Khái niệm chung.
Trong các tài liệu tâm lí học, tâm thần học, thuật ngữ trắc nghiệm tâm lí thường được dùng tương đương với thuật ngữ test tâm lí. Có một số định nghĩa khác nhau về trắc nghiệm tâm lí:
Test tâm lí về cơ bản là một phép đo khách quan, đã được chuẩn hóa một mẫu hành vi (A. Anastasi, 1976).
Theo từ điển của các nhà tâm lí học Xô Viết: test là hệ thống các bài tập cho phép đo mức độ phát triển của một phẩm chất tâm lí nhất định (Petrovxki, 1990). Trong trường hợp này, test được định nghĩa như là một bộ các phương pháp.
Test cũng còn được định nghĩa như là một bài tập: test là một dạng bài tập cá nhân hoặc nhóm đã được chuẩn hoá, nó có thể định tính hoặc định lượng, có nghĩa là xác định sự hiện diện hoặc thiếu vắng một năng lực, kiến thức hoặc một kĩ năng nào đó, hoặc xác định mức độ hiện diện của chúng (J. Drever, 1979).
Như vậy có thể nhận thấy test được quan niệm trên cả 2 bình diện: là một phép đo cụ thể, một bài cụ thể, ví dụ test trí tuệ Raven và ở bình diện cao hơn, trắc nghiệm còn được hiểu là phép đo, thang đo nói chung.
Không phải bất kì một bộ câu hỏi nào, một bài tập nào đưa cho bệnh nhân làm đều là trắc nghiệm. Bản thân thuật ngữ trắc nghiệm/phép đo đã nói lên yêu cầu chuẩn (điều kiện chuẩn, quy trình chuẩn, điểm chuẩn); phải đảm bảo được độ tin cậy và độ hiệu lực/ứng nghiệm (xem thêm bài Các phương pháp nghiên cứu của Tâm lí Y học).
Trong lâm sàng tâm thần, trắc nghiệm tâm lí được sử dụng khá rộng rãi. Dưới đây chúng tôi giới thiệu một số trắc nghiệm thông dụng.
Những phương pháp nghiên cứu các quá trình tâm lí.
Các phương pháp khảo sát trí nhớ:
Học thuộc 10 từ:
Học thuộc 10 từ là do A.R. Luria soạn thảo nhằm khảo sát trạng thái trí nhớ, tính tích cực của chú ý của người bệnh. Đây là phương pháp đơn giản, dễ thực hiện do đó nó cũng là phương pháp được sử dụng nhiều trong các phòng thực nghiệm tâm lí bệnh học của Liên Xô trước đây. Người hướng dẫn đọc cho người bệnh nghe 10 danh từ thông dụng, không gắn liền với nhau về nghĩa và âm (để tránh tạo liên tưởng kết nối các từ). Sau đó yêu cầu người bệnh tái hiện lại.
Bài tập làm từ 5 đến 10 lần, tùy theo mục đích nghiên cứu.
Ghi lại nhận xét về hành vi, thái độ, cảm xúc của người bệnh trong quá trình làm bài.
Lập đường cong học thuộc: trục tung biểu thị số lượng các từ tái hiện đúng; trục hoành chỉ thứ tự từng lần người bệnh nhớ lại các từ.
Phân tích các lỗi người bệnh mắc phải (từ bịa, từ có nghĩa gần…).
Nhận xét về mối quan hệ giữa thứ tự từ đã đọc với thứ tự từ tái hiện cũng như tần suất tái hiện các từ.
Đối với người khoẻ mạnh, đường cong học thuộc thường có dạng: 7 – 9 – 10 – 10 – 10. Nói chung với người khoẻ mạnh, thường sau lần thứ 3 là đã có thể nhớ đủ 10 từ.
Trong lâm sàng, tùy theo từng bệnh, có thể gặp một số dạng đường cong học thuộc khác nhau:
TTPL: với những trường hợp bệnh mới phát, đường cong học thuộc có thể giảm nhẹ (phải đến lần thứ 4 hoặc thứ 5 người bệnh mới nhớ được 9 hoặc 10 từ). Cũng có những trường hợp nhớ tốt như người bình thường. Đối với những trường hợp đã bắt đầu có dấu hiệu sa sút, đường cong học thuộc thường có dạng phẳng, có nghĩa là chỉ dao động trong khoảng 4 đến 6 từ. Một dấu hiệu có thể giúp phân biệt với những bệnh khác là người bệnh TTPL thường có sự giảm sút khả năng phê phán: đối với họ dường như nhớ được ít cũng không phải là “vấn đề”. Trong một số trường hợp thậm chí còn có hiện tượng phê phán test.
Các rối loạn liên quan đến stress: đường cong học thuộc có chiều hướng tăng nhưng chậm hơn so với bình thường và có tính dao động, có lúc đạt được 9 – 10 từ sau đó lại tụt xuống 6 – 7 từ. Điều này chủ yếu là do sự chi phối của cảm xúc kém ổn định. Bên cạnh đó cũng thường thấy hiện tượng tự phê phán quá mức, cho rằng trí nhớ của mình rất kém.
Đối với bệnh nhân động kinh tâm thần: đường cong học thuộc thường thấp, dao động trong khoảng 5 – 8 từ. Trong trường hợp đã có dấu hiệu sa sút, đường cong học thuộc có dạng phẳng, khoảng 4 – 6 từ. Khác với TTPL, bệnh nhân động kinh có thái độ phê phán với sự giảm sút trí nhớ của mình. Họ cố tái hiện song kém hiệu quả.
Trong trường hợp có các phương tiện kĩ thuật, có thể ghi âm lại những từ mà bệnh nhân tái hiện cũng như những bàn luận, nhận xét của bệnh nhân trong quá trình thực nghiệm.
Thang trí nhớ wechsler:
Thang trí nhớ Wechsler (Wechsler Memory Inventory) do Wechsler thiết kế nhằm xác định chỉ số trí nhớ. Thang gồm 7 bài nhỏ (item) về các khía cạnh khác nhau của trí nhớ: thông tin cá nhân, định hướng chung, kiểm định tâm lí, ghi nhớ lô gic, nhớ dãy số, trí nhớ thị giác và trí nhớ liên tưởng. Kết quả của từng bài nhỏ được quy ra điểm.
Bài 1: Tính điểm 6 câu hỏi chung về cá nhân và xã hội. Mỗi câu trả lời đúng được tính 1 điểm. Điểm tối đa là 5.
