường tự nhiên.

Môi trường tự nhiên xung  quanh con người  bao  gồm những yếu tố  như  nhiệt độ, màu sắc, âm thanh, mùi vị, thời tiết, khí hậu  và  các  yếu  tố  địa  lí  khác…  Những yếu tố này tác động mạnh, làm thay đổi trạng thái tâm lí, khí sắc, sức khỏe, trương lực sống và tình trạng bệnh tật… của người bệnh.

Tâm lí người bệnh và màu sắc:

Từ thời Hyppocrates, người ta đã biết màu sắc có tác  động đến tâm lí  người bệnh và đã dùng màu sắc để chữa bệnh.

Phương thức tác động của màu sắc lên tâm lí  người  bệnh có thể  theo  hai cách: hoặc là tác động trực tiếp,  nghĩa  là màu  sắc tạo  ra cho người  bệnh những  phản ứng trực tiếp (ví dụ: màu vàng tạo  ra cảm giác  lạnh,  mát; màu  sẫm tạo  cảm giác nóng, ấm);  hoặc  là  tác  động  gián  tiếp,  nghĩa  là  tác  động  qua  liên  tưởng (ví dụ: màu vàng da cam làm con người liên tưởng tới lửa, từ đó có cảm giác nóng; màu trắng, liên hệ đến tuyết, nên có  cảm  giác  lạnh;  màu  xanh,  liên hệ  đến cây, nên có cảm giác mát mẻ).

Thứ tự tác động thích hợp của màu sắc lên tâm lí người bệnh giảm dần theo chiều hướng sau: màu xanh  da  trời, xanh  lá cây, màu đỏ, màu đen. Một  màu sắc  đơn độc, dù thích hợp đến mấy, song tác động lâu cũng gây ức chế tâm  lí. Cách  trang trí thích hợp là phối hợp hài hòa nhiều màu với nhau.

Kết quả tác động của một số màu sắc như sau:

Màu hồng tạo không khí tưng bừng,  kích thích thần  kinh  người  nóng  tính, kích thích sản xuất hồng cầu.  Thời  Trung  Cổ  người   ta  thường  vẩy  nước  màu hồng lên người ốm. Dân vùng Capcadơ thường cho  người   ốm  đắp  chăn  màu hồng…

Màu hồng tươi làm những người quá xúc động  trấn  tĩnh  trở  lại,  làm  cho người hiếu động trở nên thụ động và cơ bắp yếu bớt đi.

Theo một số tác giả, màu hồng là màu của những người mơ  mộng, giàu tình cảm, vị tha. Sự ưa chuộng màu hồng thường  là  biểu  hiện  tính cách của những  người thiếu tự tin, cần sự bảo vệ.

Màu đỏ là màu của sức khỏe, của niềm vui. Những người ưa thích màu đỏ thường là người năng nổ, dễ kích động, thích tranh luận và có tính tự kỉ.

Những đồ vật có màu hồng,  màu  đỏ  thường làm  cho  chúng  ta có  cảm  giác như chúng to hơn.

Màu vàng được coi là màu gây nhiều  mâu  thuẫn  nhất.  Có  người  cho  rằng, đây là màu chứa đựng mầm mống  của  sự  kích thích. Những người  hay mang đồ màu vàng thường có tư duy mạch lạc, song dễ nổi nóng. Cũng có  tác giả cho rằng, đây là màu của sự anh minh và  trí  tưởng tượng. Một  số  người  lại  có  nhận  xét, đây là màu của những người hay “phóng đại”  khả  năng  của  mình;  trịch  thượng, hợm hĩnh…

Màu vàng có tác dụng kích thích tiêu hoá. Song, màu vàng đậm lại gây nôn.

Màu nâu thường gây ức chế, buồn rầu; làm người bệnh ăn mất ngon.

