Nội dung

Phòng chống sốt rét

Bệnh sốt rét đã được biết đến từ rất xa xưa trên thế giới. Người ta đã tìm hiểu ngày một sâu sắc về quá trình phát sinh, phát triển bệnh sốt rét và đưa ra nhiều phương tiện để tiêu diệt hoặc phòng chống sốt rét (PCSR). Bệnh sốt rét là một bệnh xã hội nhưng có đặc điểm rất phức tạp vì diễn biến lan truyền, phát triển bệnh liên quan đến đặc điểm sinh học của kí sinh trùng sốt rét, muỗi truyền bệnh và liên quan đến nhiều yếu tố về địa lí, tự nhiên, kinh tế, xã hội, các hoạt động PCSR. Do vậy để đạt được mục tiêu của chiến lược PCSR không thể tiến hành với một khía cạnh riêng biệt. Mỗi biện pháp can thiệp đưa ra đều phải nhìn nhận một cách toàn diện phù hợp với tình hình bệnh sốt rét và thực tiễn của mỗi địa phương hoặc quốc gia ở mỗi giai đoạn khác nhau.

Chiến lược và thực hành phòng chống sốt rét trên thế giới.

Từ những năm giữa thế kỉ XX, người ta đã sản xuất được DDT, 666 và dieldrine là những hoá chất diệt muỗi, bọ gậy; sản xuất được thuốc sốt rét như quinine, acridine, pyrimethamine, chloroquine, primaquine… Nhờ có những loại hoá chất và thuốc này, một số nước trên thế giới (Mĩ, Chi Lê, Ý…) đã hoàn thành căn bản tiêu diệt sốt rét (TDSR). Một số nước ở gần xích đạo có khí hậu nhiệt đới và thuộc các nước chậm phát triển, bệnh sốt rét cũng đã giảm đáng kể.

Giai đoạn toàn cầu thực hiện chiến lược tiêu diệt sốt rét:

Năm 1955, đại hội đồng của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lần thứ 8 thông qua chủ trương tiêu diệt sốt rét trên toàn thế giới với những quy định sau:

Về mục tiêu: nhằm xoá bỏ bệnh sốt rét như  một bệnh của nhân loại.

 Về thời gian: có hạn định (khoảng 12 – 14 năm).

Về quy mô: phải bao quát tất cả những nơi có lây truyền sốt rét.

Biện pháp phun hoá chất toàn thể cả nhà và chuồng gia súc là chủ yếu.

Chẩn đoán và điều trị sốt rét được coi như biện pháp quan trọng.

Về chi phí: tập trung đầu tư giai đoạn tấn công và củng cố, sau đó khi sốt rét đã giảm tới mức thấp nhất và vững chắc thì chi phí cho sốt rét giảm đi.

Về tiêu chuẩn thực hiện: phải thực hiện hoàn chỉnh tất cả chỉ số về sốt rét.

Về cách đánh giá: phải nắm các ca sốt rét trong giám sát, đặc biệt phải phân biệt ca sốt rét địa phương và ca sốt rét ngoại lai, ca mới và ca tái phát.

Về tổ chức y tế: có thể tấn công sốt rét trong lúc y tế còn yếu, sau đó trong giai đoạn củng cố và bảo vệ thành quả sẽ tăng cường dần y tế lên.

Chỉ tiêu: về lí thuyết phải không còn ca sốt rét địa phương. Về thực tế tỉ lệ bệnh nhân sốt rét (BNSR) trên số dân được duy trì trong 1 năm là 100 có thể chuyển sang giai đoạn bảo vệ thành quả và nếu 2 – 3 năm sau không có ca sốt rét mới tại địa phương thì có thể tuyên bố đã tiêu diệt sốt rét.

Chiến lược tiêu diệt sốt rét được thực hành qua 4 giai đoạn:

Giai đoạn chuẩn bị: điều tra, phân vùng, làm thí điểm, chuẩn bị các vật tư, tài chính. Xây dựng các tổ chức quản lí và chuyên khoa sốt rét, giáo dục truyền thông trong nhân dân, tranh thủ sự quyết định của các chính phủ, tranh thủ viện trợ quốc tế. Giai đoạn này kéo dài 2 – 3 năm.

Giai đoạn tấn công: thực hiện các biện pháp tiêu diệt sốt rét hoặc đồng loạt nếu là nước nhỏ có đủ khả năng hoặc từng vùng rộng lớn và tiến tới bao quát cả nước. Thời gian này kéo dài từ  4 – 5 năm.

Giai đoạn củng cố: hoàn chỉnh tiêu diệt những ổ sốt rét còn lại, củng cố thành quả đạt được và đề phòng sốt rét xâm nhập vào những vùng sốt rét đã bị tiêu diệt. Giai đoạn này kéo dài 3 năm.

