Ấu trùng di chuyển dưới da (visceral larva migrans).
Mầm bệnh:
Có nhiều ấu trùng giun tròn động vật gây hội chứng ấu trùng di chuyển dưới da ở người, hay gặp nhất là các ấu trùng giun móc.
Ancylostoma braziliense (Flaria,1910):
Là loại giun móc nhỏ nhất, kí sinh ở ruột non vật chủ chính là: mèo rừng, hổ, báo, cầy giông… Loại giun này phân bố ở nhiều nơi trên thế giới: Nhật Bản, Ấn Độ, Malaysia, Tây Phi, Mĩ La Tinh…; ở Việt Nam thấy có phổ biến ở nhiều nơi (Phan Kế Việt, 1977).
Giun trưởng thành miệng nhỏ, có hai đôi răng lớn ở phía ngoài, đôi răng nhỏ ở phía trong. Trứng và ấu trùng của giun móc này rất giống các giun móc khác khó phân biệt.
Ancylostoma canium (Ercolani,1859):
Giun trưởng thành kí sinh ở ruột non của vật chủ chính là chó, mèo, hổ… Loại giun này phân bố ở khắp nơi trên thế giới, rất phổ biến ở Việt Nam (Trịnh Văn Thịnh, 1966). Giun trưởng thành miệng rộng, có 3 đôi răng khoẻ, ngoặm vào thành ruột. Trứng và ấu trùng giống như các loại giun móc khác.
Vai trò y học.
Bệnh sinh:
Người bị nhiễm mầm bệnh do tiếp xúc với đất, cát ở ngoại cảnh bị ô nhiễm phân chó, mèo có ấu trùng giai đoạn lây nhiễm được (larva filariform). Ấu trùng chui qua da, thường ở vùng da tay, da chân vì lạc chủ ấu trùng không có men phân hủy thành mạch của người nên không thể vào máu, chu du khắp cơ thể như các loại ấu trùng kí sinh ở người, do vậy chúng di chuyển ở mô dưới da.
Triệu chứng:
Tại chỗ ấu trùng xâm nhập có vết sẩn đỏ, ngứa, sau thành mọng nước, phát triển ra xung quanh thành một hoặc nhiều đường ngoằn ngoèo, gồ cao là dấu hiệu quãng đường đã di chuyển; do ngứa, gãi, có thể bị nhiễm trùng, hoá mủ… ấu trùng có thể tồn tại nhiều tuần, có khi hàng tháng.
Đôi khi ấu trùng thoát ra thành mạch máu, lên phổi gây hội chứng Loeffler. Cơ thể có những phản ứng với ấu trùng giun này tùy thuộc vào số lượng ấu trùng bị nhiễm nhiều hay ít và đáp ứng của từng cơ thể.
Chẩn đoán:
Dựa vào triệu chứng lâm sàng tại chỗ, biểu hiện dị ứng toàn thân… Xét nghiệm sinh thiết da ít khi thấy ấu trùng.
Điều trị:
Có thể điều trị bằng thiabendazole 25mg/kg/ngày, trong 2 – 3 ngày, nên kết hợp với các thuốc chống dị ứng.
Dự phòng:
Không cho trẻ nghịch đất, cát, đi chân đất…
Điều trị giun sán cho chó, mèo…
Ấu trùng di chuyển nội tạng.
Toxocara canis (werner, 1782):
Vòng đời sinh học của Toxocara canis:
Là giun đũa của chó, mèo non… Giun trưởng thành kí sinh ở ruột non vật chủ chính là chó nhà, mèo non, hình thể rất giống giun đũa của người nhưng nhỏ hơn (4 – 10 cm). Giun cái đẻ ra trứng, trứng theo phân ra ngoại cảnh, sau vài tuần phát triển ở ngoại cảnh mới hình thành phôi, khi đó mới có khả năng gây nhiễm.
Nếu chó, mèo non nuốt phải trứng. Trứng sẽ phát triển vòng đời giống như trứng giun đũa A.lumbricoides người.
Nếu chó lớn đang có thai nuốt phải trứng, Toxocara canis sẽ vào bào thai rồi phát triển thành giun trưởng thành trong ruột của chó con mới đẻ.
