Nội dung

Những bệnh lây truyền qua trung gian cần quan tâm

Đối với các bệnh truyền nhiễm, một số vấn đề có liên quan như: mầm bệnh, nguồn chứa mầm bệnh, hình thức lây truyền, những nguyên tắc phòng bệnh và điều trị… là những vấn đề luôn luôn được quan tâm. Về phương thức truyền bệnh thường có 3 hình thức chính: lây trực tiếp, gián tiếp và lây do côn trùng tiết túc.

Bệnh dịch hạch

Dịch hạch là một bệnh truyền nhiễm tối nguy hiểm, tiến triển cấp tính, lây lan mạnh với tỷ lệ tử vong cao, được xếp vào diện phải kiểm dịch và khai báo quốc tế. Bệnh do trực khuẩn Yersinia pestis gây ra, lưu hành trong quần thể động vật thuộc những loài gặm nhấm (chủ yếu là chuột) và bọ chét ký sinh trên chúng. Từ đó, bệnh lây truyền sang người qua trung gian bọ chét nhiễm khuẩn. Ở Việt Nam, bệnh dịch hạch thường phát triển mạnh vào mùa khô, phù hợp với mùa phát triển của chuột và bọ chét. Tuy nhiên, dịch cũng được ghi nhận vào các thời gian khác trong năm kể cả trong mùa mưa.

 

Chuột là trung gian lây truyền bệnh dịch hạch. Ảnh Internet

Đặc điểm dịch tễ học.

Dịch hạch là bệnh lưu hành địa phương ở nhiều quốc gia trên thế giới. Trong 15 năm qua (1989-2003), 38.310 trường hợp mắc với 2.845 bệnh nhân tử vong ghi nhận từ 25 quốc gia trên thế giới với số mắc cao nhất vào năm 1991 và thấp nhất vào năm 1989. Trong đó, một số quốc gia báo cáo bệnh nhân dịch hạch cho Tổ chức Y tế Thế giới hàng năm là Công Gô, Madagascar, Tanzania ở Châu Phi, Pêru và Hoa Kỳ ở Châu Mỹ, Mông Cổ và Việt Nam ở Châu Á.

Tại Việt Nam, bệnh lan truyền từ loài gậm nhấm (chủ yếu là chuột) sang người, chủ yếu qua bọ chét chuột (Xenopsylla cheopis). Đây là véc tơ chính truyền bệnh dịch hạch.

Sốt phát ban do chấy rận

Bệnh sốt phát ban do chấy rận xuất hiện đột ngột với sốt cao, đau đầu, rét run, đau mình mẩy và mệt lử. Ban xuất hiện vào ngày thứ 5 – 6 ở nửa người trên, sau đó lan toàn thân nhưng không xuất hiện ở mặt, lòng bàn tay và gan bàn chân. Thể hiện rõ tình trạng nhiễm độc và bệnh kết thúc bằng hạ nhiệt nhanh sau 2 tuần sốt. Tỷ lệ tử vong tăng theo tuổi từ 10 – 40%. Có thể mắc bệnh nhẹ không kèm theo phát ban, nhất là ở trẻ em và người đã được miễn dịch một phần trước đó.

 

Chấy rận lầy truyền bệnh sốt phát ban. Ảnh internet

Đặc điểm dịch tễ học: 

Bệnh sốt phát ban do chấy rận lưu hành ở những vùng khí hậu lạnh với điều kiện sống thấp, kém vệ sinh và chấy rận phát triển. Những vụ dịch lớn đã xảy ra trong chiến tranh và nạn đói. Hiện nay vẫn tồn tại các ổ dịch lưu hành địa phương ở vùng núi Mehico, Trung và Nam Mỹ, trung và Tây Phi và một số nước châu Á. Bệnh cũng xuất hiện ở Việt Nam vào những năm đầu thế kỷ 20, nhất là trong nạn đói năm 1945. Bệnh sốt phát ban do chấy rận xuất hiện lần cuối cùng ở Hoa Kỳ vào năm 1921. Những vụ dịch vẫn xảy ra ở Burundi và Rwanda. Hiện nay bệnh tồn tại như một bệnh động vật của loài sóc bay (Glaucomys volans) ở Hoa Kỳ và đã có bằng chứng huyết thanh học về những người đã bị nhiễm Rickettsia prowazekii từ ổ nhiễm trùng này qua bọ chét của chúng.

Biện pháp dự phòng.

Tuyên truyền giáo dục sức khoẻ. Cần cung cấp cho nhân dân biết những thông tin về bệnh sốt phát ban do chấy rận để nhân dân phát hiện bệnh và phòng chống dịch.

Vệ sinh phòng bệnh.