Giai đoạn bảo vệ thành quả: đề phòng sốt rét từ bên ngoài vào và sốt rét quay trở lại. Giai đoạn này có thể kéo dài 3 năm.

Trong thời gian bắt đầu tiến hành có tất cả 84 nước trên thế giới ở 4 châu lục (châu mĩ, châu á, châu âu và châu phi) đã tham gia chiến dịch tdsr. diễn biến quá trình thực hiện tdsr được chia thành 3 giai đoạn:

Giai đoạn từ  năm 1955 – 1964:

Thành quả đạt được: một số nước châu Âu, châu Mĩ (chủ yếu là Bắc Mĩ).

châu Á (Ấn Độ, Sri Lanca) đã đạt được kết quả rất khả quan.

Xuất hiện trở ngại: Anopheles kháng DDT, dieldrine hoặc cả 2. P.falciparum kháng chloroquine ở Nam Mĩ, Đông Nam Á. Anopheles trú ẩn ban ngày ngoài nhà (ngay từ đầu hoặc dưới sức ép của DDT).   

Giai đoạn từ năm 1965 – 1969: WHO đã thấy rõ tình hình diễn biến phức tạp của tiêu diệt sốt rét, nên đã đưa ra 4 tình huống sau:

Những nước TDSR tiến hành thuận lợi thì tiếp tục TDSR.

Những nước mà TDSR chỉ trên danh nghĩa, thì tiếp tục PCSR.

Những nước ở giai đoạn bảo vệ thành quả, phải giữ vững thành quả.

Những nước không có chương trình TDSR thì PCSR.

Giai đoạn từ năm 1970 – 1978: tình hình TDSR gặp thêm nhiều khó khăn hơn như có thêm nhiều loại vector truyền bệnh sốt rét kháng hoá chất, P.falciparum kháng thuốc chống sốt rét tăng cả về phạm vi và mức độ, vector trú ẩn ngoài nhà cũng tăng lên. Sốt rét ở nhiều nước đã quay trở lại, nhiều vụ dịch sốt rét đã xảy ra và giá cả vật tư hoá chất phục vụ cho TDSR ngày một tăng cao.

Chiến lược phòng chống sốt rét từ năm 1979 đến nay:

Năm 1979, WHO quyết định chuyển hẳn từ chiến lược “Tiêu diệt sốt rét” sang chiến lược “Phòng chống sốt rét”.

Chiến lược PCSR được quy định như  sau:

Về mục tiêu: làm giảm mắc và giảm tử vong do sốt rét.

Về thời gian: là vô hạn định.

Về quy mô: tập trung vào một số nơi trọng điểm sốt rét.

Chẩn đoán và điều trị sốt rét được coi là biện pháp hàng đầu. Phun hoá chất diệt muỗi phải cân nhắc theo nhu cầu và khả năng phun.

Về chi phí: phải có chi phí lâu dài.

Về tiêu chuẩn thực hiện: thực hiện tốt các biện pháp.

Về cách đánh giá: căn cứ vào chỉ số lách, kí sinh trùng sốt rét (KSTSR), bệnh nhân sốt rét (BNSR) và chết do sốt rét.

Về tổ chức y tế: phải thường xuyên xây dựng và củng cố y tế.

Về chỉ tiêu: dựa theo tình hình thực tế của mỗi địa phương đưa ra chỉ tiêu phấn đấu theo tiêu chuẩn đánh giá.

Về thực hành chiến lược PCSR có các đặc điểm sau: 

Các quốc gia phải thiết lập chương trình PCSR dài hạn dựa trên việc chăm sóc sức khoẻ ban đầu, mục tiêu là giảm tỉ lệ mắc và tỉ lệ chết do sốt rét.

Chủ yếu tập trung vào biện pháp quản lí các ca bệnh sốt rét: bảo đảm cho người dân trong vùng sốt rét được phát hiện và điều trị sốt rét kịp thời, thuận tiện. Phương pháp phát hiện bệnh chủ yếu dựa vào lâm sàng. Xét nghiệm KSTSR dùng trong các trường hợp bệnh nặng, chẩn đoán phân biệt, theo dõi kháng thuốc sốt rét. Thiết lập hệ thống giám sát và thông tin KSTSR kháng thuốc, có chính sách sử dụng thuốc phù hợp cho từng vùng, từng quốc gia.

Chọn lựa biện pháp phòng chống vector thích hợp nhằm khống chế hoặc cắt đứt đường truyền bệnh (bằng hoá học, sinh học, môi trường, bảo vệ cá nhân). 