Từ lâu, màu đen đã là biểu hiện của sự bí ẩn,  độc  ác  và  buồn đau. Những người ưa màu đen thường thích gây  ấn  tượng  mạnh  và  hay  che  giấu  những  ý định, phẩm chất đích thực của mình. Có tác giả cho rằng, đây là màu gợi tình.

Màu xám thường  là  màu  của  những người  không thích nổi bật, nhưng thích  sự tế nhị và không xác định.

Ngược lại, màu tím thường bị coi là  màu của những người  thích chơi  trội, khác người. Theo Goethe, ở châu Âu, màu tím  bị  coi  là  màu  đơn  côi,  gợi  nỗi buồn nhớ. Còn đối với chúng ta, màu tím là màu biểu hiện của tình yêu.

Màu da  cam là màu dành cho những người  chững  chạc,  thận  trọng  và thường đóng những vai  trò  quan  trọng.  Song  những  người  ưa  màu  này  thường khó thích ứng với những điều kiện, hoàn cảnh  mới  và  hay  gặp  “vấn  đề”  trong những tình huống bất thường…

Màu xanh làm hạ huyết áp, giảm  căng  thẳng  thần  kinh.  Màu xanh  đậm làm cho người bệnh có cảm giác  an toàn. Màu xanh da trời tạo cảm giác yên tĩnh, làm mất sự suy yếu của cơ bắp do màu hồng gây ra. Những người thích màu xanh lơ thường là người nghiêm khắc, có khả năng thích  ứng  cao  với  hoàn  cảnh,  trung thực, ổn định, không ưa tranh luận,  đối  đầu.  Màu  xanh  lá cây được  coi  là màu  của sự tin cậy. Những người thích  nó  thường  khiêm  nhường,  mực  thước,  nhẫn nại, không bộc lộ những tình cảm sôi động. Nhìn vào  màu  xanh  lá cây, lúc đầu  chúng ta có cảm giác dễ  chịu,  song về  sau,  nếu nhìn  lâu sẽ bị ức chế, thậm chí bị rơi vào tình trạng trầm cảm. Những ánh sáng màu lục  làm  cho  người  bệnh hoạt động kém hơn so với những ánh sáng màu đỏ.

Màu trắng thường gây phản ứng trung  tính.  Đôi  khi  nó   làm  cho  những người bệnh nhức đầu, đau khớp, bệnh thần  kinh  bị  khó  ngủ  và  chỗ  đau  bị  tái  phát.

Sự kết hợp khéo léo  màu  trắng với  các  màu  khác  là biểu lộ  một  tính cách  bình ổn và giàu sức sáng tạo. Theo  Giac  Vieno  (nhà  tô  màu  nổi  tiếng  người Pháp): màu sắc có đủ khả năng, có thể  sinh ra ánh  sáng, tạo nên sự yên tĩnh hoặc phấn chấn, làm tâm hồn êm dịu  hay  bão  tố,  đem  lại  cảm  giác  thanh  bình  hay thảm họa.

Tâm lí người bệnh và âm thanh:

Âm thanh tác động  rất  lớn  đến  xúc  cảm. Những tiếng ồn mạnh  và  kéo  dài sẽ gây ra cảm giác khó chịu, mệt mỏi, thậm chí dẫn đến rối loạn tâm thần. Trái lại, nếu quá yên tĩnh sẽ gây ức chế.

Âm nhạc tạo nên xúc cảm  tích  cực  cho  người  bệnh,  làm thay đổi khí  sắc, gây lòng sung sướng hoặc buồn rầu. Mặt khác, âm nhạc  tạo ra một nhịp điệu sinh  hoạt đều đặn. Âm điệu  và  nhịp  điệu  của  âm  nhạc  có  khả  năng  làm biến đổi tần số hô hấp, nhịp đập của tim  và  tác  động lên quá  trình  trao  đổi chất  của cơ thể. Lep Tônxtôi đã nói: “Âm nhạc là tốc ký của tình cảm”.