Bài 2: Tính điểm 5 câu hỏi định hướng không gian và thời gian. Mỗi câu trả lời đúng được tính 1 điểm. Điểm tối đa là 5.
Bài 3: Có 3 bài tập nhỏ: đếm ngược ngược từ 20 – 1; đếm cách 3 từ 1 – 40; đọc chữ cái. Điểm tối đa cho mỗi bài nhỏ là 3; cho toàn bài 3 là 9 điểm.
Bài 4: Tái hiện 2 đoạn văn ngắn, mỗi đoạn có 23 đơn vị nghĩa. Nhớ đúng mỗi ý được tính 0,5 điểm. Điểm tối đa cho cả 2 đoạn văn là 23 điểm.
Bài 5: Tái hiện lần lượt từng dãy số với số lượng tăng dần theo chiều xuôi và chiều ngược. Điểm được tính theo dãy số dài nhất mà người bệnh nhắc lại đúng. Điểm tối đa của bài nhớ xuôi là 8 và nhớ ngược là 7.
Bài 6: Tái hiện thị giác 4 hình vẽ cho trước. Mỗi chi tiết tái hiện đúng được tính 1 điểm.
Bài 7: Nhớ liên tưởng 10 cặp từ gồm 6 cặp dễ và 4 cặp khó liên tưởng. Nếu tái hiện đúng trong vòng 5 giây, với mỗi cặp từ khó được 1 điểm; mỗi cặp từ dễ được 0,5 điểm. Bài được làm 3 lần và điểm được tính trung bình. Điểm tối đa là 21 điểm.
Tổng điểm của cả 7 bài được cộng thêm với điểm điều chỉnh theo lứa tuổi.
Từ điểm đã điều chỉnh, tra bảng để xác định chỉ số trí nhớ của bệnh nhân.
Trong một số trường hợp cần thiết, có thể tách riêng một vài bài để làm. Nhớ dãy số và tái hiện hình vẽ (một bài là nhớ thính giác, bài kia là nhớ thị giác) là 2 bài thường được sử dụng trong các nghiên cứu.
Khảo sát trạng thái chú ý:
Bảng schulte:
Phương pháp gồm 5 bảng số, mỗi bảng có 25 số, từ 1 đến 25, nằm theo trật tự ngẫu nhiên. Người bệnh tìm và lần lượt đọc to các số theo chiều tăng dần ở từng bảng. Người hướng dẫn ghi vào phiếu thời gian người bệnh tìm đọc số.
Nhận xét về sự di chuyển chú ý trên cơ sở:
Thời gian trung bình đọc mỗi bảng số.
Xem xét sự biến thiên thời gian trong từng bảng (đánh giá qua khoảng cách 5 số) và qua các bảng số.
Một số phiên bản và cách làm khác:
Một phiên bản khác của phương pháp gồm 3 bảng số: 2 bảng 25 số và 1 bảng 49 số. Bảng 49 số gồm 25 số màu đen và 24 số (từ 1 đến 24) màu đỏ. Yêu cầu người bệnh tìm xen kẽ: cứ một số màu đen lại một số màu đỏ. Số đen theo chiều tăng dần, số đỏ theo chiều giảm dần. Thời gian di chuyển chú ý được tính bằng hiệu của thời gian đọc bảng 3 với thời gian đọc bảng 1 và bảng 2.
Tùy theo trạng thái bệnh lí, độ tuổi của bệnh nhân mà lựa chọn cách làm thích hợp.
Bảng bourdon:
Bảng Buordon có 50 dòng, mỗi dòng 40 chữ cái (gồm 8 loại), các chữ này nằm theo một trật tự ngẫu nhiên. Phương pháp nhằm khảo sát sự phân bố, khả năng di chuyển chú ý và khả năng lao động trí tuệ của người bệnh.
Hướng dẫn người bệnh đọc và gạch các chữ cái theo yêu cầu. Thời gian làm bài tập là 10 phút, có đánh dấu từng phút.
Kết quả được phân tích qua các chỉ số:
Độ chính xác của từng phút (Cx) và trung bình trong 10 phút.
Tính năng suất từng phút (N) và trung bình của 10 phút.
Dựa trên sự biến thiên của chỉ số năng suất và độ chính xác, nhận xét:
Khả năng phân bố và di chuyển chú ý.
Khả năng lao động trí tuệ.
Các phiên bản và cách làm khác:
Bảng 50 dòng, mỗi dòng 40 chữ.
Bảng 40 dòng, mỗi dòng 30 chữ.
Bảng gồm các chữ cái in hoa.
Bảng gồm các cái chữ in thường.
Gạch một hoặc 2 loại chữ cái.
Gạch những chữ cái giống với chữ cái đầu dòng.
Làm bài trong 9 phút, chia ra 3 phút đầu, 3 phút giữa và 3 phút cuối.
Các phương pháp nghiên cứu tư duy:
So sánh khái niệm:
Hỏi lần lượt bệnh nhân những điểm giống nhau và khác nhau của các cặp khái niệm đã được chuẩn bị sẵn. Có khoảng 16 cặp từ trong đó có những cặp dễ so sánh, ví dụ: đồng và vàng; có những cặp từ khó so sánh, ví dụ: đói và khát; và có những cặp từ không so sánh được, ví dụ: chó sói và mặt trăng.
Phân tích các câu trả lời của người bệnh theo những dấu hiệu sau:
Chi tiết- cụ thể: sự so sánh của người bệnh căn cứ vào những đặc điểm cụ thể, bề ngoài hoặc vào từng chi tiết nhỏ nhặt của sự vật.
Khái quát giả: sự so sánh dựa vào đặc điểm ngẫu nhiên, không đi vào bản chất của sự vật. Thao tác so sánh dường như xuất phát từ 2 bình diện khác nhau của cặp từ.
Màu sắc cảm xúc: sự so sánh, bình luận xuất phát từ sở thích của cá nhân.
Sự phù hợp: bài tập được thực hiện trên cơ sở các dấu hiệu, đặc điểm điển hình, đặc trưng của sự vật, hiện tượng.
