Nội dung

Test đi bộ 6 phút

Đại cương

Gần đây các trung tâm y học trên thế giới đã nghiên cứu và đưa vào ứng dụng nhiều thăm dò gắng sức nhằm đánh giá khả năng hoạt động thể lực của người bệnh. Các test hiện tại đang được áp dụng xếp theo thứ tự từ đơn giản đến phức tạp như sau: leo cầu thang đi bộ 6 phút, đi bộ kiểu con thoi, nghiệm pháp gắng sức gây cơn khó thở kiểu hen, nghiệm pháp gắng sức tim mạch và gắng sức tim phổi. 

Áp dụng test đi bộ 6 phút trong thực hành lâm sàng đánh giá khả năng hoạt động thể lực của người bệnh. Test đi bộ 6 phút có một số ưu điểm như dễ thực hiện, an toàn, dung nạp tốt, phản ánh tốt hơn hoạt động thường ngày của người bệnh so với các test đi bộ khác.

Chỉ định

Đánh giá khả năng gắng sức. 

Đánh giá đáp ứng với các can thiệp nội khoa. 

Dự báo nguy cơ tử vong. 

Chống chỉ định

Tuyệt đối:

Nhồi máu cơ tim trong 1 tháng trước. 

Bệnh mạch vành không ổn định hoặc đau thắt ngực trong tháng trước. 

Tương đối:

Tần số tim > 120 CK/phút. 

Huyết áp tâm thu > 180mmHg; tâm trương > 100mmHg.

Ngất liên quan gắng sức. 

Bệnh cơ, khớp làm giới hạn khả năng đi lại. 

Chuẩn bị

Người thực hiện  

Bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên.

Phương tiện và dụng cụ  

Chọn địa điểm: hành lang dài khoảng 30m, bằng phẳng, vắng người đi lại. Đánh dấu vạch xuất phát, mỗi 3-5 mét và cuối lối đi cắm cột mốc để người bệnh quay đầu lại. 

Dụng cụ: đồng hồ đếm ngược 6 phút, thiết bị điện tử đếm số vòng đi được, hai cột mốc nhỏ để đánh dấu vị trí quay đầu, ghế ngồi cho người bệnh tại vị trí gần vạch xuất phát, bảng kiểm, nguồn oxy, dây oxy, dụng cụ đo SpO2 cầm tay, máy đo huyết áp, điện thoại liên lạc cấp cứu, máy khử rung tự động.

Thuốc: nitroglycerin ngậm dưới lưỡi, aspirin, ventoline xịt định liều.

Người bệnh  

Trang phục nhẹ nhàng, dễ cử động.

Nếu người bệnh phải dùng gậy khi đi lại, vẫn cho người bệnh tiếp tục dùng gậy khi thực hiện test.

Tiếp tục dùng các thuốc đang sử dụng hàng ngày.

Có thể ăn nhẹ trước buổi test đầu giờ sáng hoặc đầu giờ chiều.

Người bệnh không nên gắng sức mạnh trong vòng hai giờ trước khi thực hiện test đi bộ.         

Hồ sơ bệnh án

Khám lâm sàng và chỉ định các xét nghiệm cần thiết: đo huyết áp, SpO2 mạch, điện tim.

Các bước tiến hành

Kiểm tra hồ sơ

Kiểm tra người bệnh

Thực hiện kỹ thuật

Nếu làm test nhiều lần nên thực hiện vào cùng một thời điểm trong ngày để giảm thiểu các sai số gây ra do nhịp ngày đêm.

Không cần có giai đoạn khởi động trước khi thực hiện test.

Cho người bệnh ngồi nghỉ trên ghế gần vị trí xuất phát trước khi tham gia test 10 phút. Trong thời gian đó, kiểm tra lại các chống chỉ định, đo mạch, huyết áp, trang phục hoàn thành đầy đủ các thông tin ở trang đầu của bảng kiểm.

Có thể đo bão hòa oxy mao mạch tại thời điểm trước khi đi bộ.

Cho người bệnh đứng dậy, đánh giá mức độ khó thở và mức độ mệt mỏi chung của người bệnh tại thời điểm xuất phát theo thang điểm Borg.

Cài đặt thiết bị đếm số vòng đi được ở giá trị 0 và đồng hồ đếm ngược ở giá trị 6 phút. Tập hợp tất cả các phương tiện cần thiết và đi đến vạch xuất phát.

Giải thích cách thực hiện test cho người bệnh: 

Mục tiêu của test đi bộ là bạn sẽ cố gắng đi bộ quãng đường càng dài càng tốt trong vòng 6 phút.

Bạn sẽ bắt đầu tại điểm xuất phát đi bộ đến vị trí cột mốc 30m, sau đó nhanh chóng quay ngược lại và đi bộ trở lại vị trí xuất phát. Tiếp tục đi lặp lại quãng đường vừa đi cho đến khi hết thời gian.

Trong quá trình đi bộ, bạn có thể tăng giảm tốc độ, có thể dừng lại nghỉ, nhưng cần nhanh chóng đi bộ trở lại ngay khi có thể để đảm bảo quãng đường đi được là dài nhất có thể. Bạn có thể dừng hẳn nếu thấy không đủ sức tiếp tục đi”.

Sau đó kỹ thuật viên sẽ đi bộ mẫu một vòng cho người bệnh xem.

Cho người bệnh đứng tại vị trí xuất phát. Kỹ thuật viên cũng nên đứng gần vị trí xuất phát trong quá trình thực hiện test. Không nên đi bộ cùng người bệnh. Bấm giờ ngay khi người bệnh bắt đầu xuất phát.

