Sparganum là tên gọi chung các ấu trùng của các loài Spirometra, bao gồm: S. mansoni, S. ranarum, S. Mansonoides, S. erinacei, S. decipiens, S. Houghtoni và S. proliferum. Bệnh do các loài ấu trùng này gây nên gọi là sparganosis.
lịch sử:
Các giống Sparganum đầu tiên được mô tả bởi Diesing vào năm 1854. Manson báo cáo ca đầu tiên ở người tại Trung Quốc vào năm 1882, nguyên nhân do Sparganum mansoni, là loài chiếm ưu thế ở châu Á. Năm 1935, Mueller mô tả Spirometra mansonoides – loài phổ biến ở Mỹ. Trường hợp đầu tiên nhiễm mẫu không tăng sinh của S. mansonoides được báo cáo bởi Moore vào năm 1914, và những trường hợp đầu tiên nhiễm do các hình thức tăng sinh được báo cáo bởi Stiles vào năm 1908.
phân bố:
Trên thế giới, Sparganosis ở người rất hiếm gặp. Hầu hết các ca bệnh được ghi nhận từ châu Á và Bắc Mỹ, chỉ một vài trường hợp đã được chẩn đoán ở châu Âu, châu Phi, Nam Mỹ và Úc.
Ở Việt Nam, nhất là miền Bắc, trước đây có rất nhiều người bị bướu sán ở mắt, hiện nay chỉ còn lẻ tẻ.
hình thể:
Các sparganum có hình dạng như một dải băng màu trắng, chiều rộng khoảng 3 mm và chiều dài lên tới 30 cm. Sparganum là một ấu trùng thân rắn (solid – bodied), không có bàng quang, có các hấp khẩu (hai đường rãnh dọc) thay vì những giác hút. Ấu trùng gồm một chuỗi các đốt không phân đoạn, dài 20 – 30 cm, các bó sợi cơ dọc rải rác khắp trung mô và có vỏ dày.
Hình 1: Sparganum được lấy ra từ thành ngực của bệnh nhân, dài khoảng 70mm. (Nguồn: CDC)
ký chủ và trung gian truyền bệnh:
Chó và mèo là ký chủ chính của sán trưởng thành. Các ký chủ trung gian đầu tiên là loài Cyplops sp. và giáp xác nước ngọt. Các ký chủ trung gian thứ hai là động vật lưỡng cư, bò sát, chim và động vật có vú. Người được xem là ký chủ trung gian tình cờ. Rắn và nòng nọc ếch là các trung gian truyền bệnh. Ở người, sparganum có thể được tìm thấy ở nhiều cơ quan như: khoang màng phổi, mắt, màng tim, khoang bụng, nội tạng và hệ thống thần kinh trung ương.
đường lây:
Người nhiễm Sparganum bởi ba đường chính: uống nước có Cyplops sp. nhiễm ấu trùng sán; ăn thịt rắn, ếch, nhái…nấu chưa chín; đắp thịt ếch hay thịt rắn lên vết thương hở hoặc các tổn thương khác, hoặc mắt. Ngoài ra, người có thể nhiễm Sparganum do bơi lội trong nước, ấu trùng procercoid xâm nhập qua da.
chu trình phát triển:
Sán trưởng thành sống trong ruột non chó, mèo. Trong ruột, sán phóng thích trứng, trứng theo phân ra ngoài, gặp nước nở ra ấu trùng lông, sau đó bị Cyplops sp. nuốt biến thành plerocercoid độ 3 tuần sau. Khi Cyplops bị nòng nọc ăn, vào ống tiêu hóa, ấu trùng plerocercoid đi ngang qua thành dạ dày đến các cơ biến thành sparganum hình dây băng trắng dài khoảng 3cm ở ếch, nhái. Các ký chủ khác như rắn, lươn, chuột, gà nuốt Cyplops,ký sinh trùng cũng chỉ ở dạng sparganum. Khi chò, mèo, cọp ăn các ký chủ trung gian hay ký chủ chờ thời này, sparganum sẽ trở thành sán trưởng thành trong ruột non.