Trong lâm sàng tâm thần, những trường hợp có dấu hiệu suy giảm trí tuệ thường chỉ so sánh được những cặp dễ so sánh và cũng chỉ dựa trên những dấu hiệu cụ thể của sự vật. Ví dụ: chó và mèo giống nhau là cùng có lông. Những trường hợp suy giảm trí tuệ nặng thường không so sánh được vì thấy “chúng khác nhau mặc dù cùng có lông”. Những trường hợp có rối loạn tư duy theo dạng khái quát giả (thường gặp ở TTPL) có thể so sánh được cả những cặp từ không so sánh được. Tuy nhiên các thao tác so sánh của họ lại dựa trên những dấu hiệu ngẫu nhiên của sự vật. Ví dụ: “Con chim và dòng sông giống nhau ở chỗ cùng chuyển động, dòng sông thì chảy, trong con chim có các mạch máu, máu cũng chảy”.
Pictogram:
Phương pháp pictogram do các nhà tâm lí học Liên Xô xây dựng, lúc đầu dùng để nghiên cứu trí nhớ gián tiếp. Tuy nhiên trong quá trình ứng dụng trong lâm sàng, kết quả của nó còn cung cấp nhiều thông tin về các thao tác tư duy cũng như các phản ứng cảm xúc của bệnh nhân. Phương pháp được sử dụng cho bệnh nhân có trình độ văn hoá từ lớp 7 trở lên.
Bệnh nhân được yêu cầu nhớ khoảng 16 cụm từ bằng cách vẽ ra giấy một hình gì đó tùy ý để dễ nhớ từ. Sau một giờ, căn cứ vào những hình vẽ đó yêu cầu bệnh nhân tái hiện từ.
Trong danh mục các cụm từ, có những cụm dễ biểu thị bằng hình vẽ, ví dụ, lao động nặng và có những cụm từ khá trừu tượng, khó thể hiện bằng hình như: hi vọng, hạnh phúc và cũng có những cụm từ dễ gây ra các phản ứng cảm xúc như câu hỏi độc ác, em bé đói.
Kết quả được phân tích theo các chỉ số:
Các liên tưởng, thao tác tư duy: dạng khái quát, khái quát giả hay hoàn cảnh – cụ thể.
Các phản ứng cảm xúc thể hiện trong quá trình làm bài.
Kết quả nhớ gián tiếp có thể so sánh với kết quả nhớ trực tiếp thể hiện ở bài học thuộc 10 từ.
Tính phê phán của nhân cách: phàn nàn về giảm sút khả năng làm việc hay ngược lại, phê phán bài tập.
Với người bình thường, trình độ học vấn từ lớp 7 trở lên, việc thực hiện pictogram không mấy khó khăn. Hình vẽ khá đa dạng, nội dung giải thích chủ yếu là khái quát. Cá biệt có trường hợp xuất hiện khái quát giả nhưng chỉ mang tính chất “ngẫu nhiên” sau đó lại trở về qũy đạo thông thường. Hình vẽ của họ thường có mối liên hệ cơ bản với nội dung khái niệm. Đây chính là điều kiện thuận lợi cho sự tái hiện sau 1 giờ. Do nội dung hình vẽ có liên quan mật thiết với nội dung từ cần nhớ nên sau 1 giờ thì người bình thường dễ dàng tái hiện đúng khoảng 13 – 14 từ, những từ còn lại cũng là sát nghĩa.
Trong điều kiện lâm sàng:
Các rối loạn liên quan đến stress: trong bệnh cảnh lâm sàng của các rối loạn liên quan đến stress, yếu tố tâm lí chiếm vị trí chủ đạo. Yếu tố này cũng chi phối đến kết quả pictogram của họ. Hình vẽ thường là hình phức tạp, các tình huống thường có màu sắc cảm xúc rõ nét. Có những trường hợp thể hiện tình huống có bản thân bệnh nhân tham gia, hoặc một hoàn cảnh có liên quan đến kinh nghiệm cá nhân của bệnh nhân.
Kết quả pictogram ở bệnh nhân TTPL thường khá đa dạng. Về hình vẽ có thể gặp những dạng sau: hình đơn giản nhưng lại mang tính dập khuôn, định hình (stereotype). Định hình thường gặp trong số này là người hoặc mặt người. Hình không nội dung: những kí hiệu, đường nét. Những hình này không liên quan gì với nội dung từ mặc dù bệnh nhân vẫn khẳng định rằng vẽ hình để nhớ từ. Zeygarnik gọi những thao tác dạng này là khái quát giả. Những trường hợp đang có hoang tưởng rầm rộ, nội dung của hoang tưởng cũng thường được phóng chiếu vào hình vẽ, dạng như những phát minh vĩ đại (hoang tưởng phát minh) hay những vật thể siêu nhiên hay kì quái.
Động kinh tâm thần: nét điển hình của động kinh tâm thần là suy giảm trí tuệ và biến đổi nhân cách theo kiểu nhân cách động kinh (tỉ mỉ, cụ thể, chi tiết, tủn mủn, bảo thủ,…). Những đặc điểm này cũng được phản ánh trong pictogram. Nội dung hình vẽ: có thể gặp những bộ phận hoặc chi tiết nhỏ. Cũng có những cụm từ được biểu đạt bằng hình phức tạp song khá rườm rà các chi tiết, hoặc có thể là một hoàn cảnh cụ thể, có địa chỉ.
Các phương pháp khảo sát cảm xúc:
Thang trầm cảm hamilton:
Thang trầm cảm Hamilton là một dạng phỏng vấn có cấu trúc. Thang gồm 21 mục về các triệu chứng cơ thể và tâm lí của trầm cảm. Trong mỗi mục có liệt kê một số định hướng chính để nhà lâm sàng hỏi chuyện. Tùy theo mức độ nặng nhẹ của triệu chứng mà cho điểm.
Xác định mức độ trầm cảm dựa theo tổng số điểm của bệnh nhân.
Thang trầm cảm beck:
Thang trầm cảm Beck là thang tự đánh giá. Thang gồm 13 mục, trong mỗi mục mô tả một triệu chứng trầm cảm ở các mức độ khác nhau. Người bệnh tự lựa chọn mức độ triệu chứng phù hợp với trạng thái của mình.
Mức độ trầm cảm được xác định theo tổng điểm của các mục.
Thang lo âu spielberger:
Theo Spielberger, cần phải phân biệt giữa trạng thái lo âu với nét nhân cách lo âu. Với những người có nét nhân cách lo âu tăng đậm, các kích thích môi trường ở mức độ vừa cũng đã có thể gây nên trạng thái lo âu. Ngược lại, đối với những người có điểm số thấp về nét nhân cách lo âu thì phản ứng lo âu cũng thấp hơn. Do vậy Spielberger đã thiết kế thang đo lo âu thành 2 phần: đo trạng thái lo âu (hiện tại) và đo nét nhân cách lo âu.
