Hội chứng đau.
Đau vùng thận và niệu quản:
Đau cấp tính (cơn đau quặn thận):
Cơn đau quặn thận là một chứng đau cấp tính, xuất hiện đột ngột ở vùng mạn sườn thắt lưng. Đau dữ dội, căng tức, không có tư thế giảm đau. Đau lan xuyên từ hố thận xuống hố chậu và vùng bẹn sinh dục cùng bên. Đau thành cơn, nghỉ ngơi đỡ đau. Trong cơn đau có thể kèm theo các triệu chứng rối loạn tiểu tiện, buồn nôn, nôn, trướng bụng.
Cơ chế của cơn đau quặn thận: có hai cơ chế.
Các nguyên nhân gây tắc nghẽn, cản trở lưu thông niệu quản, gây ứ niệu làm căng giãn đột ngột bể thận – niệu quản: sỏi thận – niệu quản, co thắt niệu quản, cục máu đông, cục dưỡng chấp đông…
Các nguyên nhân gây thiếu máu cấp tính vùng thận: xoắn vặn cuống thận, cục nghẽn động mạch thận…
Đau mạn tính vùng thận:
Thường là đau âm ỉ, căng tức vùng mạn sườn thắt lưng, đau tăng lên sau lao động và vận động, có thể kèm theo sốt, rối loạn tiểu tiện và thay đổi thành phần nước tiểu.
Thường có nguyên nhân gây trở ngại lưu thông của thận, niệu quản mãn tính. Có thể do viêm, do sỏi tiết niệu, do u thận hoặc các nguyên nhân chèn ép từ ngoài vào thận và niệu quản.
Đau vùng bàng quang:
Đau cấp tính:
Triệu chứng đau cấp tính vùng bàng quang thường ít gặp. Chủ yếu gặp trong trường hợp bí đái cấp, cầu bàng quang căng to hoặc trong chấn thương vùng bàng quang.
Đau mạn tính:
Đau mãn tính vùng bàng quang thường hay gặp. Biểu hiện của bệnh là đau âm ỉ vùng hạ vị, đau thường liên quan tới rối loạn tiểu tiện như đái rắt, đái buốt. Nguyên nhân thường gặp là viêm bàng quang, u bàng quang, sỏi bàng quang lao bàng quang…
Đau vùng tiền liệt tuyến:
Đau chói cấp tính tiền liệt tuyến:
Thường chỉ gặp trong khi thăm khám, khi rặn đái đau chói dội lên.
Nguyên nhân là do áp xe tiền liệt tuyến, sỏi tiền liệt tuyến.
Đau mãn tính tiền liệt tuyến:
Chủ yếu là cảm giác nặng tức ở vùng tiền liệt tuyến, vùng hạ vị hoặc vùng tầng sinh môn, mót đi ngoài.
Đau vùng bìu (hạ nang tinh hoàn):
Đau cấp tính:
Thường gặp trong viêm tinh hoàn, mào tinh hoàn cấp, xoắn tinh hoàn.
Đau khó chịu, căng tức, đi lại khó khăn.
Đau mãn tính vùng bìu:
Đau âm ỉ, cảm giác nặng nề gây ảnh hưởng tới vận động.
Đau dương vật và niệu đạo:
Đau buốt dọc niệu đạo cấp tính khi đi tiểu, đau như dao cắt gặp trong viêm niệu đạo cấp do lậu.
Đau mãn tính niệu đạo: cảm giác ngứa ngáy, đau nhồn nhột khó chịu trong lòng niệu đạo, gặp trong viêm niệu đạo mãn tính.
Đau dương vật cấp:
Đau do cương cứng dương vật kéo dài gặp trong viêm tắc tĩnh mạch thể hang.
Đau dương vật mãn:
Các khối u, viêm ở qui đầu, rãnh qui đầu gây ngứa ngáy, nhồn nhột, khi u di căn, hoại tử thì đau tăng lên.
Rối loạn tiểu tiện.
Đái đau (đái buốt, đái tức, đái xót):
Khi đi tiểu thấy đau ở hệ tiết niệu thấp.
Đái đau đầu bãi: thường gặp trong viêm niệu đạo cấp, nhất là trong lậu cấp. Bệnh nhân đái rất đau, có cảm giác như là dao cứa dọc niệu đạo.
