Nội dung

Thuốc an thần

Thuốc an thần chủ yếu

Đại cương

Đặc điểm cơ bản của các thuốc an thần chủ yếu

Gây trạng thái thờ ơ lãnh đạm, người dùng thuốc không phản ứng với bên ngoài, cải thiện được các triệu chứng của bệnh tâm thần phân liệt.

Có thêm tác dụng ức chế hệ thần kinh thực vật, gây hạ huyết áp, giảm thân nhiệt.

Có thể gây ra hội chứng ngoài bó tháp ( hội chứng ngoại tháp, hội chứng Parkinson ( Parkinsonism, Parkinson’s syndrome, atypical Parkinson’s, secondary Parkinson’s )).

Khác với thuốc ngủ, các thuốc an thần chủ yếu dù dùng liều cao cũng không gây ngủ, chỉ có tác dụng làm mơ màng, dễ ngủ.

Phân loại :

dựa vào cấu trúc hóa học, chia thành các nhóm :

Các dẫn xuất phenothiazine và thioxanthene : chlorpromazine,  mesoridazine, promazine ( biệt dược : aminazin…), triflupromazine…

Các dẫn xuất butyrophenone : haloperidol, droperidol, mopiperon, trifluperidol…

Các dẫn xuất dị vòng khác :

Dẫn xuất benzamide : sulpiride ( tên khác : levosulpiride…), amisulpride…

Dẫn xuất dibenzodiazepine : olanzapine…

Dẫn xuất benzisoxazole : risperidone…

Các thuốc

Dẫn xuất phenothiazine và thioxanthene

Hình 1 : Khung phenothiazine và thioxanthen

Chlorpromazine hcl

Biệt dược : chlorpromanyl-20, chlorpromanyl-40, chlorpromazine hydrochloride intensol, largactil liquid, largactil oral drops, novo-chlorpromazine, thorazine spansule…

Dược động học 

Bản chất base yếu. Hấp thu tốt qua đường tiêu hoá và rất tốt khi tiêm bắp thịt ( tăng 4 – 10 lần ).

Thuốc rất ưa mỡ, gắn nhiều vào protein huyết tương, tập trung ở não và mô mỡ. Qua được hàng rào nhau – thai dễ dàng.

Chuyển hoá chủ yếu ở gan.

Thải trừ chủ yếu qua thận, thải một phần qua phân. t1/2 = 20 – 40 h                ( chỉ cần dùng 1 lần/24 h ). Có chu kỳ gan – ruột.

Tác dụng dược lý

Tác dụng trên hệ thần kinh trung ương :

Gây trạng thái đặc biệt thờ ơ về tâm thần vận động ( làm giảm các hoạt động vận động, giảm sự bận tâm, ưu tư; bệnh nhân không biểu lộ xúc cảm với bên ngoài… Do đó bệnh nhân có vẻ mặt rất đặc biệt, gọi là “bộ mặt aminazin” )… Tuy nhiên các hoạt động về trí tuệ và sự cảnh giác vẫn được duy trì ở mức gần bình thường. Thuốc không có tác dụng gây ngủ ( trừ với liều gần độc ).

Làm giảm thao cuồng, ảo giác, vật vã ( dùng điều trị tâm thần phân liệt thể cường ).

Gây hội chứng ngoài bó tháp.

Gây hạ thân nhiệt : do ức chế trung tâm điều nhiệt ở vùng dưới đồi( hypothalamus ).

Chống nôn : do ức chế vùng nhận cảm hoá học ( chemoreceptor trigger zone, hay area postrema ) ở vùng sàn não thất 4.

Làm giảm trương lực giao cảm do ức chế trung tâm trương lực giao cảm điều hoà vận mạch : gây giảm huyết áp…

Trên vận động, liều cao gây trạng thái giữ nguyên thế ( catalepsia ).

Chính vì có nhiều tác dụng trên hệ thần kinh trung ương nên hiện nay được xếp vào nhóm thuốc “Hướng tâm thần”, không gọi là thuốc độc nữa.