Dịch tễ học là chìa khoá để đánh giá tình hình, lập kế hoạch, đánh giá hiệu quả chương trình. Huấn luyện cán bộ y tế các tuyến, đặc biệt tuyến y tế cơ sở. * Tóm tắt chiến lược phòng chống sốt rét qua sơ đồ sau: 

 

 

DỊCH TỄ HỌC

 

Huấn luyện

Bệnh

Nhiễm trùng

Nghiên cứu

Quản lí bệnh

Khống chế lây truyền

Chẩn đoán

Điều trị

(Chuẩn thức)

 

 

 

Giám sát (dịch tễ học/côn trùng )

Chống vector

Hoá học

Sinh học

Môi trường

Bảo vệ cá nhân

 

Số chết

Số mắc bệnh

Lưu hành

 

 

 

 

Tổ chức hoạt động

 

Trong quá trình thực hiện chiến lược PCSR từ năm 1979 đến nay, một số quốc gia đã đạt được những thành quả nhất định, tuy nhiên lại gặp phải nhiều khó khăn mới nảy sinh tuỳ mức độ và loại hình khác nhau ở mỗi vùng hoặc mỗi quốc gia:

Khó khăn về kĩ thuật: P.falciparum kháng 4 amino – quinoleine và các thuốc sốt rét mới khác như  mefloquine, fansidar, halofantrine. Muỗi Anopheles kháng hoặc tăng sức chịu đựng với các hoá chất, trú ẩn và đốt người ngoài nhà.

Khó khăn về kinh tế, xã hội, tài chính: bình quân thu nhập đầu người dân trong vùng sốt rét còn thấp, di biến động dân cư cao nhất là ở vùng biên giới, các vùng kinh tế mới nằm trong vùng sốt rét lưu hành (SRLH) nặng.

Tổ chức y tế còn yếu về chuyên môn và không đủ số lượng phục vụ PCSR.

Chiến lược và thực hành pcsr ở việt nam.

Việt Nam cũng nằm trong bối cảnh chung của thế giới về thực hiện các chiến lược tiêu diệt sốt rét (TDSR) và phòng chống sốt rét (PCSR). Tuy nhiên do tình hình chính trị, quân sự không ổn định và đặc điểm tự nhiên, kinh tế, xã hội có nét riêng biệt nên hoạt động PCSR cũng có những đặc thù riêng.

Miền bắc việt nam:

Thực hiện chiến lược TDSR  từ  năm 1958 – 1975. Chiến lược thanh toán sốt rét (TTSR) từ  năm 1976 – 1985. Từ  năm 1986 – 1991, thực hiện cả chiến lược PCSR và TTSR với những biện pháp chuyên môn kĩ thuật của WHO có chỉnh lí cho phù hợp điều kiện thực tế miền Bắc. Tỉ lệ KSTSR trên số lam xét nghiệm đã giảm nhanh từ năm 1958 là 5,6%, đến năm 1960 xuống còn 1,5%, năm 1964 còn 0,28%, tỉ lệ này được duy trì trong thời gian chiến tranh và cho đến năm 1981 – 1982 vẫn duy trì ở mức trên dưới 0,5%.  Nhưng từ năm 1983 tỉ lệ KSTSR/lam xét nghiệm lại tăng lên nhanh chóng, đến năm 1987 là 2,8%. Từ năm 1987 đến 1991, có chiều hướng giảm chậm.   

Miền trung – tây nguyên và miền nam việt nam: 

Trước năm 1975: vùng bị chiếm đóng có chương trình diệt trừ sốt rét từ năm 1958 đến năm 1965 quay trở lại PCSR với danh nghĩa là tiền tiêu diệt sốt rét. 

Sau năm 1975: chương trình TTSR từ năm 1976 đến năm 1991 và PCSR từ  năm 1991 đến nay.

Khu vực miền Trung – Tây Nguyên gồm 14 tỉnh, với 12,5 triệu dân, trên 40 dân tộc trong đó gần 50% dân số sống trong vùng sốt rét lưu hành.

Tỉ lệ KSTSR/lam xét nghiệm năm 1976 là 9,7% đến năm 1980 giảm xuống còn 2,1%. Bắt đầu từ năm 1981 đến 1989 tỉ lệ này lại tăng trở lại với tốc độ rất nhanh. Năm 1989, tỉ lệ KSTSR/lam xét nghiệm 10,4% và năm 1992 là 12,4%. Miền Trung – Tây Nguyên do có điều kiện tự nhiên và xã hội rất thuận lợi cho bệnh sốt rét duy trì và phát triển quanh năm nên tình hình sốt rét ở khu vực này rất phức tạp, số BNSR và tử vong do sốt rét hàng năm đều cao hơn hẳn so với các khu vực khác trong cả nước.

Cả nước:

Bệnh sốt rét quay trở lại từ  năm 1985 – 1986 tăng 65%, những năm tiếp theo được khống chế tốc độ tăng còn 10 – 12% mỗi năm. SRAT và tử vong do sốt rét tăng nhanh: 1.413 ca (1985) tăng lên 3.439 ca (1989) và 4.646 ca (1991) trong đó chủ yếu là ở miền Trung – Tây Nguyên. Tỉ lệ tử vong trên SRAT là 30%.

