TÌM ẤU TRÙNG GIUN CHỈ (Phương pháp thủ công)
(Filariasis’s larva Test by manual method)
NGUYÊN LÝ
Ấu trùng giun chỉ được truyền từ người này sang người khác qua muỗi đốt và phát triển thành giun chỉ trưởng thành trong hệ bạch huyết, cản trở tuần hoàn bạch huyết, gây phù chân voi.
Giun chỉ đẻ ra ấu trùng, ấu trùng chui qua ống bạch huyết vào máu.
Ấu trùng lưu hành trong máu, thường xuất hiện ở máu ngoại vi vào ban đêm (từ 20h đến 4h).
CHỈ ĐỊNH
Những người cần chỉ định làm xét nghiệm bao gồm: có biểu hiện lâm sàng nghi ngờ nhiễm giun chỉ; những người đã và đang sinh sống ở vùng có giun chỉ lưu hành.
Lấy máu ngoại vi vào ban đêm; tốt nhất lấy máu vào khoảng thời gian từ 20h đến 2h sáng.
Có thể lấy máu tìm ấu trùng vào ban ngày khi dùng thuốc kích thích Dietylcarbazine (D.E.C).
CHỐNG CHỈ ĐỊNH Không có chống chỉ định.
CHUẨN BỊ
Người thực hiện
Kỹ thuật viên lấy máu mao mạch trực tiếp cho người bệnh tại phòng xét nghiệm, bệnh phòng hay tại địa phương.
Phương tiện – Hóa chất
Dụng cụ
Phiếu xét nghiệm;
Lam kính khô, sạch;
Giá nhuộm, giá cài tiêu bản;
Kim chích máu vô khuẩn;
Bông thấm nước vô khuẩn;
Khay men (nếu cần);
Ống đong;
Pipette nhỏ giọt;
Đũa thủy tinh;
Đồng hồ;
Kính hiển
Hóa chất
Cồn sát trùng 70o;
Giemsa mẹ;
Dung dịch Formalin 2%;
Nước cất hoặc dung dịch đệm.
Người bệnh
Về mùa lạnh, người bệnh nên nhúng tay vào nước ấm khoảng 5 phút trước khi lấy máu.
Tốt nhất nên lấy máu vào ban đêm (từ 20h – 2h sáng).
Nếu lấy máu vào ban ngày: cho người bệnh uống Dietylcarbazine (D.E.C) với liều 2mg/1kg cân nặng (khoảng 0.1g cho 1 người), sau 15 – 30 phút lấy máu làm xét nghiệm. Với cách này, mật độ ấu trùng được phát hiện bằng khoảng 20 – 40% so với kỹ thuật lấy máu xét nghiệm ban đêm. Phương pháp này cũng cần cẩn thận khi áp dụng ở những vùng có giun chỉ B.malayi, vì có thể xảy ra phản ứng sốt.
Hồ sơ bệnh án
CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH
Lấy máu làm xét nghiệm
Đánh mã số của người bệnh lên tiêu bản.
Sát khuẩn đầu ngón tay đeo nhẫn bằng cồn 70o, để khô.
Dùng kim chích vô khuẩn đâm nhanh vào vị trí sát khuẩn với độ sâu vừa phải.
Lấy 3 giọt máu cách đều trên lam kính, mỗi giọt khoảng 20mm3. Khối lượng máu lấy làm xét nghiệm là 60mm3.
Dùng đũa thủy tinh đánh tròn các giọt máu sao cho mỗi giọt máu có đường kính 1.5cm, để khô tự nhiên. Tiêu bản nên để khô 24 giờ thì nhuộm, nhưng cũng không nên để lâu quá.
Nhuộm tiêu bản
Pha dung dịch Giemsa với dung dịch đệm hoặc nước cất trung tính (pH = 7), nồng độ 1–5%.
Phủ kín tiêu bản bằng dung dịch Giemsa trên, nhuộm từ 30 – 60 phút tùy theo nồng độ của dung dịch Giemsa. Trung bình mỗi tiêu bản cần khoảng 2ml dung dịch nhuộm.
Tráng nhẹ nhàng bằng nước thường cho trôi hết Giemsa.
Hong khô tự nhiên tiêu bản trên giá.
Tiêu bản sau khi nhuộm đạt yêu cầu khi soi trên kính hiển vi: ấu trùng bắt màu tím trên nền màu hồng nhạt; Các hạt nhiễm sắc và hạch nhân bắt màu rõ.
Soi, phát hiện ấu trùng
Soi phát hiện ấu trung giun chỉ bằng vật kính x 10.
Soi định loại bằng vật kính x 40.
Soi toàn bộ diện tích 3 giọt máu, soi theo hình chữ chi.
NHẬN ĐỊNH KẾT QUẢ
Đếm số lượng ấu trùng có trên 3 giọt máu, sơ bộ đánh giá mật độ ấu trùng có trên 60mm3 máu.
đặc điểm nhận dạng ấu trùng giun chỉ:
Đặc điểm |
W. bancrofti |
B. malayi |
Thời gian xuất hiện ở máu ngoại vi |
Từ 20h đến 4h sáng. |
Từ 20h đến 6h sáng. |
Kích thước |
200 µm |
220 µm |
Hình thể |
Đều, mềm mại, xoăn ít. |
Có thể không đều, xoăn nhiều. |
Màng áo |
Dài hơn thân một ít. |
Dài hơn thân nhiều. |
Đầu |
Có một gai. |
Có 2 gai. |
Hạt nhiễm sắc |
Ít và rõ, tròn. |
Nhiều và không rõ, sát nhau. |
Hạt nhiễm sắc cuối đuôi |
Không đi đến cuối đuôi. |
Đi đến cuối đuôi, có một hạt tách riêng ra, đi đến tận cùng đuôi. |
NHỮNG SAI SÓT VÀ XỬ TRÍ
Lượng máu lấy không đủ.
Lấy máu vào thời gian giun chỉ không xuất hiện ở máu ngoại vi, hoặc lấy máu quá sớm hay quá muộn sau khi uống D.E.C