Trong lâm sàng thần  kinh  và  tâm  thần,  các  thầy thuốc  đã sử dụng âm  nhạc để điều trị. Âm nhạc được dùng làm phương tiện giảm đau.

Sự tri  giác  âm nhạc  sâu sắc  phụ thuộc  vào  sự rèn luyện, năng khiếu thẩm mỹ  và nhất là trạng thái tâm lí  của người  bệnh.  Vì  vậy,  việc  sử dụng  âm nhạc  để điều trị phải phù hợp với từng người bệnh.

M. Bechterev nói: âm nhạc làm chủ xúc cảm của chúng ta. Bằng âm  nhạc, thầy thuốc có thể tạo ra được khí sắc nhất định, giảm được hưng phấn, biến được trạng thái buồn rầu thành  vui  tươi,  tác  động lên hô  hấp  và  tuần hoàn,  làm cơ thể đỡ mệt mỏi, tạo cho mọi người một sinh lực dồi dào.

Tâm lí và một số yếu tố khác của môi trường tự nhiên:

Mùi tác động lên cơ quan khứu giác và  qua  đó  tác  động lên tâm lí  người bệnh. Mùi của những chất nôn, chất thải; mùi của một  số  thuốc, hóa chất… làm người bệnh khó chịu, sợ hãi. Có một số  người  bệnh  luôn nhớ  về  một  mùi  nhất định, ví dụ: người bị bệnh bạch hầu thường nhớ tới mùi  bánh  mốc; người  bị  bệnh dịch hạch thường nhớ đến mùi táo…

Mùi thơm của hoa quả, của thảo mộc, của nước hoa… làm  người  bệnh  phấn chấn. Mùi tinh dầu hồi, long não… kích thích tuần hoàn, hô hấp của người bệnh.

Mùi chanh làm người  bệnh  đỡ mệt mỏi, tinh thần  sảng  khoái; mùi  hoa hồng  sẽ  tạo nên cảm giác êm dịu, tĩnh tại…

Vệ sinh thân thể, trang phục ảnh hưởng không  nhỏ  đến khí  sắc  của người bệnh. Những quần áo cũ, rách, không đúng cỡ số… làm cho người bệnh cảm thấy buồn cho thân thể ốm đau của mình. Đối  với  những  trường  hợp  này,  nên  cho người bệnh dùng một số đồ dùng cá nhân, miễn là giữ gìn sạch sẽ.

Tình hình khí hậu và vi khí hậu ảnh  hưởng  quan  trọng  đến  tâm  lí  người  bệnh. Không khí trong lành, áp lực khí  quyển  vừa  phải,  không  nóng  quá,  không lạnh quá… sẽ ảnh hưởng  tốt  đến khí  sắc. Quang  cảnh bệnh viện  thoáng mát,  trang trí buồng bệnh hài hòa, có chậu hoa, cây cảnh đẹp đẽ ở cửa sổ… sẽ làm cho người bệnh cảm thấy gần gũi với  thiên  nhiên,  thêm  yêu  cuộc  sống  và  tinh  thần  thêm vui vẻ…

Tâm lí người bệnh và các yếu tố môi trường xã hội.

Con người là một thực thể xã hội, vì vậy tồn tại  xã hội  và  môi  trường xã hội xung quanh là những yếu tố có ý nghĩa rất đặc biệt. Người  bệnh  tuy  nằm  trên giường bệnh, ngoài  quan hệ chặt chẽ với  nhân  viên  và  người  bệnh  khác,  bằng muôn vàn sợi dây vô hình họ còn gắn bó chặt chẽ  với  cuộc  sống  của  gia  đình, người thân, bạn bè; với tình hình lao  động sản xuất,  công tác,  học  tập,  chiến đấu của đơn vị, của đất nước; với các sự kiện đang diễn ra trên khắp hành  tinh chúng  ta… Những mối quan hệ này trực tiếp hoặc  gián  tiếp  tác  động  tới  người  bệnh, bằng những phương tiện ngôn ngữ hoặc phi ngôn ngữ. Mối  quan  hệ  xã  hội  của người bệnh rất đa dạng, nhiều chiều và  kết  quả  tác  động của nó  lên tâm  lí  cũng như bệnh tật rất khác  nhau,  có  khi  là  những  tác  động  tự phát,  tiêu cực, cũng có khi là những tác động chủ định, tích cực…