Đái buốt cuối bãi: đái gần xong thấy đau buốt ngược trở lên bàng quang, thường gặp trong tổn thương vùng cổ bàng quang, tam giác bàng quang, trong viêm bàng quang cấp, sỏi bàng quang.
Đái đau toàn bãi: do có trở ngại lưu thông mãn tính ở niệu đạo như sỏi niệu đạo hay u niệu đạo.
Đái nhiều lần (tăng lần):
Đái nhiều lần (còn gọi là đái rắt): là bệnh nhân bị tăng số lần đi tiểu lên nhiều nhưng mỗi lần đi được ít nước tiểu, thường đi kèm với triệu chứng đái buốt, triệu chứng này hay gặp trong viêm bàng quang, sỏi bàng quang, u tuyến tiền liệt.
Đái tăng lần về ban đêm: hay gặp trong u tiền liệt tuyến.
Đái tăng lần ban ngày: gặp trong sỏi bàng quang do sỏi kích thích vùng cổ bàng quang khi vận động.
Đái tăng lần cả ngày và đêm: gặp trong lao bàng quang hay u tiền liệt tuyến giai đoạn II.
Bí đái:
Bí đái là tình trạng bệnh nhân có bàng quang căng đầy nước tiểu (có cầu bàng quang), bệnh nhân mót đi tiểu dữ dội nhưng không thể đái được trong điều kiện hoàn toàn bình thường.
Bí đái có thể xảy ra đột ngột cấp tính như trong chấn thương đứt niệu đạo, sỏi niệu đạo, bí đái sau mổ, u tiền liệt tuyến.
Bí đái cũng có thể xuất hiện từ từ sau một thời gian khó đái như hẹp niệu đạo, u tiền liệt tuyến.
Bí đái có ba nhóm nguyên nhân chính:
Bí đái cơ năng (phản xạ): gặp trong bí đái sau mổ, sốt cao.
Bí đái do tổn thương thực thể ở hệ thần kinh chi phối: các bệnh lý của cột sống – tủy sống như viêm, u, chấn thương.
Bí đái do nguyên nhân cản trở cơ học ở niệu đạo: sỏi niệu đạo, chấn thương niệu đạo, u tiền liệt tuyến, cục máu đông.
Xử trí bí đái yêu cầu vừa phải giải quyết triệu chứng vừa phải giải quyết nguyên nhân.
Đái khó:
Bệnh nhân có cảm giác muốn đi tiểu nhưng không đi tiểu ngay được, phải cố gắng sức, cảm giác tắc đái, tia nước tiểu yếu, thời gian bãi đái kéo dài, đái không hết bãi (sót nước tiểu).
Đái không nín được – đái xón: (còn gọi là đái vội).
Mót đái là đái ngay ra quần, không giữ được nước tiểu theo ý muốn; thường xảy ra do rối loạn trương lực cơ thắt cổ bàng quang.
Đái còn sót nước tiểu (còn nước tiểu tồn dư):
Người bệnh đái rất lâu nhưng đái xong vẫn còn cảm giác mót đái, đái không hết được nước tiểu. Nước tiểu còn lại trong bàng quang sau khi đái được gọi là nước tiểu tồn dư.
Nước tiểu tồn dư sau khi đái được xác định bằng thông đái sau khi đái, hoặc bằng chụp thận thuốc tĩnh mạch thì bàng quang sau khi đái. Cũng có thể đo bằng siêu âm bàng quang sau khi đi đái. Hiện tượng đái còn sót nước tiểu thường kèm theo đái khó, tia tiểu yếu nhỏ giọt. Nguyên nhân thường gặp là u tiền liệt tuyến giai đoạn II, hẹp niệu đạo hoặc bệnh lý tủy sống.
Đái dầm dề (không giữ được nước tiểu):
Là hiện tượng nước tiểu tự chảy qua miệng sáo ra ngoài bãi đái. Đây là hiện tượng mất cường tính co thắt của cơ thắt cổ bàng quang.
Đái dầm dề thường gặp trong u tiền liệt tuyến giai đoạn III và trong các bệnh liệt tủy.
Rò nước tiểu:
Rò nước tiểu là hiện tượng một phần hay toàn bộ nước tiểu thoát khỏi đường niệu không qua con đường tiểu tiện bình thường.
Rò nước tiểu có thể gặp trong vết thương, chấn thương tiết niệu, tai biến phẫu thuật, biến chứng gây thủng, đứt, rách đường niệu và trong dị tật bẩm sinh lạc chỗ của đường niệu.