Năm 1991, chương trình quốc gia PCSR đã quyết định cả nước chuyển hẳn sang PCSR và đề ra mục tiêu chiến lược năm 1991 – 2000.

Mục tiêu:

Khống chế tốc độ tăng của tỉ lệ KSTSR/lam xét nghiệm, ổn định và giảm trở lại 0,25% vào năm 2000.

Khống chế tử  vong và dịch sốt rét.

Các chỉ tiêu chủ yếu:

Điều trị 8 triệu lượt người/năm.

Diệt muỗi, chống đốt cho 3,5 triệu người/năm.

Các biện pháp lớn:

Lập chương trình phòng chống sốt rét (PCSR).

Tập trung vào vùng sốt rét trọng điểm (miền núi, dân tộc ít người).

Lồng ghép với hoạt động chăm sóc sức khoẻ ban đầu, củng cố mạng lưới cơ sở như: tăng biên chế cho thôn bản, y tế xã, phòng khám đa khoa khu vực (PKĐKKV), trung tâm y tế (TTYT) huyện.

Tăng cường phát hiện, điều trị, đặc biệt ở tuyến cơ sở: chẩn đoán và điều trị kịp thời ở cơ sở. Củng cố và phát triển các điểm kính hiển vi (ĐKHV), chủ yếu tại các PKĐKKV, các TTYT huyện, đội y tế lưu động nhằm xây dựng hệ thống giám sát. Áp dụng phác đồ phù hợp và sử dụng thuốc mới artemisinine.

Phòng chống vector bằng: phun DDT (số còn lại) và các hoá chất mới (Icon, K-othrine…) tại các khu vực có chỉ định dịch tễ. Phát triển tẩm màn permethrine: nồng độ 0,2%. Các biện pháp sinh học và môi trường (quy hoạch vùng dân cư, thay đổi tập quán canh tác và sinh hoạt, phát quang bụi rậm quanh nhà, vớt rong, thả cá…).

Nghiên cứu: dịch tễ, lâm sàng điều trị, ứng dụng thuốc mới artemisinine, phòng chống vector, xã hội hoá, thông tin sốt rét…

Huấn luyện lại cho cán bộ y tế các tuyến, nhất là tuyến cơ sở. Cập nhật chương trình giảng dạy về PCSR trong các trường đào tạo.

Tuyên truyền: cần tăng cường qua thông tin đại chúng, truyền thông giáo dục (TTGD) trực tiếp và phối hợp với ngành giáo dục đưa nội dung PCSR vào các trường phổ thông dưới hình thức chính khoá hoặc ngoại khoá.

Tích cực tranh thủ hợp tác quốc tế.

Diễn biến tình hình sốt rét cả nước từ năm1991 – 2004:

Năm

Số mắc sốt rét

Số chết sốt rét

Số vụ dịch

KSTSR/lam

1991

1.091.201

4.646

144

7,5%

1992

1.294.426

2.658

115

7,9%

1993

1.080.980

1.054

19

6,2%

1994

857.999

604

8

5,3%

1995

666.153

348

3

4,2%

1996

532.410

198

0

3,0%

1997

445.200

152

11

2,7%

1998

383.117

183

4

2,6%

1999

341.529

148

8

2,9%

2000

293.016

148

2

2,8%

2001

257.793

91

1

2,4%

2002

185.529

50

0

1,7%

2003

164.706

50

0

1,4%

2004

128.622

24

0

0,9%

Những hoạt động phòng chống sốt rét ở việt nam qua các giai đoạn.

Biện pháp giải quyết mầm bệnh trong giai đoạn tiêu diệt sốt rét:

Biện pháp điều trị diệt mầm bệnh sốt rét theo quy định:

Vùng trong giai đoạn tấn công là điều trị hàng loạt sau đợt phun thuốc DDT lần đầu tiên, với các loại thuốc diệt cả giao bào. 

Vùng trong giai đoạn củng cố và vùng đồng bằng:

Trong biện pháp bao vây dập dịch: 

Bệnh nhân có mang kí sinh trùng sốt rét (KSTSR) uống thuốc một đợt trong 7 ngày hoặc 3 ngày liền. Sau đó hàng tuần uống thuốc chống tái phát (6 tháng đối với P.falciparum và 12 tháng đối với P.vivax, sau khi có kết quả xét nghiệm âm tính). Đối với người có sốt trong thời gian có dịch hoặc đang sốt phải được điều trị mỗi đợt trong 7 ngày hoặc 3 ngày liền. Đối với những người không sốt: nếu tỉ lệ người sốt cao (trên 50% dân số) điều trị toàn dân, nếu tỉ lệ người sốt vừa (10 – 50%) uống thuốc dự phòng hàng tuần cho đến khi dịch lui, nếu tỉ lệ người sốt thấp (dưới 10% không cần dùng thuốc điều trị).

