Nội dung

Thủ thuật đặt ống silicon lệ mũi điều trị hẹp và tắc lệ đạo

Đại cương

Thủ thuật đặt ống silicon lệ mũi (ống được luồn từ điểm lệ qua lệ quản, túi lệ, ống lệ mũi và kết thúc ở ngách mũi dưới) là kỹ thuật bảo tồn đường lệ, mục đích điều trị hẹp lệ đạo ở giai đoạn sớm (đặc biệt là hẹp lệ quản và điểm lệ) và tắc lệ đạo bẩm sinh. Ống silicon có tác dụng tạo hình lại lòng ống của đường lệ.

Chỉ định

Trẻ em: Các trường hợp tắc lệ đạo bẩm sinh đã được điều trị nội khoa, day nắn và thông, nong lệ đạo không có kết quả.

Người lớn: Hẹp lệ đạo đặc biệt hẹp lệ quản do nhiều nguyên nhân (lưu ý hẹp lệ quản do bơm thông lệ đạo nhiều lần).

Chống chỉ định

Chống chỉ định tương đối: Tắc ống lệ mũi ở người lớn.

Chống chỉ định tuyệt đối:

+ Hẹp, tắc lệ đạo do u, quá sản.

+ Hẹp tắc lệ đạo mà có kèm bệnh lý mũi xoang.

+ Dị dạng lệ đạo, không có điểm lệ…

+ Bệnh toàn thân.

Chuẩn bị

Người thực hiện

Cán bộ chuyên khoa Mắt đã được đào tạo.

Phương tiện

Đèn trần, có thể kèm theo đèn trán Clar.

Dụng cụ phẫu thuật: bộ thông nong lệ đạo, kim lệ đạo, bơm tiêm, kẹp phẫu tích kết mạc 1 răng, kéo thẳng, mở mũi, kẹp phẫu tích Kocher không răng cỡ nhỏ.

Gạc đặt mũi có tẩm thuốc co mạch niêm mạc mũi.

Ống silicon: Loại có đầu dẫn (1 hoặc 2 đầu dẫn tùy theo chỉ định đặt qua 1 hay 2 lệ quản), ống đã được tiệt trùng.

Người bệnh

Được giải thích về phẫu thuật về tỷ lệ thành công và thất bại.

Nếu là trẻ em hoặc người lớn phải gây mê thì phải nhịn ăn, nhịn uống.

Hồ sơ bệnh án

Theo quy định của Bộ Y tế.

Cách tiến hành

Kiểm tra hồ sơ

Hồ sơ bệnh án đã được hoàn chỉnh, đầy đủ thủ tục theo quy định, đã được duyệt phẫu thuật.

Kiểm tra người bệnh

Vệ sinh cá nhân và mặc quần áo theo quy định.

Đối chiếu tên, tuổi người bệnh, chỉ định điều trị với biển tên và hồ sơ bệnh án.

Vô cảm

Trẻ em: Gây mê.

Người lớn: Có thể chọn gây mê hoặc gây tê. Gây tê thần kinh trên và dưới hốc mắt bằng thuốc tê tại chỗ (Lidocain 2%, xylocain 2%…).

Tiến hành

Sát trùng.

Gây tê hoặc mê.

Đặt gạc có tẩm thuốc co mạch pha lẫn thuốc tê vào khoang mũi (đặc biệt vào ngách mũi dưới) 5 – 10 phút trước khi đặt ống.

Nong điểm lệ bằng que nong điểm lệ.

Đặt que thông số to dần để nong lệ quản.

Bơm nước lệ đạo để xác định vị trí hẹp.

Tiếp tục đưa que thông lệ đạo (ít nhất que số 0) vào lệ quản trên hoặc dưới, quay que thông 90 độ, tiếp tục đưa que thông xuống túi lệ và ống lệ mũi rồi vào khoang mũi. Kiểm tra que thông chắc chắn đã xuống khoang mũi. Nếu que thông không xuống được khoang mũi hoặc kiểm tra không thấy que thông trong khoang mũi thì ngừng thủ thuật.

Tiến hành đặt ống: Rút gạc mũi, đặt ống silicon có đầu dẫn lần lượt đi vào đường lệ và rút đầu dẫn ra đường mũi qua ngách mũi dưới.

Cầm máu niêm mạc mũi nếu có chảy máu bằng cách đặt gạc mũi.

Cố định ống: Tùy theo loại ống mà cách cố định khác nhau.

Tra mỡ kháng sinh vào mắt, băng mắt.

Theo dõi sau phẫu thuật

Hậu phẫu thường quy.

Tra kháng sinh phổ rộng, kết hợp corticoid liều thấp trong 7 – 10 ngày.

Uống thuốc giảm phù, có thể phối hợp kháng sinh toàn thân.

Khám định kỳ hàng tháng.

Rút ống trung bình sau 3 tháng.

Trong thời gian chưa rút ống, có thể bơm lệ đạo kiểm tra.

Tai biến và xử trí

Rách lệ quản khi quay que thông hoặc lúc quay đầu dẫn của ống silicon. Đề phòng cần phải làm chùng mi dưới vào phía trong lúc xoay que thông, nếu bị rách có thể khâu lại đường rách.

Sai đường: Sai đường khi nong điểm lệ và lệ quản, ở trẻ em sai đường còn xảy ra khi đưa que thông vào ống lệ mũi. Nếu xảy ra, ngừng ngay thủ thuật.

Chảy máu niêm mạc mũi: Thường chảy ít. Cần kiểm soát và đặt gạc cầm máu.

U hạt viêm ở điểm lệ: Dùng thêm chống viêm corticoid, hoặc rút ống sớm.

Nhiễm trùng đường lệ: Kháng sinh tra uống, rút ống sớm.

Tuột ống silicon: Cần cố định ống tốt.