Tác dụng ngoại biên :

Trên hệ thần kinh thực vật :

Ức chế phó giao cảm ( ức chế hệ M-choline ): gây nhìn mờ ( do giãn đồng tử ), giảm tiết các dịch ngoại tiết ( nước bọt, mồ hôi, dịch vị, dịch ruột, gây táo bón…), tăng nhãn áp…

Ức chế receptor ( Rp ) alpha1-adrenergic ngoại biên; ức chế tác dụng gây tăng huyết áp của norepinephrine ( tên khác : noradrenaline…) : gây giảm huyết áp…

Trên hệ nội tiết : gây rối loạn bài tiết một số hormone hướng sinh dục :

Tăng tiết prolactin (( PRL ) hay luteotropic hormone ( LTH ), do thuỳ trước tuyến yên bài tiết ra ) : gây chảy sữa, chứng vú to ( nhất là ở nam )…

Giảm tiết FSH ( follicle-stimulating hormone – hormone kích thích nang trứng ), LH ( luteinizing hormone, còn gọi là lutropin  – hormone kích thích hoàng thể ) ( 2 hormone do thuỳ trước tuyến yến bài tiết ra ) có thể gây ức chế rụng trứng, rối loạn kinh nguyệt, giảm ham muốn tình dục, liệt dương…

Từ các rối loạn về nội tiết lại dẫn đến các rối loạn về tâm lý rất phức tạp…

Tác dụng kháng Rp H1-histamine : không đáng kể.

Cơ chế tác dụng 

Mặc dù sinh lý học của hoạt động TKTW và sinh bệnh học của rối loạn tâm thần ( trong bệnh tâm thần phân liệt ) còn chưa rõ ràng, tuy nhiên người ta thấy rằng sự cân bằng giữa hệ tiết dopamine ( DA ) trung ương và hệ tiết serotonin trung ương có vai trò quyết định đến các triệu chứng của bệnh này.

Hệ tiết dopamine trung ương :

Các thuốc kích thích hệ DA ( amphetamine, cocaine, levodopa ( tên   khác : L-DOPA, DOPA…)) đều làm tăng triệu chứng bệnh. Còn các thuốc ức chế hệ DA, đặc biệt là các Rp thuộc nhóm D2 ( gồm D2, D3, D4 ) như thuốc an thần chủ yếu đều làm giảm các biểu hiện của bệnh tâm thần.

Các neuron của hệ DA đều xuất phát từ não giữa tạo thành các bó :

Bó não giữa – vỏ não : thuốc ức chế D2 của hệ này ( haloperidol…)          sẽ làm tăng triệu chứng âm tính ( cảm xúc cùn mòn, quan hệ kém, vô cảm,      tư duy trừu tượng khó khăn…).

Bó não giữa – hệ viền : thuốc ức chế D2 sẽ điều trị được triệu chứng dương tính ( hoang tưởng, ảo giác, kích động, đa nghi, ý tưởng tự cao, tự đại…).

Bó não giữa – thể vân : thuốc ức chế D2 sẽ gây tác dụng không mong muốn ( hội chứng Parkinson, chứng “đứng ngồi không yên” ).

Bó cuống phễu – tuyến yên : thuốc ức chế D2 sẽ gây tác dụng không mong muốn về nội tiết ( tăng tiết prolactin…).

Hệ tiết seretonin ( 5HT ) trung ương :

Có tới 15 loại Rp 5HT nhưng với bệnh tâm thần thì Rp 5HT2 ( đặc biệt là 5HT2A ) có vai trò quan trọng hơn cả. Trong não, nhân tổng hợp 5HT nhiều nhất ( có thể là duy nhất ) là các nhân raphe ( raphe nuclei ). Các nhân này kiểm soát sự tổng hợp DA ở cả thân tế bào và sự giải phóng DA ở trước sinap của các neuron hệ DA. Nhìn chung, 5HT ức chế giải phóng DA.

