Mò (Acari: Trombiculidae) phân bố khắp thế giới và ký sinh trên nhiều động vật xương sống. Ở những vùng địa lý khác nhau mò có tên gọi khác nhau như: Bắc Mỹ, châu Á (Harvest bug, harvest mite, harvest lice, red bug, red mite, berry mite, scrub-itch mite), châu Âu (Harvest mite), Pháp (Aoutats, rouget, bête rouge), Ireland (Orange tawny), Đức (Augustelingen), Nam Mỹ (Bicho colorado, coloradilla, ácaro rojo), Peru (Isango), Mexico (Tlazahuate), Venezuela (Coloradita, chivacoa).Trombiculidae là một trong những họ lớn nhất của nhóm ve bét, bao gồm hơn 3.000 loài, hơn 50 loài có khả năng đốt người, và khoảng 20 loài có vai trò y học quan trọng. Các giai đoạn ấu trùng của giống Leptotrombidium, chúng là véc tơ của Orientia tsutsugamushi (tác nhân gây bệnh sốt mò). Đây là một bệnh truyền nhiễm và đe dọa đến tính mạng, vùng dịch tễ của bệnh này rộng lớn phân ố ở các khu vực châu Á Thái Bình Dương, nơi có hơn một tỷ người đang có nguy cơ nhiễm bệnh và khoảng một triệu trường hợp mắc mới hàng năm. Ngoài ra, Mò còn gây viêm da do nước bọt của mò được tiết ra khi đốt người, bệnh này phổ biến ở Mỹ, châu Âu và cũng thường dễ chẩn đoán nhầm với các bệnh khác.
Hình 1. Ấu trùng mò Lep. intermedium (trái) và Lep. pallidum (phải). Dr. Shatrov
Phân bố
Mò phân bố khắp thế giới, nhưng phổ biến và đa dạng nhất là vùng nhiệt đới, cận nhiệt đới, và các khu vực phía nam ôn đới.
Bảng 1.Các loài mò có vai trò y học và phân bố địa lý của chúng.
Loài |
Phân bố |
Bệnh |
Blankaartia acuscutellaris |
Hungary, Tây Ban Nha, Moldova, Ukraina, Nga, Sumatra, Malaysia, và châu Phi |
Viêm da |
Eushoengastia koreaensis |
Hàn quốc, Triều tiên |
Viêm da (chưa khẳng định) |
Euschoengastia xerothermobia |
Châu Âu |
Viêm da |
Eutrombicula alfreddugesi |
Canada, Nam của Hoa Kỳ (ngoại trừ phía tây nam), Nam và Trung Mỹ (bao gồm cả West Indies – Canada, Nam của Hoa Kỳ (ngoại trừ phía tây nam), Nam và Trung Mỹ (bao gồm cả Tây Ấn)) |
Viêm da |
Eutrombicula batatas |
Bolivia, Mexico, Trung và Nam Mỹ, phía tây nam và đông nam Hoa Kỳ |
Viêm da |
Eutrombicula lipovskyi |
Hoa Kỳ: từ Alabama và Tây Tennessee đến Arkansas, Oklahoma và Kansas |
Viêm da |
Eutrombicula sarcina |
Đông Nam Á, Úc và các đảo Thái Bình Dương |
|
Eutrombicula splendens |
Đông Hoa Kỳ (từ Vịnh Bắc đến Massachusetts, Minnesota) và Ontario |
Viêm da |
Eutrombicula wichmanni |
Nhật Bản, Đông Nam Á, Úc, và các đảo Thái Bình Dương |
Viêm da |
Kepkatrombicula desaleri |
Ý, Áo, và Bulgaria |
Viêm da |
Leptotrombidium akamushi |
Nhật Bản, Trung Quốc, Đông Nam Á, Indonesia, Philippines, và New Guinea |
Sốt mò |
Leptotrombidium arenicola |
Malaysia, Indonesia và Thái Lan |
Sốt mò |
Leptotrombidium chiangraiensis |
Thái Lan |
Sốt mò |
Leptotrombidium deliense |
Trung Quốc, Đài Loan, Sri Lanka, Nepal, Bangladesh, Ấn Độ, Myanmar, Việt Nam, Campuchia, Thái Lan, Singapore, Brunei, Malaysia, Indonesia, Philippines, New Guinea, phía tây nam đảo Thái Bình Dương, phía Bắc Australia, Pakistan, Kazakhstan, Uzbekistan, và Afghanistan |