Một điểm khác biệt nữa trong thang lo âu Spielberger là nó còn được sử dụng để đo stress. Với phần thứ nhất (đo trạng thái lo âu), nếu điểm dưới 64 thì không có lo âu (bệnh lí) mà đó chỉ là trạng thái stress ở các mức độ khác nhau. Với phần 2, nếu điểm số trên 64 thì đó mới được coi là có dấu hiệu bệnh lí. Nếu kết quả dưới 64 thì được xem là sự thể hiện của tinh thần trách nhiệm.
Cách thực hiện: yêu cầu người bệnh đọc bảng in sẵn các câu hỏi của thang Spielberger (gồm 2 phần tách riêng) và lựa chọn mức độ phù hợp với mình ở từng câu.
Xử lí kết quả dựa theo số điểm tổng trong từng phần:
Có lo âu hay không?
Nếu không có lo âu thì phân tích theo trạng thái stress.
Thang lo âu zung:
Thang lo âu Zung cũng là thang tự đánh giá. Ưu điểm của nó là ngắn gọn, xử lí khá đơn giản nên được ưa dùng trong lâm sàng. Tuy nhiên do đơn giản nên một số tác giả khuyên chỉ nên dùng để khảo sát sàng lọc.
Thang gồm 20 câu nhằm đánh giá tình trạng lo âu. Bệnh nhân lần lượt đọc từng câu và lựa chọn mức độ phù hợp với mình.
Dựa vào tổng số điểm để đánh giá trạng thái lo âu của bệnh nhân.
Các trắc nghiệm trí tuệ.
Trắc nghiệm trí tuệ raven:
Trắc nghiệm trí tuệ Raven xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1936. Theo Raven (người Anh) – tác giả của trắc nghiệm – đây là phương pháp đo năng lực tư duy trên bình diện rộng nhất. Cơ sở lí luận của trắc nghiệm chính là lí thuyết về yếu tố g trong cấu trúc trí tuệ. Trắc nghiệm Raven còn được gọi là “Trắc nghiệm khuôn hình tiếp diễn” (Progressive matries).
Do trắc nghiệm thuộc vào loại phi ngôn ngữ, dễ sử dụng, dễ xử lí kết qủa nên mặc dù có những hạn chế nhất định (phổ đo không rộng, kém nhạy đối với những trường hợp suy giảm trí tuệ rõ rệt…), trắc nghiệm trí tuệ Raven vẫn được ưa dùng ở nước ta.
Toàn bộ trắc nghiệm có 60 bài, được chia thành 5 nhóm, mỗi nhóm 12 bài. Trong mỗi nhóm, bài sau khó hơn bài trước, còn trong toán trắc nghiệm, nhóm sau khó hơn nhóm trước.
Nguyên tắc cấu tạo các khuôn hình:
Nhóm A: dựa theo nguyên tắc tính trọn vẹn, liên tục của cấu trúc.
Nhóm B: theo nguyên tắc giống nhau giữa các cặp hình.
Nhóm C: sự thay đổi tiếp diễn trong các cấu trúc.
Nhóm D: sự đổi chỗ của các hình.
Nhóm E: sự chia tách hình tổng thể thành các bộ phận.
Trắc nghiệm có thể dùng cho cá nhân hoặc cho nhóm. Thời gian không hạn chế. Từ kết quả mà cá nhân thực hiện được, tra bảng để xác định chỉ số IQ. Đối với trẻ em dưới 16 hoặc người trên 65 có phiên bản riêng với 36 bài và có màu.
Trắc nghiệm trí tuệ wechsler:
Kể từ khi xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1939, thang trí tuệ Wechsler đã trải qua nhiều lần sửa đổi, hoàn chỉnh và mở rộng.
Ban đầu thang có tên “The Wechsler – Bellevue Intelligence Scale”. Khác với thang Stanford – Binet sắp xếp các bài tập theo độ tuổi, thang trí tuệ Wechsler- Bellevue đi vào các tiểu test (subtest). Ví dụ: các bài tập số học được đưa vào một nhóm và sắp xếp theo thứ tự khó dần.
Kết quả trắc nghiệm được xử lí theo 2 thang: thang thực thi (Performance Scale) – có 5 tiểu test – và thang sử dụng ngôn ngữ (Verbal Scale) – có 6 tiểu test. Như vậy, ngoài việc có thể tính chỉ số IQ tổng quát, có thể tính được IQ của từng phần riêng biệt.
Sau lần chỉnh lí năm 1955, trắc nghiệm có tên “The Wechsler Adult Intelligent Scale” – WAIS.
Năm 1981, thang lại được thay đổi: WAIS-R. Phiên bản này dựa trên mẫu chuẩn theo điều tra dân số của Hoa Kì năm 1970. Mẫu được lựa chọn gồm 1.880 người của 9 nhóm tuổi khác nhau. Năm 1997, trắc nghiệm trí ruệ Wechsler được sửa đổi, chuẩn hoá lại và là WAIS-III.
Lúc đầu, thang Wechsler chỉ có phiên bản dành cho người lớn. Năm 1949 mới xuất hiện WISC (The Wechsler Intelligence Scale for Children). Trắc nghiệm này dựa trên mẫu chuẩn gồm 2.200 trẻ em Mĩ da trắng, theo tỉ lệ điều tra dân số năm 1940. Do có những tranh luận khi đo IQ ở trẻ em thuộc các nhóm sắc tộc thiểu số hoặc con em của những gia đình thuộc tầng lớp dưới, phiên bản đã được chuẩn hoá vào năm 1974: WISC-R. Năm 1991 xuất hiện WISC-III và năm 2003 xuất hiện WISC -IV.
Trong WAIS-R có 11 tiểu test, được chia thành 2 nhóm: các tiểu test dùng lời và các tiểu test thực thi.
Mô tả trắc nghiệm WAIS-R:
Các tiểu test dùng lời:
Kiến thức chung (General Information). 29 câu hỏi xắp xếp theo mức độ khó tăng dần. Ví dụ: cao su được lấy từ đâu? Nhiệt kế là gì?
Hiểu biết chung (General Comprehention). Bài tập có 14 câu hỏi nhằm xác định năng lực hiểu ý nghĩa các thành ngữ, năng lực phán đoán, hiểu các chuẩn mực đạo đức, xã hội. Điểm được cho tùy theo mức độ khái quát của câu trả lời của đối tượng.