Giả thuyết sinh hoá về bệnh tâm thần phân liệt cho rằng các triệu chứng dương tính là do tăng hoạt hệ DA ở hệ viền và mất cơ chế điều hòa ngược trung ương. Còn các triệu chứng âm tính là do rối loạn chức phận vùng trán trước, giảm hoạt hệ DA não giữa – vỏ não do tăng hoạt hệ 5HT2.

Các thuốc an thần chủ yếu cổ điển ( chlorpromazine, haloperidol…) ức chế mạnh D2 hơn 5HT nhiều nên tác dụng trên triệu chứng dương tính mạnh,   ít tác dụng trên triệu chứng âm tính, gây tác dụng phụ ngoài bó tháp…

Các thuốc an thần chủ yếu mới đều có cả 2 tác dụng ức chế D2 và 5HT2A và ức chế 5HT2A mạnh hơn D2 ( olanzapine, risperidone…) do đó cải thiện được cả triệu chứng âm tính và ít gây triệu chứng ngoài bó tháp, còn với triệu chứng dương tính thì tác dụng như thuốc cổ điển.

Với các mức độ khác nhau, các thuốc này còn có tác dụng ức chế Rp trung ương của hệ M-choline ( làm giảm trí nhớ ), Rp alpha-adrenergic ( gây hạ huyết áp ), Rp H1-histamine ( gây an dịu ). Các tác dụng này đều là các tác dụng không mong muốn của thuốc…

Chỉ định 

Khoa tâm thần : các chứng loạn thần kinh ( cấp hoặc tiến triển ), tâm thần phân liệt ( thể cường ), thao cuồng, hoang tưởng, ảo giác…

Khoa sản : sản giật ( chú ý thuốc qua được hàng rào nhau – thai ).

Khoa gây mê : tiền mê, gây mê kiểu hạ thân nhiệt, hạ huyết áp.

Khoa nội : các trạng thái căng thẳng, các chứng nôn, đau…

Khoa da liễu : các chứng ngứa ( ít dùng )…

Chống chỉ định

Ngộ độc cấp các thuốc ức chế TKTƯ ( thuốc an thần, thuốc ngủ…).

Suy gan, suy thận, glaucoma góc đóng, ứ nước tiểu do rối loạn niệu quản – tiền liệt tuyến.

Quá mẫn cảm với thuốc…

Tác dụng không mong muốn

Loại thường gặp, liên quan đến tác dụng dược lý của thuốc :

Rối loạn tâm lý : chóng mệt mỏi, suy nghĩ chậm chạp, trầm cảm, lú lẫn ( nhất là ở người già ), buồn bã, chán nản, lo lắng…

Tụt huyết áp thế đứng, nhịp tim nhanh ( nhất là khi tiêm ).

Dấu hiệu ức chế phó giao cảm : khô miệng, khó nuốt, rối loạn điều tiết thị lực, cơn tăng nhãn áp cấp, bí đái, táo bón…

Rối loạn nội tiết và sinh dục : khó có thai, rối loạn kinh nguyệt, giảm ham muốn tình dục, tăng cân, chảy sữa và chứng vú to ( ở nam )…

Hội chứng ngoài bó tháp…

Loại không liên quan đến tác dụng dược lý của thuốc :

Giảm bạch cầu.

Vàng da tắc mật ( có thể do phù nề các đường dẫn mật do phản ứng quá mẫn ).

Phản ứng ngoài da : dị ứng, mẫn cảm với ánh sáng, đọng sắc tố trong tiền phòng của mắt.

Rối loạn nhịp tim : nhịp xoang nhanh, nhĩ – thất phân ly…

Hội chứng sốt cao ác tính : sốt cao, da tái nhợt, mồ hôi nhễ nhại, trạng thái shock ( cần cấp cứu : giữ thăng bằng nước và điện giải ).