Tác động tâm lí của môi trường xã hội ngoài bệnh viện:

Những tác động này  thường  gián  tiếp,  qua  nghe  đài, xem ti  vi,  đọc sách báo và qua thư từ,  lời  kể  của  người  đến  thăm,  của nhân  viên y tế… Những thông tin, tư liệu ở đây thường tự phát, chưa được chọn lọc  cho  phù  hợp  với  từng  người bệnh. Người thầy thuốc phải biết cách hướng những  thông tin này  vào  mục  đích điều trị, gây ảnh hưởng tốt nhất cho sự hồi phục sức khỏe người bệnh.

Người thầy thuốc cần hướng dẫn người  bệnh đọc những bài  báo, nghe  những  buổi phát thanh, xem những chương trình truyền hình thích hợp, bổ ích; cần điều chỉnh một cách hợp lí các  cuộc  đến thăm,  tránh tình trạng có người  bệnh phải  vất vả tiếp nhiều cuộc viếng thăm hình thức, vô bổ, trong khi những người bệnh khác buồn tẻ, không có ai thăm hỏi. Người thầy thuốc  cũng cần nhắc  nhở những người  đến thăm phải tiếp thêm lòng hăng hái, vui vẻ, quyết tâm khắc phục  bệnh tật  cho người bệnh.

Larrey (bác sĩ phẫu thuật của quân đội Napoleon) đã nói rất đúng rằng:  vết thương liền nhanh hơn trong đội quân của những người chiến thắng.

Thông qua những người đến thăm, thông  qua  cách  giao  tiếp  của  người  bệnh với môi trường xã hội  bên ngoài,  người  thầy  thuốc  hiểu thêm người bệnh và bệnh tật để có những phương pháp điều trị hợp lí. Qua mối quan hệ tiếp xúc với  môi  trường bên ngoài, người bệnh gần gũi với cuộc sống thường  ngày  và  đây  là  sự chuẩn bị tốt để sau khi khỏi bệnh, họ nhanh chóng hòa nhập với cuộc sống.

Tác động tâm lí của môi trường xã hội trong bệnh viện:

Mối quan hệ xã hội bên trong bệnh viện  được  tập  trung  vào  quan  hệ  giữa những người bệnh với nhau và giữa người bệnh với nhân viên y tế.

Quan hệ người bệnh với người bệnh:

Những người mắc  cùng  một loại bệnh, nhất là bị  khuyết  tật  như nhau,  hoặc  bị cùng loại bệnh mạn tính, thường có thiện cảm với  nhau;  họ  có  cùng mối  quan tâm và rất thích trao đổi với nhau về bệnh sử, diễn biến bệnh  tật  cũng  như  về phương pháp điều trị. Nhiều khi sự trao đổi này lại là khởi  nguồn  của những mối quan hệ thân thiện, gắn bó về sau. Họ  tự  tổ  chức  những  hội  không  chính  thức (như câu lạc bộ) để thông báo cho nhau về phương  pháp  điều trị mới, chia sẻ với nhau về diễn biến của sức khỏe, bệnh tật…

Những người bệnh ở cùng một phòng cần có sự  tương  đồng  về  tâm  lí. Người thầy thuốc phải biết bố trí hợp lí, phải  đối  xử  bình  đẳng  theo  bệnh  tật  những người bệnh trong cùng phòng; phải biết đề phòng  những  tác  động xấu do người bệnh gây ra cho nhau.