Số học (Arithmetic): tiểu test có 14 bài tập số học để đánh giá năng lực tính toán. Đối tượng được yêu cầu thực hiện các phép tính nhẩm và trả lời miệng. Điểm được cho tùy theo thời gian giải đúng từng bài.
So sánh (Similarities): đối tượng được yêu cầu so sánh sự giống nhau của 13 cặp khái niệm. Điểm được cho tùy theo mức độ khái quát của câu trả lời.
Nhớ dãy số (Digit Span): nội dung của bài tập gồm 2 phần: nhớ dãy số xuôi và ngược. Điểm được cho theo tổng số các số nhớ được sau cả 2 lần.
Vốn từ (Vocabulary): toàn bộ bài tập có 40 từ. Đối tượng có nhiệm vụ giải thích các từ này. 10 từ đầu là những từ thông thường, được sử dụng hàng ngày. 10 từ tiếp theo có mức độ trừu tượng vừa phải. Những từ sau cùng có mức độ trừu tượng cao nhất, đòi hỏi đối tượng phải có trình độ học vấn nhất định mới có thể giải thích được rõ ràng. Điểm được cho tùy theo mức độ khái quát của câu trả lời.
Các tiểu test thực thi:
Ghi kí hiệu (Digit Symbol). Có 9 kí hiệu khác nhau đi theo các số từ 1 đến 9. Đối tượng có nhiệm vụ ghi các kí hiệu tương ứng vào 100 ô có số cho trước. Thời gian cho phép là 90 sec. Điểm được tính theo các ô điền đúng.
Nét thiếu (Picture Completion): đối tượng được lần lượt quan sát 21 bức vẽ và phải chỉ ra nét thiếu trong mỗi bức vẽ đó.
Xếp khối (Block Design): nhiệm vụ của đối tượng là sắp xếp các khối có 2 màu đỏ và trắng khác nhau theo hình đã cho trước. Điểm số phụ thuộc vào tường mẫu và thời gian thực hiện.
Sắp xếp trật tự các bức tranh (Picture Arrangement): có 8 bộ tranh về 8 chủ đề khác nhau. Yêu cầu đối tượng phải xắp xếp theo trật tự logic của từng bộ. Điểm được tính theo từng bộ và thời gian thực hiện.
Ghép hình (Object Assemli): 4 hình được cắt rời làm nhiều mảnh. Đối tượng có nhiệm vụ phải ghép các mảnh cắt đó lại với nhau để tạo thành hình đã cho. Ví dụ: hình bàn tay hay hình con voi.
Điểm thô ban đầu được quy thành điểm chuẩn (đã có bảng tính sẵn). Từ điểm tổng của toàn trắc nghiệm, tra bảng để xác định chỉ số IQ. Cũng từ điểm tổng của từng phần, có thể xác định được IQ phần lời và IQ thực thi.
Ưu thế của thang Wechsler là ở chỗ nó có những phần dành cho người chậm phát triển trí tuệ, có bản dành cho người lớn và cho trẻ em. Tuy nhiên việc thực hiện nó đòi hỏi khá nhiều thời gian và kĩ năng hướng dẫn, theo dõi. Mặt khác, việc chuyển ngữ và thích ứng nhằm xác lập chuẩn trong điều kiện Việt Nam cũng không đơn giản. Do thang Wechsler được đưa vào nước ta từ những nguồn khác nhau, cách chuyển ngữ của từng tác giả cũng khác nhau nên chúng ta cũng chưa có một test trí tuệ thống nhất chung.
Các phương pháp khảo sát nhân cách.
Trong lâm sàng tâm thần thường sử dụng 2 loại trắc nghiệm chính là dạng bộ câu hỏi và các trắc nghiệm phóng chiếu.
Các thang đo dạng bộ câu hỏi:
Trắc nghiệm eysenck:
Năm 1947, trên cơ sở phân tích kết quả nghiên cứu ở 700 quân nhân bị suy nhược thần kinh, H. J. Eysenck – giáo sư tâm lí học người Anh đã xác định được 2 yếu tố chính từ tổng số 39 biến số: tính thần kinh (dễ bị kích thích) và yếu tố hướng nội – hướng ngoại. Cùng với kết quả nghiên cứu của nhiều tác giả khác, Eysenck cho rằng nhân cách được cấu trúc bởi 2 yếu tố chính đó.
Yếu tố hướng nội – hướng ngoại (I): người hướng ngoại điển hình là người cởi mở, giao tiếp rộng, có nhiều bạn, người quen. Họ hành động dưới ảnh hưởng chốc lát, có tính chất xung động, vô tâm, lạc quan, thích vận động và hành động. Tình cảm và cảm xúc của họ không được kiểm soát chặt chẽ.
Người hướng nội điển hình là người điềm tĩnh, rụt rè, nội quan, hay giữ kẽ, ít tiếp xúc, giao tiếp với mọi người, trừ những bạn bè thân. Họ có khuynh hướng muốn hoạch định kế hoạch hành động. Không thích sự kích động, làm công việc hàng ngày với tinh thần nghiêm túc, thích trật tự, ngăn nắp. Kiểm soát chặt chẽ cảm xúc tình cảm của mình, không dễ dàng buông thả.
Tính thần kinh – tính ổn định về cảm xúc (N): người có tính thần kinh ổn định cao là người mềm dẻo/hay thay đổi về cảm xúc, khá nhạy cảm và dễ nổi nóng, dễ ấn tượng.
Như vậy có thể biểu thị cấu trúc nhân cách bằng một hệ trục toạ độ của 2 yếu tố.
Để đo 2 yếu tố này, Eysenck đã thiết lập bảng kiểm tra nhân cách EPI
(Eysenck Personality Inventory). Trắc nghiệm gồm có 57 câu hỏi trong đó 24 câu về tính hướng nội-hướng ngoại; 24 câu khảo sát tính ổn định của thần kinh và 9 câu dành để kiểm tra độ tin cậy của các câu trả lời.
Eysenck cũng đã cố gắng đi sâu tìm hiểu và lí giải các yếu tố. Ông đã nêu ra giả thuyết cho rằng kiểu thần kinh mạnh và yếu của Pavlov rất gần với kiểu nhân cách hướng ngoại và hướng nội. Cùng với giả thuyết đó, Eysenck đã tìm kiếm các mối tương quan giữa các chỉ số sinh lí với các số đo nhân cách. Ví dụ: đối với người hướng nội: mạch nhanh hơn, ngưỡng thính giác thấp hơn, hình thành phản xạ có điều kiện nhanh hơn, trí tuệ cao hơn. Ngược lại, đối với người nhân cách hướng ngoại: mạch chậm, ngưỡng cảm giác cao; khó thành lập phản xạ có điều kiện và trí tuệ thấp hơn.