Một số loại rò thường gặp:
Rò thận.
Rò niệu quản.
Rò bàng quang – trực tràng, bàng quang – âm đạo.
Rò niệu đạo – trực tràng, rò niệu đạo – âm đạo.
Thay đổi về nước tiểu.
Thay đổi về số lượng:
Đái nhiều (đa niệu):
Người bình thường đái trung bình 1,2 – 1,5 lít trong 24 giờ. Lượng nước tiểu thay đổi hàng ngày tùy thuộc vào lượng nước uống, thời tiết, nhiệt độ và lượng mồ hôi ra.
Lượng nước tiểu đái ra nhiều hơn bình thường (không phải do ăn uống nhiều) gọi là đái nhiều hay đa niệu.
Đái nhiều bệnh lý có thể gặp trong một số trường hợp:
Đái tháo đường, đái tháo nhạt.
Thời kỳ lui bệnh của sốt cao.
Đái nhiều do dùng thuốc lợi tiểu.
Trong suy thận giai đoạn còn bù: bệnh nhân đái 3 – 4 lít nước tiểu/24 giờ, nhưng do giảm khả năng cô đặc nước tiểu nên tỷ trọng thấp, xét nghiệm urê và creatinin niệu giảm.
Đái ít (thiểu niệu):
Thiểu niệu được định nghĩa khi lượng nước tiểu ít hơn 500 ml/24 giờ.
Thiểu niệu do uống ít nước là thiểu niệu sinh lý.
Thiểu niệu bệnh lý gặp trong choáng, suy thận mãn, suy tim, suy gan.
Vô niệu:
Hiện tượng vô niệu được xác định khi số lượng nước tiểu ít hơn 200 ml/24 giờ.
Theo cơ chế, người ta chia nguyên nhân vô niệu thành 4 loại:
Vô niệu trước thận:
Do giảm áp lực lọc cầu thận, gặp trong choáng, tụt huyết áp, trụy tim mạch.
Lượng nước tiểu sẽ phục hồi khi huyết áp động mạch trở về bình thường.
Vô niệu tại thận:
Do nguyên nhân tổn thương thực thể tại thận như: viêm cầu thận, viêm ống thận, thận đa nang.
Vô niệu sau thận:
Do tắc nghẽn lưu thông làm tăng áp lực cản và chèn ép nhu mô thận. Nguyên nhân thường gặp là sỏi tiết niệu hai bên, sỏi trên thận đơn độc.
Vô niệu do mất thận:
Xảy ra trong trường hợp hai thận đều bị tổn thương cấp tính như chấn thương vết thương hai thận, tắc huyết động – tĩnh mạch chủ, động – tĩnh mạch thận.
Thay đổi về tính chất lý hóa sinh của nước tiểu:
Thay đổi về màu sắc nước tiểu:
Bình thường nước tiểu trong, không màu hoặc màu vàng chanh. Trong một số trường hợp, màu sắc nước tiểu bị thay đổi do ăn hoặc uống thực phẩm hay thuốc có chất màu. Đây là hiện tượng sinh lý bình thường.
Trong một số trường hợp bệnh lý, nước tiểu có màu đỏ, hồng (đái ra máu), màu nước cà phê (đái huyết cầu tố), màu nước vo gạo (đái mủ, đái ra muối phốt phát, đái ra dưỡng chấp…).
Thay đổi về tỷ trọng:
Tỷ trọng nước tiểu 24 giờ từ 1,012 – 1,020. Ở người bình thường, tỷ trọng nước tiểu thay đổi hàng ngày dao động từ 1,001 – 1,030. Các trường hợp tăng cao hoặc thấp của tỷ trọng một cách thường xuyên là bệnh lý. Những trường hợp này người ta phải theo dõi liên tục và cần làm một số xét nghiệm khác để chẩn đoán xác định. Tỷ trọng cao 1,030 thường xuyên nghĩ tới đái đường. Tỷ trọng thấp 1,001 – 1,005 thường xuyên gặp trong đái tháo nhạt, giai đoạn đa niệu của suy thận.
Thay đổi độ trong:
Bình thường nước tiểu trong suốt. Nước tiểu đục có thể gặp trong:
Đái ra khoáng chất: phốt phát, oxalát, cacbonát canxi, urát. Để lắng cặn sẽ chia hai lớp rõ: lớp dưới là tinh thể muối trắng, lớp trên là nước tiểu.
