Cryptosporidies do Tyzzer (1907) và Leger (1911) mô tả. Lévine phân loại lại vào năm 1980. Cryptosporidies thuộc lớp bào tử trùng, lớp phụ Coccidia, chỉ có một chi Cryptosporidium, nhưng có tới 11 loài.
Cryptosporidies phân bố rộng khắp trên thế giới. Ở Việt Nam, điều tra trên những bệnh nhi ỉa chảy ở cả miền Bắc và miền Nam thấy tỉ lệ nhiễm đơn bào Cryptosporidium sp. khá cao. Cryptosporidium sp. Có thể tấn công cơ địa suy giảm miễn dịch cũng như người khoẻ mạnh nhất là trẻ em và gặp trên các bệnh nhân AIDS được xem như là bệnh kí sinh trùng cơ hội.
Theo đánh giá của Trung tâm kiểm soát bệnh Hoa Kì, có tới 2 – 5% bệnh nhân AIDS bị tiêu chảy do Cryptosporidium sp., tuy nhiên theo Markell E.K
(1999) cho rằng: tỉ lệ này còn cao hơn nhiều từ 11 – 41% tùy theo vùng. Mac Kenzie (1994) chứng minh được rằng: trên người khoẻ mạnh Cryptosporidium sp. đã gây ra các trận dịch tiêu chảy lan truyền qua đường nước hoặc các sản phẩm chế biến từ sữa bò (đại dịch ở Milwaukee – Hoa Kì, năm 1993 có 403.000 người mắc). Tại Nhật Bản Kuroki T. (1966) cũng đã chứng minh được vụ dịch ỉa chảy do Cryptosporidium sp. Ở Saitama có tới 9.104 người mắc. Tuy nhiên, theo đánh giá của Current W.L. (1991) các nước đang phát triển sẽ có tần suất mắc bệnh này cao hơn 8,5% so với các nước phát triển 2,2%.
Tại Việt Nam, nghiên cứu của Nguyễn Thanh Bảo (1991) cho thấy: tỉ lệ nhiễm đơn bào này là 2,9% trong số 380 trẻ em bị mắc bệnh tiêu chảy cấp dưới 5 tuổi nhập viện Nhi Đồng I TP Hồ Chí Minh. Theo Trần Vinh Hiển (1997): tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, tỉ lệ xét nghiệm các mẫu phân dương tính với Cryptosporidium sp là 0,26%. Ngoài ra, theo Nguyễn Chí Cường (1998): một điều tra trên trẻ em, người khoẻ mạnh và trên bệnh nhân HIV/AIDS có tiêu chảy hoặc không đều không tìm thấy Cryptosporidium sp. Gần đây theo điều tra của Phạm Thái Bình và CS (2003) tại huyện Củ Chi – TP. Hồ Chí Minh cho thấy: tỉ lệ nhiễm Cryptosporidium sp. Ở các nhân viên chăm sóc bò 3,5%, trẻ em tiêu chảy dưới
5 tuổi 3,8%. Mặc dù vậy, cho tới nay chúng ta cũng chưa có một cuộc điều tra đầy đủ để xác định tỉ lệ và phân bố loại kí sinh trùng này.
Đặc điểm hình thể.
Cryptosporidium có kích thước nhỏ 2 – 6 µm, kích thước thay đổi tùy thuộc vào các giai đoạn phát triển của vòng đời. Thể nang trứng (oocyste) hay gặp trong phân, có kích thước từ 5 – 6 x 3 µm đến 13 – 15 x 8 – 9 µm, đã có bào tử ngay sau khi mới thải ra. Bào tử chứa 4 thoi trùng trần trụi trong những nang bào tử (sporocystes).
Đặc điểm sinh học.
Quan sát vòng đời sinh học của Cryptosporidium sp. giống như Eimeriidae và Isosporidae gồm 6 giai đoạn phát triển chính: có hai hình thức sinh sản vô tính và hữu tính (hình 7.3).
Hình 7.3: Vòng đời của Cryptosporidium sp.
Giai đoạn thoát kén(excystation):
Khi nhiễm các nang bào tử qua đường tiêu hoá vào ruột, thoát kén, giải phóng ra các thoi trùng, tiếp tục phát triển.
Giai đoạn phát triển trứng (merogony):
Đây là giai đoạn sinh sản vô giới, thực hiện ở tế bào biểu mô ruột.
Giai đoạn phát triển giao tử(gametogony):
Ở giai đoạn này bắt đầu hình thành các giao tử đực và giao tử cái.
Giai đoạn thụ tinh(fertilization):
Đây là giai đoạn sinh sản hữu giới, có sự kết hợp giữa giao tử đực với giao tử cái để hình thành nang trứng.
Giai đoạn phát triển nang trứng(oocyst):
Sau khi các nang trứng hình thành, sẽ tiếp tục phát triển thành nang bào tử.