Đột tử, thường xảy ra sau khi tiêm ( có lẽ do huyết khối gây tắc mạch )

Dẫn xuất butyrophenone

Haloperidol  

Đây là thuốc là tiêu biểu cho nhóm an thần kinh đa năng ( neuroleptiques polyvalents ) hay thuốc an thần kinh “chống triệu chứng dương tính” ( antiproductive ), chống thao cuồng ).

Tên khác : aloperidolo.

Biệt dược : aloperidin, haldol, haloperidin, halopidol, peridol…

Hình 3 : Công thức hóa học của GABA và haloperidol

Dược động học

Bản chất base yếu. Hấp thu dễ qua ống tiêu hóa, đạt Cmax. sau 4 – 6 h.

Rất tan trong lipid. Gắn vào protein huyết tương 90 %. 

Chuyển hoá chủ yếu ở gan ( phản ứng khử alkyl – oxy hoá ).

Thải trừ qua thận và mật; t1/2 = 24 h. Không có chu kỳ gan – ruột.

Tác dụng dược lý  

Thuốc gắn vào Rp D2 khoảng 16 lần mạnh hơn gắn vào 5HT2.

Ức chế mạnh trạng thái kích thích tâm thần vận động, thao cuồng.

Ức chế mạnh hoang tưởng, làm mất ảo giác nhanh.

An thần, chống lo âu, chống nôn, điều hòa các rối loạn TKTV ( ở liều thấp ).

Không có hoặc rất ít tác dụng huỷ giao cảm, huỷ phó giao cảm và gây ngủ, rất ít tác dụng trên tim mạch ( do không gắn vào Rp alpha1 và H1–his ).

Ức chế các phản xạ tự nhiên và phản xạ có điều kiện của động vật thí nghiệm giống như chlorpromazine.

Cơ chế tác dụng

Haloperidol có công thức hóa học gần giống với công thức của GABA ( gamma-amino butyric acid ) ( là chất trung gian hóa học của các quá trình ức chế trong TKTW ). Thuốc ức chế Rp dopaminergic trung ương nên có tác dụng an thần kinh mạnh, đồng thời tác dụng không mong muốn ( hội chứng Parkinson ) cũng rõ.

Tác dụng không mong muốn

Như với chlorpromazine. Hay gặp :

Ngủ gà ( thận trọng với người lái xe, đứng máy, làm việc trên cao ).

Hội chứng ngoài bó tháp, rối loạn nội tiết, khó vận động mồm, lưỡi, hàm…

Chỉ định

Các trạng thái thao cuồng, hoang tưởng.

Các  trạng thái loạn tâm thần cấp và mạn, tâm thần phân liệt, hoang tưởng có hệ thống ( paranoid ).

Các chứng nôn ( do dùng thuốc chống ung thư, chiếu xạ…).

Tiền mê.

Liều thấp : các rối loạn chức năng ở đường tiêu hóa, tim mạch, hô hấp, ngoài da…

Chống chỉ định

Trầm cảm, bệnh Parkinson, suy gan, xơ cứng rải rác, bệnh tim mạch nặng, phụ nữ có thai, quá mẫn cảm với thuốc…

Tương tác thuốc

Không dùng chung với thuốc kích thích dopaminergic ( levodopa ) vì haloperidol ức chế các Rp của hệ này, gây hội chứng ngoài bó tháp ( điều trị bằng thuốc ức chế phó giao cảm trung ương : artan, lepticur…).

Làm tăng tác dụng của thuốc ngủ, gây hạ thân nhiệt.

Dùng cùng lithium ( Li ) có thể gây lú lẫn, tăng Li niệu.

Dùng với thuốc hạ áp : gây tụt huyết áp thể đứng.

Các thuốc khác : droperidol, mopiperon, trifluperidol…

Dẫn xuất benzamide

Sulpiride

Biệt dược : abilit, dogmatil, dolmatil, sulpiren, synedil, vipral…

Dược động học 

Hấp thu tốt qua đường tiêu hoá, đạt Cmax. sau khi uống 4 – 5 h.