Sốt mò |
Leptotrombidium fletcheri |
Đông Nam Á, Malaysia, New Guinea, Philippines, Indonesia, và |
Sốt mò |
Leptotrombidium fuji |
Nhật Bản |
Sốt mò (chưa khẳng định) |
Leptotrombidium gaohuensis |
Trung quốc |
Sốt mò |
Leptotrombidium imphalum |
Thái Lan |
Sốt mò |
Leptotrombidium intermedium |
Nhật Bản |
Sốt mò (chưa khẳng định) |
Leptotrombidium kitasatoi |
Nhật Bản |
Sốt mò (chưa khẳng định) |
Leptotrombidium orientale |
Nhật Bản, Hàn Quốc, và các khu vực primorye của Nga |
Sốt mò (chưa khẳng định) |
Leptotrombidium pallidum |
Nhật Bản, Hàn Quốc, và các khu vực primorye của Nga |
Sốt mò |
Leptotrombidium palpale |
Nhật Bản, Hàn Quốc, và các khu vực primorye của Nga |
Sốt mò (chưa khẳng định) |
Leptotrombidium pavlovsky |
Siberia và các khu vực primorye của Nga |
Sốt mò |
Leptotrombidium scutellare |
Nhật Bản, miền bắc Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan và Malaysia |
Sốt mò Hantavirus (chưa khẳng định) |
Leptotrombidium subquadratum |
Nam Phi |
Viêm da |
Neotrombicula autumnalis |
Châu Âu (bao gồm British Isles, không bao gồm Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan, và miền bắc nước Nga), Thổ Nhĩ Kỳ, và Turkmenistan |
Viêm da |
Neotrombicula inopinata |
Tây Ban Nha, Cộng hòa Séc, Anh, Áo, Đức, Bulgaria, Pháp, bang Nam Tư cũ, Ukraina, Nga, Romania, Hungary, Slovakia, Ba Lan và |
Viêm da |
Neotrombicula japonica |
Hàn Quốc, châu Âu |
Sốt mò (chưa khẳng định) Viêm da |
Neotrombicula nagayoi |
Nhật Bản, Trung Quốc và Nga |
Viêm da |
Neotrombicula zachvatkini |
Châu Âu |
Viêm da |
Odontacarus spp. |
Đông Nam Á, Úc, và các đảo Thái Bình Dương |
Viêm da |
Shoengastia hanmyaensis |
Nhật Bản |
Sốt mò (chưa khẳng định) |
Schoengastia spp. |
Đông Nam Á, Úc, và các đảo Thái Bình Dương |
Viêm da |
Trombicula toldti |
Úc |
Viêm da |
Mò là véc tơ truyền bệnh truyền nhiễm
Mặc dù nhiều vi sinh vật khác nhau đã được phát hiện ở các loài mò khác nhau, nhưng mò đã được chứng minh là véc tơ truyền bệnh sốt mò.
Bệnh sốt mò
Bệnh sốt mò hay bệnh tsutsugamushi (từ tiếng Nhật: tsutsuga = bệnh; mushi = mò) là một bệnh lan truyền bởi động vật chân đốt ở giai đoạn cấp tính bệnh đe dọa đến tính mạng và khó phân biệt với các bệnh sốt khác, bệnh phổ biến ở các khu vực châu Á Thái Bình Dương. Bệnh lây truyền sang người qua vết đốt của mò thuộc giống Leptotrombidium spp. và tác nhân gây bệnh là vi khuẩn Orientia tsutsugamushi. Các nghiên cứu khác cho thấy các loài Orientia khác là tác nhân gây ra bệnh giống như sốt mò.
Bệnh này thường phổ biến ở các binh sĩ trong suốt Thế chiến II và bây giờ là một bệnh quan trọng cho du khách đến các vùng dịch tễ. Hơn một nửa (55%) dân số thế giới sống ở những vùng sốt mò, do đó hơn một tỷ người có nguy cơ mắc bệnh này. Khoảng một triệu ca bệnh mắc mới hàng năm. Tuy nhiên, đánh giá này còn thấp bởi vì xác định bệnh khó và triệu chứng lâm sàng giống với nhiều bệnh sốt khác, sự thiếu kiến thức và những hạn chế của các phương pháp chẩn đoán ảnh hưởng đến việc đánh giá.
