Nội dung

Leishmania

Năm 1900 và 1903, bác sĩ quân y William Boog Leishman người Anh (1865 – 1926), và bác sĩ người Ailen, Charles Donovan (1863 – 1951), đã phát hiện ra kí sinh trùng hình oval trong đại thực bào của tiêu bản nhuộm Giemsa ở bệnh nhân người Ấn Độ bị Kala – azar. Xung quanh thời điểm đó, bác sĩ bệnh học người Mĩ, James Homer Wright (1871 – 1928), đã mô tả trường hợp nhiễm Leishmania nhiệt đới đầu tiên ở một bệnh nhân người Armenia tại Boston. 

Năm 1904, Rogers là người đầu tiên thành công trong nuôi cấy, phân lập Leishmania ở môi trường nhân tạo Novy – MacNeal – Nicolle (N.N.N), Ông đã đặt tên cho chúng là Leishmania donovani. Năm 1906, Rogers đã nghĩ đến muỗi cát Phlebotomus có thể là vật chủ trung gian truyền bệnh. 

Đến năm 1924, Knowles Napei và Smith là những người đầu tiên phát hiện Leishmania dạng promastigote ở dạ dày muỗi cát chân bạc hút máu người bệnh bị bệnh sốt đen. Năm 1926, Young và Herting phát hiện Leishmania sống trong đường tiêu hoá của muỗi cát. Cho đến năm 1941, Phùng Lan Châu và Chung Huệ Than (Trung Quốc) gây bệnh thực nghiệm cho muỗi cát cái Phlebotomus, sau đó cho muỗi đốt chuột lang thì chuột bị bệnh. 

Năm 1942, Wsaminth và Shortt đã gây bệnh sốt đen thực nghiệm thành công trên những người tình nguyện. Từ những nghiên cứu trên đã khẳng định suy nghĩ của Rogers rằng muỗi cát chính là vật chủ trung gian truyền bệnh.

Những loại gây bệnh chủ yếu cho người: L.donovani, L.tropica, L.braziliensis.

Tất cả các loài Leishmania đều có hình thể giống nhau, không thể phân biệt được giữa loài này với loài khác. Nhìn chung gồm hai thể:

Thể không có roi (amastigote) gọi là thể Leishmania. Thể này kí sinh ở người và động vật có xương sống. Thể Leishmania có hình trái xoan, dài 2 – 3 µm.

Nhuộm giemsa bào tương bắt màu xanh lơ sẫm, nhân bắt màu đỏ tía. Thể vận động (kinetoplast) gồm có thể gốc và thể cạnh gốc (hình 5.11A).

Thể có roi (promastigote) gọi là thể leptomonas. Thể này gặp ở vật chủ trung gian (động vật không xương sống) là muỗi cát (Phlebotomus) và ở môi trường nuôi cấy. Roi mọc ra từ gốc roi, có độ dài từ 15 – 20 µm (hình 5.11B).

Hình 5.11:

A-Hình thể Leishmania trong tổ chức.   

B-Hình thể Leishmania trong môi trường nuôi cấy.