Người bệnh chuẩn bị mổ nên xếp nằm  cùng phòng với  người  bệnh đã mổ  đạt  kết quả tốt, sắp ra viện. Người bệnh  mới  nên  xếp  cùng  phòng  với  “cựu  bệnh nhân” có thái độ tích cực và chấp hành nghiêm chế độ điều trị.

Không nên để những người bệnh có mâu  thuẫn,  hiềm khích, ác  cảm với  nhau nằm chung một phòng. Những người bệnh nặng, phải xử lí  cấp  cứu  nhiều  lần;  những người bệnh  hấp  hối… nên xếp nằm  riêng ở  phòng  cấp cứu để  không  gây  ảnh hưởng xấu đến những người bệnh khác. Những người bệnh thiếu vốn hiểu biết, lại có nhân cách nghi bệnh, cần được quan tâm thích đáng, tránh để họ  mắc  thêm những bệnh mới do bị ám thị bởi những người bệnh khác.

Không khí tâm lí hài hòa trong buồng bệnh  là rất  cần thiết  cho  quá  trình  điều trị. Người thầy thuốc phải tạo nên sự thông cảm, quan tâm, giúp đỡ lẫn nhau giữa những người  bệnh; động viên họ   cùng  nhau  chấp  hành  nghiêm  túc  mệnh lệnh điều trị và các nội qui, qui định của bệnh viện; giúp họ  thực  hiện có hiệu quả liệu pháp tâm lí nhóm; tránh những phản ứng  ngầm  hoặc  những  phản  ứng  mang  tính tập thể không có lợi cho việc điều trị.

Quan hệ giữa người bệnh và nhân viên y tế:

Những ảnh hưởng của nhân viên y tế lên trạng thái  tâm  lí,  nhân  cách,  hứng thú… của người bệnh là rất lớn.

Mục đích tác động tâm lí của nhân  viên y  tế  lên người  bệnh là loại  trừ hoặc làm giảm tối đa những tác hại  của bệnh  tật  và  tạo nên những yếu tố có lợi cho sự hợp tác trong quá trình điều trị. Yêu cầu đặt  ra cho  nhân  viên  y tế  là điều trị  nhanh, an toàn và làm vừa  lòng người  bệnh. Người  bệnh đòi hỏi ở nhân  viên y tế  chủ nghĩa nhân đạo và lương tâm. Người thầy thuốc không  được  gây  phiền  hà; không được làm những thăm khám, xét nghiệm không cần  thiết  và  tốn kém cho người bệnh; không được kê đơn những  thuốc  đắt  tiền,  khó  tìm  kiếm,  vượt  quá khả năng của người bệnh…

Thầy thuốc phải tránh những tác  động  có  hại  lên tâm lí  người  bệnh. Một  lời nói thiếu thận trọng, thái độ coi  thường ý kiến của người  bệnh, thảo luận về  bệnh  với đồng nghiệp trước mặt người  bệnh,  nét  mặt  không bình thường khi  đọc  bệnh án, khi xem các kết quả  xét  nghiệm…  tất  cả đều có  thể  tác  động không tốt đến tâm lí người bệnh. Nói cho người bệnh biết những chẩn đoán nguy hại hoặc  tiên lượng xấu của bệnh, không để  ý đến hình  ảnh  lâm  sàng  bên trong của bệnh,  bỏ qua những biến đổi trạng thái tâm lí, nhân cách của người bệnh, không chú ý đến những tác động của môi trường xung quanh, không coi trọng những chuẩn mực y đức… đều có thể mang lại hậu quả  bất  lợi  cho người bệnh. Giữ bí mật về  bệnh tật cho người bệnh nếu điều đó không có hại cho xã hội, mà lại bảo vệ được sự trong sạch tâm lí, là điều rất quan trọng. Cần hết  sức  tránh để người  bệnh mắc  những bệnh do chính thầy thuốc gây ra. Nhân viên y tế không những không được tác động xấu lên người bệnh mà còn phải tạo ra những tác  động dương tính,  giúp họ  đấu tranh với bệnh tật.