Nhà ở phải thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng tự nhiên.

Cải thiện điều kiện sống, có đủ nước dùng, thường xuyên tắm rửa, giữ gìn sạch sẽ thân thể, quần áo, chăn màn.

Ở nơi có bệnh lưu hành địa phương, cần thường xuyên kiểm tra vệ sinh cá nhân, quần áo, giường chiếu và giám sát chấy rận trên người và đồ vải. Nếu có chấy rận và trứng của nó thì phải diệt bằng luộc sôi hoặc bằng hoá chất diệt thích hợp có hiệu lực.

Sốt phát ban do bọ chét chuột

Bệnh lưu hành trên toàn thế giới. Bệnh thường gặp ở những nơi có chuột phát triển mạnh và con người phải sống chung với nhiều chuột trong nhà. Mỗi năm khoảng 80 trường hợp được thông báo ở Hoa Kỳ. Bệnh xuất hiện nhiều vào cuối mùa hè và mùa thu. ở Việt Nam có nhiều chuột Rattus rattus, Rattus norvegicus và bọ chét chuột Xenopsylla cheopis là ổ chứa và vectơ của bệnh sốt phát ban chuột do đó có thể có bệnh lưu hành nhưng chưa có kết quả điều tra.

Biện pháp dự phòng

Tuyên truyền giáo dục sức khoẻ. Cần cung cấp cho nhân dân những thông tin về bệnh sốt phát ban do chuột để nhân dân biết phát hiện bệnh và phòng bệnh.

Vệ sinh phòng bệnh

Nhà ở phải thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng tự nhiên và phòng chống chuột.

Ở nơi có bệnh lưu hành địa phương cần giám sát thường xuyên mật độ chuột và bọ chét ngoại ký sinh trên chuột. Nếu mật độ chuột > 7 và bọ chét > 1 cần phải tiến hành diệt chuột và bọ chét để phòng bệnh. Phải diệt bọ chét trước khi diệt chuột.

Bệnh sốt rét

Muỗi truyền bệnh và môi trường: Trên thế giới có khoảng 422 loài Anophen (Anopheles) nhưng chỉ có khoảng 70 loài truyền bệnh sốt rét, trong đó khoảng 40 loài là muỗi truyền bệnh chính. Ở Việt Nam có 15 loài Anophen (An.) truyền bệnh, trong đó có 3 loài truyền bệnh chính: An.minimus, An.dirus, An.epiroticus và 12 loài truyền bệnh phụ: An.aconitus, An.jeyporiensis, An.maculatus, An.subpictus, An.sinensis, An.campestri, An.vagus, An.indefinitus.

Muỗi An.minimus phân bố ở vùng rừng núi đồi toàn quốc có bình độ dưới 1.000 mét, phát triển mạnh vào đầu và cuối mùa mưa. An.dirus phân bố vùng rừng núi từ 20 vĩ độ Bắc trở vào Nam, phát triển mạnh vào giữa mùa mưa. An.epiroticus phân bố vùng ven biển nước lợ Nam Bộ. Bệnh sốt rét phát triển quanh năm, các tỉnh rừng núi miền Bắc có 2 đỉnh bệnh vào đầu và cuối mùa mưa. Ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, sốt rét phát triển cao trong suốt mùa mưa.

Kinh tế xã hội: Trình độ dân trí và điều kiện kinh tế xã hội thấp, các phong tục tập quán lạc hậu, tập quán canh tác làm nương rẫy và ngủ qua đêm trên nương rẫy, trong rừng, dân di cư tự do vào vùng sốt rét v.v đều là những yếu tố làm gia tăng bệnh sốt rét.

Phòng bệnh

Phòng chống bệnh sốt rét bằng các biện pháp như phun thuốc diệt muỗi, tẩm màn, ngủ màn tẩm hóa chất hay dùng nhan xua muỗi.

Người dân cần đến khám tại Trạm y tế hay bệnh viện khi bị sốt nghi ngờ sốt rét để được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Người đi vào vùng sốt rét lưu hành như khách du lịch, người qua lại biên giới và người đi rừng ngủ rẫy cần phải đến trạm y tế xin thuốc cấp tự điều trị sốt rét. Thuốc sốt rét được cấp miễn phí cho người dân

Bệnh sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết là bệnh do muỗi truyền, có ở hơn 100 quốc gia trên thế giới với dịch xảy chủ yếu tại khu vực Đông Nam Á, châu Mỹ và Tây Thái Bình Dương.

