Đại cương.
Bệnh nấm da (Dermatophytosis) là nhiễm nấm ở mô keratin hoá (da, lông, tóc, móng…) do một nhóm nấm ưa keratin – nấm da (dermatophytes) – gây ra.
Nấm da gây bệnh ở da của người và động vật, không gây bệnh ở các cơ quan nội tạng. Mức độ tổn thương có thể từ nhẹ đến nặng tùy thuộc đáp ứng của vật chủ và độc lực của nấm gây bệnh.
Lịch sử nghiên cứu nấm y học bắt đầu vào năm 1839 khi J.L. Schoenlein quan sát thấy sợi nấm từ một bệnh nhân bị nấm tóc. Sau này tên Ông được đặt cho một loài nấm là Trichophyton schoenleinii. Năm 1892, Raymond Sabouraud đã bắt đầu nghiên cứu một cách hệ thống về nấm da và Ông đã phát minh ra môi trường nuôi cấy nấm. Ngày nay môi trường Sabouraud là môi trường cơ bản trong nuôi cấy nấm gây bệnh mặc dù thành phần không còn như khi ông phát minh ra.
Bệnh nấm da không ảnh hưởng đến tính mạng tuy nhiên bệnh nhân có cảm giác ngứa ngáy khó chịu, ảnh hưởng tới công việc, sinh hoạt, lao động, luyện tập và sẵn sàng chiến đấu. Phòng chống bệnh nấm da là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các tuyến quân y đơn vị.
Đặc điểm hình thể.
Hình thể đại thể:
Nấm da phát triển trên các môi trường tạo khuẩn lạc phẳng hoặc gồ cao, có nếp gấp, bề mặt trơn bóng, có lông mịn, đôi khi bề mặt có dạng bột do sự xuất hiện của bào tử.
Nhiều loại sinh sắc tố đỏ hoặc vàng không ngấm vào môi trường, một số sinh sắc tố đỏ, vàng, nâu đen, xanh đen lan toả vào môi trường.
Hình ảnh vi thể:
Bộ phận sinh dưỡng: những sợi nấm có vách ngăn, không màu, có thể có một số hình dạng đặc biệt như sợi nấm xoắn, sợi hình lược, hình sừng nai, thể cục…
Bộ phận sinh sản: những bào tử vô tính có giá trị định loại nấm như bào tử nhỏ (microconidia), bào tử lớn (macroconidia), ngoài ra còn có bào tử đốt, bào tử màng dày…
Hình : Một số cấu trúc sợi nấm đặc biệt của nấm da.
1.Sợi nấm hình lược, 2. Thể cục, 3. S ợi nấm xoắn, 4. Sợi nấm hình vợt.
Một số loại nấm da có khả năng tạo bào tử hữu tính là những thể quả kín (cleistothecia), khi ấy nấm thuộc lớp nấm Túi (Ascomycetes) và có tên là Arthroderma (khi giai đoạn vô tính là Trichophyton) và Nannizia (khi giai đoạn vô tính là Microsporum).
Đặc điểm sinh học.
Đặc điểm sinh lí, dinh dưỡng, chuyển hóa:
Nấm da tuy kí sinh ở những mô keratin hoá nhưng vẫn có thể mọc ở môi trường không có keratin như môi trường Sabouraud.
Vài loại nấm da chỉ mọc tốt khi môi trường có inositol, axit nicotinic, vitamin B1, L – histidin (T.verrucosum cần thiamine, inositol, T.megninii cần lhistidin, T.equinum cần niacin, T.tonsurans, T.violaceum cần thiamin…) đặc điểm này được sử dụng trong chẩn đoán định loại nấm.
Các nấm da đề kháng các kháng sinh thông thường và cycloheximid, kháng sinh này thường được pha vào trong môi trường nuôi cấy, phân lập nấm da.
Nhạy cảm với griseofulvin.
Đặc điểm sinh thái:
Nấm da phát triển mạnh ở nhiệt độ 25 – 300C. Nhiệt độ bề mặt da rất phù hợp cho nấm da phát triển.