Gắn với protein huyết tương 40 %.

Khuyếch tán nhanh vào các mô gan thận, tuyến yên, qua nhau thai, sữa mẹ.

Chuyển hóa chủ yếu ở gan. Không có chu kỳ gan – ruột.

Thải trừ chủ yếu qua thận ( 90 % ) dưới dạng còn hoạt tính.

Tác dụng dược lý

Sulpiride là thuốc an thần có tác dụng lưỡng cực ( bipolar ) :

Liều ≤ 600 mg/24 h có tác dụng giải ức chế, kích thích Rp sau sinap của hệ dopaminergic trung ương ( tác dụng kích thích hệ dopaminergic trên các Rp D4 trung ương ).

Liều > 600 mg/24 h có tác dụng chống triệu chứng dương tính, chống hoang tưởng do thuốc kích thích Rp trước sinap của hệ dopaminergic, làm giảm giải phóng dopamine ( tác dụng ức chế hệ dopaminergic trên các Rp D4 trung ương ).

Tác dụng không mong muốn

Rối loạn nội tiết, chuyển hoá : giảm ham muốn tình dục ( bất lực hoặc lãnh cảm ), vô kinh, tăng tiết sữa, nữ hóa tuyến vú ( ở nam ), tăng cân…

Thần kinh :

Loạn vận động : vẹo cổ, cứng hàm, xoay mắt.

Hội chứng ngoài bó tháp.

Ngủ gà.

Tim mạch : tụt huyết áp thế đứng…

Chỉ định

Liều thấp ( ≤ 600 mg/24 h ) : tình trạng mất nghị lực, loạn thần, loét dạ dày – tá tràng, viêm loét đại tràng.

Liều cao ( > 600 mg/24 h ) : các rối loạn tâm thần cấp tính như tâm thần phân liệt, thao cuồng, ảo giác…

Chống chỉ định

U tuỷ thượng thận ( u tế bào ưa sắc )( gây cơn tăng HA kịch phát ).

Động kinh ( gây cơn động kinh do giảm ngưỡng sinh động kinh ), phụ nữ có thai ( gây quái thai ), cho con bú ( thuốc qua sữa ), người có tuổi, trẻ sơ sinh ( dễ nhạy cảm ), suy thận nặng, quá mẫn cảm với thuốc…

Phối hợp với rượu, levodopa, các thuốc ức chế TKTW ( gây tụt HA ).

Amisulpride :

Hình 3 : Công thức hóa học của một số dẫn xuất benzamide

Thuốc an thần thứ yếu

Đại cương

Đặc điểm cơ bản của các thuốc an thần thứ yếu

Có tác dụng an dịu, làm giảm cảnh giác, làm chậm các hoạt động vận động và làm dịu sự bồn chồn.

Có tác dụng an thần giải lo : làm giảm các phản ứng xúc cảm thái quá và giảm căng thẳng tâm thần.

Chỉ có tác dụng gây ngủ khi mất ngủ có liên quan đến sự lo âu, bồn chồn; do đó còn được dùng làm thuốc ngủ ( xem bài : Thuốc ngủ ).

Có thể có tác dụng gây mê ở liều cao : đặc biệt là một số dẫn xuất benzodiazepine ( BZD ) ( xem bài : Thuốc mê ).

Chống co giật ( xem bài : Thuốc chống động kinh ).

Giãn cơ do tác dụng trung ương ( giãn cả cơ vân xương và cơ trơn ).

Ít ảnh h­ưởng đến hệ TKTV và không gây hội chứng ngoài bó tháp như nhóm thuốc an thần chủ yếu.

Phân loại :

dựa vào cấu trúc hóa học, chia thành các nhóm :

Dẫn xuất BZD : diazepam, lorazepam…

Meprobamate.