Biện pháp theo dõi quản lí bệnh nhân sốt rét:

Đối với người mang KSTSR phải được điều trị đầy đủ (cắt cơn, chống tái phát và diệt giao bào tuỳ từng loại KSTSR), đăng kí theo dõi KSTSR trong máu mỗi tháng 1 lần, trong 6 tháng nếu là P.falciparum và 12 tháng nếu là P.vivax.   Đối với bệnh nhân sốt rét lâm sàng (SRLS) phải được điều trị mỗi đợt 3 ngày hoặc 7 ngày và ghi vào sổ đăng kí điều trị BNSR, sau đó lấy máu tìm KSTSR trong 3 tháng liền.

Đối với tập thể đi từ vùng chưa tiêu diệt sốt rét hoặc đang có dịch sốt rét về : sau khi ra khỏi vùng trên, phát thuốc điều trị 3 ngày hoặc 7 ngày cho những người đang sốt, có sốt trong thời gian lưu trú. Khi tỉ lệ người sốt trên 50% có thể tiến hành điều trị toàn bộ. Thường xuyên lấy lam máu những người có sốt nhằm phát hiện người có KSTSR để theo dõi quản lí.

Biện pháp giải quyết mầm bệnh trong các thí điểm tiêu diệt sốt rét:

Thí điểm ở toàn tỉnh Thái Nguyên (1957 – 1961) ngoài biện pháp điều trị cho các BNSR, năm đầu điều trị toàn dân vùng 4, điều trị đối tượng phụ nữ có thai và trẻ em ở vùng 2 và 3. Kết quả cho thấy tỉ lệ KSTSR/lam xét nghiệm là 9,25% (1957) giảm xuống sau 5 năm còn 0,07% (1961).

Thí điểm Ngọc Lạc (Thanh Hoá) (1959 – 1961) với biện pháp điều trị hàng loạt cho những người có lách to, có KSTSR và có sốt. Phát hiện, chẩn đoán và điều trị bệnh nhân thường xuyên. Kết quả cho thấy tỉ lệ KSTSR/lam xét nghiệm 1959 là 9,06% giảm xuống trong 3 năm còn 0,36% (1961).

Biện pháp giải quyết mầm bệnh trong giai đoạn thanh toán sốt rét:

Thí điểm huyện Lắc, Đắc Lắc (1975 – 1985):

Áp dụng biện pháp điều trị 1 lần, 2 lần, 3 lần và 4 lần/1 năm bằng delagyl tại mỗi điểm khác nhau. Cứ  mỗi 2 tháng, tiến hành thử máu, khám lách 1 lần cho 1/3 dân số, hàng tháng đến từng nhà phát hiện và điều trị người bị sốt rét.

Kết quả là tất cả các điểm theo dõi hàng năm BNSR đều giảm 2 lần, sau 3 năm vẫn tiếp tục giảm, nhưng từ cuối năm 1981 BNSR không giảm, một số điểm có chiều hướng tăng, trong khi vẫn áp dụng các biện pháp đã quy ước.

Thí điểm tấn công TTSR tại Vân Canh, Bình Định (1976 – 1979):

Biện pháp diệt mầm bệnh là thường xuyên phát hiện lam máu người sốt, đồng thời hàng tháng điều tra lam máu và điều trị 1/3 dân số toàn vùng theo hình thức xen kẽ, 3 xóm được điều tra lam máu và điều trị toàn dân hàng tháng. Mỗi hộ, mỗi người có một kí hiệu để theo dõi suốt quá trình nghiên cứu. Áp dụng 3 loại phác đồ điều trị (chloroquine, SMP + pyrimethamine, viên phòng 1) và 2 liệu trình điều trị toàn dân (liệu trình 1 điều trị vào tháng 3, 8 và 11 liệu trình 2 điều trị vào tháng 3, 4, 5, 8 và 11).

Kết quả cho thấy sau 1 – 2 tháng tình hình BNSR vẫn còn cao, nhưng từ tháng 3 trở đi tình hình BNSR giảm và đến tháng thứ 10 thì giảm trên 80% .

Thí điểm nghiên cứu xã Đồng Xoài, Đồng Phú, Bình Phước (1978 – 1979):

Biện pháp điều trị là điều trị toàn dân, mỗi người trong xã được thử máu trung bình 3 tháng 1 lần để phát hiện KSTSR, thử máu và điều trị người đang sốt.

Kết quả sau 1 năm cho thấy tỉ lệ KSTSR/lam xét nghiệm từ 9,84% (1978) tăng lên 12,45% (1979). Tất cả các tháng trong năm đều có KSTSR. 