Độ ẩm cao cũng là điều kiện thuận lợi để nấm da phát triển. Tỉ lệ bệnh tăng cao vào mùa hè khi điều kiện nhiệt độ và độ ẩm không khí cao. Trên da, nấm thường phát triển ở những vùng da ẩm ướt như bẹn, kẽ chân, thắt lưng… những người đi giày nhiều, nhiệt độ và độ ẩm tại chỗ cao hay bị nấm kẽ chân.
pH: pH thích hợp với nấm da là 6,9 – 7,2. Trên cơ thể người pH của da phụ thuộc hai yếu tố chính là axit béo trong chất bã và mồ hôi. pH da thay đổi tùy theo vùng da và lứa tuổi, ở trẻ em các tuyến bã chưa hoàn thiện do đó hay bị nấm tóc và bệnh thường tự khỏi khi trẻ em đến tuổi dậy thì khi các tuyến bã tăng hoạt động. Mồ hôi cũng có tác dụng điều tiết độ pH của da, tuy nhiên khi mồ hôi ra nhiều hoặc những vùng ẩm ướt (các kẽ như nách, bẹn, kẽ chân, thắt lưng…) lượng amoniăc tăng làm pH của da chuyển hướng kiềm (pH: 6,3 – 7,1) tạo điều kiện cho nấm phát triển, do đó bệnh hay gặp ở các vùng này.
Phân loại.
Nấm da thuộc lớp nấm Bất toàn (Fungi Imperfecti), có khoảng trên 30 loài thuộc ba chi Microsporum, Trichophyton và Epidermophyton. Theo Emmons C.W., có thể dựa vào đặc điểm bào tử lớn của nấm để phân biệt ba chi:
Hình : Bào tử lớn.
1.Bào tử lớn của Microsporum,
2.Bào tử lớn của Trichophyton,
3.Bào tử lớn của Epidermophyton.
Phân bố địa lí: có loài nấm da phân bố rộng khắp thế giới như T.rubrum. Có loài khu trú ở những vùng nhất định như T.soudanense, M.langeronii ở châu Phi,
M.ferrugineum ở châu Á. Ở Đông Nam Á thường gặp T.rubrum, T.mentagrophytes, T.concentricum, T.tonsurans, M.canis, M.gypseum, E.floccosum… Ở Việt Nam những loài nấm da hay gặp là T.rubrum, T.mentagrophytes, T.violaceum, M.canis, M.gypseum, E.floccosum…
Theo nguồn lây nhiễm nấm da được chia làm 3 nhóm:
Nấm ưa đất (geophilic): sống hoại sinh trong đất, nhiễm vào động vật, người tiếp xúc với đất (M.gypseum, M.fulvum, T.ajelloi, T.terrestre...).
Nấm ưa động vật (zoophilic): chủ yếu sống kí sinh ở động vật, lây nhiễm vào người qua tiếp xúc trực tiếp hay gián tiếp với động vật: M. canis, từ chó, mèo, T.equium từ ngựa, T.mentagrophytes từ chó, trâu, bò, lợn…
Nấm ưa người (anthropophilic): chỉ kí sinh gây bệnh ở người. Ví dụ:
M.audouinii, M.ferrugineum, E.floccosum, T.rubrum, T.schoenleinii, T.tonsurans, T.violaceum, T.concentricum… lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp với người bệnh hoặc gián tiếp qua đồ dùng như khăn lau, lược, mũ nón, quần áo, chăn màn, ghế ngồi… Đường lây gián tiếp phổ biến và quan trọng hơn.
Quá trình tiến hóa của nấm da bắt đầu từ những nấm sống hoại sinh trong đất. Trong số đó có một số nấm có enzym keratinase phân giải keratin trong đất và trở thành nấm ưa keratin (keratinophilic). Một số nấm ưa keratin dần dần có khả năng kí sinh ở những mô keratin hóa của động vật sống. Khi nấm có khả năng kí sinh ở động vật một số mất khả năng hoại sinh trong đất và trở thành nấm ưa động vật. Trong số những nấm ưa động vật kí sinh ở động vật gần gũi với người, một số gây bệnh cho người và dần mất hướng tính với động vật, chỉ kí sinh ở người.
Quá trình tiến hoá từ nấm ưa đất trở thành nấm ưa động vật và ưa người cũng ảnh hưởng đến khả năng sinh bào tử của nấm da, số lượng bào tử giảm đi và phần lớn mất khả năng sinh bào tử hữu tính. T.mentagrophytes var. mentagrophytes (ưa động vật) sinh nhiều bào tử hơn T.mentagrophytes var. interdigitale (ưa người). M.audouinii, T.rubrum, T.schoenleinii (ưa người) ít khi tạo bào tử lớn. Những nấm tiến hóa cao như vậy sinh sản và phát tán và chủ yếu bằng bào tử đốt (arthroconidia), bào tử này có thể sống ở môi trường thời gian dài.