Sau này Eysenck có bổ sung thêm yếu tố thứ 3, yếu tố tính tâm thần và cũng soạn thảo, chỉnh lí lại Bảng kiểm. Tuy nhiên phiên bản đầu (đo 2 yếu tố) được sử dụng rộng rãi hơn.
Trắc nghiệm cattell:
Trắc nghiệm nhân cách Cattell 16 PF được soạn thảo năm 1949, nhằm đo 16 yếu tố của nhân cách. Theo Cattell, nhân cách được cấu thành từ 16 chứ không phải 2 yếu tố như theo Eysenck. Tất nhiên quan niệm này của Cattell hoàn toàn không phải là võ đoán mà dựa trên cơ sở phân tích yếu tố và kết quả của những phương pháp khách quan khác.
Trắc nghiệm nhân cách Cattell có 2 phiên bản A, B, mỗi phiên bản gồm 187 câu và phiên bản C rút gọn có 105 câu. Mỗi yếu tố bao gồm một số câu nhất định. Khách thể có thể lựa chọn 1 trong 3 câu trả lời đã có. Câu trả lời được chuyển qua điểm thô (0 hoặc 1 hay 2 điểm). Tổng số điểm thô của từng yếu tố được quy ra điểm chuẩn (theo thang bậc 10 đối với 2 phiên bản chính) tùy theo tuổi và giới. Dựa vào điểm chuẩn đó mà lí giải từng yếu tố.
Mmpi:
Thiết kế MMPI được bắt đầu từ năm 1939 tại ĐHTH Minnesota (Hoa Kì). Lúc bấy giờ S.R. Hathaway và J.C. Mc Kinley muốn có được một bộ công cụ nhằm hỗ trợ cho quy trình thăm khám tâm thần, giúp việc đánh giá một cách cẩn thận mức độ rối loạn tâm thần. Sau đó các tác giả rất quan tâm đến việc đánh giá những thay đổi do trị liệu tâm lí và trong cuộc sống của người bệnh.
Cơ sở chính để xây dựng MMPI là tiêu chuẩn kinh nghiệm thực tiễn (Empirical criterion) và tiêu chuẩn bên ngoài (xem thêm về độ hiệu lực tiêu chuẩn). Test được thiết kế như sau:
Thu thập các câu về nhân cách từ những nguồn khác nhau: các thang đo nhân cách, thái độ xã hội đã có; các thông báo lâm sàng; lịch sử các ca; những hướng dẫn khám tâm thần và kinh nghiệm cá nhân. Tất cả được khoảng 1000 câu.
Loại những câu trùng lặp, chỉnh sửa những câu còn lại (còn 504 câu).
Chọn nhóm bình thường và các nhóm bệnh tâm thần khác nhau để trả lời câu hỏi. Nhóm bình thường chủ yếu là bạn bè, người nhà người bệnh của bệnh viện ĐHTH Minnesota và những người tự nguyện. Nhóm này gồm 228 nam và 315 nữ (loại trừ những người đang được bác sĩ theo dõi hoặc đang dùng thuốc).
Cùng với các câu hỏi trắc nghiệm họ cũng phải điền các thông tin về nhân thân: tuổi, giới, nghề nghiệp, học vấn,…
Sau khi lựa chọn, bổ sung thêm cho phù hợp với các tỉ lệ của dân cư bang Minnesota về tuổi, giới, tình trạng hôn nhân theo điều tra dân số năm 1930. Tổng số nhóm này là 724 người.
Nhóm người bệnh đại diện hầu hết các loại bệnh tâm thần đang có tại các bệnh viện bang Minnesota. Số người bệnh này được chia theo các phân nhóm chẩn đoán, mỗi phân nhóm là 50 người bệnh. Kết quả cuối cùng gồm có các nhóm: nghi bệnh; hysteria; rối loạn nhân cách; paranoia; suy nhược tâm thần; TTPL và hưng cảm nhẹ.
Sau khi đã có kết quả, Hathaway và Mc Kinley tiến hành phân tích so sánh từng nhóm lâm sàng với nhóm bình thường và giữa các nhóm lâm sàng với nhau.
Toàn bộ MMPI gồm 566 câu, trong đó có 16 câu được nhắc lại. Các câu của MMPI là những câu khẳng định về sức khỏe thể chất, quan hệ xã hội và các khía cạnh khác của nhân cách. Mỗi câu có 3 phương án trả lời: đúng, không, không rõ. Kết quả câu trả lời này được quy ra điểm thô, từ điểm thô được quy ra điểm chuẩn T. Thiết đồ (Profile) nhân cách MMPI bao gồm 10 thang lâm sàng và 3 thang phụ. Các thang lâm sàng gồm Hs – Nghi bệnh; D – Trầm cảm; Hy – Hysteria; Mf – Nam tính/nữ tính; Pd – Rối loạn nhân cách; Pa – Paranoia; Pt – Suy nhược tâm thần; Sc – Tâm thần phân liệt; Ma – Hưng cảm nhẹ; Si – Hướng nội xã hội.
3 thang phụ gồm thang nói dối – L, thang tin cậy F (là dạng câu trả lới ít gặp) và thang điều chỉnh K.
Có thể nhận xét về nhân cách người bệnh trên thiết đồ nhân cách: T = 50 10 là trung bình. Trong khoảng 30 đến 40 và 60 đến 70 là ranh giới. T >70 hoặc T
Để phục vụ cho những nghiên cứu thăm dò, các nhà tâm lí học Nga đã cải biên và rút gọn bộ câu hỏi MMPI còn 71 câu và lược bỏ 2 thang lâm sàng là Mf và Si.
Sau khi MMPI được công bố, nhiều nhà nghiên cứu khác cũng đã thiết kế các thang phụ khác, ví dụ: thang trầm cảm.
Một hướng khác khai thác và sử dụng MMPI, đó là viết phầm mềm và sử dụng trên máy vi tính.
Ngoài ra MMPI còn được dịch ra nhiều thứ tiếng và được sử dụng rộng rãi.
Những phê phán MMPI tập trung vào những điểm: tính lạc hậu ngày càng tăng; tính phức tạp khi xây dựng các thang ban đầu; nhóm mẫu chuẩn không phù hợp; có nhiều câu khó và trở ngại về chủng tộc (Butcher & Pope, 1989).