Xây dựng một số huyện thanh toán sốt rét (1980 – 1986):

Địa điểm: các huyện Văn Yên (Yên Bái), huyện Sơn Dương (Tuyên Quang), huyện Đại Từ (Thái Nguyên) và huyện Thuận Châu (Sơn La). 

Phương pháp tiến hành thực hiện như  sau:

Thành lập ban chỉ đạo chung. Tổ chức điều tra, phân vùng dịch tễ và tổ chức thực hiện. Dựa vào mạng lưới y tế xã và các đơn vị y tế huyện để tổ chức thực hiện các biện pháp chuyên môn. Củng cố, bồi dưỡng chuyên môn cho ĐVSPD SR huyện. Thống nhất chỉ đạo TTSR giữa hệ phòng dịch và hệ điều trị.

Kết quả tỉ lệ bệnh tăng cao hoặc xảy dịch ở một số xã: Tất cả các huyện đều không đạt tiêu chuẩn huyện TTSR trên thực tế đề ra.

Nguyên nhân thất bại là do khi tỉ lệ bệnh giảm thấp thì chủ quan, thiếu sự chỉ đạo chặt chẽ của tuyến huyện, mạng lưới y tế xã không ổn định, thực hiện các biện pháp không đạt yêu cầu.

Xây dựng mô hình huyện thanh toán sốt rét (1986 – 1990):

Địa điểm: tại huyện Đại Từ (Thái Nguyên), huyện Nga Sơn (Thanh Hoá), huyện Tây Sơn (Bình Định) và huyện Cần Giuộc (Long An).

Biện pháp diệt mầm bệnh: Bắt đầu có biện pháp tổ chức hệ thống hoạt động chẩn đoán, điều trị tại bệnh viện huyện, PKĐKKV, trạm y tế xã và các điểm kính hiển vi (ĐKHV) xã hoặc liên xã. Các huyện Đại Từ, Nga Sơn được điều trị dự phòng (ở xã có dịch), SRLS và sốt rét có kí sinh trùng điều trị bằng chloroquine. Huyện Tây Sơn điều trị dự phòng, SRLS và sốt rét có kí sinh trùng bằng amodiaquine + sulfadoxine + pyrimethamine. Huyện Cần Giuộc điều trị dự phòng, SRLS và sốt rét có kí sinh trùng bằng amodiaquine + sulfadoxine.

Kết quả huyện Đại Từ và Nga Sơn giữ sốt rét ở mức độ thấp và ngăn ngừa được dịch sốt rét. Huyện Tây Sơn và Cần Giuộc các biện pháp lựa chọn ứng dụng không đạt yêu cầu về quy mô, chất lượng do không có hệ thống giám sát điều chỉnh các hoạt động nên không đủ điều kiện làm giảm mức sốt rét và không khống chế được khả năng lan truyền bệnh.

Biện pháp giải quyết mầm bệnh trong giai đoạn pcsr:

Điểm điều tra thực trạng sốt rét huyện Krông Bông (1993 – 1995):

Nhằm nắm được các đặc điểm về sốt rét và hoạt động PCSR của địa phương, giúp huyện xây dựng mục tiêu, biện pháp và kế hoạch PCSR phù hợp với tình hình địa phương.

Biện pháp chẩn đoán, điều trị diệt mầm bệnh qua mạng lưới TTYT huyện, PKĐKKV, trạm y tế xã và các ĐKHV theo phác đồ của Bộ Y tế là quinine + fansidar đối với P.falciparum và chloroquine + primaquine đối với P.vivax

Kết quả điều tra về tổ chức hoạt động: có 9/12 xã có trạm y tế, 5 trạm y tế hoạt động tốt, 2 PKĐKKV hoạt động trung bình, 3/4 ĐKHV hoạt động tốt.

Kết quả điều tra về công tác chẩn đoán và điều trị cho thấy chỉ có 36,47% số bệnh án sốt rét điều trị đúng phác đồ của Bộ Y tế, 8,24% được điều trị chống lây lan bằng primaquine, 100% bệnh án sốt rét nặng điều trị đúng phác đồ.

Các huyện điểm về PCSR:

Tại các huyện như: Nam Đông tỉnh Thừa Thiên Huế (1990 – 1994), huyện Tánh Linh, Đức Linh, Bắc Bình tỉnh Bình Thuận (1992 – 1995), huyện Lâm Hà tỉnh Lâm Đồng (1993), huyện Tiên Phước tỉnh Quảng Nam (1990 – 1994) …            

Biện pháp diệt mầm bệnh:

Về tổ chức: đều tăng cường biên chế cho trạm y tế, PKĐKKV và một số nơi bắt đầu xây dựng y tế thôn bản. Tăng cường phát triển các ĐKHV, phát huy vai trò của đội y tế lưu động. Phối kết hợp với các đơn vị quân y để tăng cường công tác truyền thông giáo dục (TTGD) về PCSR cho nhân dân địa phương. Tập huấn về hướng dẫn chẩn đoán và điều trị cho cán bộ các tuyến điều trị.