Tác nhân gây bệnh sốt mò là O. tsutsugamushi (trước đây gọi là Rickettsiaorientalis hoặc Rickettsia tsutsugamushi), là một α-proteobacteria đã được phân loại lại là một giống mới tách ra từ Rickettsia dựa trên kiểu hình và kiểu gien khác nhau. Orientia khác Rickettsia về mặt cấu trúc của tế bào, kháng nguyên, và kích thước bộ gien gần gấp đôi kích thước của bộ gien Rickettsia.
Có ba chủng gốc: Gilliam, Karp, và Kato; Tuy nhiên, hơn 20 týp huyết thanh kháng nguyên khác nhau đang hiện diện trong các vùng dịch tễvà hiện đang có hơn 70 chủng O. tsutsugamushi đã được biết đến. Mò là môi trường sống thích hợp cho tác nhân gây bệnh này, nhưng chủng O. tsutsugamushi có thể đã bị biến đổi ở các vùng địa khác nhau, kết quả là túyp huyết thanh khác nhau tùy thuộc vào vùng phân bố.
Mò vừa là vật chứa vừa là véc tơ của O. tsutsugamushi, động vật gậm nhấm là ký chủ chính của mò. Mò bị nhiễm tác nhân gây bệnh thông qua cơ chế lan truyền Trans-stadial và Trans-ovarial là chính. Nhiễm ngược từ động vật bị nhiễm bệnh truyền sang mò thường ít xảy ra, và các vi khuẩn lây truyền theo cách này thường không được truyền lại cho các thế hệ tiếp theo. Mò đốt các động vật gậm nhấm dễ lan truyền Orientia hơn các động vật khác. Tuy nhiên, bệnh này (O. Tsutsugamushi) chỉ có thể được truyền sang người theo cơ chế Trans-ovarial.
Hình 2. Vảy và ban đỏ xuất hiện trên cánh tay trái của bệnh nhân 36 tuổi vào ngày thứ 15 sau khi bị mò đốt (Ảnh, Dr. Takahashi).
Sốt mò thường xuất hiện theo mùa phụ thuộc vào thời điểm xuất hiện của mò do con người bị nhiễm qua vết đốt của ấu trùng mò. Trong vùng ôn đới, mùa xuất hiện bệnh sốt mò chủ yếu là vào mùa thu, đôi khi cũng xuất hiện vào mùa xuân. Hơn 45 loài mò mang tác nhân truyền bệnh O. tsutsugamushi trong tự nhiên, nhưng chỉ có loài Leptotrombidium pallidum, Leptotrombidium akamushi, Leptotrombidium scutellare, Leptotrombidium deliense, Leptotrombidium arenicola, Leptotrombidium imphalum, Leptotrombidium chiangraiensis, Leptotrombidium fletcheri, Leptotrombidium gaohuensis, và Leptotrombidium Pavlovsky đã được chứng minh là véc tơ truyền bệnh sốt mò . Các loài véc tơ chính phân bố theo các vùng dịch tễ khác nhau.
L.akamushi, L. pallidum, và L. scutellarelà véc tơ truyền bệnh sốt mò ở vùng ôn đới, như Nhật Bản và Hàn Quốc, trong khi L. deliensevà L. arenicola là các véc tơ chính ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới hay Đông Nam Á và Tây Nam Thái Bình Dương
Hình 3. Vùng tam giác sốt mò
Bệnh sốt mò nằm trong khu vực địa lý khoảng 13.000.000 km2, “vùng tam giác sốt mò”, bệnh phân bố rộng rãi trong khu vực này. Khu vực này bao gồm phía Bắc kéo dài từ Bắc Nhật Bản, Hàn Quốc, và đến Đông nước Nga; phía Nam tới miền bắc Australia; phía Tây tới Pakistan và Afghanistan, cũng như các hòn đảo nằm ở Tây Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương bao gồm Đài Loan, Philippines, New Guinea, Indonesia và Sri Lanka
Các bệnh truyền nhiễm khác do mò truyền
Trong những năm 2000, DNA của vi khuẩn Anaplasma phagocytophilum được tìm thấy ở loài mò N. Autumna, loài này được thu thập trên thực vật thuộc vùng miền núi phía Bắc của Tây Ban Nha. Phát hiện này vẫn còn đang nghi ngờ vì ấu trùng mò mang tác nhân gây bệnh không đốt máu động vật, do đó những con mò này được suy đoán là mang vi khuẩn là do lan truyền Trans-ovarial. Sự hiện diện của Rickettsia cũng được điều tra ở những còn mò thuộc vùng rừng núi của Tây Ban Nha. Các bản sao DNA của Rickettsia spp. đã được phát hiện ở loài mò Neotrombicula inopinata, chúng cũng được thu thập ở các thảm thực vật. Đến nay, các kết quả này vẫn chưa được chấp nhận.
