Lớp trùng roi có những đặc điểm sau:
Có một hoặc nhiều roi để chuyển động. Roi là phần lồi ra của nguyên sinh chất, kéo dài thành hình sợi, có màng phủ ngoài. Roi dính vào một thể nhỏ ở trong thân gọi là thể gốc roi, thể này là nơi dự trữ năng lượng để cho roi hoạt động.
Có một hoặc nhiều nhân dạng nang, trong nhân có trung thể.
Trùng roi lấy chất dinh dưỡng bằng cách thẩm thấu qua màng hoặc có bào khẩu (nằm ở một vị trí cố định trên thân – coi như miệng) để hút thức ăn.
Sinh sản theo phương thức vô giới, phân chia theo chiều dọc của thân. Có loại hình thành kén, có loại không hình thành kén.
Những trùng roi kí sinh có vai trò y học ở người gồm:
Trichomonas vaginalis (trùng roi âm đạo).
Giardia intestinalis (trùng roi thìa).
Trypanosoma (trùng roi bệnh ngủ).
Leishmania (lê dạng trùng).
Trichomonas vaginalis và Giardia intestinalis có ở khắp nơi trên thế giới, rất phổ biến ở Việt Nam. Trypanosoma và Leishmania phổ biến ở châu Phi và vùng Trung Cận Đông, ở nước ta cũng có nhưng hiếm.
Những trùng roi sống hội sinh ở người không có vai trò y học như:
Trichomonas hominis.
Trichomonas elongata.
Embadomonas intestinalis.
Enteromonas hominis. – Chilomastix mesnilli…
Trùng roi có thể kí sinh và sống hội sinh ở nhiều vị trí khác nhau trong cơ thể người:
Trùng roi ở đường ruột: Giardia intestinalis, Trichomonas hominis, Embadomonas intestinalis, Enteromonas homonis, Chilomastix mesnilli…
Trùng roi ở miệng: Trichomonas tenax…
Trùng roi ở đường sinh dục – tiết niệu: Trichomonas vaginalis.
Trùng roi ở máu và các tổ chức phủ tạng: Leishmania sp., Trypanosoma sp…