Người là vật chủ bất thường. Nếu người nuốt phải trứng thì trứng sẽ phát triển thành ấu trùng; ấu trùng xuyên qua thành mạch ruột theo tuần hoàn lên gan, phổi và các cơ quan khác như não, thận… không thể phát triển thành giun trưởng thành. Ấu trùng ở các cơ quan tạo nên các u hạt (granuloma) ở những chỗ chúng đi qua, ấu trùng có thể sống một vài năm hay hơn. Trẻ em chỉ cần nhiễm vài chục ấu trùng đã có thể sinh ra rất nhiều u hạt (granuloma).
Vai trò y học:
Khi bị nhiễm ấu trùng, bệnh nhân thường xuất hiện các triệu chứng: sốt bất thường, biếng ăn, gầy, nổi mẩn, dị ứng, rối loạn tiêu hoá, đau xương khớp, gan sưng to đau… có thể xuất hiện hội chứng Loeffler. Triệu chứng lâm sàng của trẻ em đa số có biểu lộ thần kinh, nhiều nhất là nhức đầu, động kinh tiếp theo là bầm tím da.
Chẩn đoán:
Thường khó, cần có sự kết hợp các yếu tố về lâm sàng, bệnh học, dịch tễ, cận lâm sàng, kết quả huyết thanh học và kết quả điều trị. Có thể nhầm với bệnh sán lá gan, hoặc các bệnh lí đường gan mật. Nếu có u hạt ở trong mắt, dễ nhầm với bệnh lí của các u độc võng mô. Có thể dựa vào các dấu hiệu:
Bạch cầu ái toan tăng cao 60 – 80% kéo dài hàng năm.
Sinh thiết gan ở các u hạt có thể thấy ấu trùng Toxocara canis.
Bệnh nhân thường là trẻ em hay chơi với chó, nghịch bẩn, ăn bẩn.
Phản ứng miễn dịch với kháng nguyên T.canis cho kết quả dương tính.
Điều trị:
Thiabendazole 25 – 50mg/kg/ 7 – 10 ngày, kèm theo corticoid liệu pháp và kháng histamin.
Hiện nay thường dùng albendazol, liều 10mg/kg/ngày, thời gian điều trị thay đổi tùy theo biểu hiện và diễn tiến của bệnh, từ 5 – 28 ngày, trung bình là 10 ngày. Kết quả điều trị tốt (có thể đạt tới 96%).
Dịch tễ học và phòng chống:
Phân bố rộng rãi trên thế giới và Việt Nam. Ở Việt Nam, trong những năm gần đây, ứng dụng kĩ thuật miễn dịch hấp phụ gắn men với kháng nguyên ngoại tiết – phân tiết từ ấu trùng giai đoạn 2 của Toxocara canis, nhiều tác giả đã phát hiện bệnh do giun Toxocara ở trẻ em và người lớn.
Tuyên truyền ý thức giữ gìn vệ sinh cá nhân, môi trường và thực phẩm cho các bậc cha mẹ, hướng dẫn cho các cháu ăn ở vệ sinh sạch sẽ. Không cho trẻ em chơi đùa với chó, mèo. Điều trị tẩy giun định kì cho chó, mèo để làm giảm ô nhiễm môi trường.
Anisakis (skirejabin và karokhin, 1945):
Là những giun tròn kí sinh ở những động vật biển, hình thể gần giống như giun đũa. Giun trưởng thành kí sinh trong xoang bụng của các loài cá voi, cá heo, hải cẩu hoặc cò, diệc, bồ nông… ấu trùng giun kí sinh ở các loài cá: cá thu, cá hồi, cá trích, mực ống… Loài giun này phân bố khắp thế giới và ở Việt Nam.
Hiểu biết về vòng đời sinh học của loài giun này chưa đầy đủ (Trịnh Văn Thịnh, 1966).
Người tình cờ bị mắc bệnh do ăn phải cá bị nhiễm ấu trùng chưa nấu chín dưới mọi hình thức. ấu trùng qua thành dạ dày hoặc ruột non tạo nên những ổ áp xe ưa bạch cầu toan tính, gây phù, dày cứng thành dạ dày, ruột, dễ nhầm với ung thư dạ dày, ruột, hoặc viêm ruột… Bệnh nhân đau vùng thượng vị, nôn, mửa, (vài giờ sau khi ăn cá bị nhiễm ấu trùng), kèm theo sốt, bạch cầu tăng. Chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Trường hợp nhiễm nặng phải phẫu thuật.
Phòng bệnh: chỉ ăn cá chín, không ăn cá muối, cá hun khói.