Văn bản liên quan công tác chuyển tuyến
Luật khám bệnh, chữa bệnh số 40/2009/qh12 ngày 23 tháng 11 năm 2009
Luật khám bệnh, chữa bệnh số 40/2009/QH12 ngày 23 tháng 11 năm 2009 quy định:
Quyền và nghĩa vụ của người bệnh, người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; điều kiện đối với người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;
Quy định chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh; áp dụng kỹ thuật, phương pháp mới trong khám bệnh, chữa bệnh; sai sót chuyên môn kỹ thuật, giải quyết khiếu nại, tố cáo và tranh chấp trong khám bệnh, chữa bệnh; điều kiện bảo đảm công tác khám bệnh, chữa bệnh.
Nội dung liên quan đến công tác chuyển tuyến:
Khoản 1 Điều 41 Mục 1 chương IV quy định “Các hình thức tổ chức của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bao gồm:
Bệnh viện;
Cơ sở giám định y khoa;
Phòng khám đa khoa;
Phòng khám chuyên khoa, bác sỹ gia đình;
Phòng chẩn trị y học cổ truyền;
Nhà hộ sinh;
Cơ sở chẩn đoán;
Cơ sở dịch vụ y tế;
Trạm y tế cấp xã và tương đương;
Các hình thức tổ chức khám bệnh, chữa bệnh khác”
Điều 81 Chương IV quy định “ Hệ thống tổ chức cơ sở khám bệnh, chữa bệnh:
Hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bao gồm cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước, tư nhân và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác.
Hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước bao gồm 4 tuyến như sau:
Tuyến trung ương;
Tuyến tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
Tuyến huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh;
Tuyến xã, phường, thị trấn.
Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của tuyến trên có trách nhiệm chỉ đạo, hỗ trợ về chuyên môn kỹ thuật đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của tuyến dưới. 4. Bộ trưởng Bộ Y tế quy định chi tiết phân tuyến chuyên môn kỹ thuật đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của từng tuyến quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.”
Quy chế bệnh viện năm 1997
Quy chế bệnh viện doBộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt ban hành tại Quyết định số 1895/1997/QĐ-BYT ngày 19 tháng 9 năm 1997.
Khoản 3 Mục 4 Chương IV: “3. Quy chế chuyển viện:
Điều kiện chuyển viện:
Người bệnh quá khả năng điều trị của bệnh viện.
Đã hội chẩn toàn bệnh viện, đối với bệnh viện hạng III; hội chẩn toàn khoa hoặc liên khoa, đối với bệnh viện hạng I và II; sau khi hội chẩn có chỉ định cho người bệnh chuyển viện.
Giám đốc bệnh viện ký giấy chuyển viện, đối với bệnh viện hạng III; trưởng phòng kế hoạch tổng hợp được giám đốc ủy nhiệm ký giấy chuyển viện đối với bệnh viện hạng I và II.
Trong phiên thường trực: Người trực lãnh đạo ký giấy chuyển viện cho người bệnh cấp cứu.
Thủ tục chuyển viện:
Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp của bệnh viện có người bệnh đang điều trị phải liên hệ với bệnh viện dự định chuyển người bệnh đến, trừ trường hợp người bệnh ở trong tình trạng cấp cứu.
Bác sĩ điều trị tóm tắt hồ sơ bệnh án, các xét nghiệm đã làm, chẩn đoán xác định, thuốc đã dùng trong quá trình điều trị và tình trạng người bệnh hiện tại. – Đối với người bệnh nặng, cấp cứu phải có bác sĩ hoặc y tá (điều dưỡng) đưa đi, mang theo hồ sơ bệnh án tóm tắt, có phương tiện cấp cứu trên đường di chuyển người bệnh.
Y tá (điều dưỡng) đưa người bệnh chuyển viện có trách nhiệm bàn giao người bệnh, hồ sơ bệnh án, tư trang (nếu có) cho người tiếp đón ở bệnh viện mới đến và hai bên ký nhận vào sổ bàn giao.
Chuẩn bị cho người bệnh được chuyển viện:
Bác sĩ điều trị có nhiệm vụ giải thích rõ lý do cần chuyển viện cho người bệnh và gia đình người bệnh.
Làm đầy đủ thủ tục người bệnh ra viện.”
Thông tư số 10/2009/ TT-BYT, ngày 14/8/2009 của Bộ Y tế, về việc hướng dẫn đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu và chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế
Chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế
Điều 8.Chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế
Người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế được chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh tùy theo mức độ bệnh tật, phù hợp với phạm vi chuyên môn và phân tuyến kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Trường hợp các dịch vụ kỹ thuật mà cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được phê duyệt nhưng vì lý do khách quan không thể thực hiện được thì cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đó được phép chuyển người bệnh đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế khác có khả năng thực hiện kỹ thuật đó để điều trị.