Hình 2: Chu trình phát triển của Spirometra sp.(Nguồn CDC)
Thời gian ủ bệnh là 20 ngày đến 14 tháng. Tuy nhiên, ấu trùng sparganum thể tồn tại trong cơ thể nhiều năm hoặc thậm chí vài chục năm trước khi các triệu chứng xuất hiện.
biểu hiện lâm sàng:
Bệnh sparganum ở mắt: sau khi đắp thịt ếch độ 10 ngày, bệnh nhân thấy khó chịu ở mắt, cử động nhãn cầu khó khăn, đau nhức mắt, giảm thị lực. Tùy vào vị trí ký sinh của sparganum ở mắt, bệnh nhân có thể bị lồi mắt, viêm loét giác mạc, phù mi mắt, viêm dây thần kinh thị giác; bệnh nhân thấy xốn mắt, cử động nhãn cầu khó khăn, giảm thị lực. Nếu không chữa trị kịp thời dây thần kinh thị giác viêm nặng có thể gây mù.
Sparganum có thể sống hang năm, triệu chứng có lúc giảm nhưng nhiễm trùng phụ có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Bệnh sparganum ở mô: khi nuốt sparganum, đến ruột sparganum chui qua vách ruột, di chuyển dần ra da, nó có thể gây đau và ngứa, khi đã định vị nó gây áp xe. Các nơi thường gặp như mô ở dưới da, cơ ngực bụng, đùi. Ngoài ra, người ta có thể gặp sparganum ở mô dưới phúc mạc màng phổi, bàng quang, não, bìu….
chẩn đoán:
Dựa vào hình ảnh lâm sàng: chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI) là hữu ích trong việc chẩn đoán sparganosis.
Chẩn đoán xác định: yêu cầu phải thấy sparganum từ vết thương.
Trong trường hợp của sparganosis não, chẩn đoán bằng xét nghiệm ELISA (enzyme-linked immunosorbent assay) dịch não tủy hoặc huyết thanh, nhưng chẩn đoán thường được thực hiện sau phẫu thuật.
Tiền sử có đắp thịt ếch lên mắt cũng như thói quen ăn rắn, chuột, lươn nấu chưa chín là những yếu tố quan trọng cho chẩn đoán.
điều trị:
Rạch và gắp sparganum ra nhưng thao tác cần nhanh vì ấu trùng có thể di chuyển đi chỗ khác.
Hình 3: Sparganum được gắp ra từ vỏ não chẩm phải
(Nguồn: https://web.stanford.edu)
Thuốc: Praziquantel 60 – 75mg/kg x 2 ngày.Tuy nhiên, điều trị bằng Praziquantel chỉ thành công hạn chế. Đối với sparganosis não đòi hỏi phải phẫu thuật cắt bỏ các ký sinh trùng; praziquantel không có tác dụng trên giun trưởng thành trong hệ thống thần kinh trung ương. Không thể điều trị cho sparganosis tăng sinh. Mọi nỗ lực để phẫu thuật cắt bỏ sparganosis tăng sinh đã không thành công vì sự phổ biến rộng rãi của ấu trùng.
dự phòng:
Tại các vùng có lưu hành, khuyến cáo cho người dân về sự nguy hiểm của việc uống nước từ ao, hồ. Cải thiện cơ sở hạ tầng y tế công cộng để cho tất cả người dân có thể tiếp cận với nguồn nước sạch. Không khuyến khích việc sử dụng động vật có khả năng mắc bệnh cho mục đích y tế. Việc phòng ngừa có thể gặp nhiều khó khăn vì tập tục văn hóa và thói quen ăn ếch và rắn chưa được nấu chín..
tài liệu tham khảo:
Trần Vinh Hiển, Trần Thị Kim Dung (2008) Ký sinh trùng liên quan giữa thú và người, NXB Y học, tr.80 -82
Trần Xuân Mai, Trần Thị Kim Dung, Phan Anh Tuấn, Lê Thị Xuân (2010) Ký sinh trùng y học, Giáo trình đại học, NXB Y học, tr.286-288
Centers for Disease Control and Prevention, Sparganosis, http://www.cdc.gov/dpdx/sparganosis/index.html
Sparganosis, https://web.stanford.edu/class/humbio103/ParaSites2006/Sparganosis/SPARGANOSIS%20WEBSITE.htm