Về hoạt động chẩn đoán và điều trị sốt rét cho thấy: hoạt động chẩn đoán và điều trị sốt rét ngày một được quan tâm ở bệnh viện huyện và tuyến xã. Tuy nhiên hoạt động này mới chỉ tăng dần về số lượng (số ĐKHV, số đội y tế lưu động, số cán bộ y tế thôn bản, số cán bộ được tập huấn sốt rét), nhưng chưa có biện pháp giám sát đánh giá hiệu quả của từng hoạt động.

Kết quả đạt được ở các thí điểm trong giai đoạn này đều cho thấy tỉ lệ BNSR và KSTSR đều giảm đi rõ rệt. Riêng ở các huyện của tỉnh Bình Thuận, các tỉ lệ trên lại tăng lên, còn tỉ lệ SRAT và tử vong do sốt rét giảm đáng kể.

Xây dựng điểm kính hiển vi (ĐKHV) (1992 – 1997):

Ở Bình Thuận cho thấy hiệu quả của việc xây dựng các ĐKHV đã tăng cường được chất lượng chẩn đoán nhanh và điều trị kịp thời qua đó góp phần làm giảm tỉ lệ bệnh, sốt rét ác tính và tử vong do sốt rét. Tuy nhiên để tăng cường và duy trì hoạt động các ĐKHV vẫn còn là một câu hỏi khó trong giai đoạn hiện nay.

Xây dựng mạng lưới y tế thôn bản (1992 – 1997):

Một nghiên cứu ở Nghệ An (1992) cho thấy kinh nghiệm xây dựng mạng lưới y tế thôn bản và hiệu quả của mạng lưới này đã góp phần cải thiện tình hình sốt rét ở Nghệ An: 4 năm liền không có dịch sốt rét, số chết do sốt rét năm 1997 giảm 99,7%, số mắc sốt rét giảm 85,8% so với năm 1991. 

Một nghiên cứu khác ở Quảng Trị cho thấy đào tạo sử dụng mạng lưới vệ sinh viên “Y tế thôn bản” để chẩn đoán sớm nhằm làm giảm SRAT và tử vong vì số BNSR được phát hiện ngày một tăng, được chẩn đoán và điều trị sớm, nên hạn chế được bệnh chuyển nặng. Song cần có biện pháp nâng cao trình độ chuyên môn và đưa ra quy định về nhiệm vụ, chức năng, quyền lợi cho đội ngũ y tế này.

Tổ chức chỉ đạo hoạt động đội y tế lưu động (1992 – 1994):

Từ công tác tổ chức, đến việc đề ra nhiệm vụ  cũng như trang thiết bị cho đội y tế lưu động tại Bình Định mang lại kết quả là đội đã thực hiện được 20% công tác chuyên môn của ngành. Đội đã tham gia hoạt động chẩn đoán và điều trị sớm ở 140 thôn bản trọng điểm sốt rét, góp phần khống chế dịch sốt rét, hạn chế SRAT và tử vong do sốt rét.   

Tổ chức phối hợp quân dân y (1992 – 1994):

Trong hoạt động phát hiện sớm, chẩn đoán sớm và điều trị sớm sốt rét ngay tại tuyến đầu như tại Gia Lai đã tương trợ lẫn nhau về kinh phí thuốc sốt rét, thông báo sốt rét, trao đổi về đặc điểm chuyên môn nghiệp vụ PCSR trong khu vực 2 bên đều có trách nhiệm.

Công tác truyền thông giáo dục cho cộng đồng về PCSR:

Nhìn chung việc phát hiện, chẩn đoán, điều trị sốt rét như ở Thừa Thiên Huế (1991 – 1994) đã góp phần làm giảm tỉ lệ mắc sốt rét 30,99%, tử vong do sốt rét giảm 56% và khống chế không để dịch xảy ra. 

Xây dựng tủ thuốc gia đình (1992):

Với mục đích lồng ghép chương trình PCSR trong nội dung chăm sóc sức khoẻ ban đầu nhằm diệt được mầm bệnh ngay từ khi người dân bắt đầu có triệu chứng lâm sàng, ngăn chặn được SRAT. Theo Trần Quốc Tuý và CS, cho thấy muốn phát huy tác dụng tích cực của tủ thuốc gia đình còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như : trình độ dân trí, hiểu biết về sốt rét, cơ số thuốc sốt rét trong gia đình và sự quan tâm của cán bộ y tế cơ sở đối với cộng đồng.