Trường hợp người bệnh đã được cấp cứu, điều trị mà vẫn phải tiếp tục theo dõi, điều trị nhưng vượt quá khả năng đáp ứng về cơ sở vật chất của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (tình trạng quá tải) thì cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được phép chuyển người bệnh đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế khác có khả năng cấp cứu, điều trị người bệnh đó.
Trường hợp người bệnh đã được cấp cứu, điều trị đến giai đoạn ổn định nếu cần điều trị, theo dõi, chăm sóc tiếp thì chuyển đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế nơi chuyển bệnh nhân đến hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế khác nếu cơ sở đó đồng ý tiếp nhận và điều trị.
Trường hợp chuyển tuyến giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên các địa bàn giáp ranh do Giám đốc Sở Y tế quy định.
Điều 9.Thủ tục chuyển tuyến
Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện thủ tục chuyển tuyến theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Trường hợp chuyển tuyến theo yêu cầu của người bệnh, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi chuyển người bệnh đi phải cung cấp thông tin để người bệnh biết về phạm vi quyền lợi và mức thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế khi khám bệnh, chữa bệnh không theo đúng tuyến chuyên môn kỹ thuật.”
Thông tư số 43/2013/TT-BYT ngày 11 tháng 12 năm 2013 quy định chi tiết phân tuyến chuyên môn kỹ thuật đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
“Điều 3. Các tuyến chuyên môn kỹ thuật
Tuyến trung ương bao gồm các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sau:
Bệnh viện hạng đặc biệt;
Bệnh viện hạng I trực thuộc Bộ Y tế;
Bệnh viện hạng I trực thuộc Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Sở Y tế) hoặc thuộc các Bộ, ngành khác được Bộ Y tế giao nhiệm vụ là tuyến cuối của vùng, miền về chuyên môn kỹ thuật;
Tuyến tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là tuyến tỉnh) bao gồm các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sau:
Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế xếp hạng II trở xuống;
Bệnh viện hạng I, hạng II trực thuộc Sở Y tế hoặc thuộc các Bộ, ngành khác trừ các bệnh viện được quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều này;
Tuyến huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh (sau đây gọi tắt là tuyến huyện) bao gồm các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sau:
Bệnh viện hạng III, hạng IV, bệnh viện chưa xếp hạng, trung tâm y tế có giường bệnh, bệnh xá công an tỉnh;
Phòng khám đa khoa, phòng khám chuyên khoa, nhà hộ sinh.
Tuyến xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là tuyến xã) bao gồm các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sau:
Trạm xá, trạm y tế xã, phường, thị trấn;
Trạm xá, trạm y tế của cơ quan, đơn vị, tổ chức;
Phòng khám bác sỹ gia đình.
Áp dụng phân tuyến chuyên môn kỹ thuật đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân:
Căn cứ năng lực thực hiện kỹ thuật, phạm vi hoạt động chuyên môn, hình thức tổ chức, quy mô hoạt động, điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân quyết định tuyến chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân tương đương với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước phù hợp với quy định của Thông tư này.
Điều 4. Danh mục chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh
Ban hành kèm theo Thông tư này Danh mục chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh (sau đây viết tắt là Danh mục kỹ thuật) bao gồm 28 chuyên khoa được kết cấu theo bảng như sau:
Cột 1: Ghi số thứ tự từ 1 đến hết danh mục kỹ thuật.
Cột 2: Ghi tên các chuyên mục kỹ thuật, tên các kỹ thuật.
Cột 3: Phân tuyến kỹ thuật trong đó chia 4 cột nhỏ:
Cột 3A: Các kỹ thuật thực hiện tại tuyến trung ương.
Cột 3B: Các kỹ thuật thực hiện tại tuyến tỉnh.
Cột 3C: Các kỹ thuật thực hiện tại tuyến huyện.
Cột 3D: Các kỹ thuật thực hiện tại tuyến xã.
Danh mục kỹ thuật ban hành kèm theo Thông tư này là các kỹ thuật chuyên môn trong khám bệnh, chữa bệnh được phép thực hiện tại Việt Nam. Một kỹ thuật có thể được nhiều chuyên khoa thực hiện, nhưng trong Thông tư này được sắp xếp ở chuyên khoa phù hợp nhất.
Danh mục kỹ thuật phân theo các tuyến chuyên môn kỹ thuật thể hiện mức độ cao, thấp của mỗi kỹ thuật, chỉ ra mặt bằng kỹ thuật y tế ở mỗi tuyến chuyên môn kỹ thuật. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cần thực hiện được các kỹ thuật theo tuyến chuyên môn kỹ thuật tương ứng. Khuyến khích cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phát triển năng lực chuyên môn kỹ thuật và thực hiện các kỹ thuật của tuyến trên.
Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến trên hạn chế thực hiện các kỹ thuật mà cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến dưới đã thực hiện được, trừ các trường hợp các kỹ thuật tuyến dưới đã thực hiện được nhưng là một phần trong các quy trình kỹ thuật của tuyến trên, trường hợp cấp cứu hoặc đào tạo thực hành.
Danh mục kỹ thuật được Bộ Y tế cập nhật thường xuyên và ban hành dưới hình thức Quyết định của Bộ trưởng Bộ Y tế để bổ sung cho bảng Danh mục kỹ thuật và Phân tuyến kỹ thuật ban hành kèm Thông tư này.”
Thông tư số 14 /2014/TT-BYT ngày 14 tháng 4 năm 2014 quy định về việc chuyển tuyến giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
Một số tài liệu liên quan đến công tác chuyển tuyến hiện nay:
Tài liệu “Hoạt động Chỉ đạo tuyến ở tỉnh Hòa Bình”.
Là tài liệu nội bộ do dự án tăng cường dịch vụ y tế tỉnh Hòa Bình do tổ chức JICA Nhật Bản tài trợ. Được phát hành năm 2009. Tài liệu gồm 4 bài:
Chính sách chỉ đạo tuyến.
Mạng lưới chỉ đạo tuyến.
Quản lý đào tạo.
Hệ thống chuyển tuyến.
Tài liệu đã nêu được khái niệm chuyển tuyến; giới thiệu hệ thống chuyển tuyến tỉnh Hòa Bình, vận chuyển người bệnh, thông tin, kiến thức và kỹ năng liên quan trong hệ thống chuyển tuyến; giới thiệu chu trình đào tạo. Tài liệu còn giới thiệu hệ thống thông tin 2 chiều trong hệ thống khám, chữa bệnh tỉnh Hòa Bình: Cơ cấu tổ chức, vai trò, chức năng nhiệm vụ các cơ sở khám, chữa bệnh; công tác chuẩn bị chuyển tuyến và vận chuyển người bệnh an toàn; quản lý chu trình chuyển tuyến, họp giao ban chuyển tuyến hàng tháng, kinh nghiệm thực hiện chuyển tuyến của cán bộ chuyên môn, quản lý thuộc hệ thống khám, chữa bệnh.
Đây là tài liệu mô tả rõ nét mô hình chuyển tuyến, cơ cấu tổ chức, các thành phần, chức năng nhiệm vụ của các đơn vị trong màng lưới chuyển tuyến tại bệnh viện đa khoa tỉnh và các bệnh viện huyện thuộc tỉnh Hòa Bình. Tuy nhiên mô hình chuyển tuyến tại Hòa Bình mới chỉ được thiết lập quan hệ chuyển tuyến giữa bệnh viện đa khoa tỉnh với các bệnh viện tuyến huyện. Chưa thiết lập được mối quan hệ chuyển tuyến từ bệnh viện chuyên khoa của tỉnh với các bệnh viện huyện và mối quan hệ chuyển tuyến từ xã lên huyện và từ tỉnh lên Trung ương.
Đây là một mô hình tham khảo rất tốt, có thể hoàn thiện, phát triển để áp dụng rộng rãi tại các tỉnh khác có điều kiện tương đương Hòa Bình.
Tài liệu Hội thảo “Nâng cao chất lượng hệ thống chuyển tuyến”
Là tài liệu nội bộ do chuyên gia Nhật Bản Chiaki Miyoshi (dự án tăng cường dịch vụ y tế tỉnh Hòa Bình do tổ chức JICA Nhật Bản tài trợ), được phát hành năm 2009. Tài liệu gồm 5 bài trình bày về hệ thống chỉ đạo tuyến, chuyển tuyến, kết quả khảo sát hoạt động y tế và nhu cầu hỗ trợ 3 trung tâm y tế huyện thuộc tỉnh Hòa Bình, một số hoạt động chỉ đạo tuyến của Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình và Dự án tăng cường dịch vụ y tế tỉnh Hòa bình.
Tài liệu có mô tả bước đầu thực trạng về cơ cấu quản lý tổ chức chuyển tuyến, những hạn chế về hệ thống chuyển tuyến về những hạn chế của kết quả vận chuyển người bệnh gây tình trạng hạn chế về chuyên môn các tuyến, làm ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ y tế.
Tài liệu đã nêu thực trạng chung còn phổ biến ở nhiều tỉnh/thành phố còn hạn chế về công tác chuyển tuyến, chưa có 1 mô hình, một cơ cấu tổ chức rõ rệt với vai trò, chức năng trong công tác chuyển tuyến.