Khả năng loài mò N. autumnalis lan truyền Borrelia burgdorferi sensu lato (s.l.) đã được cũng chứng minh. Sử dụng kỹ thuật PCR và các kỹ thuật lai DNA khác để phát hiện vi khuẩn này ở mò sống trên thực vật và các loài động vật hữu nhủ ở Đức. DNA của Borrelial được phát hiện ở 1 ấu trùng mò ký sinh trên chuột chù răng trắng (crocidura russula), ở 4 ấu trùng mò ký sinh trên chuột nhiễm Borrelia garinii nhiễm trong phòng thí nghiệm, và 1 thanh trùng phát triển từ ấu trùng dương tính với Borrelia afzelii. Tuy nhiên, khả năng mò N. autumnalis lan truyền vi khuẩn Borrelia burgdorferi vẫn chưa rõ ràng.
Phát hiện được DNA của B. burgdorferi s.l. và A. phagocytophilum bằng kỹ thuật PCR và các kỹ thuật sinh học phân tử khác trong mò ký sinh trên các loài chim hoan dã ở dãy núi phía Tây Carpathian (Cộng hòa Séc). B. garinii và B. valaisiana đã được tìm thấy trong 5 mò thuộc giống Neotrombicula ký sinh trên chim Lâm Oanh Mũ Đen Á Âu (Sylvia atricapilla).
Mò được xem là có liên quan đến vi khuẩn Bartonella spp. Một giống mới của Bartonella đã được phân lập từ sóc xám (Sciurus carolinensis) ở Georgia [45]. Sau đó, vi khuẩn này đã được nghiên cứu trên nhóm ngoại ký sinh ký sinh trên sóc xám bằng kỹ thuật PCR. Tất cả các con mò Eutrombicula splendens, Myiatrombicula cynos, và Neotrombicula whartoniy đều âm tính, trong khi đó 6 giống vi khuẩn Bartonella spp. được phát hiện ở 2 con bọ chét và 4 con chí. Hơn nữa, mò Leptotrombidium nhiễm Bartonella tamiae đã được báo cáo, loài này được phân lập từ các bệnh nhân ở Thái Lan.
Một số Rickettsia trước đây được tìm thấy ở người như Rickettsia akari, Rickettsiajaponica, Rickettsia conorii, Rickettsiafelis, Rickettsia typhi, và Rickettsia sp. Rickettsia australis cũng được phát hiện trong mò ký sinh trên các loài gậm nhậm ở Hàn Quốc bằng kỹ thuật sinh học phân tử [49]. Mặc dù DNA của Rickettsia đã được phát hiện trong mò, nó vẫn chưa thể khẳng định được các DNA được khuếch đại này chính là DNA của vi khuẩn lan truyền từ động vật sang mò qua vết đốt. Tsui et al., (2007)
Mò cũng bị nghi ngờ là véc tơ lan truyền các bệnh do vi rút . Có nhiều giả thiết cho rằng L. scutellare có khả năng là véc tơ truyền Hantavirus gây ra dịch bệnh sốt xuất huyết với hội chứng thận (HFRS) tại Trung Quốc. Các nhà khoa học cho rằng loài mò này có thể bị nhiễm vi rút HFRS một cách tự nhiên và lan truyền cho động vật có xương sống qua vết đốt và thế hệ sau bằng lan truyền Trans-ovarian. Mặt khác, mặc dù sự lây lan của Hantavirus đã được khẳng định chỉ lan truyền qua phân và nước tiểu của động vật gặm nhấm, nhưng RNA của Hantavirus đã được phát hiện trong mò Leptotrombidium tại bang Texas (2 ấu trùng mò và 1 mò trưởng thành sống tự do), từ đó đưa ra một giải thiết rằng mò có thể đóng một vai trò lan truyền Hantavirus gây hội chứng phổi.