Nấm da ưa người (anthropophilic dermatophytes):
Tên nấm |
Tổn thương hay gặp |
Phân bố |
E.floccosum |
Chân, bẹn, móng |
Khắp nơi |
M.audouinii |
Đầu |
Khắp nơi |
M.ferrugineum |
Đầu |
Viễn Đông, Tây Phi, Đông Âu |
T.concentricum |
Thân |
Châu Á, châu Đại Dương, |
T.gourvilii |
Râu |
Tây Âu, Bắc Phi |
T.mentagrophytes var. interdigitale |
Chân |
Khắp nơi |
T.rubrum |
Thân, bẹn, chân, móng |
Khắp nơi |
T.schoenleinii |
Đầu |
Khắp nơi |
T.soudanense |
Đầu |
Châu Phi |
T.tonsurans |
Đầu |
Khắp nơi |
T.violaceum |
Đầu, cằm |
Khắp nơi |
T.yaoundei |
Đầu |
Châu Phi |
Nấm da ưa động vật truyền sang người:
Tên nấm |
Động vật nhiễm nấm |
Tổn thương hay gặp trên người |
Phân bố |
M.canis var. canis |
Mèo, chó, khỉ, động vật gặm nhấm |
Đầu, da nhẵn |
Khắp nơi |
M.canis var. distortum |
Chó, mèo, lừa |
Đầu, da nhẵn |
Mĩ, New Zealand |
M.gallinae |
Gà |
Đầu, da nhẵn |
Khắp nơi |
T.equinum |
Ngựa |
Da nhẵn |
Khắp nơi |
T.verrucosum |
Trâu bò, ngựa |
Đầu, cằm, da nhẵn |
Khắp nơi |
T.mentagrophytes var. mentagrophytes |
Động vật gặm nhấm, khỉ, chó, trâu bò, lợn |
Đầu, cằm |
Khắp nơi |
T.mentagrophytes var. erinacei |
Động vật gặm nhấm (nhím) |
Da nhẵn, cằm |
Châu Âu, New Zealand |
T.mentagrophytes var. quinckeanum |
Động vật gặm nhấm (chuột) |
Đầu, da nhẵn |
Úc, Đông Âu |
Nấm da ưa đất (geophilic dermatophytes):
Tên nấm |
Động vật nhiễm nấm |
Tổn thương hay gặp trên người |
Phân bố |
M.cookei |
Chó, khỉ |
Da nhẵn |
Khắp nơi |
M.fulvum |
|
Đầu, da nhẵn |
Khắp nơi |
M.gypseum |
Mèo, chó, ngựa, |
Đầu, da nhẵn |
Khắp nơi |
|
động vật gặm nhấm, khỉ |
|
|
M.nanum |
Lợn |
Đầu, da nhẵn |
Khắp nơi |
M.persicolor |
|
Da nhẵn, đầu |
Châu Phi, Mĩ, châu Á |
M.praecox |
Ngựa |
Da nhẵn |
Tây Âu, Mĩ |
M.vanbreuseghemii |
Chó, động vật gặm nhấm |
Da nhẵn |
Châu Phi, Ấn Độ |
T.simii |
Khỉ, gà, chó |
Da nhẵn |
Ấn Độ |
Vai trò y học.
Đặc điểm:
Nơi nào trên cơ thể có keratin thì đều có khả năng bị nấm da kí sinh gây bệnh. Bệnh nấm da thường được mang tên theo vị trí các phần khác nhau của cơ thể mà ở đó nấm gây bệnh như: nấm đầu, nấm kẽ, nấm bẹn, nấm móng… Nấm không xâm nhập vào các mô, tổ chức nhưng sự có mặt của nấm cũng như các sản phẩm chuyển hoá của nấm có thể gây ra các đáp ứng viêm, dị ứng, hình thái và mức độ phụ thuộc vào tác nhân gây bệnh.
Trong đa số trường hợp, những nấm ưa đất, ưa động vật gây bệnh cho người gây ra các phản ứng viêm cấp tính mạnh hơn, những nấm ưa người gây ra phản ứng viêm ít hơn nhưng bệnh hay mãn tính, kéo dài.