Các phê phán đó dẫn đến chuẩn hoá lại test. Công việc này bắt đầu vào năm 1982. Mặc dù cần phải có những thay đổi lớn song hội đồng tái chuẩn hoá vẫn giữ lại những nét cơ bản của MMPI.
MMPI-2 đã được hoàn thiện năm 1989 và có nhiều điểm khác so với MMPI.
Khai thác và sử dụng MMPI: có thể sử dụng MMPI cho những người từ độ tuổi 16 với trình độ học vấn từ lớp 8 trở lên. Trong thực tế, theo Groth-Marnat (1990), test có hiệu quả đối với cả những người dưới 13, 14 tuổi.
Các trắc nghiệm phóng chiếu:
Cơ sở lí luận:
Các trắc nghiệm phóng chiếu (projective tests) gây ra khá nhiều tranh cãi, đặc biệt là cơ sở lí luận của nó. S. Freud cho phóng chiếu là một cơ chế tự vệ (1894), giống như những ý hướng, tâm thế để đáp ứng có hiệu quả tác động từ bên ngoài. Một số tác giả khác cho rằng, phóng chiếu thể hiện ở việc chủ thể đặt trạng thái tâm lí của mình vào một người khác và mô tả ở người đó những đặc điểm mà thực tế đang có ở chính bản thân mình (A. A. Bodaliov, 1970).
Một quan niệm khác lại lí giải phóng chiếu từ quan niệm “tự kỷ”. Theo quan niệm này, nếu một nhu cầu nào đó không được thỏa mãn, thì càng ngày nó càng tăng dần về cường độ và mức độ cụ thể hóa, đến một chừng mực nhất định, nó sẽ dẫn đến sự phóng chiếu nội dung nhu cầu vào trí tưởng tượng, giấc mơ hoặc sự hứng thú… của chủ thể (D. C. McCleland, J. W. Atkinson, 1948).
Quan niệm phóng chiếu “hợp lí hóa” cũng khá được thịnh hành. Theo quan niệm này, những đánh giá phù hợp với các đặc điểm âm tính của người này có thể được “di chuyển” sang người khác và sự phóng chiếu được bộc lộ như một yếu tố biện hộ cho hành vi của người đó “cũng như mọi người” (E. Frenkel Brunswik, 1939).
Từ những quan niệm trên, chúng ta thấy phương pháp phóng chiếu là phương pháp nghiên cứu nhân cách một cách gián tiếp, dựa trên việc xây dựng những tình huống kích thích đặc trưng, mềm dẻo. Nhờ tính tích cực của tri giác mà các tình huống này đã tạo điều kiện thuận lợi nhất cho sự thể hiện khuynh hướng của tâm thế, trạng thái của cảm xúc cũng như đặc điểm nhân cách (B. M. Blaykhe và F. Burlatruc, 1978).
Trong lâm sàng tâm thần có rất nhiều phương pháp phóng chiếu được sử dụng. Trong bài này, chúng tôi trình bày 2 phương pháp tiêu biểu nhất là phương pháp Rorschach, phương pháp TAT.
Trắc nghiệm tat (thematic apperception test):
Trắc nghiệm tổng giác chủ thể TAT được H. Murray mô tả lần đầu tiên vào năm 1935, với tư cách là một trắc nghiệm nghiên cứu về sự tưởng tượng. Sau đó TAT được sử dụng như là một loại trắc nghiệm xuất chiếu để luận giải những vấn đề về nhân cách.
Trắc nghiệm bao gồm 29 tấm hình và một tấm bìa trắng, không có hình gì (để người bệnh có thể tưởng tượng ra trên đó bất kỳ hình ảnh nào).
Trong số các tấm hình này, có những hình dễ tạo ra những câu chuyện theo chủ đề như: khêu gợi trầm cảm, hưng cảm (tấm số 3, 14, 15); khêu gợi sự gây hấn và tình dục (tấm số 13, 18); khêu gợi sự xâm chiếm, làm chủ hay phụ thuộc (tấm số 12); khêu gợi sự xung đột tình dục và gia đình (tấm số 4, 6)… Có một số tấm hình sử dụng cho cả nam và nữ; có một số tấm hình chỉ dùng riêng cho nam hoặc riêng cho nữ; đồng thời cũng có những tấm dành riêng cho thiếu niên…
Trắc nghiệm được tiến hành dưới góc độ những câu chuyện bình thường, thân mật. Mỗi người bệnh được xem 20 tấm hình, chia làm hai buổi (mỗi buổi xem 10 tấm, giữa hai buổi cách nhau không quá một ngày). Sau khi xem mỗi tấm hình, người bệnh tạo dựng một câu chuyện nhỏ, liên quan đến tấm hình đó (trung bình 5 phút cho mỗi hình). Trong quá trình trắc nghiệm có thể đặt ra những câu hỏi để người bệnh nói rõ hơn những điều mà họ đã đề cập đến. Nhìn chung, chuyện kể của khách thể nghiên cứu phải làm sáng tỏ ba yếu tố cơ bản là: cái gì đã dẫn đến những tình huống được mô tả trong tấm hình; cái gì đang diễn ra lúc này; tình huống đó được kết thúc như thế nào?
Trắc nghiệm viên ghi lại toàn bộ những lời nói, những lí giải của người bệnh như: nói về việc gì, nói về ai, những tình huống nào hay được nhắc đi, nhắc lại, các xung đột được giải quyết như thế nào… Cũng có khi khách thể nghiên cứu tự ghi lại nội dung câu chuyện của mình. Trong biên bản cần ghi cả những chi tiết phụ như giọng điệu, động tác, chỗ nghỉ ngắt quãng, thời gian thực hiện trên mỗi tấm hình, những lời nói sai ngữ pháp, nói lẫn về nội dung… Trong quá trình trắc nghiệm, có thể sử dụng các phương tiện nghe nhìn để ghi âm, ghi hình, giúp cho việc lưu giữ và phân tích kết quả nghiên cứu.
Theo H. A. Murrey, giá trị chẩn đoán của trắc nghiệm dựa trên sự thừa nhận có 2 khuynh hướng để con người tự thể hiện mình:
Một là, con người lí giải các vấn đề tùy theo sự phức tạp của tình huống và tùy theo kinh nghiệm, nhu cầu của bản thân.
