Đại cương
Trứng cá đỏ là bệnh da mãn tính do rối loạn đơn vị nang lông tuyến bã ở mặt đặc trưng bởi đỏ bừng mặt (flushing), hồng ban dãn mạch thường gặp ở vùng lồi của mặt (trán, mũi, má, cằm). Các triệu chứng đi kèm gồm sẩn, mụn mủ,,có thể có cảm giác châm chích, rát bỏng, phù, phì đại tuyến bã và xơ hóa.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân sinh bệnh chưa rõ. Có tác giả cho rằng khởi đầu là tổn thương mô liên kết ở lớp bì chủ yếu do bức xạ mặt trời gây rối loạn chức năng mạch máu vùng mặt dẫn đến tổn thương nội mô mạch máu, tăng tính thấm, phù và viêm. Nhiều giả thuyết về nguyên nhân sinh bệnh:
Dãn mạch vùng mặt
Các yếu tố thần kinh
Rối loạn chức năng lớp thượng bì
Rối loạn các thành phần hay cấu trúc mô liên kết ở bì, các phần của chất nền, cấu trúc nang lông tuyến bã.
Vai trò của Demodex folliculorum và Demodex brevis, Helicobacter pylori
Tia cực tím
Yếu tố khởi phát
Nhiệt độ nóng hoặc lạnh
Ánh nắng mặt trời – Gió
Thức uống nóng, rượu
Thức ăn có nhiều gia vị
Stress
Các thuốc dãn mạch
Mỹ phẩm hay thuốc bôi tại chỗ
Mãn kinh
Chẩn đoán
Dịch tễ học:
Bệnh gặp ở nữ nhiều hơn nam (3:1), tuy nhiên biến chứng phì đại tuyến bã thường gặp ở nam. Bệnh thường khởi phát sau 30 tuổi, cũng có thể gặp ở trẻ em, thanh thiếu niên và người trẻ.
Lâm sàng:
Triệu chứng đầu tiên thường gặp là tình trạng đỏ bừng mặt, hồng ban, cảm giác bỏng rát và châm chích, dãn mạch, trễ hơn sẽ xuất hiện sẩn, mụn mủ, đặc biệt không có cồi mụn. Các triệu chứng thường tập trung ở vùng giữa mặt (trán, mũi, cằm, má). Khi bệnh tiến triển da sẽ dày lên do phù, tăng sản các tuyến và xơ hóa dẫn đến tình trạng biến dạng của mũi, trán, mi mắt, tai, cằm.
Tiêu chuẩn chẩn đoán:
Có ít nhất 1 triệu chứng tiên phát và 1 triệu chứng thứ phát:
Triệu chứng tiên phát:
Hồng ban/đỏ bừng mặt thoáng qua hay dai dẳng
Sẩn, mụn mủ
Dãn mạch ở mặt
Triệu chứng thứ phát:
Bỏng rát, châm chích
Mảng đỏ hơi gồ cao có hay không có tróc vảy
Da khô/tróc vảy
Phù mặt dai dẳng
Các giai đoạn của bệnh
Giai đoạn sớm:
Đỏ bừng mặt từng phần
Dãn mạch nhẹ
Phù thoáng qua
Giai đoạn tiến triến
Sẩn
Mụn mủ
Phù dai dẳng
Dãn mạch nhiều
Giai đoạn muộn: xuất hiện phì đại tuyến bã, xơ hóa (nang lông dãn, da dày tăng sinh mô mềm)
Mũi sư tử (rhinophyma): thường gặp nhất
Cằm (gnathophyma): sưng phù vùng cằm
Trán ( metophyma): sưng phù giống như độn nệm ở trán
Tai(otophyma); sưng phù dạng bông cải ở tai
Mi mắt(blepharophyma): sưng phù mi mắt
Các dạng lâm sàng
Dạng hồng ban dãn mạch (erythematotelangiectatic)
Hồng ban giữa mặt dai dẳng
Đỏ bừng mặt
Dãn mạch
Da nhạy cảm
Dạng sẩn mụn mủ (papulopustular)
Hồng ban vùng giữa mặt
Sẩn
Mụn mủ
Có thể chồng lắp với các dạng khác
Dạng tăng sinh tuyến bã
Da dày, nổi nốt cục
Lỗ chân lông to
Có thể ảnh hưởng đến mũi, cằm, trán, tai, mi mắt
Sờ mềm, giống như cao su
Dạng tổn thương mắt: ngứa/rát, sung huyết kết mạc, viêm mi mắt, chắp, tổn thương giác mạc có thể gặp trong trường hợp nặng. Độ trầm trọng ở mắt không liên quan đến độ nặng ở da
Cận lâm sàng
Cấy vi trùng
Để loại trừ nhiễm S.aureus
Cạo vẩy da tìm sự hiện diện của Demodex folliculorum
Giải phẫu bệnh
Không đặc hiêu, viêm quanh nang lông, viêm quanh mao mạch tạo thành các nang dạng lao. Sau đó sẽ có tăng sinh mô liên kết, tăng sinh tuyến bã tạo u hạt dạng biểu mô
Điều trị
Nguyên tắc điều trị:
Chăm sóc da đúng phương pháp
Hạn chế hoặc loại bỏ các yếu tố thúc đẩy
Điều trị tại chỗ
Điều trị toàn thân
Laser hay phẫu thuật
Điều trị cụ thể
Hướng dẫn chăm sóc da:
Rửa mặt bằng nước ấm bằng chất tẩy rửa dịu nhẹ không chứa xà phòng có độ pH cân bằng, massage nhẹ nhàng
Dùng kem chống nắng chống tia UVA và UVB với SPF ≥ 15 – Dùng chất giữ ẩm
Tránh dùng chất làm se lỗ chân lông, toner, chất tẩy tế bào chết
Tránh dùng mỹ phẩm chứa cồn, bạc hà, cam thảo hoặc có mùi thơm
Tránh dùng mỹ phẩm khó tan trong nước, khó tẩy rửa
Tránh lột da bằng hóa chất hay các tiến trình siêu mài mòn
Diễn tiến và tiên lượng:
Bệnh mạn tính có thể gây phì đại các tuyến, tăng sản mô làm da dày, nổi nốt cục biểu hiện bằng các tăng sinh tuyến bã thường gặp ở nam giới, hiếm khi ở nữ. Có báo cáo cho rằng rhinophyma diễn tiến thành carcinoma tế bào đáy nhưng chưa có đủ bằng chứng.
Giáo dục sức khỏe
Giải thích về bệnh và diễn tiến mạn tính, lành tính
Hạn chế các yếu tố khởi phát và thúc đẩy
Tầm quan trọng của việc tránh nắng và dùng kem chống nắng
Tầm quan trọng của việc tuân thủ điều trị
Tài liệu tham khảo
Frank C.Powel, Síona Ní Raghallaigh (2012). “Rosacea and related disorders”, Dermatology, vol 1, 3rd edition, Elsevier Saunders, pp.561-569.
Michele T.Pelle (2012). “Rosacea”. In Fitzpatrick’s Dermatology in general medicine, 8th edition, MacGraw-Hill Companies (pp. 918-925).
Peter C.Schalock (2007). “Rosacea and perioral (Periorificial) Dermatitis”. In Manual of Dermatologic therapeutics, 7th edition, Lippincott William and Wilkins, pp.174-179.
J.Berch Jones (2010). “Rosacea, Perioral Dermatitis and Similar Dermatoses, Flushing and Flushing Syndrome”. Rook’s Textbook of Dermatology, 8th edition, Wiley – Blackwell, chapter 43.1-9