Trong thiên nhiên có tới hàng trăm loại amíp sống tự do ở đất, nước ngọt và cả nước mặn. Từ trước chúng vẫn được coi là không gây bệnh cho người và động vật. Culoertson và CS (1958 – 1959) lần đầu tiên chứng minh amíp tự do thuộc chi Acanthamoeba có khả năng gây bệnh viêm màng não-não cấp tính trên động vật thực nghiệm. Năm 1964 lần đầu tiên Butt mô tả 2 bệnh nhân viêm màng nãonão chết do amíp tự do. Sau đó có nhiều thông báo rải rác khắp nơi trên thế giới về những bệnh nhân chết do amíp tự do. Đến năm 1972, R.C. Carter đã thông báo có 69 người chết do amíp này, trong đó có 57 trường hợp ở Úc, Mĩ, Tiệp Khắc, Tân Tây Lan, Anh, Bỉ và 12 trường hợp ở các nước khác.
Đến nay, người ta phân lập được 3 chi amíp tự do gây bệnh:
Chi Hartmanella: trong chi này có H.castellani, H.culbertsoni.
Chi Acanthamoeba: có loài A.astronyxis.
Chi Naegleria: có loài N.fowleri.
Đặc điểm hình thể.
Hartmanella: có kén hình cầu, vỏ nhẵn. Thể hoạt động di chuyển chậm, chân giả ngắn. Trong nhân có trung thể lớn.
Acanthamoeba: kén hình góc cạnh. Thể hoạt động di chuyển phóng chân giả dài không đều.
Naegleria: kén hình cầu có hai lớp vỏ, vỏ trong dày, vỏ ngoài mỏng. Thể hoạt động phóng chân giả từ từ, chân giả hình bán cầu. Đôi khi amíp biến dạng có roi, thường có hai roi, đôi khi có 1 – 3 roi tùy theo môi trường.
Đặc điểm sinh học.
Amíp tự do thường sống ở những nơi có nước như hồ, ao, sông ngòi… Vốn là những amíp trong thiên nhiên, chúng có khả năng sống thích nghi tốt với điều kiện ngoại cảnh, chúng sống được trong phạm vi nhiệt độ từ 00C – 400C, trong môi trường có độ mặn khác nhau, trong điều kiện yếm khí hoặc có nhiều O2, CO2, sunfua, amoniac. Amíp tự do ăn các loại vi khuẩn, các chất hữu cơ thối rữa.
Kén của amíp tự do được tạo ra ở ngoại cảnh và điều kiện ẩm. Với sự có mặt của vi khuẩn amíp cũng dễ dàng xuất kén ở ngoại cảnh. Các loại amíp này vốn sống tự do nhưng bất thường xâm nhập vào mô động vật hoặc người và có thể gây bệnh.
Vai trò y học.
Ba chi amíp kể trên đều gây bệnh cho người. Nhưng phổ biến nhất là những amíp thuộc chi Acanthamoeba và Naegleria đặc biệt loài Naegleria fowleri.
Amíp tự do gây viêm màng não – não.
Không phải do nhiễm theo đường tiêu hoá hoặc lây trực tiếp từ người sang người mà chủ yếu do tắm và bơi lội ở các bể tắm, ao, hồ, sông ngòi… hoặc hít phải amíp thể hoạt động hoặc kén trong không khí qua đường mũi, họng. Chất nhầy ở môi trường mũi, họng là môi trường thuận lợi cho amíp cư trú. Từ mũi, họng amíp đi lên hành não rồi qua nền sọ vào màng não, lan tỏa vào não làm thành những túi hoại tử.
Bệnh do Hartmanella thường mạn tính. Bệnh do Naegleria thường cấp tính. Thời gian ủ bệnh khoảng từ 3 – 5 ngày, giai đoạn này thường có những triệu chứng nhẹ của viêm đường hô hấp trên, bệnh nhân ít chú ý đến. Sau đó bệnh khởi phát đột ngột, sốt cao 390C – 400C, đau họng, ngạt mũi, nhức đầu dữ dội. Bệnh tiến triển nhanh sau 2 – 3 ngày xuất hiện triệu chứng màng não rồi viêm não. Bệnh nhân lú lẫn, mất ý thức rồi hôn mê, co giật và liệt. Hậu quả là bệnh nhân tử vong trong vòng từ 4 – 7 ngày.
Chẩn đoán.
Xét nghiệm dịch não tủy tìm amíp. Bệnh nhân chết có thể tìm amíp ở mô não.
Nuôi cấy amíp trong môi trường thích hợp (môi trường Willaert cho kết quả tốt). Lấy bệnh phẩm từ dịch não tủy.
Gây nhiễm bệnh cho chuột nhắt (tiêm dịch não tủy người vào não hoặc nhỏ vào mũi chuột) thường sau 4 – 7 ngày chuột chết, mổ não tìm amíp.
Chẩn đoán huyết thanh ít có giá trị vì hiệu giá kháng thể thấp.
Điều trị.
Những thuốc đặc hiệu với amíp như: emetin, metronidazol… và các loại kháng sinh thông thường không có tác dụng đối với amíp tự do. Trên động vật thực nghiệm cho thấy sunphadiazin và amphotericine B có tác dụng diệt amíp tự do, đặc biệt hiệu quả với Naegleria fowleri.
Dịch tễ học và phòng chống.
Bệnh amíp tự do bất thường kí sinh đã thấy ở nhiều nước trên thế giới. Ở Việt Nam, năm 1974 cũng đã phát hiện thấy một bệnh nhân viêm não có triệu chứng lâm sàng diễn biến nhanh, đột ngột và tử vong. Kết quả xét nghiệm huyết thanh miễn dịch dương tính với kháng nguyên Hartmanella.