Đặc điểm hình thể.
Hình thể ngoài:
Giun tròn có thân hình ống, màu ngà hay trắng hồng, không phân đoạn, đối xứng qua trục giữa của thân. Trên thân có những trục nhỏ.
Kích thước giun tròn rất thay đổi. Có loại dài 1- 2 mm (giun soắn, giun lươn..) có loại dài tới 20 – 30 cm như giun đũa, có loại dài trên 1m như giun chỉ Medine.
Giun tròn có lớp vỏ ngoài bằng kitin, cứng nhẵn hoặc có khía ngang, khía dọc, khía chéo.
Đầu trước có thể có răng, móc, dao cắt… Các bộ phận này giúp giun tròn bám vào nơi kí sinh…
Hình thể trong:
Thành cơ thể: bao quanh thân, cắt ngang thân giun, từ ngoài vào trong có:
Lớp vỏ cứng, trong, thuần nhất, cấu tạo bởi protein cứng, tương tự như keratin.
Lớp hạ bì (subcuticular epithelium) chỉ có một lớp tế bào hạt, có chỗ lồi ra ở 4 phía chia thân giun làm 4 phần: 2 đường bên đường lưng, đường bụng. Hai đường bên chứa đựng các ống bài tiết, có các dây thần kinh.
Lớp cơ: gồm những thớ cơ dọc.
Lớp giữa là xoang chứa các cơ quan.
Các cơ quan nội tạng của giun:
Cơ quan tiêu hoá: miệng, thực quản, ruột, trực tràng, hậu môn.
Cơ quan bài tiết: gồm hai ống chạy dọc theo chiều dài thân giun, ở hai bên mép thân, có hai hạch bài tiết, nhô ra ngoài băng lỗ bài tiết ở gần thực quản.
Cơ quan thần kinh: gồm một vòng thần kinh bao quanh thực quản và một vòng bao quanh khúc sau của ruột. Từ vòng bao quanh thực quản, xuất phát ra phía trước 6 sợi thần kinh, ngoài ra có những sợi thần kinh đi dọc theo nối liền hai vòng và đi thẳng ra phía sau thân, trong đó có 2 sợi thần kinh lớn đi dọc theo lưng. Một vài giun tròn có cơ quan thần kinh cảm giác (cơ quan nhạy cảm) ở gần hậu môn, đó là Phasmida. Người ta dựa vào đặc điểm này để phân loại giun tròn.
Cơ quan sinh dục:
Bộ phận sinh dục đực: có một hay hai tinh hoàn tùy từng loại giun. Tinh hoàn là một ống dài cuộn lại hay uốn khúc. Tiếp đến là ống dẫn tinh, về cuối ống này mở ra thành túi đựng tinh, ống tinh thông ra ngoài sau hậu môn, nơi đó có gai giao phối. Ở một vài loài phía đuôi phình ra tạo thành túi giao hợp.
Bộ phận sinh dục cái: thường khúc khuỷu, gồm 2 buồng trứng, hai ống dẫn trứng, túi nhận tinh, hai tử cung, dẫn đến âm đạo và âm môn, ăn thông với bên ngoài bởi một lỗ sinh dục nằm ở giữa hay nửa trước của thân, luôn nhô ra phía bụng.
Đặc điểm sinh học của giun tròn.
Sinh lí, sinh thái:
Giun tròn có thể sống tự do ở thiên nhiên, nhưng đa số sống kí sinh. Có loài vừa sống tự do vừa sống kí sinh.
Vị trí kí sinh: giun tròn có thể kí sinh ở ống tiêu hoá, hệ tuần hoàn, hoặc các cơ quan nội tạng. Trước khi đến kí sinh ở vị trí cố định, một số giun tròn có giai đoạn di chuyển chu du trong cơ thể vật chủ. Giun có thể di chuyển bất thường, gây hiện tượng lạc chỗ. Mỗi loài giun tròn có vật chủ thích hợp, nhưng có thể kí sinh bất thường ở những vật chủ không thích hợp – hiện tượng lạc chủ.
Giun tròn chiếm chất dinh dưỡng của vật chủ bằng nhiều cách: hút thức ăn qua miệng, thẩm thấu qua thân. Giun ăn dưỡng chấp, máu, dịch mô,… phần lớn chất dinh dưỡng được hấp thụ dùng để tạo trứng. Trứng giun tròn đều có một màng bọc, do chất kitin tạo thành, một số giun đẻ ra ấu trùng (giun soắn, giun chỉ…).
Vòng đời sinh học:
Đa số giun tròn có vòng đời đơn giản, có một vật chủ: giun đũa, giun tóc, giun móc… Một số giun tròn có vòng đời phức tạp hơn, cần có vật chủ trung gian: giun chỉ… có loài giun tròn có cùng vật chủ chính và vật chủ phụ: giun soắn.