Đại cương
Vận động trị liệu hô hấp là một phương pháp giúp tăng cường sức khỏe và tuổi thọ cho người bệnh mắc bệnh hô hấp mạn tính.
Trong bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và các bệnh lý phổi mạn tính khác, vận động liệu pháp giúp người bệnh kiểm soát bệnh tật tốt hơn, dễ thích nghi với bệnh tật và mang lại niềm vui sống cho người bệnh.
Có hai cách tập vận động:
Vận động tăng sức bền (Endurance training): đi bộ, thảm lăn, xe đạp lực kế, xe đạp, bơi lội…
Vận động tăng sức cơ (Strength training): giữ thăng bằng, kháng lực, nâng tạ…
Tăng sức bền là trọng tâm của chương trình vận động nhưng phối hợp cả hai cách tập có tác dụng tối ưu.
Vận động chi dưới giúp cải thiện khả năng gắng sức nhưng không tác động đến chức năng hô hấp.
Vận động chi trên giúp cải thiện sức cơ, giảm nhu cầu thông khí nhờ tăng hoạt động cơ hô hấp phụ.
Chỉ định
Người bệnh bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính giai đoạn ổn định.
Các bệnh lý phổi mạn tính khác giai đoạn ổn định.
Chương trình vận động trị liệu hô hấp
Vận động tăng sức bền
Vận động tăng sức bền liên tục
Tần suất: 3-4 ngày/tuần.
Hình thức tập: liên tục.
Cường độ: khởi đầu tập với cường độ 60-70% cường độ vận động tối đa, tăng dần cường độ tập luyện lên 5-10% tùy theo khả năng dung nạp của người bệnh đến khi đạt 80-90% cường độ vận động tối đa
Mục tiêu: mức độ khó thở theo thang điểm Borg 10 điểm đạt 4-6 điểm.
Thời gian tập luyện: khởi đầu 10-15 phút trong 3-4 lần ngày tập đầu tiên, tăng dần thời gian tập luyện tới 30-40 phút/lần.
Vận động tăng sức bền ngắt quãng (cho người bệnh bệnh phổi tắc nghẽn ở giai đoạn rất nặng: FEV1
Tần suất: 3 – 4 ngày/tuần.
Hình thức tập: ngắt quãng (tập luyện 30 giây xen kẽ nghỉ 30 giây hoặc tập luyện 20 giây xen kẽ nghỉ 40 giây tùy theo khả năng dung nạp của người bệnh).
Cường độ: khởi đầu tập với cường độ đạt 80 – 100% cường độ vận động tối đa trong 3 – 4 buổi tập đầu tiên, tăng dần cường độ tập luyện lên 5 – 10% tùy theo khả năng dung nạp của người bệnh đến khi đạt 150% cường độ vận động tối đa.
Mục tiêu: mức độ khó thở theo thang điểm Borg 10 điểm đạt 4 – 6 điểm.
Thời gian tập luyện: khởi đầu 15 – 20 phút trong 3 – 4 ngày tập đầu tiên, tăng dần thời gian tập luyện tới 45 – 60 phút/ngày (bao gồm cả thời gian nghỉ).
Vận động tăng sức cơ
Tần suất: 2 – 3 ngày/tuần.
Mục đích: tập luyện các nhóm cơ chính của chi trên và chi dưới với các động tác lặp lại đến khi mệt cơ.
Hình thức: 2 – 4 lần tập với các số lần lặp lại của vận động từ 6-12 động tác.
Cường độ: khởi đầu 50 – 80% 1RM (one repetitive maximum: trọng lượng tối đa có thể nâng được 1 lần). Tăng dần cường độ lên 2-10% sau mỗi 2 ngày nếu người bệnh dung nạp được.
Lưu ý:
Loại hình các bài tập nên đa dạng, phong phú. Ưu tiên các hình thức tập đơn giản không đòi hỏi trang thiết bị đắt tiền.
Nên tập tối thiểu 20 buổi hay 6 – 8 tuần, phân bố khoảng 3 buổi tập mỗi tuần. Có thể sắp xếp 2 buổi tập có giám sát và 1 buổi tập tại nhà không có giám sát.
Mỗi buổi tập > 30 phút, nếu mệt nên bố trí những khoảng nghỉ ngắn xen kẽ.
Thời gian tập càng lâu, hiệu quả đạt được càng kéo dài. Sau khi ngưng tập, hiệu quả giảm dần sau 12 – 18 tháng.
Để đạt được cường độ vận động mong muốn nên phối hợp với thuốc giãn phế quản và oxy trong buổi tập.
Trong khi tập vận động nên phối hợp với kỹ thuật thở mím môi.
Tài liệu tham khảo
Bartolome R. Celli (2011), “Pulmonary rehabilitation in COPD”, UpToDate version 19.1.
Bolton CE, Bevan Smith EF, Blakey JF, et al. (2013), “Bristish Thoracic Society guideline on pulmonary rehabilitation in adults”, Thorax; 68: ii1-ii30.
Francisco Ortega, Javier Toral, Pilar Cejudo, et al. (2002), “Comparison of effects of strength and endurance training in patients with chronic obstructive pulmonary disease”, Am J Respir Crit Care Med; 166: 669-674.
Gregory Reychler, Jean Roeseler, Pierre Delguste “Kinésithérapie respiratoire”, Elsevier Masson, 2007.
Nici L., Donner C., Wouters E., et al. (2006), “American Thoracic Society/European Respiratory Society statement on pulmonary rehabilitation”, Am J Respir Crit Care Med; 173:1390.
Troosters T., Casaburi R., Gosselink R., et al. (2005), “Pulmonary rehabilitation in chronic obstructive pulmonary disease”, Am J Respir Crit Care Med; 172:19.
Rainer Gloeckl, Blagoi Marinov, Fabio Pitta (2013), “Practical
recommendations for exercise training in patients with COPD”, Eur Respir Rev; 22: 128, 178-186.