Nội dung

Xét nghiệm magie

MAGIE

(Magnésémie / Magnesium)

NHẮC LẠI SINH LÝ

Magie (Mg++) là một cation nằm chủ yếu trong tế bào với 60% lượng này tìm thấy trong xương dưới dạng kết hợp với canxi và phosphor. Toàn bộ khối lượng Mg trong cơ thể là 25g và thực phẩm hàng ngày cung cấp 500mg (chủ yếu trong thức ăn giàu chất diệp lục). Chỉ có một lượng nhỏ magie tìm thấy trong máu. Vì vậy, nồng độ magie máu phản ánh một cách không toàn diện và không đầy đủ kho chứa magie của cơ thể.

Cơ thể duy trì nồng độ magie trong máu bằng  cách kiểm soát quá trình hấp thu magie từ ruột và quá trình bài xuất hay hấp thu ion này tại thận:

– Magie được hấp thu tại ruột non nhờ một quá trình tích cực phụ thuộc vào 1 – 25 – di OH vitamin D. Sau khi được hấp thu, magie lưu hành trong máu dưới dạng ion hóa (60%) hay gắn với các protein vận chuyển (40%).

– Ở thận, magie được lọc qua các cầu thận và được các ống thận tái hấp thu tới 95%. Tái hấp thu magie (MG2+) của ống thận phụ thuộc vào quá trình bài tiết canxi, natri, aldosterone và hormone cận giáp trạng (PTH).

Magie có các chức năng chính:

– Tham gia vào quá trình hình thành xương.

– Cần thiết cho quá trình tiết và cho tác dụng sinh học của PTH.

– Hoạt hóa nhiều loại enzym.

– Tham gia vào quá trình hình thành ATP (sản xuất năng lượng).

– Là một ion thiết yếu tham gia duy trì nồng độ chức năng bình thường thần kinh cơ và tạo cục đông trong quá trình cầm máu.

Các BN bị tăng nồng độ magie máu (hypermagnesemia) sẽ có biểu hiện li bì, đỏ bừng mặt, tụt HA, ức chế hô hấp, nhịp tim chậm và giảm hay mất phản xạ gân xương sâu. Các BN bị giảm nồng  magie máu (hypomagnesemia) sẽ có biểu hiện rung giật sợi cơ và run cơ, chứng dễ co thắt cơ (tetany), loạn nhịp tim và tăng phản xạ gân xương sâu.

CÁCH LẤY BỆNH PHẨM

Không nhất thiết yêu cầu BN nhịn ăn trước khi lấy máu XN.

Cần ngừng dùng các thuốc có chứa muối magie (Vd: sữa magie) 3 ngày trước khi lấy máu XN.

Định lượng magie có thể được thực hiện trên bệnh phẩm:

– Huyết thanh (phản ánh magie ngoài tế bào): ống nghiệm tiêu chuẩn, định lượng theo phương pháp đo màu.

– HC (phản ánh magie trong tế bào): ống nghiệm tráng heparin – lithium; sau khi làm khô bệnh phẩm định lượng magie theo phương pháp đo màu.

– Thu bệnh phẩm nước tiểu 24h và định lượng magie theo phương pháp đo màu.

Do magie là cation nằm chủ yếu trong tế bào, người ta khuyên nên tách nhanh các HC và tránh vỡ HC hay đặt garo quá lâu khi lấy máu làm XN.

GIÁ TRỊ BÌNH THƯỜNG

– Magie huyết thanh:

+ Trẻ sơ sinh: 1,00 – 1,08 mEq/L hay 0,5 – 0,54 mmol/L.

+ Trẻ nhỏ: 1,38 – 1,74 mEq hay 0,69 – 0,87 mmol/L.

+ Người lớn: 1,3 – 2,1 mEq/L hay 0,65 – 1,05 mmol/L.

– Magie HC: 4,5 – 6,0 mEq/L hay 2,25 – 3,00 mmol/L.

– Magie nước tiểu: 6,0 – 8,5 mEq/L hay 3,00 – 4,25 mmol/L.

TĂNG NỒNG ĐỘ MAGIE MÁU

Các nguyên nhân chính thường gặp là:

1. Dùng thuốc trung hòa axit dịch vị có magie ở BN bị suy thận.

2. Dùng các dịch truyền magie (Vd: trong điều trị sản giật).

3. Các nguyên nhân khác:

– Bệnh Addison.

– Sau cắt bỏ tuyến thượng thận.

– Mất nước nặng.