Cần tiến hành tâm lí liệu  pháp,  hướng dẫn vệ  sinh tâm lí, dự phòng các  bệnh  tâm thần cho người bệnh và giúp họ khắc phục các  yếu tố gây stress, tránh những  gánh nặng tâm lí trong khám, chữa bệnh cũng như trong quá trình  hồi  phục  sức  khỏe.

Mối quan hệ giữa nhân viên y tế với  người  bệnh  là  mối  quan  hệ  giữa  con người với con người, giữa nhân cách  với  nhân  cách.  Điều  trị  người  bệnh  một cách toàn diện, nghĩa là người thầy thuốc đồng thời  với  quá  trình  tích cực  cứu chữa bệnh tật, phải hết lòng chăm lo, nâng đỡ tâm lí, tinh thần cho người bệnh.

Sự thích nghi của người bệnh với môi trường:

Có ba loại thích nghi của người bệnh với môi trường xung quanh, nhất là môi trường xã hội.

Người bệnh thích nghi được với môi trường:

Những  người  bệnh  này  luôn  tìm  cách  khắc  phục  bệnh  tật  về  mặt   tâm  lí. Họ coi bệnh tật chỉ là một quá trình sinh vật  và  vẫn  giữ nguyên các  giá trị xã hội  của mình.

Có trường hợp bệnh tật kích thích  ý  chí  của  cá nhân,  giúp họ  huy động mọi khả năng để khắc phục khó khăn và duy  trì  các  hoạt  động  sáng  tạo.  Có  nhiều người tàn tật nhưng do  khổ công rèn luyện nên đã làm  được  những  việc  phi thường. Khả năng bù trừ tâm lí của họ là rất lớn.

Phương pháp thích nghi xã hội của  người  bệnh cũng vô  cùng phức  tạp,  mang tính cá biệt và phụ thuộc rất nhiều  vào  nhân  cách  cá  nhân,  vào  sự  giáo  dục  và điều kiện xã hội. Việc thành lập  các  trường  dành  riêng  cho  những người  khuyết tật; tổ chức các cuộc thi  thể  thao, văn  hóa cho  những người  tàn tật… vừa thể hiện sự quan tâm, lòng nhân đạo của xã  hội,  vừa tạo  điều kiện để người  tàn tật thích  nghi với cuộc sống và để họ tiếp tục cống hiến nhiều hơn.

Người bệnh không thích nghi được:

Đây là những người không có khả năng khắc phục bệnh tật về  mặt  tâm lí, đầu  hàng bệnh tật, tuyệt vọng, tự coi mình là thứ bỏ  đi. Họ  là người nhu nhược ý chí,  ngại đấu tranh với bệnh tật, đi tìm sự bù trừ trong rượu và thuốc ngủ; tự dày vò, than vãn về số phận. Có người bệnh chìm  trong  đau  khổ,  sống  cô  đơn,  ích kỉ. Song ngược lại, có người bệnh phô trương, cường điệu bệnh tật, ỷ lại, đòi ưu đãi, quấy rầy gia đình, bệnh viện, xã hội…

Sự thích nghi đang tiếp diễn:

Đây là dạng thích nghi hay gặp hơn cả,  bao  gồm  những  người  bệnh  có  quá trình thích nghi chưa hoàn chỉnh, chưa bền vững (sự thích  nghi  còn  đang  tiếp diễn). Với những người bệnh này, thầy thuốc phải hướng dẫn cho họ biết cách nghỉ ngơi,  lao  động, rèn luyện tâm  lí, thể  lực… Đây  chính là những biện pháp giáo dục  y học mà các thầy thuốc  cần  tiến hành  để  giúp người  bệnh ngày  càng thích nghi với môi trường.