Chu kì lây nhiễm nấm: những bào tử hoặc sợi nấm gặp điều kiện thuận lợi sẽ phát triển thành sợi nấm. Sợi nấm kí sinh gây bệnh cho vật chủ sau một thời gian phát triển sẽ sinh bào tử, các bào tử phát tán ra môi trường gặp vật chủ khác lại có thể kí sinh gây bệnh. Vẩy da rơi rụng từ bệnh nhân nấm da có khả năng gây nhiễm trong thời gian dài (hàng tháng, hàng năm) nên khả năng lây bệnh gián tiếp rất lớn.
Những vật dụng như thảm, chiếu là những nơi lí tưởng lưu giữ nấm do đó lây nhiễm T.rubrum, T.mentagrophytes var.interdigitale và E.floccosum thường qua chân, khi điều trị cần lưu ý kẽ chân là nơi lưu trữ mầm bệnh chính, thường xuyên thải mầm bệnh ra môi trường.
Đáp ứng miễn dịch của cơ thể trong bệnh nấm da:
Khi nấm xâm nhập da các đáp ứng miễn dịch đặc hiệu và không đặc hiệu tham gia vào các đáp ứng bảo vệ. Trong miễn dịch đặc hiệu, vai trò của đáp ứng miễn dịch qua trung gian tế bào quan trọng hơn so với miễn dịch dịch thể. Tuy nhiên miễn dịch trong nấm da thường yếu do màng tế bào nấm rất dày làm cho những chất bên trong sợi nấm khó thấm qua và nấm chủ yếu cư trú ở lớp keratin “chết” nên ít tiếp xúc với các tế bào có thẩm quyền miễn dịch. Bằng chứng rõ nhất của miễn dịch trong nấm da là phản ứng dị ứng “Id reaction”.
Nấm T.rubrum hay gây bệnh nấm da mãn tính do nấm này tiết ra một loại chất mannan có khả năng làm ức chế hoặc giảm đáp ứng miễn dịch tế bào.
Các loại nấm da có khả năng gây bệnh khác nhau, nấm Epidermophyton chỉ kí sinh gây bệnh ở da, móng, Microsporum chỉ kí sinh gây bệnh ở da, tóc, nấm Trichophyton có thể kí sinh gây bệnh ở cả da, lông, tóc, móng. Trong số các loài nấm da, hay gặp là T.rubrum, bệnh do T.rubrum thường mãn tính, hay tái phát.
Một số bệnh nấm da thường gặp:
Bệnh nấm vùng da đầu (tinea capitis):
Tổn thương chủ yếu ở tóc, da đầu cũng có thể bị viêm. Dựa vào hình thái lâm sàng có thể phân thành 4 loại:
Nấm đầu mảng xám (grey patch): do các loại Microsporum gây ra, ở Việt Nam có thể gặp M.canis, M.ferrugineum, M.audouinii… Nấm xâm nhập vào tóc trong nang tóc, khi sợi tóc mọc lên nấm phá vỡ sợi tóc và hình thành một khối các bào tử đốt nhỏ (2 – 3 µm) bao bọc sợi tóc. Sợi tóc trở nên xám đục, gẫy cách da đầu vài mm, tổn thương thường thành các mảng tròn, có thể lan rộng ra toàn bộ vùng da đầu. Bệnh thường gặp ở trẻ em và lây lan thành dịch ở trường học.
Nấm đầu chấm đen (black dot): thường do T.tonsurans, T.violaceum. Nấm sinh các bào tử đốt ở ngay trong sợi tóc làm sợi tóc yếu đi nhiều và đứt ngang sát da đầu, nhìn vào trông giống như những chấm đen nhỏ, da đầu bị viêm.
Hình 18.2: Nấm đầu.
1.Nấm đầu mảng xám, 2. Nấm đầu chấm đen.
Nấm đầu mưng mủ (kerion): thường do T.mentagrophytes, M.canis. Tổn thương viêm mủ các nang lông gần nhau, mủ bọc ở chân sợi tóc làm sợi tóc tuột đi tạo thành những mảng tròn gồ cao, trụi tóc.
Nấm đầu lõm chén (favus): do T.schoenleinii. Da đầu bị viêm mạn tính, có những hình lõm chén 10 – 15 mm, bờ gồ cao, không đều, mủ tạo thành từ nang lông thành những vẩy bọc sợi tóc, tóc không rụng nhưng mất bóng, tổn thương có mùi hôi. Bệnh thường kéo dài làm teo da đầu, khi điều trị hết nấm tóc cũng không mọc lại. Bệnh thường gặp ở châu Phi.
