Ve thuộc Lớp nhện (Arachnida), Bộ Acarina (bộ ve). có đầu, ngực, bụng dính liền một khối, bộ phận miệng còn gọi là đầu giả (capitulum).
Acarina trưởng thành có 8 chân, ấu trùng có 6 chân, không có râu, không có cánh.
Lỗ thở ở giữa cơ thể: Ixodoidea
Trên thế giới phát hiện được 750 loài ve cứng Ixodidae và trên 100 loài ve mềm Argasidae.
Tại Việt Nam đã phát hiện được 82 loài và phân loài ve cứng, 2 loài ve mềm ký sinh trên các động vật máu nóng.
Hình thể:
Ve cứng ixodidae:
Họ ve cứng Ixodidae: có mai lưng.
Ve có mai hình bầu dục, dẹt theo chiều lưng bụng, màu từ nâu nhạt đến đậm. Thân là một khối không phân rõ đầu, ngực, bụng. Có bộ phận hút máu gọi là đầu giả (capitulum), nằm ở phía trước, gồm một đôi pan, một đôi kìm và một vòi xếp thành hàng, mọc quay xuống phía thân. Mỗi pan có 4 đốt, đốt thứ 4 nằm trong đốt thứ 3, có cơ quan khứu giác để tìm mồi. Mặt lưng có mai (mảng kitin), con đực có mai to trùm toàn bộ lưng; con cái mai nhỏ chỉ chiếm một phần phía trước. Đốt cuối của đôi chân trước có cơ quan cảm giác (cơ quan Haller) để đánh hơi tìm mồi.
Họ ve mềm argasidae:
Không có mai lưng ở tất cả các giai đoạn phát triển, mặt bụng chỉ có những đĩa bằng kitin, đầu giả nằm ở dưới bụng. ít gặp ở Việt Nam.
Đặc điểm sinh học:
Họ ve cứng:
Vòng đời phát triển trải qua 4 giai đoạn: trứng – ấu trùng – thanh trùng – trưởng thành.
Ve đực thường chết sau khi giao phối.
Ve cái tìm mồi hút máu và đẻ trứng. Cả đời ve chỉ đẻ 1 lần, đẻ hết trứng teo xác lại rồi chết. Thời gian đẻ trứng kéo dài trong 14-20 ngày với số lượng từ 2000-8000 trứng. Sau 2-7 tuần, trứng nở ra ấu trùng. Mỗi giai đoạn phát triển ấu trùng, thanh trùng và trưởng thành đều cần hút máu, có no mới lớn lên và lột xác chuyển giai đoạn. Nhìn chung các loài ve hút máu nhiều loài vật chủ (đa vật chủ), một số loài chỉ có ít vật chủ thích hợp là người và động vật. Các hình thức ký sinh của ve có thể là:
Ký sinh trên một loài vật chủ ở tất cả các giai đoạn: Boophylus caudatus…
Ký sinh trên 2 vật chủ, giai đoạn ấu trùng và thanh trùng trên 1 vật chủ, giai đoạn trưởng thành trên 1 vật chủ khác: Rhipicephalus burs
Mỗi giai đoạn phát triển vòng đời ký sinh trên 1 vật chủ như:Dermacentor, Haemaphysalis.
Thời gian hoàn thành vòng đời phát triển của ve tuỳ thuộc vào thức ăn và nhiệt độ môi trường, kéo dài 2-3 tháng hoặc hơn.
Khu vực phân bố của ve tùy thuộc vào vật chủ. Có loài gặp nhiều ở rừng rậm, đồng cỏ; có loài ở xung quanh chuồng gia súc… Những động vật là vật chủ của ve: chuột, sóc, trâu, bò, ngựa… và người. Trên vật chủ ve thường tìm nơi da ẩm như: cổ, nách, bẹn, sau tai…để ký sinh hút máu.
Ve rình mồi bằng cách bám trên ngọn cỏ, lá cây…ở các đường đi của vật chủ. Ve nằm im, đưa 2 chân trước lên đánh hơi tìm mồi, hướng về phía vật chủ đang đi lại. Khi vật chủ đi qua, ve bám ngay vào lông tóc, quần áo…sau đó tìm nơi ký sinh. Sau khi bám vào vật chủ 50-60 phút ve mới hút máu. ở nhiệt độ 19-200C, độ ẩm 80% ve hoạt động mạnh. Khi trời nắng ấm, khô ráo ve hoạt động mạnh. Khi trời âm u, trời mưa ve hoạt động ít hơn, có khi ngừng hoạt động.
Mùa phát triển của ve ở Việt Nam khác nhau tuỳ từng loài: Haemaphysalis, Amblioma, Dermacentor phát triển vào hè thu (tháng 4- tháng 8); Boophylus phát triển quanh năm nhưng nhiều vào đông xuân.
Ve có sức chịu đói cao: ấu trùng có thể nhịn đói khoảng 1 tháng, thanh trùng và trưởng thành nhịn đói được hàng năm. Ve có thể sống khoảng 5 năm.
