Nội dung

Bộ bọ chét

Bộ bọ chét là loại côn trùng không có cánh, thành phần loài rất phong phú.

Tại Việt Nam đã phát hiện được 34 loài (Đỗ Sĩ Hiển, 1992).

Hình thể.

Thân bọ chét dẹt 2 bên, cấu tạo đối xứng, vỏ thân bằng kitin dày, cứng. Bọ chét dài 1- 5 mm, con đực nhỏ hơn con cái. Bọ chét có màu vàng, nâu, nâu sẫm hoặc đen… màu sắc biến đổi đậm nhạt tùy theo môi trường sống. Toàn thân bọ chét có phủ nhiều lông cứng, mọc xuôi về phía sau (hình 16.14).

Đầu: có 2 anten nằm trong rãnh anten ở phía sau mắt, có 1 đôi pan và 1 vòi. Có loài có mắt (loại mắt đơn), có loài không có mắt, có loài mắt thoái hoá. Đầu có lông ở trước mắt, lông ở gáy; có loài có những lông to, cứng ở gần vòi gọi là lược má. 

Ngực: có 3 đốt là đốt trước, đốt giữa và đốt sau, mỗi đốt mang 1 đôi chân. Mỗi

Hình : Bọ chét trưởng thành.

chân có 5 đốt; đôi chân sau mập và dài nhất giúp bọ chét nhảy được cao và xa (P.irritans nhảy cao 19,5 cm, xa 33 cm). Tấm lưng ở các đốt ngực trước và sau đôi khi có lược, gọi là lược ngực trước và lược ngực sau.

Bụng: có 10 đốt, mỗi đốt có nhiều hàng lông, có loài có lược bụng. Ba đốt cuối (đốt 8, 9, 10) phát triển thành cơ quan sinh dục. Con đực có càng sinh dục ở đốt cuối; con cái có túi chứa tinh bên trong bụng.

Trong ống tiêu hoá của bộ chét, giữa thực quản và dạ dày là diều. Trong diều có những gai kitin nhỏ, cấu tạo như hom giỏ giống chiếc phễu lộn ngược, có tác dụng ngăn không cho máu chảy ngược ra khi bọ chét hút máu vào dạ dày.

Đặc điểm sinh học.

Vòng đời:

Vòng đời bọ chét trải qua 4 giai đoạn: trứng – ấu trùng – thanh trùng (nhộng) và trưởng thành.

Bọ chét đực và cái đều hút máu. Sau khi giao phối con cái đẻ trứng.

Bọ chét trưởng thành đẻ trung bình 400 trứng (Xenopsylla cheopis đẻ 300 – 400 trứng; Pulex irritans đẻ 448 trứng; Ctenocephalides felis đẻ 800 trứng). Sau khoảng 1 tuần trứng nở ra ấu trùng. 

Ấu trùng có hình con sâu, trên thân có nhiều lông nhỏ dài. Ấu trùng ăn phân của bọ chét bố mẹ, trong phân có nhiều máu khô chưa tiêu hoá và các tạp chất hữu cơ khác. Sau khoảng 2 tuần, qua 2 lần lột xác, ấu trùng nhả tơ làm kén và thành nhộng. Nhộng không ăn, không hoạt động, sau 1 tuần nhộng nở ra bọ chét trưởng thành. 

Thời gian hoàn thành vòng đời  của bọ chét Xenopsylla cheopis ở   21 – 230C khoảng 3 – 5 tuần.

Sinh lí, sinh thái:

Bọ chét rất ham hút máu, khi đã no vẫn tiếp tục hút máu, vừa hút vừa đùn máu ra hậu môn để có máu nuôi ấu trùng. Bọ chét có sức chịu đói rất cao: Pulex irritans không hút máu vẫn sống được trên 4 tháng.  Bọ chét hút máu nhiều loài vật chủ: chuột, chó, mèo, chồn, sóc, dơi, chim, gà…và người. 

Hình : Vòng đời phát triển của bọ chét.

Tuy nhiên, bọ chét có tính chọn lọc vật chủ để kí sinh:

X.cheopis thích hút máu chuột.

P.irritans thích hút máu chó.

Stivalius thích hút máu chuột và các động vật hoang dã.

Bọ chét trưởng thành có thể sống tự do ở đất, nơi có nhiều mùn, cát, rác rưởi… trong các khe kẽ tường hoặc trong các hang ổ chuột, ổ gà, tổ chim…

Khi có nhiều bọ chét, có thể nhận biết sự có mặt của chúng bằng dấu hiệu của các vết máu khô do bọ chét không tiêu hoá hết thải ra quần áo, giường…

Theo tính chất kí sinh có thể phân bọ chét thành các nhóm:

Bọ chét kí sinh cố định thường xuyên trên thân vật chủ: bọ chét chi Tunga

Bọ chét kí sinh trên thân vật chủ là chính, có thời gian ngắn sống tự do: P.irritans, C.felis

Bọ chét sống trong hang ổ động vật là chính, chỉ kí sinh ở vật chủ khi hút máu: bọ chét chi Phadinopsylla

Bọ chét có thể phát tán đi xa do chuột mang đi theo các phương tiện giao thông: tàu biển, máy bay, ôtô… tới các vùng xa lạ, vì vậy bệnh dịch hạch do bọ chét truyền có thể lan truyền từ vùng này sang vùng khác.

