Trên thế giới, bộ Hemiptera có khoảng 40.000 loài thuộc 50 họ khác nhau. Chỉ có 2 họ có vai trò y học là: họ Rệp – Cimicidae và họ Bọ xít – Reduviidae.
Cimicidae – họ rệp
Họ rệp có 2 chi: Cimex và Oeciacus.
Chi Cimex còn gọi là rệp giường, có loài Cimex lecturarius là loài thường thấy sống trong nhà của người, loài này phân bố rộng rãi trên thế giới; loài Cimex rhotundaicus còn có tên là Cimex hemiptera thường phân bố ở các nước nhiệt đới.
Chi Oeciacus thường thấy trong các tổ chim hoặc trên lá cây và thường hút máu chim, hiếm gặp trong nhà ở của người.
Đặc điểm hình thể.
Cơ thể gồm 3 phần: đầu – ngực – bụng, toàn bộ cơ thể được bao bọc bằng lớp kitin, có màu nâu hoặc nâu đen.
Đầu:
Hơi vuông, gắn vào đốt ngực thứ nhất, đốt này lõm vào thành một hố, phần đầu chỉ nhô ra từ mắt. Hai bên đầu có hai mắt kép to, phía trước đầu có hai râu.
Mỗi râu có 4 đốt, giữa hai râu có vòi hút máu.
Ngực:
Có hai cánh thoái hoá, có 3 đôi chân rất phát triển, trên chân có nhiều lông cứng. Bàn chân có 4 đốt, đốt cuối có móng nhọn sắc.
Bụng:
Bụng có 8 đốt. Ở rệp đực: đốt thứ tám phát triển thành cơ quan sinh dục. Ở rệp cái: phần cuối bụng tròn lại, trên đốt thứ bảy nhìn rõ khe âm đạo; hai bên rìa đốt thứ tư có 2 hố nhỏ.
Rệp trưởng thành có tuyến hôi nằm ở gốc đôi chân thứ ba, nhưng ở thanh trùng tuyến này nằm ở mặt lưng từ đốt bụng thứ ba đến đốt bụng thứ năm.
Rệp trưởng thành có 2 đôi lỗ thở ở ngực và 7 đôi lỗ thở ở bụng.
Cơ quan tiêu hoá của rệp gồm: vòi hút máu, thực quản nhỏ hình ống và dạ dày; trước dạ dày có hai tuyến nước bọt đổ vào; sau dạ dày là ruột và trực tràng.
Cơ quan bài tiết có ống Manpighi đổ vào ruột và trực tràng.
Cơ quan sinh dục: rệp cái có hai buồng trứng, mỗi buồng trứng có dây trứng đổ vào ống dẫn trứng. Hai ống dẫn trứng này nhập làm một trước khi đổ vào âm đạo. Trứng rệp hình bầu dục, màu trắng đục.
Đặc điểm sinh học.
Vòng đời của rệp phát triển qua 3 giai đoạn: trứng – thanh trùng và trưởng thành.
Trứng thường được đẻ vào cùng một chỗ ở khe tường, tủ, giường phản, bàn ghế… có khi đẻ vào cả trên giấy, vải… Trứng rệp có thể phát triển tốt ở gỗ, đất… rất kém phát triển trong nước.
Thanh trùng phải qua 4 lần lột xác, hình thể rất giống con trưởng thành nhưng nhỏ hơn; cơ quan sinh dục chưa hình thành, các đốt bàn chân chưa rõ, râu ngắn. Thanh trùng khi mới nở dài 1,2 mm; ở giai đoạn cuối dài tới 5 mm. Để lột xác và phát triển thanh trùng cần hút no máu. Ở nhiệt độ từ 14 – 180C trứng cần khoảng 21 – 22 ngày mới nở, ở nhiệt độ 22 – 260C cần 8 – 9 ngày, nhưng ở nhiệt độ 35 – 37oC chỉ cần 5 – 6 ngày. Dưới 140C trứng không phát triển.
Hình : Vòng đời phát triển của rệp.
Ở điều kiện nhiệt độ thích hợp, có đủ thức ăn rệp cần khoảng 28 ngày để hoàn thành vòng đời. Nhiệt độ không thích hợp, thức ăn không đủ thì vòng đời kéo dài tới 6 – 10 tuần hoặc lâu hơn.
Cả thanh trùng và rệp trưởng thành đều hút máu. Sau khi hút máu khoảng hai ngày, rệp cái đẻ trứng, đẻ liên tiếp trong 5 ngày, sau đó lại tiếp tục hút máu.