Các thuốc khác :

Thuốc kháng Rp H1-histamine ( thế hệ 1, loại cổ điển ) : hydroxyzine…

Thuốc ức chế beta-adrenergic : propranolol…

Thuốc hạ huyết áp loại kích thích alpha2-adrenergic : clonidine…

Một số thuốc khác : buspirone, etifoxine…

Các thuốc

Dẫn xuất benzodiazepine

Có nhiều loại thuốc khác nhau, nhưng tất cả đều có cấu trúc chung là có vòng benzodiazepine ( benzodiazepine ring ) trong công thức cấu tạo ( hình 4 ).

Hình 4 : Công thức cấu tạo của một số benzodiazepine

Dược động học chung

Bản chất base yếu. Hấp thu rất tốt qua ống tiêu hoá, đạt Cmax. sau khi uống 0,5 – 8 h ( Cmax. = maximum / peak plasma concentration ).

Gắn vào protein huyết tương từ 70 % ( alprazolam ) đến 99 % ( diazepam ). Qua được hàng rào nhau – thai, sữa mẹ. Nồng độ thuốc trong dịch não tủy tương đương nồng độ thuốc tự do trong máu.

Chuyển hoá chủ yếu ở gan.

Thải trừ chủ yếu qua thận. Không có chu kỳ gan – ruột.

Tác dụng dược lý 

Tác dụng trên hệ thần kinh trung ương 

An thần, giải lo, chống hung hãn.

Làm dễ ngủ ( uống về đêm gây một giấc ngủ nhẹ nhàng, dễ chịu, ít tác dụng không mong muốn.

Chống co giật ( do thuốc, sản giật…), chống động kinh ( là thuốc chống động kinh đa trị ). Riêng flurazepam gây co giật ở mèo.

Giãn cơ.

Một số dẫn xuất BZD có tác dụng gây mê.

Làm giảm cả trí nhớ ngắn hạn ( ký ức mới ) và trí nhớ dài hạn ( ký ức cũ )…

Tác dụng ngoại biên

Giãn mạch vành khi tiêm tĩnh mạch. Còn gây giảm nhẹ huyết áp, chống loạn nhịp thất.

Có thể gây giảm nhẹ hô hấp khi tiêm tĩnh mạch.

Liều cao ức chế thần kinh – cơ, gây nhược cơ.

Cơ chế tác dụng 

BZD gắn trên các Rp đặc hiệu với nó trên hệ TKTW ( vỏ não, vùng cá ngựa, thể vân, vùng dưới đồi ( hạ khâu não ), hành não, đặc biệt là ở hệ thống lưới, hệ viền và cả ở tủy sống…). Ở các bệnh nhân bị suy nhược thần kinh, khi không dùng BZD, các Rp của BZD bị một protein nội sinh chiếm giữ, làm cho GABA ( chất TGHH có tác dụng ức chế trên hệ TKTW ) không gắn được vào Rp của hệ GABAnergic, làm cho kênh Cl0 của neuron khép lại. Như vậy Cl0 từ bên ngoài tế bào không thể vào được bên trong tế bào. Trên lâm sàng bệnh nhân có biểu hiện mất ngủ. Khi có mặt BZD ( dùng thuốc BZD ), do BZD có ái lực với Rp mạnh hơn protein nội sinh, nên BZD sẽ đẩy protein nội sinh ra và chiếm lại được Rp, do đó GABA mới gắn được vào Rp của nó và làm mở kênh Cl0; Cl0đi từ bên ngoài vào bên trong tế bào nhiều gây hiện tượng ưu cực hóa ( Hình 5 ) – ức chế TKTW.