Hai là, trong mỗi một khía cạnh hoạt động sáng tạo nào đó, con người đều dựa trên những trải nghiệm cá nhân, phản ánh một cách có ý thức hoặc vô thức những nhu cầu, tình cảm của mình vào trong những nhân vật điển hình do mình sáng tạo ra (thường những nhân vật này đồng nhất với bản thân khách thể nghiên cứu).
Theo H. A. Murrey, câu chuyện mà khách thể nghiên cứu tạo dựng theo “chủ đề” thực ra là câu chuyện kể về mình. Qua phân tích hoàn cảnh diễn biến câu chuyện, nội dung cốt chuyện, đặc điểm nhân vật trong chuyện… sẽ giúp cho trắc nghiệm viên biết được tình cảm, ý nghĩ, vị trí xã hội, nguyện vọng, mong muốn, tính cách, sự cạnh tranh, những xung đột, những thất bại, thành đạt…, nghĩa là biết được bức tranh nhân cách sinh động của khách thể nghiên cứu.
Điểm hạn chế đáng kể của TAT là sự phức tạp trong kĩ thuật phân tích kết quả nghiên cứu. Cho đến nay đã có trên 20 sơ đồ khác nhau để phân tích kết quả TAT. E. T. Xôcôlôva cho rằng, những qui luật mà trắc nghiệm TAT phát hiện được chỉ là những khả năng tiềm tàng của nhân cách và không nên kết hợp một cách máy móc các tài liệu nghiên cứu của TAT với các phương pháp nghiên cứu nhân cách khác.
Trắc nghiệm rorschach:
Trắc nghiệm do nhà tâm thần học Thụy Sĩ H. Rorschach xây dựng năm 1921. Ông là một trong những người đầu tiên nhận thấy có mối liên hệ giữa sản phẩm của trí tưởng tượng với các kiểu nhân cách. Trong quá trình thực nghiệm trên người bình thường và trên người bệnh tâm thần, Ông đã phát hiện ra có một số người tri giác kiểu “vận động” (họ có khuynh hướng cảm thụ về mặt vận động, động thái của sự vật, hiện tượng); ngược lại, có một số người lại tri giác kiểu “màu sắc” (họ tập trung trả lời về màu sắc của những sự vật, hiện tượng mà họ quan sát được). Theo Ror- schach, kiểu tri giác (hay kiểu rung động) nói lên xu thế hướng nội hay hướng ngoại trong nhân cách của người được trắc nghiệm. Với người hướng nội bình thường, thì những câu trả lời về vận động chiếm ưu thế hơn so với những câu trả lời về màu sắc. Ở những người hướng nội bệnh lí, thì chỉ toàn những câu trả lời về vận động. Cũng tương tự như vậy, chúng ta phân biệt được người hướng ngoại bình thường (những câu trả lời về màu sắc chiếm ưu thế) và người hướng ngoại bệnh lí (chỉ có những câu trả lời về màu sắc).
Khác với Jung, Rorschach cho rằng hướng nội và hướng ngoại không phải là những thuộc tính loại trừ lẫn nhau của nhân cách, mà chúng cùng tồn tại ở bất kỳ người nào, tuy mức độ ưu thế không ngang bằng nhau (có kiểu chiếm ưu thế hơn). Ngoài hai kiểu nhân cách trên, Ông còn nêu ra kiểu nhân cách “bế tắc” (các câu trả lời vận động và màu sắc đều rất ít, hầu như không có) và kiểu nhân cách “lưỡng năng” (các câu trả lời về vận động và màu sắc đều rất nhiều, số lượng ngang bằng nhau). Bốn kiểu nhân cách của Rorschach đều bao gồm những yếu tố tương quan về trí thông minh, trạng thái xúc động, nét tính cách và những bệnh tâm thần xác định.
Tuy cơ sở lí luận của trắc nghiệm Rorschach còn nhiều điều đang tranh luận, song đây là một trong những trắc nghiệm nhân cách xuất chiếu được sử dụng rộng rãi trong lâm sàng hiện nay.
Trắc nghiệm Rorschach bao gồm 10 bức tranh giống như những vết mực loang đều sang hai bên của một trục đối xứng (inkblots). Bức số II và số III có hai màu đen và đỏ; bức VIII, IX, X có nhiều màu sắc; các bức còn lại có màu đen xám.
Người bệnh được xem lần lượt từng vết mực và trả lời câu hỏi: “cái gì đây” hoặc “cái này giống cái gì”… Người tiến hành trắc nghiệm quan sát và ghi chép đầy đủ, chi tiết tất cả nội dung các câu trả lời, cử chỉ, nét mặt, điệu bộ, hướng nhìn, thời gian bắt đầu trả lời, thời gian kết thúc trắc nghiệm với từng vết mực… của người bệnh. Có thể dùng các phương tiện nghe nhìn hiện đại để ghi lại diễn biến của quá trình trắc nghiệm.
Sau khi trả lời xong 10 tấm hình vết mực loang, có thể yêu cầu người bệnh nói rõ thêm vị trí, hình thể của những vật mà họ đã nói tới; yêu cầu họ trả lời vì sao và cái gì buộc họ nghĩ về vật ấy… Có thể yêu cầu họ vẽ lại những hình mà họ đã mô tả. Và cuối cùng, yêu cầu người bệnh nói xem, họ thích nhất vết mực nào, không thích vết mực nào, vì sao…
Toàn bộ các câu trả lời của người bệnh được phân tích theo các chỉ số sau:
Các đặc điểm định vị trong câu trả lời: câu trả lời mang tính toàn thể (W), bao trùm lên toàn bộ bức tranh hay trả lời một cách chi tiết (D, Dd, S).
Yếu tố chủ đạo: câu trả lời về hình thể (F); về màu sắc kết hợp với hình thể (FC, CF, C); màu sắc chuyển tiếp (C’, C) hay trả lời về sự vận động (M).
Dấu của hình thể: hình thể được phản ánh phù hợp với bức tranh (F +) hoặc không phù hợp (F -).
Nội dung trả lời: các nội dung này rất khác nhau, có thể câu trả lời về người (H), về động vật (A), hay về lửa (Fi)…
Yếu tố bổ sung: tính độc đáo (Orig) hay tính phổ thông (P) của câu trả lời. Trong lâm sàng tâm thần có sự khác biệt khá rõ rệt giữa các bệnh khác nhau theo những chỉ số trên. Đây cũng là cơ sở chính cho chẩn đoán tâm lí lâm sàng theo test Rorschach.