Rệp thường hút máu vào ban đêm, nhưng khi đã nhịn đói lâu có thể hút máu cả ban ngày. Rệp chỉ hút máu, không ăn chất gì khác.
Thời gian hút máu của rệp trưởng thành khoảng 15 phút, mỗi lần hút khoảng 15 mg máu. Thanh trùng chỉ hút máu trong khoảng 1 phút. Mỗi lần hút khoảng 1/3 mg máu.
Rệp có khả năng nhịn đói lâu. Ở nhiệt độ lạnh rệp có thể nhịn đói được hàng năm, ở nhiệt độ bình thường rệp nhịn đói được vài tháng.
Mỗi phút rệp trưởng thành di chuyển được 1,25 m; thanh trùng di chuyển được khoảng 25 cm.
Đời sống của rệp khoảng 14 tháng. Con cái đẻ 1 – 2 trứng/tuần. Trong phòng thí nghiệm một con cái đẻ được tới 541 trứng, trên thực tế rệp đẻ ít hơn.
Vai trò y học.
Vai trò truyền bệnh của rệp chưa rõ ràng. Rệp đốt người gây cảm giác khó chịu, đặc biệt là mất ngủ vào ban đêm, lâu dần làm giảm sức khoẻ.
Theo Derbeneva- Ukhova năm 1974, rệp có thể lưu giữ các mầm bệnh: dịch hạch, sốt phát ban, sốt hồi quy, tularemia, sốt Q… nhưng vai trò truyền bệnh của rệp chưa được nghiên cứu đầy đủ.
Phòng chống.
Vệ sinh chăn màn, giường chiếu, khe kẽ tủ, bàn ghế: giặt, phơi, quét dọn, lau chùi sạch… làm thường xuyên hàng tháng.
Sử dụng các biện pháp diệt rệp:
Đun nước sôi: cứ 200 lít nước sôi cho vào 200 gam xà phòng bột hoặc
1 bánh xà phòng giặt vào, quấy cho tan đều, tưới vào các khe kẽ có rệp. Làm 1 lần/1 tuần, liên tục trong 5 – 6 tuần liền.
Dùng que nhọn khêu, ngoáy khe kẽ có rệp, hoặc dùng hút bụi hút rệp, diệt rệp.
Phơi nắng các dát giường, đệm… dùng các chất hấp dẫn kiến đến ăn rệp.
Các hoá chất diệt côn trùng: DDT, 666… ít có kết quả.
Kinh nghiệm dân gian: lấy lá sen tươi rải lên nơi có rệp, mỗi giường nằm rải từ 4 – 5 lá sau một thời gian rệp sẽ hết.
Reduviidae – họ bọ xít
Trong họ Bọ xít chỉ có loài Triatoma megista và Rhodinus pralixus hút máu người và động vật, truyền bệnh Chagas.
Bệnh phổ biến ở Nam Mĩ, chưa gặp ở Việt Nam.
Đặc điểm hình thể.
Bọ xít trưởng thành có đầu dài, râu dài, vòi được gập trong ổ miệng, khi hút máu mới thò ra.
Chỉ thấy rõ đốt ngực thứ nhất, còn đốt thứ hai và thứ ba bị cánh che lấp. Bọ xít có 2 cánh cứng bên ngoài, bên trong có 2 cánh mỏng.
Ngực có 3 đôi chân dài. Bụng bọ xít dài, cánh không che kín được bụng.
Đặc điểm sinh học.
Vòng đời bọ xít phát triển qua 3 giai đoạn: trứng – thanh trùng và trưởng thành.
Trứng bọ xít dài khoảng 1,5 – 2,5 mm, hình bầu dục.
Sau khi đẻ được 10 ngày, trứng nở ra thanh trùng, vài ngày sau rời nơi ở để tìm mồi hút máu.
Thanh trùng có 5 giai đoạn, tất cả các giai đoạn đều hút máu, hình thể giống như con trưởng thành.
Sau 5 lần lột xác phát triển thành con trưởng thành, sau 10 – 14 ngày con cái bắt đầu đẻ trứng.
Cả con đực và con cái đều hút máu, chúng kí sinh trên người hoặc động vật. Hoạt động hút máu về đêm; ban ngày đậu nghỉ ở các khe đá, khe tường, mái tranh… có khi ở cây, lá…
Khi hút máu, bọ xít thường bài tiết ngay ở nơi chúng hút máu, do đó mầm bệnh từ phân bọ xít nhiễm vào người hoặc động vật.