Đái ra mủ: hay đái ra bạch cầu hóa giáng.
Đái ra dưỡng chấp: nước tiểu đục thường xuyên, lắng cặn hoặc ly tâm vẫn đục đều, lớp trên bề mặt nước tiểu có váng mỡ. Nước tiểu sẽ trong khi đổ ête vào.
Thay đổi độ pH của nước tiểu:
Bình thường pH nước tiểu từ 5,8 – 6,2.
pH nước tiểu toan thường xuyên gặp trong lao tiết niệu.
pH nước tiểu kiềm gặp trong nhiễm khuẩn niệu.
Một số thuốc dùng có thể làm thay đổi pH của nước tiểu như: vitamin C, methionine…
Đái ra protein niệu:
Bình thường không có protein niệu hoặc chỉ có dạng vết (lượng protein nhỏ 0,1 – 0,5 g/l).
Trong bệnh lý cầu thận (viêm cầu thận cấp, mãn) do tổn thương ở cầu thận làm protein huyết tương đi qua được màng lọc cầu thận thoát ra nước tiểu và được gọi là protein niệu thật (chính danh).
Trong các bệnh lý nhiễm khuẩn niệu, mủ thận, đái ra hồng cầu, bạch cầu làm xét nghiệm nước tiểu cũng có protein niệu có thể tới 1 – 3 g/l. Đó là hiện tượng protein niệu giả.
Đái ra mủ:
Bình thường cặn lắng nước tiểu có một vài bạch cầu (soi ở vật kính 40X có không quá 10 BC/1 vi trường). Khi số lượng bạch cầu niệu tăng trên 10 BC/vi trường nhất là khi thấy nhiều bạch cầu hóa giáng (nước tiểu đục) là đái ra mủ. Để lắng cặn thấy nước tiểu thành ba lớp: lớp đáy đục rõ là xác bạch cầu, lớp giữa lờ lờ, lớp trên trong là nước tiểu.
Đái ra máu:
Bình thường nước tiểu không có hồng cầu hoặc có rất ít.
Khi nước tiểu có nhiều hồng cầu hơn bình thường là đái ra máu. Tùy mức độ đái máu nặng hay nhẹ mà nước tiểu có màu sắc từ hồng nhạt đến đỏ xẫm hoặc màu nước rửa thịt.
Để xác định đái ra máu, người ta có thể soi kính hiển vi đếm hồng cầu hoặc để lắng cặn khi đái máu đại thể.
Đái ra máu có thể đi kèm với các triệu chứng tiết niệu khác nhưng cũng có khi không có.
Vấn đề quan trọng là sau khi xác định có đái ra máu, người ta phải xác định vị trí tổn thương gây đái ra máu. Trong lâm sàng, người ta dùng nghiệm pháp 3 cốc để xác định là đái máu đầu bãi, cuối bãi hay toàn bãi, qua đó xác định vị trí tổn thương gây đái máu.
Có nhiều nguyên nhân gây đái ra máu như sỏi tiết niệu, u tiết niệu, lao tiết niệu, viêm đường tiết niệu.
Đái dưỡng chấp:
Đái dưỡng chấp hay còn gọi là đái ra mỡ. Bệnh lý này gặp trong thông rò giữa hệ tiết niệu và hệ bạch mạch. Nước tiểu có dưỡng chấp đục như nước vo gạo và để không bị lắng.
Đái dưỡng chấp nặng lên khi ăn nhiều mỡ, đạm.
Nguyên nhân đái dưỡng chấp thường do giun chỉ làm tổn thương và tắc hệ thống bạch mạch và hệ tiết niệu (có thể ở thận, niệu quản hoặc bàng quang).
Để xác định vị trí đường rò, người ta chụp bạch mạch cản quang hay chụp UPR. Đái dưỡng chấp có thể kết hợp với đái máu gọi là đái dưỡng chấp – máu.
Đái ra hơi:
Rất ít gặp, thường là do có sự thông rò giữa ống tiêu hóa và hệ tiết niệu. Hay gặp trong rò bàng quang – trực tràng, niệu đạo – trực tràng. Hơi ở đường tiêu hóa đi vào trong đường dẫn niệu và được đái ra cùng với nước tiểu.