Viêm da do mò
Viêm da do mò gây ra có nhiều tên gọi khác nhau như: Trombiculiasis, trombiculosis, trombidiosis, chigger dermatitis, scrub itch, hoặc seasonal dermatitis. Nó gây ra phản ứng dị ứng ở da do nước bọt của mò tiết ra khi đốt người.
Hình 4. Viêm da do mò đốt
Cụm mò (Đảo mò = Mite islands) thường được tìm thấy trong đất; cây bụi, thảm thực vật cây cỏ, ở điều kiện nhiệt độ ấm áp, và độ ẩm cao; và một số vật chủ thích hợp cho mò ký sinh. Mò cũng được tìm thấy trong công viên, vườn hoa, thảm cỏ, và các khu vực ẩm ướt bên cạnh hồ nước và suối . Các cụm mò thường chờ đợi tại các điểm cao của thảm thực vật, chẳng hạn như đầu của thân cây cỏ hay trên cành cây khô cho đến khi có động vật xương sống hay con người đi qua chúng sẽ bám lên và đốt máu
Hình 5. Cụm mò trên ngọn cây
Hơn 3.000 loài mò đã được biết, nhưng khoảng 15 loài thường xuyên đốt người và vật nuôi gây ra phản ứng ở da. Các loài được xem là nguyên nhân gây viêm da thường gặp nhất là E. alfreddugesi ở châu Mỹ, N. autumnalis ở châu Âu, Eutrombicula batatas ở Nam Mỹ, và Eutrombicula wichmanni ở khu vực Đông Nam Á, Úc, và các đảo Thái Bình Dương.
E. alfreddugesilà loài gây viêm da phổ biến và phân bố rộng ở thế giới mới. Ấu trùng xuất hiện vào cuối mùa hè và đầu mùa thu ở vùng ôn đới và xuất hiện quanh năm ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Chúng thường sống ở vùng bờ đầm lầy và nơi chuyển tiếp giữa rừng cây, đồng cỏ.
E. splendenslà loài mò tấn công người phổ biến thứ hai ở Bắc Mỹ. Loài này đặc biệt phát triển mạnh ở môi trường sống ẩm ướt như đầm lầy, và các khu vực trũng thấp trong các gốc cây mục nát và cây đổ. Mùa phát triển tương tự như loài E. alfreddugesi. Ngoài ra, những loài mò khác gây viêm da ở Hoa Kỳ còn có Eutrombicula lipovsky. Loài này cũng sống ở môi trường sống ẩm ướt, đặc biệt phát triển mạnh ở thực vật mục nát và gốc cây giáp đầm lầy và suối.
E. alfreddugesivà E. batataslà những loài chủ yếu gây viêm da ở Nam Mỹ. Tuy nhiên, viêm da do loài mò N. autumnalis (isango) gây ra rất phổ biến ở Peru . Một “pest” được gọi là “Qhapa”, với đặc điểm lâm sàng nặng hơn viêm da, được cho là có liên quan với loài E. batatas ở Bolivia. Tại Venezuela, có thể tỷ lệ phần trăm bệnh ghẻ cao là do chẩn đoán lầm với bệnh viêm da . Gần đây, loài E. alfreddugesi có liên quan đến một ca bệnh viêm da ở khách du lịch sau khi trở về từ Brazil .
Bảy loài mò được chứng minh là gây ra viêm da ở châu Âu: N. japonica, Neotrombicula zachvatkini, Euschoengastia xerothermobia, N. autumnalis, Kepkatrombicula desaleri, Blankaartia acuscutellaris, và Trombicula toldti . Mới đây, N. inopinata đã được báo cáo như là một tác nhân gây bệnh viêm da ở Tây Ban Nha. Như đã nêu ở trên, người ta đã thống nhất rằng N. autumnalis là nguyên nhân gây viêm da phổ biến nhất ở châu Âu và Vương quốc Anh .
