Đại cương
Máy hút áp lực âm (V.A.C) là một phương tiện tiên tiến áp dụng trong việc điều trị làm lành các vết thương, tối ưu hóa việc chăm sóc người bệnh và làm giảm chi phí điều trị.
Máy hút áp lực âm có tác dụng làm tăng tưới máu vết thương, loại bỏ các yếu tố ức chế quá trình lành vết thương (vi khuẩn, protease…), kích thích tổ chức hạt phát triển, kéo mép vết thương lại gần nhau làm giảm kích thước vết thương, đảm bảo môi trường ẩm cho vết thương phát triển và tránh sự xâm nhập của vi khuẩn từ bên ngoài vào vết thương.
Chỉ định
Vết thương bán cấp.
Vết thương mạn tính.
Vết thương cấp tính.
Vết thương chấn thương.
Vết thương tách mép.
Vết thương do đái tháo đường (loét do đái tháo đường).
Vết loét áp lực.
Chống chỉ định
Vết thương còn mô hoại tử.
Cốt tủy viêm.
Đường hầm chưa được bộc lộ hết.
Chuẩn bị
Người thực hiện
1 bác sỹ
1 điều dưỡng.
Phương tiện
Máy hút áp lực âm.
Bộ dụng cụ chuyên dụng đặt lên vết thương: tấm mút, tấm phủ, hệ thống ống dẫn và khoá kẹp.
Bình chứa dịch chuyên dụng
Găng vô khuẩn và găng sạch.
Dụng cụ để làm sạch vết thương: bộ dụng cụ rửa vết thương, gạc, nước muối sinh lý…
Người bệnh
Khám toàn diện theo quy định.
Được giải thích về mục đích của thủ thuật.
Chấp nhận điều trị bằng máy hút áp lực âm.
Kiểm soát tốt đường máu bằng Insulin
Hồ sơ bệnh án:
Theo quy định của Bộ Y tế.
Các bước tiến hành
Chuẩn bị vết thương và vùng xung quanh vết thương
Làm sạch vết thương bằng các biện pháp cắt lọc, rửa vết thương….
Làm sạch và làm khô vùng xung quanh vết thương.
Đặt máy
Rửa tay và đi găng vô khuẩn.
Đặt tấm mút lên trên bề mặt vết thương:
Cắt tấm mút đảm bảo phù hợp với hình dạng và kích thước vết thương. Chú ý trong quá trình cắt không để những mảnh vụn của tấm mút rơi vào vết thương.
Đặt nhẹ nhàng tấm mút vào vết thương sao cho vừa khít. Đảm bảo chiều dày tấm mút phải vừa đủ để bề mặt tấm mút ngang bằng với mép vết thương sau khi chạy máy.
Chú ý về số lượng của những miếng mút đặt tại vết thương.
Đặt tấm phủ trên bề mặt vết thương:
Cắt tấm phủ sao cho có thể phủ trùm ra bên ngoài mép vết thương khoảng 2cm về các phía.
Cắt một lỗ tròn đường kính khoảng 2cm ở giữa tấm phủ. Lỗ tròn này sẽ nằm trên bề mặt tấm mút và ở vị trí thuận tiện cho bệnh nhân sau khi đặt tấm phủ lên trên vết thương.
Đặt tấm phủ lên bề mặt vết thương. Bóc lớp giấy và để lại lớp dính trong suốt.
Thiết lập hệ thống kín từ vết thương đến máy:
Đặt trực tiếp đầu có miếng lót tròn của ống dẫn dịch trùm lên lỗ tròn của tấm phủ.
Nối đầu còn lại của ống dẫn dịch với ống dẫn của bình chứa.
Khởi động máy.
Khởi động máy: Đảm bảo toàn bộ hệ thống từ vết thương đến máy hút phải kín sao cho khi máy bắt đầu hút, tấm mút sẽ co lại.
Đặt chế độ máy theo y lệnh của bác sĩ.
Theo dõi dịch tiết của vết thương
Tháo máy
Kẹp khoá của ống dẫn để tránh trào ngược dịch vết thương.
Tắt máy.
Bóc tấm dính và tấm mút cũ trên vết thương. Nếu chúng dính chặt vào vết thương thì làm ẩm bằng dung dịch nước muối sinh lý và có thể bóc ra sau 5 – 10 phút.
Làm sạch vết thương bằng dung dịch nước muối sinh lý, loại bỏ hết các dị vật ở trong vết thương (mẩu vụn của tấm mút…)
Đánh giá sự tiến triển của vết thương
Kiểm tra đáy vết thương: sự phát triển của tổ chức hạt (màu sắc đỏ/hồng), chú ý về dịch tiết, các đường hầm hay các khoang của vết thương.
Đo kích thước vết thương.
Theo dõi
Trong thủ thuật
Đảm bảo lưu thông của tuần hoàn ngoại biên (bắt mạch …).
Người bệnh xuất hiện cảm giác tê bì và/hoặc cảm giác bị thít chặt.
Người bệnh cảm thấy đau tăng lên.
Tình trạng chảy máu của vết thương.
Sau thủ thuật:
Theo dõi sự tiến triển của vết thương.
Tai biến và xử trí
Tắt và tháo máy khi có sự xuất hiện của bất kỳ tai biến nào.
Kiểm soát tình trạng chảy máu của vết thương (nếu có).