– Nhiễm toan ceton do ĐTĐ.

– Cường chức năng tuyến cận giáp.

– Suy chức năng tuyến giáp.

  Đa u tủy xương.

GIẢM NỒNG ĐỘ MAGIE MÁU:

Các nguyên nhân chính thường gặp là:

1. Giảm hấp thu qua đường tiêu hóa

– Suy dinh dưỡng.

– Hội chứng giảm hấp thu.

– Nghiện rượu mạn (do suy dinh dưỡng + kém hấp thu do thiếu VTM D).

– Dinh dưỡng theo đường ruột song không bổ sung magie.

– Tiêu chảy, nôn mạn tính.

– Suy thận (kém hấp thu magie qua đường tiêu hóa do thiếu VTM D).

2. Mất quá nhiều magie qua nước tiểu

– Do thuốc (thuốc lợi tiểu, gentamycin, cisplatin, ampho-tericin B).

– Ethanol.

– ĐTĐ gây đái nhiều.

– Tăng canxi máu (thải magie qua nước tiểu song song với thải canxi).

– Tổn thương ống thận.

– Cường aldosterone.

– Suy cận giáp trạng.

3. Cố định quá nhiều magie trong xương do quá trình tạo xương quá mức.

4. Các nguyên nhân khác

– Viêm tụy mạn.

– BN được lọc máu chu kỳ mạn.

– Xơ gan.

– Cường giáp.

– Nhiễm độc thai nghén.

– Bệnh ĐTĐ không được kiểm soát.

CÁC YẾU TỐ GÓP PHẦN LÀM THAY ĐỔI KẾT QUẢ XÉT NGHIỆM

– Đặt garo quá lâu khi lấy máu XN có thể làm thay đổi kết quả xét nghiệm.

– Mẫu bệnh phẩm bị vỡ hồng cầu có thể làm thay đổi kết quả XN.

– Các thuốc có thể làm tăng nồng độ magie máu là: amilorid, thuốc kháng sinh nhóm aminoglycosid, thuốc trung hòa axit dịch vị, aspirin, calcitrol, thuốc nhuận tràng, muối Epsom, felodipin, truyền magie sulfat tĩnh mạch, lithium, medroxyprogesteron, salicylate, tacrolimus, triamterene.

– Các thuốc có thể làm giảm nồng độ magie máu là: amphotericin, azathioprin, canxi gluconat, cisplatin, cyclo-sporin, digoxin, thuốc lợi tiểu, haloperidol, insulin, neomycin, thuốc ngừa thai uống, theophyliin, transtuzumab.

LỢI ÍCH CỦA XN ĐỊNH LƯỢNG MAGIE

1. Magie huyết thanh là phản ánh nồng độ magie ngoài tế bào, trái lại magie trong HC phản ánh nồng độ magie trong tế bào. Magie huyết thanh có thể vẫn trong giới hạn bình thường mặc dù có thiếu hụt tới 20% tổng kho magie.

2. Định lượng magie huyết thanh và HC hữu ích trong các bệnh lý sau:

– Tình trạng giảm hấp thu.

– Nghiện rượu mạn.

– Suy thận.

– Tiêu chảy mạn tính.

– Tăng canxi máu.

3. Chỉ định theo dõi nồng độ magie huyết thanh khi tiến hành điều trị bằng digitalis, lợi tiểu, kháng sinh nhóm aminosid, cisplatin.

4. XN định lượng magie niệu ít được sử dụng trên lâm sàng. XN chủ yếu được chỉ định khi muốn tìm kiếm tình trạng mất magie qua thận khi tiến hành tiếp cận, chẩn đoán trường hợp giảm magie máu nặng.

CÁC CẢNH BÁO LÂM SÀNG

– Phòng XN sẽ yêu cầu xác định giá trị hematocrit khi muốn định lượng nồng độ magie hồng cầu.

– Có thể phát hiện được ở một số BN có biểu hiện tạng dễ co thắt (spasmophilies) có tình trạng giảm nồng độ magie trong huyết thanh hay trong hồng cầu. Tình trạng tăng nồng độ magie máu sẽ làm nặng thêm các tác động của tình trạng tăng canxi máu và tình trạng giảm nồng độ magie máu sẽ làm nặng thêm tác động của tình trạng giảm canxi máu. Vì vậy nên theo dõi nồng độ magie máu đồng thời với nồng độ canxi và phospho khi muốn đánh giá ứng với điều trị bổ sung canxi.