ĐỊNH LƯỢNG FOLATE II
(Định lượng Folate sử dụng thuốc thử thế hệ II)
Folate (hay axít Folic) là vitamin B9. Đây là một dạng vitamin hỗn hợp nhóm B hòa tan trong nước. Folate có nhiều trong các loại thịt đỏ, gan, lòng đỏ trứng và rau có màu xanh đậm (rau muống, rau bó xôi, súp lơ, bông cải xanh…), các loại ngũ cốc và đậu (đậu đũa, đậu xanh, đậu tương, đậu Hà Lan…). Loại vitamin này rất cần thiết cho quá trình tái tạo và duy trì tăng trưởng của mọi tế bào. Xét nghiệm Folate thường được chỉ định trong những trường hợp bệnh lý về máu, thiếu dinh dưỡng…
NGUYÊN LÝ
Folate được đinh lượng theo nguyên lý miễn dịch cạnh tranh sử dụng công nghệ hóa phát quang hay điện hóa phát quang.
Đầu tiên, mẫu thử được xử lý bằng thuốc thử tiền xử lý folate 1 và 2, folate gắn kết được giải phóng khỏi protein gắn kết folate nội sinh. Tiếp theo protein gắn kết kháng thể kháng folate được đánh dấu ruthenium (chất có khả năng phát quang) được cho vào mẫu thử đã qua tiền xử lý, phức hợp kháng nguyên- kháng thể folate được thành lập, lượng phức hợp tạo ra tỉ lệ với nồng độ chất phân tích có trong mẫu.
Sau khi thêm vào các vi hạt phủ streptavidin và folate đánh dấu biotin, các vị trí chưa gắn kết trên protein gắn kết kháng thể kháng folate đánh dấu ruthenium bị chiếm giữ, hình thành phức hợp miễn dịch. Toàn bộ phức hợp trở nên gắn kết với pha rắn thông qua sự tương tác giữa biotin và streptavidin. Như vậy, nồng độ folate trong mẫu thử càng cao thì phức hợp này càng thấp và do vậy tín hiệu ánh sáng phát ra tỷ lệ nghịch với nồng độ Folate có trong mẫu thử.
CHUẨN BỊ
Người thực hiện
1 cán bộ đại học, 1 kỹ thuật viên chuyên ngành hóa sinh.
Phương tiện, hóa chất
Dụng cụ lấy máu: Bông cồn, bơm tiêm, ống đựng máu, găng tay
Hóa chất: Hóa chất tiền xử lý, Hóa chất định lượng Folate (thế hệ II), chất chuẩn, chất kiểm tra chất lượng Folate
Máy móc: Có thể sử dụng các máy như Cobas e411, e170, e601, rchitect…
Người bệnh
Người bệnh cần được giải thích về mục đích của việc lấy máu để làm xét nghiệm.
Phiếu xét nghiệm
Phiếu xét nghiệm cần ghi đầy đủ thông tin về tên, tuổi, giới tính, khoa phòng, chẩn đoán của người bệnh và ghi rõ chỉ định xét nghiệm.
CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH
Lấy bệnh phẩm
Lấy 3ml máu tĩnh mạch vào ống không có chất chống đông.
Sau khi lấy máu, đem ly tâm tách lấy huyết thanh.
Bệnh phẩm ổn định 2 giờ ở 20-25°C, 2 ngày ở 2-8°C, 1 tháng ở -20°C. Bảo quản bệnh phẩm tránh ánh sáng. Nếu không phân tích ngay bảo quản bệnh phẩm ở 2-8°C. – Bệnh phẩm chỉ rã đông 1 lần và phải để bệnh phẩm đạt nhiệt độ phòng trước khi phân tích. Để tránh hiện tượng bay hơi, bệnh phẩm, chất chuẩn, chất kiểm tra chất lượng nên phân tích trong vòng 2 giờ.
Tiến hành kỹ thuật
Máy phân tích cần chuẩn bị sẵn sàng để thực hiện phân tích mẫu: Máy đã được cài đặt chưởng trình xét nghiệm FolateII. Máy đã được chuẩn với xét nghiệm Folate II. Kết quả kiểm tra chất lượng với xét nghiệm Folate đạt yêu cầu: không nằm ngoài dải cho phép và không vi phạm luật kiểm tra chất lượng.
Người thực hiện phân tích mẫu nhập dữ liệu về thông tin người bệnh và chỉ định xét nghiệm vào máy phân tích hoặc hệ thống mạng (nếu có).
Nạp mẫu bệnh phẩm vào máy phân tích.
Ra lệnh cho máy thực hiện phân tích mẫu bệnh phẩm.
Đợi máy phân tích mẫu theo protocol của máy.
Khi có kết quả cần xem xét đánh giá kết quả sau đó in báo cáo hoặc ghi kết quả vào phiếu xét nghiệm để trả cho người bệnh.
NHẬN ĐỊNH KẾT QUẢ
Bình thường Folate trong huyết thanh: 9. 5 – 45. 2 nmol/L
Folate giảm trong: Thiếu máu ác tính, Thiếu máu hủy huyết, Thiếu máu hồng cầu to, Dinh dưỡng kém, Xơ gan, Cường giáp, Dùng một số thuốc như thuốc điều trị bệnh ác tính, Một vài trường hợp mang thai
NHỮNG SAI SÓT VÀ XỬ TRÍ
Lấy máu không đúng kỹ thuật như gây vỡ hồng cầu. Khắc phục: Huấn luyện cán bộ có kỹ năng lấy máu thuần thục.
Bệnh phẩm để lâu mới phân tích. Khắc phục: Nên xét nghiệm ngay sau khi bệnh phẩm được gửi đến phòng xét nghiệm.
Lấy nhầm vào ống chống đông. Khắc phục: Người lấy mẫu máu cần nắm rõ yêu cầu về bệnh phẩm trước khi lấy máu và lưu ý dùng đúng ống đựng mẫu. Khi nhận mẫu máu, người nhận cũng cần kiểm tra xem ống máu có đúng yêu cầu không. – Những yếu tố gây nhiễu cho kết quả xét nghiệm
Kết quả xét nghiệm không bị ảnh hưởng khi:
+ Huyết thanh vàng: Bilirubin
+ Tán huyết: Mẫu máu vỡ hồng cầu ảnh hưởng nhiều đến kết quả xét nghiệm do nồng độ folate trong hồng cầu cao, không sử dụng mẫu máu vỡ hồng cầu ở bất kỳ mức độ nào để làm xét nghiệm này.
+ Huyết thanh đục: Triglyceride
+ Biotin 5 mg/ngày cần lấy máu xét nghiệm ít nhất 8h sau khi sử dụng Biotin lần cuối.
+ Bệnh phẩm có nồng độ protein quá cao không thích hợp cho xét nghiệm do tạo gel trong cốc phản ứng.
+ RF
Khắc phục: Có thể hòa loãng bệnh phẩm và thực hiện lại xét nghiệm sau đó nhân kết quả với độ hòa loãng (Trường hợp có hòa loãng tự động trên máy thì kết quả không cần nhân với độ hòa loãng do máy đã tự tính toán).