Mặc dù viêm da do mò được biết ở nhiều khu vực của châu Âu, nhưng các báo cáo chỉ mô tả các trường hợp viêm da ở Ý và Tây Ban Nha . Hơn nữa, bốn trường hợp khác bị nghi ngờ viêm da do N. autumnalis đã được mô tả ở Croatia , và một trường hợp do mò đã được khẳng định ở Vương quốc Anh . Tại châu Âu, bệnh viêm da do mò thường xuất hiện vào cuối mùa hè và đầu mùa thu. Trong thực tế, loài N. autumnalis được gọi là “mò mùa vụ ở châu Âu” do tính mùa vụ của bệnh. Tuy nhiên, trong những năm qua, các bệnh ở da giống như viêm da do mò gây ra đã được báo cáo ở Đức không chỉ xuất hiện trong mùa hè và mùa thu mà còn xuất hiện vào đầu mùa xuân và mùa đông.
Ở Đông Nam Á, Úc, và các đảo Thái Bình Dương, loài mò chính gây viêm da là E. wichmanni. Tuy nhiên, E. sarcina và các loài thuộc các giống Odontacarus và Schoengastia cũng là tác nhân gây viêm da. Ngoài ra, Neotrombicula nagayoi liên quan đến bệnh viêm da ở Nhật Bản.
Một trường hợp duy nhất gây viêm da đã được báo cáo ở châu Phi. L. subquadratum được cho là nguyên nhân gây ngứa nặng và viêm da ở người và chó ở Nam Phi.
Những bệnh khác ở người liên quan đến mò
Ngoài viêm da, mò còn liên quan đến một số bệnh khác như hội chứng dương vật mùa hè (hay còn gọi là Lions Mane Penis = Dương vật bờm sư tử). Là hội chứng phản ứng quá mẫn cấp tính do mò đốt thường xuất hiện theo mùa. Hay gặp ở bé trai có tiền sử bị mò đốt hay bị phơi nhiễm với mò, và có biểu hiện bộc phát nhanh chóng với đặc điểm phù và ngứa da dương vật. Bệnh thường xuất hiện vào mùa xuân và mùa hè ở các vùng khác nhau của Hoa Kỳ.
Một ví dụ khác cũng là trường hợp duy nhất do loài mò N. Autumnalis gây viêm kết mạc cho một phụ nữ, được báo cáo ở Vương quốc Anh [60]. Bệnh nhân đã trải qua 2 tuần với biểu hiện đau rát, gan góc, mắt trái đỏ, nhỏ mắt bằng dung dịch paraffin mà không bớt. Khi thăm khám, kết mạc của bệnh nhân hơi đỏ và thị lực bình thường. Quan sát kỹ hơn thì tìm thấy một con mò đang ký sinh ở lề mí mắt bên trái.
Kết luận
Mò là một loài ngoại ký sinh phân bố khắc thế giới, chúng được xem là véc tơ truyền bệnh sốt mò và chúng cũng là tác nhân gây viêm da
Sốt mò là một trong những bệnh truyền nhiễm quan trọng đe dọa tính mạng ở khu vực châu Á Thái Bình Dương. Do đó, việc phát triển một loại vắc xin dự phòng chống lại O. Tsutsugamushi cần phải được quan tâm ở những vùng dịch tễ. Ngoài ra, cần chú ý đến các báo cáo về ca bệnh sốt mò gần đây xuất hiện ở ngoài vùng dịch tễ và xem xét sự đa dạng di truyền của giống Orientia.
Cần phải có nhiều nghiên cứu hơn nữa để làm rõ mối quan hệ của mò với các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc vi rút khác.
Viêm da thì xuất hiện nhiều hơn nhưng không được báo cáo đầy đủ do đó cần phải chú ý những trường hợp viêm da ở người thường xuyên tiếp xúc với thực vật. Ở những vùng nguy cơ, bảo vệ cá nhân là khuyến cáo duy nhất để giảm sự ký sinh. Cần phải hiểu được vòng đời phát triển của mò, dịch tễ học, và mùa xuất hiện bệnh viêm da để quản lý chính những trường hợp viêm da này