Có bốn tuýp vi rút dengue gây ra sốt xuất huyết (DF) và sốt xuất huyết thể nặng (DHF) –dạng nghiêm trọng hơn và có thể dẫn đến tử vong. SXH đặt ra gánh nặng bệnh tật toàn cầu lớn với 2,5 tỷ người có nguy cơ mắc bệnh – chiếm 40% dân số thế giới. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hàng năm có từ 50 đến 100 triệu ca mắc SXH.

Không chỉ có muỗi Aedes Aegypti mang virut gây bệnh sốt xuất huyết, một loài muỗi nguy hiểm khác vừa được phát hiện tại thành phố Đà Nẵng, đe dọa tình trạng sốt xuất huyết đang vào mùa cao điểm.

Muỗi Aedes Albopictus (còn gọi là muỗi hổ châu Á hay muỗi rừng ban ngày) vừa được cơ quan chức năng điều tra, định loại và phát hiện tại một điểm tiềm ẩn mầm bệnh sốt xuất huyết tại Đà Nẵng.

Phòng bệnh

Sốt xuất huyết đang là một trong những vấn đề được quan tâm trong toàn cầu bởi mức độ nguy hiểm và khả năng gây dịch của nó. Do chưa có vắcxin phòng bệnh đặc hiệu nên việc phòng chống sốt xuất huyết hiện nay chủ yếu dựa vào công tác chống muỗi véctơ truyền bệnh. Tốt nhất là diệt muỗi, bọ gậy và phòng chống muỗi đốt. Thu gom, hủy các vật dụng phế thải xung quanh nhà như chai lọ vỡ, ống bơ…, dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến.

Bệnh rận mu

Rận mu là một loại côn trùng có chân, không có cánh, màu giống với màu da của người bệnh. Rận có ba cặp chân thuộc phần trước của bụng và bám vào lông mi bằng móng vuốt của các cặp chân thứ hai và thứ ba, 2 râu, 4 cặp chân nhỏ trên phần sau của bụng. Do tính chất đổi màu của rận, nên rất khó nhìn thấy chúng. Rận mu còn được gọi là rận bẹn (vì thấy chúng hút máu ở vùng bẹn), hay là rận cua (vì chúng có hình hài giống con cua). Rận mu hút máu người nơi chúng cư trú như ở chân lông mu, dương vật, bìu, bẹn, bao quy đầu (ở những người đàn ông không cắt bao quy đầu). Nơi chúng hút máu thường xuất hiện nốt mẩn đỏ, chấm đỏ và gây ngứa rất khó chịu. Nhưng cũng có trường hợp xuất hiện thấy các nốt đỏ, mẩn đỏ nhưng không ngứa. Ngoài ra, có thể thấy hạch vùng bẹn sưng, đau. Rận mu ngoài cư trú và sinh sản (đẻ trứng) ở lông vùng sinh dục, chúng có thể trú ở cả ở lông mi, lông mày hoặc có thể thấy ở cả tóc.

 

Phthirus pubis(rận mu hay crab louse)

Rận mu thường dễ chết khi sống ở môi trường bên ngoài nên bệnh thường lây truyền qua tiếp xúc kề cận, đôi khi qua áo quần, giường chiếu mùng mền, khăn lông nhiễm mầm bệnh (fomites). Người lớn có thể lây truyền cho trẻ em do tiếp xúc trực tiếp, dùng chung khăn, qua quần áo, giường ngủ.

Phòng bệnh: người bệnh còn cần thay nệm giường, quần áo, khăn… Nếu muốn dùng lại phải bỏ chúng trong túi nhựa kín, không có không khí, trong vòng 15 ngày trước khi đem giặt, nhằm diệt rận và trứng còn vướng trên nệm hay áo quần.

Tài liệu tham khảo:

http://vncdc.gov.vn/index.php/bnh-truyn-nhimepidemiology-of-communicable-diseases-and-prevention-control-measures/51-dao-tao-tap-huan/dch-t-hc-thc-a/156-dich-hach

http://vncdc.gov.vn/index.php/bnh-truyn-nhim/51-dao-tao-tap-huan/dch-t-hc-thc-a/176-sot-phat-ban

http://vncdc.gov.vn/index.php/category-table/175-sot-ret

http://www.cualuoi.co/con-trung/742-benh-do-con-trung-gay-ra.html

http://www.eliminatedengue.org/vi/Background/DengueFever/tabid/4623/Default.aspx

http://vnexpress.net/gl/suc-khoe/2012/10/loai-muoi-nguy-hiem-moi-gay-sot-xuat-huyet-o-mien-trung/

http://tieuhocdienbien.edu.vn/phu-huynh-can-biet/suc-khoe-va-doi-song/56-cach-phong-benh-sot-xuat-huyet.html

http://giangduongykhoa.blogspot.com/2010/05/tac-nhan-moi-trong-phong-chong-sot-xuat.html