Đặc điểm hình thể.
Hình thể thường gặp của Sarcocystis hominis là nang trứng, cũng giống như nang trứng của I.belli, nhưng kích thước nhỏ hơn 16 x 10 µm.
Đặc điểm sinh học.
Ở người (vật chủ chính), Sarcocystis hominis kí sinh ở tế bào lát của ruột. Ở ruột, trùng bào tử phát triển qua hai giai đoạn: sinh sản vô giới và sinh sản hữu giới (giống như Isospora belli), để tạo ra nang bào tử.
Các nang bào tử theo phân ra ngoại cảnh. Lợn hoặc trâu, bò ăn phải nang bào tử. Trùng bào tử phá vỡ nang xâm nhập vào máu rồi tới các cơ kí sinh tạo thành các nang trùng bào tử ở cơ của lợn hoặc trâu, bò. Người ăn phải thịt lợn hoặc thịt trâu, bò có nang trùng bào tử chưa nấu chín. Khi tới ruột non người, trùng bào tử phá vỡ nang xâm nhập vào tế bào lát của ruột, kí sinh và phát triển ở đó.
Nếu người nhiễm phải nang bào tử ở ngoại cảnh cũng mắc bệnh tương tự như ăn phải thịt lợn hoặc thịt trâu, bò có nang trùng bào tử chưa nấu chín.
Vai trò y học.
Người ăn thịt lợn, trâu, bò nhiễm Sarcocystis hominis, sau một tuần, thấy xuất hiện các triệu chứng: đau bụng, đi lỏng, nôn, phù và có thể rét run vã mồ hôi. Các triệu chứng kéo dài 48 giờ rồi giảm dần.
Chẩn đoán và điều trị.
Tương tự như đối với Isospora belli. Riêng đối với lợn, trâu, bò có thể xét nghiệm thịt để tìm nang trùng bào tử.
Dịch tễ học và phòng chống.
Nguồn bệnh: người mắc bệnh do Sarcocystis hominis gây ra hoặc lợn, trâu và bò có nang trùng bào tử S.hominis.
Đường lây: do ăn thịt lợn, trâu, bò có nang trùng bào tử chưa nấu chín hoặc nhiễm nang trùng bào tử từ ngoại cảnh qua đường tiêu hoá.
Phòng chống: không ăn thịt lợn, trâu, bò sống, tái, chưa nấu chín. Quản lí nguồn phân: không dùng phân tươi bón ruộng, phóng uế bừa bãi. Vệ sinh ăn uống, vệ sinh cá nhân.