Không nói chuyện với người bệnh trong quá trình thực hiện test. Tập trung theo dõi người bệnh để đếm đúng số vòng người bệnh đi được. Khuyến khích người bệnh bằng những câu đã được chuẩn hóa với giọng nói thích hợp, không nên sử dụng cụm từ khác hoặc ngôn ngữ cơ thể để cổ vũ người bệnh trong quá trình đi bộ vì sẽ ảnh hưởng đến quãng đường đi được:

Sau phút đầu tiên: “Bạn đã làm rất tốt, bạn còn 5 phút nữa”.

Sau phút thứ hai : “Hãy tiếp tục đi bộ, bạn còn 4 phút nữa”.

Sau phút thứ ba: “Bạn làm tốt lắm, bạn đã hoàn thành được nửa thời gian”.

Sau phút thứ tư: “Hãy tiếp tục việc đi bộ của bạn, bạn chỉ còn hai phút nữa”.

Sau phút thứ năm: “Bạn đang làm rất tốt, bây giờ bạn chỉ còn 1 phút nữa thôi”

Khi đồng hồ hết giờ, ra hiệu cho người bệnh đứng lại đồng thời đi lại phía người bệnh nếu thấy người bệnh quá mệt có thể mang cho người bệnh ghế ngồi. Đánh dấu vị trí đứng của người bệnh.

Đánh giá lại mức độ mệt và mức độ khó thở dựa trên bảng điểm Borg, đồng thời hỏi người bệnh “Có điều gì cản trở làm người bệnh không đi xa thêm được”.

Đo lại bão hòa oxy mao mạch và tần số tim của người bệnh sau khi kết thúc test.

Ghi lại số vòng người bệnh đi được và quãng đường đi thêm được ở vòng cuối cùng, quy ra số mét đi được trong 6 phút.

Chúc mừng người bệnh đã cố gắng hoàn thành test và mời người bệnh uống nước nếu có nhu cầu. 

Theo dõi và xử trí

Nếu người bệnh thấy cần dừng lại nghỉ trong khi thực hiện test, nói với người bệnh họ có thể ngồi nghỉ nhưng hãy nhanh chóng đứng lên đi tiếp ngay khi có thể đồng thời vẫn tiếp tục bấm giờ khi người bệnh ngồi nghỉ. Nếu người bệnh ngừng hẳn khi chưa hết 6 phút, ghi vào bảng kiếm thời điểm dừng, lý do dừng đi bộ và quãng đường  đi được.

Dừng test nếu người bệnh xuất hiện đau ngực, khó thở gắng sức, chóng mặt, vã mồ hôi, chuột rút chi dưới.

Nếu người bệnh vẫn tiếp tục đi, khi đồng hồ báo còn 15 giây, nhắc người bệnh như sau: “Chỉ trong giây lát nữa tôi sẽ bảo bạn dừng đi bộ, ngay khi tôi nói hãy dừng lại và đứng nguyên tại vị trí, tôi sẽ đi lại chỗ bạn đứng”.

Bảng kiểm

 

Bảng 2: Bảng kiểm test đi bộ 6 phút

 

Họ và tên:  ………………………………   Mã hồ sơ:…………..………………. số phiếu Tuổi:………………..chiều cao:………………cân nặng:……. …………..

Nghề nghiệp:

Thuốc sử dụng trước test (liều và thời gian):……..

Oxy trong quá trình thực hiện test:         có:       không:     nếu có:     l/f    typ: …                       Trước test                              sau test

Thời gian:

Mạch:

Khó thở:

Mệt

Sp02:                        %                                        %

Có dừng hoặc nghỉ trước 6 phút không?    Không:     Có:    lý do:

Dấu hiệu khác khi kết thúc test: đau thắt ngực, chóng mặt, đau hông, đau chân hoặc đau bắp chân.

Số vòng đi được: ……..(x 30 mét) + số mét vòng cuối đi được…….(mét) = ……mét/6 phút.

Kết luận (bao gồm so sánh với trước test):……

Tài liệu tham khảo

ATS Statement: Guidelines for the six-minute walk test. Am J Respir Crit Care Med 2002 ; 166 :111-7

Marek W, Marek E, Vogel P, Mückenhoff K, Kotschy-Lang N. : A New       Procedure for the Estimation of Physical Fitness of Patients during Clinical Rehabilitation using the 6-Minute-Walk-Test. Pneumologie. 2008 Aug 18.

Solway S, Brooks D, Lacasse Y, Thomas S. A qualitative systematic overview of the measurement properties of functional walk tests used in the cardiorespiratory domain. Chest 2001;119(1):256-270.

Revill SM, Morgan MDL, Singh SJ, Williams J, Hardman AE. The endurance shuttle walk: a new field test for the assessment of endurance capacity in chronic obstructive pulmonary disease. Thorax 1999;54(3):213–222.

Roomi J, Johnson MM, Waters K, Yohannes A, Helm A, Connolly MJ. Respiratory rehabilitation, exercise capacity and quality of life in chronic airways disease in old age. Age Ageing 1996;25(1):12–16.

Enright PL, McBurnie MA, Bittner V, Tracy RP, McNamara R, Arnold A, et al. The 6 minute walk test: a quick measure of functional status in elderly adults. Chest 2003;123(2):387–398.

Enright PL, Sherrill DL. Reference equations for the six-minute walk in healthy adults. Am J Respir Crit Care Med 1998;158(5 Pt 1): 1384–1387.