Giai đoạn phát triển bào tử (sporogony):
Giai đoạn này bắt đầu hình thành các thoi trùng có khả năng gây nhiễm từ trong các nang bào tử, ở trong nang trứng.
Vai trò y học.
Trong thời gian dài vai trò y học của Cryptosporidium sp. không được đánh giá đúng mức. Cryptosporidium sp. kí sinh ở biểu mô ruột đoạn hồi tràng, ở vị trí nông trên bề mặt.
Cryptosporidium sp. chỉ gây bệnh khi có phối hợp nhiễm virut: Rotavirus, Corravirus… lúc đó Cryptosporidium sp. trở nên độc tính và gây ra những rối loạn trầm trọng, nhất là đối với những người suy giảm miễn dịch, suy dinh dưỡng… là những yếu tố thuận lợi tạo nên bệnh Cryptosporidiose.
Bệnh hay gặp ở những người có hệ thống lympho T bị suy giảm do nguyên nhân virut, những người bị bệnh AIDS, những người đồng tính luyến ái, trẻ em suy dinh dưỡng…
Bệnh cũng có thể xảy ra khi có sự phối hợp với virut, ở những người ăn phải rau quả, có nhiễm nang kén bào tử từ phân súc vật có kén. Yếu tố này giải thích vì sao người không tiếp xúc với động vật bao giờ vẫn có khi bị bệnh.
Ngoài thể bệnh thông thường điển hình ở ruột, đã có những thông báo một vài trường hợp biểu hiện bệnh ở đường hô hấp. Cryptosporidium sp. gây bệnh điển hình ở ruột có những triệu chứng sau:
Ở người bình thường chỉ có biểu hiện triệu chứng lâm sàng nhẹ, sau thời gian ủ bệnh 4 – 12 ngày có triệu chứng đi lỏng mức độ vừa, sốt nhẹ hoặc không sốt, ít có biểu hiện đau bụng hoặc không và bệnh tự khỏi trong vòng 1 – 2 tuần.
Ở những người có suy giảm miễn dịch bẩm sinh, người mắc bệnh AIDS, trẻ em suy dinh dưỡng… triệu chứng đi lỏng rầm rộ kiểu đi tả từ 6 – 25 lần trong ngày, kéo dài nhiều tháng, thường kèm theo đau bụng, sốt, mất nước, kém hấp thu, gầy còm. Có trường hợp thấy viêm túi mật, viêm phổi…
Chẩn đoán.
Dựa vào các biểu hiện lâm sàng không có giá trị.
Chủ yếu dựa vào xét nghiệm phân tìm kí sinh trùng trong phân bằng các phương pháp nhuộm Auramin (huỳnh quang), hoặc nhuộm Ziell Nellsen cải tiến. Các phương pháp soi tươi, nhuộm iod… thường khó phát hiện. Cũng có thể xét nghiệm bệnh phẩm khác như dịch tá tràng, dịch mật, dịch hút phế quản để chẩn đoán bệnh Cryptosporidioses.
Điều trị.
Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.
Một số tác giả dùng spiramycin thấy cũng có tác dụng. Chủ yếu vẫn là điều trị triệu trứng.
Dịch tễ học.
Bệnh do Cryptosporidium sp. gây ra phân bố ở nhiều nước, là một bệnh từ động vật lây sang người. Bệnh có tính chất lưu hành mạnh.
Như đã nêu trên, Cryptosporidium sp. gây bệnh chủ yếu cho động vật có xương sống như bò, ngựa, cừu, khỉ, mèo, chó… Đặc biệt bò là nguồn lây nhiễm quan trọng liên quan đến sự lan truyền bệnh cho người.
Ngoài ra người có thể nhiễm do ăn phải rau, quả có nang kén hoặc có thể nhiễm trực tiếp khi tiếp xúc với động vật là nguồn bệnh. Các động vật có vú và một số loài chim (thường là còn non, mới sinh: bê, cừu non, lợn con, từ 1 – 3 tuần tuổi, nhất là những con vật non không được bú sữa non của mẹ) là nguồn bệnh nguy hiểm truyền Cryptosporidium sp.
Mặc dù tỉ lệ nhiễm Cryptosporidium sp. ở Việt Nam còn thấp, nhưng hiện nay chúng ta đang phải đương đầu với những điều kiện thuận lợi cho sự lan truyền của mầm bệnh này như ngành chăn nuôi bò sữa đang ngày càng phát triển (chủ yếu lấy giống bò nhập khẩu) và tỉ lệ bệnh nhân AIDS đang gia tăng (170.000 người nhiễm HIV năm 2003). Đó chính là cơ hội cho các bệnh nhiễm trùng cơ hội xuất hiện, trong đó có mầm bệnh Cryptosporidium sp.