Nội dung

Xử trí với các trẻ sinh từ mẹ viêm gan vi rút b, lao, lậu, giang mai, hiv

tóm tắt

Đây là các bệnh lây nguy hiểm và có các quy định xử trí riêng biệt.

tìm các dấu hiệu chẩn đoán:

Khai thác tiền sử nội khoa, sản khoa của bà mẹ về các bệnh: viêm gan B, lao, lậu.,  giang mai hoặc HIV.

Xem các kết quả xét nghiệm máu mới nhất của mẹ trước hoặc sau sinh về các bệnh trên để khẳng định chẩn đoán các bệnh trên.

xử trí tại xã

Trẻ có mẹ bị viêm gan b

Nếu phát hiện mẹ bị viêm gan B trong giai đoạn mang thai thì nên khuyên mẹ đẻ ở tuyến trên để việc xử trí sau đẻ được đầy đủ hơn.

Nếu đẻ tại trạm y tế:

Tiêm phòng vaccin viêm gan B cho con ngay trong vòng 24 giờ sau đẻ và globulin miễn dịch, nếu có. Nếu không có điều kiện, chuyển trẻ lên tuyến trên.

Vẫn cho trẻ bú mẹ trừ khi mẹ đang ở trong giai đoạn viêm gan B cấp.

Trẻ có mẹ bị lao

Nguyên tắc chung:

Nếu bà mẹ đã điều trị đầy đủ hay đang điều trị đúng theo phác đồ được 2 tháng thì không cần điều trị cho trẻ.

Nếu bà mẹ đang bị lao phổi tiến triển và được điều trị trước khi sinh chưa đủ 2 tháng hoặc mới phát hiện lao thì:

Xử trí tại xã :

Vẫn cho trẻ bú sữa mẹ.

Không được tiêm vaccin BCG cho trẻ sau sinh.

Chuyển tuyến trên hoặc báo chương trình phòng chống bệnh lao để điều trị.

Trẻ có mẹ bị bệnh lậu.

Chẩn đoán:

Dựa vào tiền sử bệnh lậu của mẹ.

Khám trẻ để xác định xem trẻ có bị nhiễm lậu cầu không. Chú ý triệu chứng viêm mắt có mủ vàng đặc cũng như có thể có bệnh cảnh nhiễm khuẩn toàn thân do lậu cầu.

Soi, cấy tìm song cầu lậu Gram (-).

Xác định xem trẻ chỉ bị viêm mắt hay còn bị nhiễm khuẩn huyết, viêm khớp hay kèm viêm màng não.

Xử trí:

Nếu nhiễm khuẩn nhẹ: dùng 1 liều ceftriazon duy nhất 25 – 50 mg/kg tiêm bắp hay tĩnh mạch (nếu được) hoặc chuyển ngay lên tuyến trên.

Nếu trẻ có triệu chứng nhiễm khuẩn toàn thân nặng: chuyển tuyến trên. Cho tiêm 1 liều kháng sinh như trên trước khi chuyển.

Trẻ có mẹ bị giang mai

Phát hiện các trường hợp bà mẹ bị giang mai qua quá trình quản lý thai nghén, kiểm tra xem mẹ đã được điều trị đầy đủ chưa. Nếu chưa thì khuyên mẹ đẻ tại tuyến trên để điều trị cho trẻ sau sinh.

Phát hiện các triệu chứng của giang mai bẩm sinh để chuyến tuyến trên (có các nốt đỏ, các đốm xám, phồng hay tuột da ở lòng bàn tay bàn chân kèm gan lách to, vàng da, thiếu máu, nhiễm khuẩn nặng). Nếu có, chuyển tuyến trên cả mẹ và con.

Trẻ có mẹ nhiễm hiv

Thực hiện các nhiệm vụ theo “Qui trình chăm sóc và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con” tại tuyến xã.

Quản lý và theo dõi giám sát điều trị dự phòng, chuyển tuyến khi nghi ngờ trẻ có nhiễm khuẩn.

Hỗ trợ, theo dõi tuân thủ điều trị cho mẹ và con sau sinh (dùng thuốc và dinh dưỡng cho trẻ).

Trẻ vẫn có thể được tiêm chủng theo lịch nhưng tránh các loại vaccin sống (BCG, sabin).

Chăm sóc toàn diện

Phối hợp sản nhi ngay trước sinh để bảo đảm an toàn cuộc đẻ:

Bác sỹ, nữ hội sinh mặc đồ bảo hộ và sử dụng dụng cụ dùng 1 lần.

Săn sóc theo quy định và hướng dẫn chung.

Khi chăm sóc trẻ sinh ra từ bà mẹ nhiễm HIV phải:

Tôn trọng bà mẹ và gia đình

Chăm sóc trẻ như các trẻ khác nhưng phải tuân thủ chặt chẽ nguyên tắc phòng chống nhiễm khuẩn để phòng ngừa việc lây nhiễm chéo sau sinh.

Tiêm chủng đầy đủ cho trẻ (tránh dùng các vaccin sống như BCG, sabine).

Động viên, an ủi bà mẹ và gia đình, tư vấn về khả năng dự phòng sớm thì trẻ có thể không bị nhiễm HIV.