Họ ve mềm
Năm 1942 Toumanoff gặp loài này ký sinh trên dơi. Ve mềm hoàn thành vòng đời từ 3-12 tháng. Ve đực và ve cái đều hút máu, thường hút máu về đêm. Đực cái giao phối ngay trên vật chủ. Mỗi đời đẻ 100-200 trứng, cả đời đẻ khoảng 1200 trứng. Ve trú ẩn ở khe kẽ nền nhà, vách tường, khe cột…
Ve nhịn đói lâu được tới hàng năm. Tuổi thọ của Argasidae cao, có khi tới 25 năm.
Vai trò y học:
Họ ve cứng
Vai trò truyền bệnh
Ve có thể truyền được nhiều loại mầm bệnh: vi khuẩn, vi rút, Rickettsia…
Mầm bệnh là Rickettsia:
Sốt Q: mầm bệnh là R.burnetti (Coxiella burnetti). Bệnh phát hiện lần đầu tiên ở vùng Queensland. Hiện bệnh phân bố rộng rãi trên toàn thế giới. Bệnh do ve Rhipicephalus, Dermacentor truyền; bệnh cũng có thể lây qua đường hô hấp và tiêu hoá.
Sốt phát ban vùng núi đá: mầm bệnh là R.rickettsi, do ve Dermacentor truyền, hay gặp ở vùng Tây châu Mỹ (Braxin, Canada, Colombia, Panama và Hoa Kỳ)
Sốt phát ban Siberie: mầm bệnh là R.sibirica do ve Dermacentor, Haemaphysalis, Rhipicephalus truyền. Bệnh phân bố ở Nhật Bản, Liên Xô cũ và vùng Thái Bình Dương. Bệnh do loài ve rừng châu á Dermacentor silvarum truyền.
Một số bệnh khác:
Bệnh sốt phát ban do R. conorii, ở vùng Trung Cận Đông, châu Phi và Nam á do ve chó nâu Rhipicephalus sangiuneus truyền.
Bệnh sốt phát ban do R. australis xảy ra ở vùng Queensland, do loài ve yếm Ixodes holocychis truyền. Điều trị: có thể dùng tetracyclin hoặc cloramphenicol
Phòng bệnh: tránh không cho ve đốt, nhanh chóng thận trọng lấy ve ra khỏi chỗ đốt. Rickettsia có thể nhiễm cho người vài giờ sau khi ve bám vào vật chủ.
Mầm bệnh là vi rút:
Một số bệnh viêm não do ve truyền là do vi rút gây viêm cấp ở não, màng não, tuỷ sống. Triệu chứng thay đổi tuỳ theo bệnh. Nhiều người bị nhiễm nhưng không có biểu hiện gì. Trường hợp nặng có đau đầu dữ dội, sốt cao, buồn nôn, hôn mê, có thể tử vong.
Viêm não ve hay viêm não vùng rừng Taiga (còn gọi là viêm não vùng Viễn Đông) do ve taiga Ixodes persulcatus truyền.
Viêm não châu Âu (viêm não vùng Trung Âu từ Ural cho đến Pháp) do ve đậu Ixodes ricinus truyền.
Bệnh sốt Colorado do ve rừng Mỹ Dermacentor andessoni, bệnh được nghiên cứu nhiều ở châu Mỹ.
Mầm bệnh là vi khuẩn:
Bệnh Tularemia do ve Dermacentor truyền, gặp nhiều ở châu Mỹ, châu Âu.
Bệnh còn gọi là bệnh sốt thỏ, sốt ruồi hươu hay bệnh Ohara do Francisella tularensis gây ra. Mầm bệnh do ve Dermacentor, ve thỏ Mỹ Haemaphysalis leporis-palustris; cũng có thể do va chạm với động vật mắc bệnh như thỏ…Thợ săn và thợ rừng có nguy cơ nhiễm bệnh cao.
Bệnh điều trị bằng kháng sinh streptomycin.
Dự phòng: tránh ve đốt; sử dụng găng tay không thấm nước để giết ve và tiếp xúc với các động vật săn được. Nấu chín thịt động vật hoang dại và nước ở vùng có bệnh.
Bệnh Lyme:
Mầm bệnh là xoắn khuẩn Borrelia burrefery, phát hiện từ năm 1975 tại làng Lyme (Hoa Kỳ). Bệnh xảy ra chủ yếu ở vùng ôn đới phía Bắc Trái Đất gồm: Trung Quốc, châu Âu, Hoa Kỳ và Liên Xô cũ.
Bệnh đã được phát hiện ở Việt Nam trên một bệnh nhân điều trị tại viện Quân y 103 (Nguyễn Phú Kháng và cs, 1990).
Bệnh phát triển qua 3 giai đoạn:
Giai đoạn cấp: giống cảm cúm, sau khi nhiễm bệnh 10-15 ngày. Tại chỗ ve đốt có ban đỏ.