Nấm má(tinea barbae):
Do M.canis, T.mentagrophytes, T.verrucosum… Bệnh nhân thường nhiễm nấm do tiếp xúc với thú nuôi trong nhà như chó, mèo… hoặc áp má lên lưng trâu bò.
Tổn thương thường ở một bên má hoặc ở cằm, có thể có các hình thái như nấm đầu.
Bệnh nấm vùng da nhẵn (tinea corporis):
Hắc lào (tinea circrinata): tổn thương lúc đầu hơi đỏ, ranh giới rõ, có bờ viền, trên bờ viền có mụn nước nhỏ, giữa tổn thương có xu hướng lành. Tổn thương có thể lan rộng từng đám đa cung đường kính 1 – 2 cm hoặc bằng bàn tay. Do ngứa gãi chà xát… dễ nhiễm khuẩn thứ phát. Thường ở chỗ nếp gấp lớn, bí mồ hôi: 80% ở thắt lưng, mông, bẹn.
Hình 18.3: Hắc lào.
Vẩy rồng (tinea imbricata, Tokelau) do T.concentricum gây ra. Bệnh kéo dài nên cả vùng da lớn bị, có khi cả thân mình. Da không viêm nhưng ngứa, tróc vảy, vẩy xếp thành những hình đồng tâm. Ở Việt
Hình18.4: Bệnh nấm vảy rồng.
Nam bệnh hay gặp ở vùng dân tộc ít người, rất khó chữa.
Nấm móng (tinea unguum, onychomycosis):
Do Trichophyton và Epidermophyton gây ra.
Tổn thương thường bắt đầu từ bờ tự do, móng bị nhiễm nấm khi bệnh nhân gãi hoặc từ lưng bàn tay, bàn chân lan vào móng, ngược lại móng bị nhiễm nấm có thể reo rắc bào tử sang những vùng da khác. Móng lỗ chỗ dày lên, vàng đục, biến dạng, có những mảnh vụn như lõi sậy, cạo ra có màu hơi vàng, móng dần dần tách khỏi nền móng. Tổn thương có thể lan tới móng khác hoặc vùng da khác, đôi khi gây viêm quanh móng, tiến triển dai dẳng, hay tái phát.
Hình 18.5: Nấm móng
Nấm kẽ:
Thường do T.rubrum, T.mentagrophytes, E.floccosum…
Bệnh gặp nhiều ở các nước phát triển do đi giày, tắm bể nhiều, bệnh thường vào mùa nước hoặc những đợt mưa dầm, ở những người phải lội bùn nhiều. Mùa hè mồ hôi ẩm ướt ở các kẽ chân, đi giày cao su kín là điều kiện thuận lợi dễ mắc bệnh.
Vị trí: thường ở kẽ ngón chân 3 – 4 vì các ngón sít với nhau hơn.
Da bị bợt trắng hoặc trợt loét, rất ngứa, có khi nổi mụn nước ở ria các ngón. Có thể lan sang kẽ khác, lan lên mu bàn chân hay xuống lòng bàn chân. Dễ bị nhiễm trùng gây mụn mủ, vẩy da, vẩy tiết tại chỗ, bàn chân sưng nề, nổi hạch bẹn.
Dị ứng do nấm da (Dermatophytid,”Id” reaction):
Các tổn thương ở xa nơi nấm kí sinh gây bệnh, tại chỗ xét nghiệm không thấy nấm, và sẽ mất đi khi bệnh nấm được điều trị khỏi.
Các loại T.mentagrophytes, T.verrucosum thường hay gây dị ứng.
Biểu hiện: tổ đỉa ở tay, bờ ngoài bàn chân.
Hình 18.6: Tổn thương dị ứng do nấm da.
Chẩn đoán.