Điều trị thuốc kháng vi rút

Nếu không dùng thuốc điều trị kháng vi rút thì tỉ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con trong thời gian mang thai và khi sinh là 15-30%, lây truyền qua sữa mẹ là 5-20%.

Kiểm tra xem bà mẹ đã được dùng thuốc điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con chưa.

Chuyển tuyến nếu không có thuốc điều trị.

Nếu có thuốc, điều trị cho trẻ theo phác đồ hướng dẫn chuẩn quốc gia:

Nếu bà mẹ đã được điều trị zidovudine (AZT) 4 tuần trước khi sinh thì tiếp tục điều trị AZT cho trẻ trong 6 tuần sau sinh (uống, 2mg/kg; 6 giờ/lần);

Nếu bà mẹ đã được điều trị một liều nevirapin trong khi sinh, trẻ chưa được 3 ngày tuổi thì cho trẻ uống ngay nevirapin 2mg/kg/ngày;

Theo dõi cho trẻ trong 10 ngày để kiểm tra tình trạng dinh dưỡng và tăng trưởng.

Dinh dưỡng: cho ăn thay thế là lựa chọn số 1 trong trường hợp mẹ bị nhiễm HIV nếu gia đình có khả năng vì  HIV có thể lây qua sữa mẹ.

Tư vấn cho bà mẹ các ưu điểm và nguy cơ của từng cách nuôi dưỡng. Bà mẹ có thể lựa chọn:

Thức ăn thay thế sữa mẹ nếu: có thể chấp nhận, đủ tiền mua sữa công thức, có thể chế biến, có thể dùng lâu dài và an toàn.

Nếu không có khả năng thì có thể cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trước khi cho ăn thức ăn thay thế.

Không cho trẻ ăn hỗn hợp (vừa bú mẹ vừa ăn thức ăn thay thế) vì khả năng lây truyền có thể cao hơn.

Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu sau đó tiếp tục cho trẻ bú và bắt đầu cho ăn bổ sung.

Hỗ trợ bà mẹ, đánh giá tình hình gia đình để quyết định chế độ dinh dưỡng cho trẻ: bú mẹ hay ăn thức ăn thay thế .

Nếu cho trẻ bú mẹ:

Hỗ trợ cách lựa chọn của bà mẹ.

Khuyên bà mẹ không cho trẻ ăn hỗn hợp: không nên vừa bú mẹ vừa cho ăn thức ăn thay thế (sữa nhân tạo, trà, nước…) vì ăn hỗn hợp làm tăng nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con, tăng nguy cơ bệnh tật, tử vong do ỉa chảy và các bệnh khác.

Hướng dẫn bà mẹ cách cho trẻ bú đúng để tránh viêm vú và tổn thương đầu vú:

Khuyên bà mẹ đến khám lại ngay nếu vú, đầu vú có tổn thương hoặc có khó khăn trong nuôi dưỡng trẻ.

Nếu không cần điều trị tại bệnh viện thì cho trẻ ra viện và có kế hoạch quản lý sau xuất viện (báo và chuyển hồ sơ lên trung tâm y tế dự phòng theo quy định) + Đến khám lại sau 1 tuần để kiểm tra cách bú và tình trạng vú; + Đưa trẻ đến kiểm tra định kì, đầy đủ.

Thức ăn thay thế

Hỗ trợ cách lựa chọn của bà mẹ.

Tư vấn cho bà mẹ: nếu chọn thức ăn thay thế sữa mẹ thì bắt đầu cho trẻ ăn bổ sung khi trẻ được 6 tháng tuổi, tiếp tục cho ăn trẻ ăn thêm sữa.

Hướng dẫn bà mẹ tự chuẩn bị bữa ăn và cách cho trẻ ăn đúng (ăn bằng cốc, thìa) . 

Khuyến khích bà mẹ cho trẻ ăn ít nhất 8 lần/ngày, hướng dẫn bà mẹ cho trẻ ăn theo nhu cầu của trẻ.

Đưa bà mẹ bản hướng dẫn chuẩn bị bữa ăn an toàn cho trẻ.

Giải thích cho bà mẹ những nguy cơ của thức ăn thay thế và cách phòng tránh nguy cơ:

Trẻ có thể bị tiêu chảy nếu: bà mẹ không rửa sạch tay trước khi chuẩn bị bữa ăn; đồ dùng, nước nấu không sạch hoặc dùng sữa hết hạn

Trẻ sẽ không tăng cân nếu số bữa ăn không đủ; lượng mỗi bữa ăn không đủ hay thức ăn quá loãng

Khuyên bà mẹ đưa trẻ đến cơ sở y tế nếu:

Trẻ bú dưới 6 bữa/ngày hoặc bú ít hơn bình thường

Trẻ bị tiêu chảy

Trẻ tăng cân chậm.

Nếu không cần điều trị tại bệnh viện thì cho trẻ ra viện.

Khám lại sau 1 tuần để kiểm tra cách bà mẹ cho trẻ ăn và độ an toàn của thức ăn.

Có cán bộ chuyên trách khám định kì cho trẻ theo quy định.