Giai đoạn vào khớp: viêm khớp, viêm cơ tim, viêm màng trong tim, cuối sùng suy tim nhất là suy tim phải và kèm theo loạn thần. Giai đoạn này tử vong 15%.
Giai đoạn mạn tính: để lại di chứng không hồi phục.
Bệnh chủ yếu do giống ve Ixodes truyền, phổ biến nhất vào mùa hè, khi có nhiều thanh trùng ve. Các loài gặm nhấm nhỏ, đặc biệt là chuột, đóng vai trò nguồn bệnh trong khi đó các thú lớn chủ yếu đóng vai trò vật chủ nuôi giữ quần thể ve. ấu trùng ve nhiễm bệnh trong khi đốt chuột, thanh trùng và trưởng thành có thể truyền bệnh trong những lần đốt tiếp theo. Tại những vùng ôn đới phía bắc bệnh đã trở nên phổ biến hơn khi những đàn hươu, nai tăng lên và đã thích nghi với cuộc sống gần người.
Vai trò gây bệnh của ve:
Gây ngứa tại chỗ: vết ve đốt rất đau, ngứa do phản ứng của vật chủ; hoặc do đầu giả của ve bị đứt lại trong da làm nổi sẩn cục, sưng đau, ngứa, phù nề.
Thiếu máu: nếu bị ve đốt nhiều có thể gây thiếu máu, đặc biệt ở gia súc bị ve ký sinh nhiều có thể giảm khả năng sinh truởng, giảm sản lượng sữa (bò, dê, ngựa…).
Độc tố của ve có thể gây liệt (liệt tạm thời), hay gặp ở trẻ em, đôi khi liệt cơ hô hấp có thể gây tử vong.
Hội chứng liệt do ve:
Ve cứng chích nước bọt có độc tố vào người. Một số độc tố có thể gây ra hội chứng liệt tạm thời ở người và động vật. Nó xuất hiện sau khi bị ve đốt 5-7 ngày, gây tê liệt ở chân và ảnh hưởng đến khả năng nói, nuốt và thở. Bệnh xảy ra phổ biến trên thế giới, nguy hiểm ở trẻ em dưới 2 tuổi.
Họ ve mềm
Ve mềm Ornithodoros spp. truyền được cho người một số loài xoắn khuẩn thuộc chi Spirochaeta và Borrelia. Ve hút máu của động vật gặm nhấm và thú nhỏ bị nhiễm xoắn khuẩn, xoắn khuẩn phân tán khắp cơ thể ve và cả tuyến nước bọt, sau đó truyền cho động vật xương sống khác. Bệnh gây ra: sốt hồi quy do ve.
Phòng chống ve:
Khi lao động hoặc đi qua nơi có ve hoạt động, định kỳ khoảng 50 phút 1 lần cần nghỉ để bắt ve trên thân thể, quần áo; tốt nhất là 2 người kiểm tra cho nhau. Khi đã bị ve đốt, nhẹ nhàng lấy lim châm hoặc đốt vào thân ve để ve tự nhả ra, tránh dứt mạnh làm đầu giả của ve bị đứt lại trong da gây viêm đau.
Dùng hoá chất xua côn trùng bôi lên chỗ da hở; không ngồi trực tiếp xuống đất, cỏ…
Phá nơi sinh sản và trú ẩn của ve: lấp khe kẽ trên nền nhà, chuồng chăn nuôi. Bộ đội trú quân ở rừng cần phát quang xung quanh lán trại, nhà và đốt sạch mùn rác.
Diệt ve trên gia súc (trâu, bò, ngựa…), dùng hoá chất diệt côn trùng phun vào nơi có nhiều ve trú ẩn.
Tài liệu tham khảo:
Đỗ Dương Thái và Bộ môn Ký sinh trùng trường Đại học Y khoa Hà Nội. “Ký sinh trùng và bệnh Ký sinh trùng ở người” (quyển I). Nhà xuất bản y học 1973.
Đỗ Dương Thái và Bộ môn Ký sinh trùng trường Đại học Y khoa Hà Nội. “Ký sinh trùng và bệnh Ký sinh trùng ở người” (quyển II). Nhà xuất bản y học 1974.
Đỗ Dương Thái và Bộ môn Ký sinh trùng trường Đại học Y khoa Hà Nội. “Ký sinh trùng và bệnh Ký sinh trùng ở người” (quyển III). Nhà xuất bản y học 1975.
Bộ môn Ký sinh trùng Học viện Quân y. “Ký sinh trùng Y học”. Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, 1994.
Bộ môn Ký sinh trùng Học viện Quân y. “Ký sinh trùng và Côn trùng Y học”. Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, 2005.
Bộ môn Ký sinh trùng Học viện Quân y. “Ký sinh trùng và Côn trùng Y học”. Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, 2008.
Nguyễn Phước Tương 2000. Bệnh ký sinh trùng của vật nuôi và thú hoang lây sang người. Nhà xuất bản Nông nghiệp (NXB NN): tập 1, 275 trang