Các Rp của BZD có liên quan chặt chẽ về giải phẫu và chức phận với Rp của GABA. Hiện đã xác định có 3 loại Rp GABA : Rp GABA-A ( loại cổ điển ), B và C. Các Rp GABA/BZD rất phức tạp cả về cấu trúc và về dược lý. Cho đến nay vẫn chưa xác định được chính xác vai trò sinh lý của các Rp,  nhất là của các phân lớp, dưới lớp. BZD làm tăng ái lực của Rp GABA với GABA và làm tăng lượng GABA trong não. BZD còn làm giảm hoạt lực của các neuron noradrenaline ( NA ) ở liềm đen trên hệ adrenergic trung ương và làm giảm tốc độ tái tạo của NA.

Hình 5 : Cơ chế tác dụng của benzodiazepine

Chỉ định 

Các trạng thái lo lắng, kích thích ( ở bệnh nhân suy nhược thần kinh, lo lắng trước mổ, kích thích sau mổ…).

Các trạng thái co giật ( do thuốc, sản giật, sốt cao ở trẻ em, động kinh…).

Các trạng thái mất ngủ, trước khi phẫu thuật ( tiền mê ).

Các trạng thái đau, co cứng cơ ( trong tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim…)…

Chống chỉ định 

Suy hô hấp, nhược cơ ( do tác dụng ức chế TKTW và giãn cơ ).

Suy gan, suy thận, suy nhược toàn thân ( do thuốc chuyển hóa tạo ra các chất có tác dụng kéo dài, có thể tăng độc tính hoặc gây độc cho gan, thận ).

Phụ nữ có thai hoặc cho con bú, trẻ em

Tăng nhãn áp ( glaucoma ), trụy tim mạch ( đối với flunitrazepam ).

Quá mẫn cảm với thuốc.

Thận trọng : người làm việc trên cao, lái xe, đứng máy chuyển động…

Tác dụng không mong muốn

Thuốc ít độc, phạm vi an toàn rộng ( liều điều trị 5 – 20 mg/24 h ).

Liều gây ngủ, liều cao : gây giảm trí nhớ, uể oải, động tác thiếu chính xác, lú lẫn, miệng khô, đắng, nhịp thở chậm, giảm trương lực cơ…

Đôi khi gây tác dụng nghịch thư­ờng ( tác dụng ngư­ợc về tâm thần ) :  hung hăng, kích động, nhức đầu, chóng mặt, suy nhược, ác mộng, bồn chồn, lo lắng, nhịp tim nhanh, vã mồ hôi, sảng khoái, thất điều, ảo giác, muốn tự tử…(độc tính trên thần kinh tăng theo tuổi ).

Giảm ham muốn tình dục, đau khớp, mệt mỏi…

Có thể gây quen thuốc, nghiện thuốc, hội chứng cai thuốc ( khi cắt thuốc đột ngột ở người nghiện thuốc ).

Một số dẫn chất BZD khác

Bromazepam ( BD : lexomil, lexotan, liketam…).

Clobazam ( BD : frisium, urbanol, urbanyl…).

Cloxazolam  ( TK: cloxazolazepam )( BD : betavel, elum…).

Clonazepam ( BD : klonopin ).

Clotiazepam ( BD : clozan, distensan, trecalmo, rize, rizen, veratran…).

Estazolam ( BD : prosom ).

Flurazepam ( apo-flurazepam, dalmane, fluzepam…).

Lormetazepam ( loramet, minias ).

Medazepam ( BD : ansilan, benson, diepin, metonas, raporan…).

Midazolam ( hypnovel, versed…)  .

Nordazepam ( TK : desmethyldiazepam ), ( BD : nordax, praxadium, vegesan ).

Oxazolam ( BD : convertal, hializan, quiadon, serenal…).

Oxazepam ( BD : serax ).

Pinazepam  ( BD : domar, duna…).

Prazepam ( BD : demetrin, reapam…).

Quazepam ( BD : doral ).

Temazepam ( BD : restoril ).