Dựa vào dịch tễ, lâm sàng và xét nghiệm:
Dịch tễ: trong đơn vị có nhiều bị nấm da, người nghi ngờ bị bệnh có tiếp xúc trực tiếp hay gián tiếp với bệnh nhân…
Lâm sàng: bệnh nấm da thường mãn tính dai dẳng, nhất là bệnh do T.rubrum. Thường chẩn đoán phân biệt với các bệnh da khác như vảy nến, chàm, phong, viêm nang lông sâu, bệnh da có phỏng nước khác, chốc do liên cầu…
Xét nghiệm:
Đèn Wood: đèn Wood tạo ra tia cực tím bước sóng 3.660 Ao, cho bệnh nhân vào buồng tối, chiếu đèn cách da đầu bệnh nhân 15 – 30 cm, những sợi tóc nhiễm nấm sẽ phát huỳnh quang (có màu xanh vàng sáng nếu tóc nhiễm M.audouinii, M.canis, M.ferrugineum, màu xanh trắng đục nếu tóc nhiễm T.schoenleinii).
Xét nghiệm trực tiếp: vẩy da, tóc, móng… bằng dung dịch KOH 10 – 20%. Có thể thấy sợi nấm, bào tử đốt.
Hình 18.7: Sợi nấm và bào tử đốt trong vẩy da.
Nuôi cấy: cấy bệnh phẩm vào môi trường Sabouraud có cloramphenicol và cycloheximid để ở nhiệt độ phòng, có thể sau 1 – 3 tuần mới thấy nấm mọc. Định loại nấm dựa vào hình thái đại thể, vi thể và các nghiệm pháp sinh học như: nghiệm pháp xuyên tóc, các yếu tố cần thiết cho sự phát triển…
Điều trị.
Nguyên tắc:
Phát hiện sớm, điều trị kịp thời (khi nấm giản đơn, bệnh lẻ tẻ, chưa thành dịch).
Điều trị liên tục, triệt để, đủ thời gian.
Dùng thuốc thích hợp tùy vùng da, tùy người, mức độ bệnh.
Tránh kì cọ mạnh, cạo sát da khi bôi thuốc.
Kết hợp điều trị với dự phòng.
Nếu bệnh chỉ ở da, không có biến chứng thường chỉ cần bôi thuốc tại chỗ. Bệnh nấm da đầu, nấm móng, nấm da mãn tính hoặc lan rộng, bôi thuốc tại chỗ không tác dụng cần phải kết hợp thuốc uống.
Thuốc:
Thuốc đông y: dung dịch cồn rễ uy linh tiên (kiến cò) 30-50%, cồn lá hoặc rễ muồng trâu 20 – 30%, cồn lá chút chít, cao săng lẻ.
Thuốc tây y:
Thuốc nước:
ASA (aspirin 10g, salicylic natri 8g, alcool 700 100ml).
BSI (axit benzoic 2g, axit salicylic 2g, iod 2g, alcool 700 100ml).
Thuốc mỡ: benzosali, axit salicylic 1 – 2%, Whitfield (acid benzoic 6g, acid salicylic 3g, vaselin 100g ), azole (miconazole, clotrimazole, ketoconazole…), terbinafine…
Phác đồ Cục Quân y điều trị hắc lào:
Tuần 1: ASA BSI bôi sáng chiều.
Tuần 2: sáng bôi BSI, chiều bôi mỡ benzosali.
Tuần 3 – đến khỏi: mỡ benzosali bôi sáng chiều.
Có thể uống kết hợp griseofulvin 0,25 x 4 viên/ngày x 3 – 4 tuần.
Thuốc uống: griseofulvin, các thuốc nhóm azole (ketoconazole, itraconazole…), nhóm allilamines (terbinafine). Terbinafine là thuốc mới, hiện được coi là thuốc tốt nhất để điều trị nấm da, với nấm móng thuốc có tỉ lệ tái phát thấp nhất, ít tác dụng phụ.
Một số phác đồ điều trị nấm da:
Nấm móng: terbinafine 250 mg/ngày x 6 tuần với nấm móng tay, 12 tuần với nấm móng chân, có thể thay thế bằng itraconazole 200mg/ngày x 3 tháng. Do itraconazole tồn lưu lâu trong mô keratin (6 – 9 tháng) nên hiện nay đã có những nghiên cứu dùng nhịp trị liệu (pulse therapy) cho các trường hợp nấm móng, liều 200 – 400mg/ngày x 1 tuần, nghỉ 3 tuần dùng tiếp nhịp thứ hai, với nấm móng chân dùng tiếp nhịp thứ ba.
Nấm tóc: griseofulvin 500mg/ngày cho đến khi lành (6 – 8 tuần), terbinafine 250 mg/ngày x 4 tuần, itraconazole100mg/ngày x 4 tuần.
