Nội dung

Đại cương sán lá- trematoda

Đặc điểm hình thể. 

Sán lá kí sinh có thân dẹt hình lá, không phân đoạn, cũng có thể hình ống, hình chóp, hình hạt cà phê, hình trái xoan và đa số lưỡng giới, trên cơ thể một sán lá có đầy đủ bộ phận sinh dục đực và cái…Thân có vỏ do tế bào lát tạo thành, có loại thân gai. Khi ở giai đoạn ấu trùng thân có thể phủ lông…

Giác:

Hầu hết các loại sán lá đều có bộ phận bám, gọi là giác, hình tròn.

Hệ thống cơ:

Sán lá có hệ thống cơ rất khoẻ, gồm 3 lớp cơ: lớp ngoài là cơ vòng, lớp giữa và cơ chéo, lớp trong cơ dọc, chạy dài theo thân. Vì vậy sán có thể co giãn theo ba chiều, có thể bò chéo, kéo dài, co rút. Ngoài ra còn có những dải cơ đi từ trước bụng ra sau lưng, xuyên  qua cơ thể.

Hệ tiêu hoá:

Sán có giác hút ở miệng, tiếp theo là hầu, thực quản và ruột chia hai nhánh chạy dọc theo hai bờ thân. Ruột thường không có lỗ thoát, không có hậu môn, miệng đồng thời là nơi thải những chất không được tiêu hoá.

Hệ bài tiết:

Sán lá có những tế bào bào tiết rải rác khắp cơ thể, tất cả đổ vào một ống lớn, ra bàng quang và có một lỗ bài tiết ra ngoài.

Hệ thần kinh: 

Thô sơ, gồm hai hạch thần kinh ở hai bên hầu. Từ hạch này, có 3 sợi thần kinh dọc ở bụng, lưng và phía bên, nhưng sợi này nối với nhau bởi các vòng thần kinh. Có những sợi thần kinh lẻ, có lẽ chuyên về xúc giác ở xung quanh giác hút.

Hệ sinh dục:

Trừ sán máu- phân giới, còn lại hầu hết sán lá là loài lưỡng giới.

Cơ quan sinh dục đực: gồm hai tinh hoàn hình cầu, hình thùy, hoặc chia nhánh. Từ đó xuất phát hai ống dẫn tinh, hai ống nhập lại thành một ống, đi đến lỗ giao hợp, thường được bọc bởi một túi thành dày, gọi là túi giao hợp ở gần giác bụng.

Cơ quan sinh dục cái: thường có một buồng trứng chia nhánh, một ống dẫn trứng ngắn, có liên quan đến tuyến tạo vỏ trứng, tử cung là một ống dài ngoằn ngoèo chứa đầy trứng. Hai tuyến dinh dưỡng (hoàng thể) ở hai bên thân để nuôi trứng. Đoạn sau của tử cung là âm đạo mở ra gần bộ phận sinh dục đực. Trứng sán lá thường có nắp hoặc có gai.

Đặc điểm sinh học.

Vị trí kí sinh:

Sán lá có rất nhiều vị trí kí sinh khác nhau: ở người, sán lá có thể kí sinh ở ruột, gan, phổi, trong các mạch máu… Sán lá bám chắc vào vị trí kí sinh nhờ những giác, ít khi di chuyển khỏi vị trí kí sinh.

Dinh dưỡng:

Sán lá ăn các chất dinh dưỡng: chất nhầy, tế bào lát, tế bào máu, thành phần lỏng của mật, máu…; hấp thụ các chất qua màng thân.

Sán lá kí sinh sống trong môi trường yếm khí:

Sán máu lấy oxy ở hồng cầu, các sán lá khác lấy oxy từ glycogen khi chuyển hoá.

Vòng đời:

Sán lá trưởng thành đẻ nhiều trứng. Trứng ra ngoại cảnh, muốn phát triển được, phải rơi vào môi trường nước. Trong nước, trứng nở ra ấu trùng lông (miracidium) hình quả lê, nhờ những lông phủ quanh cơ thể, ấu trùng lông bơi lội tự do trong nước, tìm vật chủ trung gian thích hợp là các loài ốc đặc thù cho mỗi loài sán. Ấu trùng lông có hệ thống men phân hủy mô để chui vào ốc. Một số loài ốc có thể chủ động nuốt trứng sán lá, trứng nở ra ấu trùng lông trong cơ thể ốc (Clonorchis sinensis, Heterophyes, Metagonnimus yokogawai…).

Ở trong ốc, ấu trùng phát triển thành nang bào tử (sporocyst) đường kính khoảng 500 µm, không có lông, hình giống như cái túi, trong có rất nhiều tế bào mầm. Từ các tế bào mầm sẽ phát triển thành các rê-đi (rediae), đó là ấu trùng thế hệ thứ hai, rê-đi phá vỡ bào tử xác, nhưng vẫn giữ ở trong cơ thể ốc, bên trong mỗi rê-đi lại có nhiều tế bào mầm khác, từ những tế bào đó sẽ phát triển thành các ấu trùng đuôi (cercaria), đó là ấu trùng thế hệ thứ ba. Ấu trùng đuôi rời khỏi ốc, bơi lội tự do trong nước, để tìm đến vật chủ trung gian thích hợp: cá, tôm, cua, hoặc bám vào các thực vật sống dưới nước: các loại rau, ngó sen, súng… để phát triển thành nang ấu trùng (metacercaria). Một số loài sán lá có hai thế hệ nang bào tử (sporocyst) như các loài sán máu… Một số loài sán lá khác có hai thế hệ rê-đi như: sán lá gan bé, sán lá gan lớn, sán lá ruột… Như  vậy bằng hình thức sinh sản vô giới kiểu đa phôi, từ một ấu trùng lông (miracidium) có thể phát triển thành rất nhiều ấu trùng đuôi (cercaria). Từ ấu trùng đuôi, sẽ tiếp tục phát triển theo nhiều cách để hoàn thành vòng đời, tùy từng loại sán, như :

Ấu trùng đuôi bơi lội tự do trong nước, xâm nhập ngay vào vật chủ: sán máu.

Ấu trùng đuôi vào phát triển ở vật chủ phụ thứ hai (cá, tôm, cua) hình thành các nang ấu trùng (metacercaria): sán lá gan bé, sán lá phổi…

Ấu trùng đuôi hình thành nang ấu trùng (metacercaria) bám vào thực vật dưới nước như : sán lá gan lớn, sán lá ruột…

Vật chủ chính ăn phải nang ấu trùng trong vật chủ phụ thứ hai hoặc những thực vật  dưới nước có nang ấu trùng. Vào  cơ thể vật chủ chính, nang ấu trùng sẽ phát triển thành sán trưởng thành. Hạn định đời sống của sán lá trong cơ thể người có thể từ  vài năm tới trên 30 năm.

Phân loại sán lá. 

Sán lưỡng giới:

Lỗ sinh dục ở trước giác bụng:

Hai nhánh tiêu hoá chia thành nhiều nhánh nhỏ, tinh hoàn và buồng trứng chia nhiều nhánh (ví dụ: Fasciolidae).

Hai nhánh tiêu hoá không chia nhánh và tinh hoàn có đặc điểm:

Tinh hoàn ở trước buồng trứng (ví dụ: Dicrocoelidae).

Tinh hoàn ở sau buồng trứng (ví dụ: Opisthorchidae).

Lỗ sinh dục ở sau giác bụng (ví dụ: Troglotrematidae).

Sán phân giới:

Ví dụ: Schistosomatidae.