Bảng 1 : Các chế phẩm BZD hay dùng và liều lượng

Chế phẩm

( biệt dược )

Dạng thuốc

Tác dụng / liều lượng / 24 h

An thần

Chống co giật

Tiền mê,   gây ngủ

Giãn cơ, giảm đau

Alprazolam                   ( xanax…)

Viên 0,25-0,5-1 mg

0,75 – 2 mg

 

Chlordizepoxide               ( dizepin, diapax, droxol, labiton, librium, napoton…)

Viên 5-10-25 mg, ống IM 100 mg

10 – 25 mg

 

Clorazepam              (TK: dipotassium clorazepate )                    ( BD: azen, anxidin, enadin, mendon,  tranxene…)

Viên

5-10 mg

10 – 20 mg

 

Diazepam

( apo-diazepam, anxiolyl 5, seduxen,           valium…)

Viên        2-5-10 mg, ống IM, IV 10 mg

5 – 10 mg

10 – 20 mg

10 – 20 mg

 

Flunitrazepam                  ( narcozep, noriel, rohypnol…)

Viên

1 – 2   mg

 

Lorazepam ( ativan, alzapam,  anxira, control, lorax, tavor, temesta…)

Viên 0,5-1-2-2,5 mg; ống IM 4 mg

1 – 3 mg

 

 

 

Nitrazepam                   ( eunoctin, insomin, mogadon, neozepam…)

Viên 5-10 mg; đạn   10 mg

5 – 10 mg

 

Oxazepam                      ( praxiten, rondar, serax, serepax, serenal, seresta…)

Viên 10-15-30-50 mg, ống    5 mg (IM)

25 – 150 mg

 

Triazolam                     ( halcion, novidorm, songar…)

Viên

0,25 mg

0,25-0,5 mg    

 

Tetrazepam                  ( myolastan…)

Viên

0,05 g

0,05 -0,15 g

 

                       

Meprobamate

Hình 6 : Công thức cấu tạo của meprobamate

Tên khác : meprotanum, procalmadiol.

Biệt dược : andaxin, arcoban, bamo, equanil, miltown, meprospan,   palpipax, pax…

Dược động học

Hấp thu tốt qua đường tiêu hóa, đạt Cmax sau khi uống 1 – 3 h.

Ít gắn vào protein huyết tương. Qua được hàng rào nhau – thai và sữa mẹ.

Chuyển hoá chủ yếu ở gan ( 80 – 92 % ), có thể gây cảm ứng hệ enzyme microsom gan giống phenobarital… 

Thải trừ chủ yếu qua thận. t1/2 = 6 – 17 h.

Đặc điểm tác dụng

Tác dụng ở giữa barbbiurat và BZD. Tuy ức chế rộng khắp trên hệ TKTW, nhưng vẫn chọn lọc trên một số chức phận và không gây ngủ, với các đặc điểm :

Ức chế phản xạ đa sinap ở tuỷ sống nhưng không ảnh hưởng đến phản xạ đơn sinap ( tác dụng chọn lọc hơn barbiturate ). Chống được co giật do thuốc và shock điện.

An thần, giãn cơ khi có co thắt cơ.

Phần nào có tác dụng trực tiếp trên cơ

Không ảnh hưởng đến hệ GABA và không ức chế trước sinap.

Có tác dụng thuần hóa động vật.

Rất ít ảnh hưởng đến hệ TKTV, hệ tuần hoàn, hô hấp.

Chỉ định : tương tự như BZD.

Chống chỉ định : tương tự như BZD.

Tác dụng không mong muốn : tương tự như BZD.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Tr­ường Đại học Y Hà Nội ( 2007 ), D­ược lý học, NXB Giáo dục, Hà Nội.

Trường Đại học Dư­ợc Hà Nội ( 2006 ), D­ược lâm sàng và điều trị, NXB  Y học, Hà Nội.

Bộ Y tế ( 2007 ), Dược lý học, NXB Y học, Hà Nội.

Laurence L. Brunton, John S. Lazo and Keith L. Parker ( 2006 ), Goodman & Gilman’s The pharmacological basis of therapeutics, 11th edition, McGraw-Hill, Medical publishing division, United states of America.