Nấm da lan rộng: griseofulvin 500mg/ngày cho đến khi lành (4 – 6 tuần), kết hợp với bôi mỡ azole, terbinafine 250mg/ngày x 2 – 4 tuần, itraconazole 100 mg/ngày trong x 15 ngày hay 200mg/ngày x 7 ngày.
Dịch tễ học và phòng chống.
Dịch tễ học:
Bệnh nấm da hay gặp ở các nước nhiệt đới. Việt Nam nằm trong vùng nhiệt đới nóng ẩm, điều kiện vệ sinh còn nhiều hạn chế nên bệnh nấm da rất phổ biến. Trong nhân dân bệnh có tỉ lệ cao thứ hai sau bệnh chàm. Trong quân đội nấm da chiếm tỉ lệ cao nhất trong các bệnh da, (trung bình 7 – 10%, có thể tăng cao tới 25 – 30%. Tỉ lệ tăng vào mùa hè, trong điều kiện luyện tập chiến đấu lao động vất vả.
Phòng chống:
Phòng cá nhân: gồm các biện pháp bảo vệ da. Nấm lây truyền cần những yếu tố thuận lợi như: da bị sang chấn, mồ hôi lép nhép làm bở lớp sừng, cọ sát làm da xung huyết, điều kiện thiếu vệ sinh, ít tắm giặt, để cho bào tử, sợi nấm bám vào da có đủ thời gian nảy nở và phát triển gây bệnh. Để đề phòng nấm da lan truyền xâm nhập vào da thì khâu vệ sinh cá nhân rất quan trọng.
Tắm giặt đều, không để mồ hôi, bụi bặm bám lâu trên da, tránh kì cọ, cạo sát mạnh trên da. Giữ khô các nếp bẹn, kẽ chân… sau khi tắm rửa.
Tránh nấm da ở đầu, tóc: luôn giữ sạch da đầu, tóc, tránh bụi, ẩm ướt, cần đội mũ nón thích hợp, tránh quá chật và quá bí, phải gội đầu sạch hàng tuần, trường hợp tóc nhờn quá thì cần gội nhiều lần hơn, khi tóc khô và nhiều gầu nên gội đầu ít hơn. Không nên dùng các loại xà phòng gội đầu có nhiều chất kiềm vì làm tóc khô và dễ rụng. Nên gội đầu bằng nước bồ kếp, xà phòng thơm xong xả bằng nước sạch, có thể gội bằng chanh, nước lá dứa, lá bưởi.
Thường xuyên cắt móng tay, móng chân, tóc…
Tránh mặc quần áo quá ẩm ướt, quần lót không nên dùng vải nilon và quá chật gây xây sát da, bí mồ hôi.
Hạn chế tiếp xúc với động vật như chó, mèo…
Phòng chống tập thể:
Vệ sinh môi trường: nơi ở phải thoáng mát, nhà cửa cao ráo, sạch sẽ, tránh bụi bậm, nước tắm đủ dùng, sạch (nước mưa, nước máy, nước giếng), phải có xô, chậu, phải có dây phơi ngoài nắng.
Vệ sinh nhà cửa, quần áo, chăn màn, giường chiếu là những nơi lưu giữ bào tử nấm. Chăn chiếu phải định kì giặt giũ, tránh để ẩm mốc, phơi quần áo, chiếu, giày tất để diệt bào tử nấm.
Không dùng chung lược, khăn lau, quần áo, chăn màn… tránh lây lan.
Phát hiện sớm, điều trị kịp thời triệt để bệnh nhân. Khi có người bị nấm da nên cách li, luộc quần áo, phơi nắng, quần áo cần lộn trái trong khi phơi nắng. – Phòng bệnh nấm da bằng hóa chất: vận động viên, bộ đội và những đối tượng thường xuyên đi giày có thể dùng bột talc có axit undecylenic rắc vào giày, tất đề phòng nấm kẽ, dùng NaPCP (natripentachlorophenolat) 1% kết hợp với kẽm sulfat 1% phun vào các thảm chùi chân, thảm trải trong nhà để phòng nấm kẽ. Tại Việt Nam, Bộ môn – Khoa Da liễu Học viện Quân y đã nghiên cứu ứng dụng tẩm NaPCP và sulfat kẽm vào quần lót phòng chống nấm ở thắt lưng, mông, bẹn cho bộ đội đã thu được kết quả tốt.