Mùa phát triển của bọ chét tùy theo loài: X. cheopis phát triển mạnh vào mùa nóng từ tháng 6 đến tháng 9; P.irritans từ tháng 12 đến tháng 3 năm sau, chi Stivalis phát triển mạnh vào mùa xuân từ tháng 3 đến tháng 6.

Vai trò truyền bệnh.

Bọ chét có thể truyền những mầm bệnh: dịch hạch, sốt phát ban chuột, sán lá chuột (Hymenolepis diminuta) và sán dây chó (Dipylidium canium)

Ngoài vai trò truyền bệnh, bọ chét đốt có thể gây dị ứng, viêm da. Con người thường bị bọ chét mèo C.felis đốt nhiều nhất, tiếp đến là bọ chét chó C.canis. Còn P.irritans (mặc dầu có tên là  bọ chét người như vậy) nhưng lại ít quan trọng nhất. Khi đứng, người thường bị bọ chét tấn công cẳng chân, còn khi nằm thì bị ở bất cứ vị trí nào.

Cơ chế truyền bệnh sán dây chuột và sán dây chó:

Những đốt sán già chứa đầy trứng theo phân hoặc tự bò ra hậu môn chó, chuột. Đốt sán vỡ, trứng tung ra ngoại cảnh, có thể bám vào lông xung quanh hậu môn chó, chuột. Bọ chét kí sinh ở chó, chuột nuốt phải trứng sán, trứng vào cơ thể bọ chét phát triển thành nang ấu trùng. Nếu chó, chuột… và người (như trẻ em chơi với chó) ăn phải bọ chét có nang ấu trùng sẽ mắc bệnh sán. Sán trưởng thành kí sinh ở ruột.

Cơ chế truyền bệnh dịch hạch:

Để truyền bệnh vi khuẩn cần có bọ chét hút máu cả người và động vật (chuột). P.irritans hút máu cả người và động vật nhưng hiếm khi hút máu chuột nên vai trò không đáng kể. Chi Xenopsylla hút máu cả người và động vật, trong đó bọ chét chuột châu Á  X.cheopis có vai trò lớn.

Bệnh dịch hạch do vi khuẩn Yersinia pestis, gây ra những vụ dịch ở các động vật hoang như: chuột, các loài gặm khác và có thể lây cho người. Trước đây, dịch hạch được gọi là “cái chết đen” và là nguyên nhân gây ra các vụ dịch bệnh thảm khốc. Vai trò truyền bệnh đáng chú ý là bọ chét chuột Xenopsylla.

Vi khuẩn dịch hạch từ  vòi hoặc từ phân bọ chét theo vết đốt, vết xước xâm nhập vào cơ thể vật chủ.

Vi khuẩn dịch hạch  phát triển trong cơ thể bọ chét, vi khuẩn bám vào các van ở diều tạo thành “nút” gây tắc diều. Bọ chét đói, nhưng khi hút máu vật chủ, máu không vào tới dạ dày, bọ chét vẫn bị đói càng ham hút máu. Máu tới chỗ tắc, bị đẩy ngược trở lại, mầm bệnh xâm nhập vào cơ thể vật chủ qua vết đốt.

Trong vụ dịch, bọ chét có “nút tắc” được coi là có vai trò truyền bệnh nguy hiểm hơn cả. Ở Việt Nam, bọ chét X. cheopis được xác định là vector truyền bệnh dịch hạch. Đã phân lập được mầm bệnh P.pestis ở bọ chét X.. cheopis tại các khu vực có bệnh dịch hạch: Đắc Lắc, Gia Lai, Kon Tum (Nguyễn Văn Nhã, 1980). Mật độ bọ chét X.. cheopis ở khu vực này là 81- 92%. Mầm bệnh dịch hạch ở X. cheopis cũng được phân lập ở Nha Trang (Đỗ Sĩ Hiển,1992), ở Hải Phòng và Hà Nội (Trương Sĩ Niêm, 1987).

Bọ chét còn truyền Rickettsia typhi thông qua phân bọ chét nhiễm bệnh.

Vector chủ yếu là X. cheopis. Bọ chét có thể truyền mầm bệnh Pasteurella tulaensis (Tularemia) và Salmonella enteritidis (Salmonellosis).

Phòng chống.

Do bọ chét có thể kí sinh trên vật chủ và sống tự do ở môi trường, cần áp dụng các biện pháp:

Diệt bọ chét ở môi trường bằng các hoá chất diệt côn trùng: DDT, 666, diazinon… Có thể phun hoá chất diệt hoặc dùng giấy dính, đặt chậu nước ở nơi không thể phun hoá chất.

Triệt phá nơi sinh sản của bọ chét: đốt ổ gia súc, vệ sinh nhà cửa, chuồng trại, gầm sàn nhà…

Diệt bọ chét kí sinh trên chuột bằng các biện pháp kết hợp: diệt bọ chét với diệt chuột.

Diệt bọ chét kí sinh trên các động vật nuôi (chó, mèo…) bằng cách tắm lysol 10%.

Trong các vụ dịch hạch, cần diệt bọ chét ở môi trường trước khi diệt bọ chét kí sinh trên chuột để tránh làm tăng mật độ bọ chét ở môi trường.