Vai trò y học.
Bọ xít truyền bệnh Chagas, mầm bệnh là Trypanosoma cruzi. Ngoài ra còn truyền một số bệnh khác, nhưng chủ yếu là bệnh của động vật lây sang người.
Phòng chống.
Vệ sinh nhà ở, triệt phá nơi trú ẩn của bọ xít, phun hoá chất diệt côn trùng: malathion… vào nơi trú ẩn của chúng.
Blattidae – họ gián
Gián thuộc lớp côn trùng, bộ Blatophtera, có 2 đôi cánh, đôi cánh ngoài dày và cứng, đôi cánh trong mỏng và mềm hơn. Gián di chuyển nhanh, có thể bay hoặc chạy.
Đặc điểm hình thể.
Gián trưởng thành dài 0,5 – 1,5 cm, dẹt theo chiều lưng bụng, có đôi anten dài, miệng kiểu hàm nghiền, 3 đôi chân dài giúp cho gián chạy nhanh . Gián có màu nâu hoặc nâu sẫm. Đa số các loài gián ít khi bay.
Hình : Gián trưởng thành
Đặc điểm sinh học.
Vòng đời của gián phát triển qua 3 giai đoạn: trứng – thanh trùng và trưởng thành (hình 16.19).
Gián cái đẻ 20 – 50 trứng trong bọc cứng màu nâu. Lúc đầu bọc trứng được mang sau thân (trông giống đuôi) sau đó được gắn vào nơi kín đáo (khe kẽ tủ, quần áo…), khoảng 1 – 3 tháng sau trứng nở ra thanh trùng, khoảng 2 tháng sau lột xác thành gián trưởng thành. Trong điều kiện không thuận lợi, thiếu thức ăn hoặc quá rét… vòng đời có thể kéo dài hàng năm.
Đời sống của gián trung bình 12 tháng (có thể từ 100 – 600 ngày).
Gián trú ẩn ban ngày, đến tối mới tìm thức ăn. Thức ăn của gián rất phong phú, từ đồ ăn thức uống của người, động vật cho đến tất cả các chất thải ôi thiu. Gián rất phàm ăn. Đời sống của gián gắn bó mật thiết với người giống như ruồi nhà. Gián trú ẩn ở các khe kẽ nhà bếp, nhà vệ sinh, tủ treo quần áo… hoặc các nơi tối: trong tủ, hòm, hộp… người ít để ý tới.
Gián có khoảng 3.500 loài, nhưng chỉ có 16 loài có vai trò y học (Roth và Willis, 1957). Ở Việt Nam gián chưa được nghiên cứu đầy đủ.
Hình : Vòng đời phát triển của gián.
Vai trò y học.
Gián truyền bệnh và gây bệnh cho người và động vật. Gián truyền bệnh theo phương thức không đặc hiệu giống như ruồi nhà.
Trong tự nhiên, gián có thể truyền tới 40 loài vi khuẩn khác nhau (Roth và Willis, 1957 – 1960; Burhess và cộng sự, 1973), đó là các vi khuẩn hủi, dịch hạch, lao, tụ cầu… Trong thực nghiệm còn thấy gián truyền được các mầm bệnh: than, bạch hầu, uốn ván…
Khả năng truyền các mầm bệnh virut của gián chưa được chứng minh. Trong thực nghiệm thấy gián là kho dự trữ và truyền các virut: Cocxaki, bại liệt, viêm gan truyền nhiễm…
Gián cũng có thể truyền các mầm bệnh kí sinh trùng: giun đũa, sán dây, trùng roi thìa, amíp lị… cũng như các loài nấm Aspergillus.
Gián còn có thể gây viêm da, phù mí mắt cho người do chất độc của gián tiết ra. Gián còn gây dị ứng nhưng hiếm gặp (Corwell, 1968).
Phòng chống gián.
Triệt phá nguồn thức ăn của gián: thức ăn, thực phẩm cần để trong tủ, hoặc có lồng bàn đậy kín. Các chất thừa, thải, bệnh phẩm ở bệnh viện phải được xử lí bằng các chất khử trùng. Các hố rác, thùng rác phải có nắp đậy kín.
Triệt phá nơi trú ẩn và sinh đẻ của gián: nhà cửa, cống rãnh phải sạch thoáng, quần áo, giường tủ phải thường xuyên phơi, dọn.
Có thể sử dụng hoá chất để đặt bả hoặc phun: diazinon, propoxur, dichlorvos, malathion…