Tóm lại, qua mỗi giai đoạn các nhà sốt rét đã đề ra nhiều mô hình thí điểm về hoạt động PCSR. Kết quả đạt được từ mỗi mô hình có khác nhau, nhưng từ đó đã rút ra những kinh nghiệm về biện pháp tổ chức chỉ đạo, các biện pháp chuyên môn phục vụ cho hoạt động chẩn đoán và điều trị bệnh sốt rét ngay tại tuyến cơ sở. Tuy nhiên để triển khai ứng dụng các mô hình trên diện rộng các địa phương còn máy móc thiếu thực tế do trình độ chuyên khoa của cán bộ y tế còn hạn chế. Mặt khác, các mô hình trên mới chỉ quan tâm đến việc đưa ra số lượng biện pháp về chỉ đạo, chuyên môn mà chưa đi sâu vào hiệu quả và duy trì hoạt động, cho nên kết quả đạt được thường không ổn định và bền vững.  

Phòng chống sốt rét ở việt nam trong giai đoạn hiện nay.

Nguyên tắc:

Phải giải quyết một trong ba yếu tố dịch học sốt rét: nguồn bệnh, muỗi truyền bệnh, người cảm thụ. Tùy điều kiện cụ thể và khả năng mà tiến hành giải quyết đồng thời cả ba yếu tố hoặc chỉ một, hai yếu tố ở mức độ khác nhau.

Phòng chống sốt rét cần áp dụng đồng bộ mọi biện pháp: tổ chức quản lí, giám sát dịch tễ, diệt vector truyền bệnh, điều trị mầm bệnh và truyền thông giáo dục cho cộng đồng.

Phòng chống sốt rét phải có sự tham gia và phối hợp hoạt động giữa ngành y tế (dân sự và quân đội) với các ban ngành chính quyền và đoàn thể.

Những biện pháp cơ bản:

Biện pháp tổ chức chỉ đạo:

Dự án phòng chống sốt rét là Chương trình Mục tiêu Quốc gia thanh toán một số bệnh xã hội và bệnh dịch nguy hiểm, do vậy Dự án đã có điều kiện để:

Thành lập ban chỉ đạo PCSR các cấp hành chính từ Quốc gia xuống cấp cơ sở xã (trong đó có Phó thủ tướng, phó chủ tịch các cấp làm trưởng ban, các đầu ngành Y tế chuyên khoa làm chủ nhiệm tham mưu và các ban ngành đoàn thể làm uỷ viên).

Trong Quân đội, ban chỉ đạo cũng được thành lập từ Bộ Quốc phòng xuống đến cấp Quân y đại đội.

Việt Nam đã có ba Viện Sốt rét – KST – CT ở ba khu vực (Bắc – Trung – Nam) chỉ đạo chuyên môn và nghiên cứu khoa học trong địa bàn.

Các tỉnh có trên 40% dân số nằm trong vùng sốt rét đã được thành lập Trung tâm PCSR và các tỉnh còn lại được thành lập khoa sốt rét nằm trong Trung tâm Y tế dự phòng.

Các huyện đều thành lập Đội vệ sinh phòng dịch – sốt rét nằm trong Trung tâm Y tế huyện.

Các xã đều có chuyên trách sốt rét quản lí hoạt động PCSR của xã.

Tất cả các thôn, bản nằm trong vùng sốt rét lưu hành đều có mạng lưới Y tế thôn/bản tham gia hoạt động PCSR của địa phương.

Nhiệm vụ của ban chỉ đạo nhằm phối kết hợp giữa các cấp chính quyền, các ban ngành, đoàn thể và cộng đồng cùng tham gia hoạt động PCSR.

Biện pháp chuyên môn kĩ thuật:

Giám sát dịch tễ sốt rét:

Giám sát dịch tễ sốt rét là một quá trình thu thập, phân tích những yếu tố, dữ kiện cần thiết cho việc phòng chống sốt rét một cách thường xuyên liên tục và có hệ thống. Qua đó thông tin cho những cơ quan có trách nhiệm đề ra chiến lược phòng chống sốt rét phù hợp, hoặc xử lí những tình huống sốt rét xảy ra một cách kịp thời và đúng đắn.

Giám sát dịch tễ sốt rét là nhiệm vụ của tất cả các tổ chức và cá nhân có trách nhiệm trong phòng chống sốt rét (y tế cơ sở xã, thôn bản, y tế huyện, y tế tỉnh, y tế các ngành kinh tế, quân đội và công an), trong đó nòng cốt là các tổ chức chuyên khoa sốt rét: điểm kính hiển vi (ĐKHV) xã, đội sốt rét lưu động (ĐSRLĐ), đội vệ sinh phòng dịch – sốt rét (VSPD – SR) huyện, khoa sốt rét trong Trung tâm Y tế dự phòng (TTYTDP) tỉnh hoặc Trung tâm Phòng chống sốt rét (PCSR) tỉnh, các Viện Sốt rét – KST – CT Trung ương và khu vực.

Tùy theo mức độ và yêu cầu nội dung giám sát dịch tễ sốt rét ở mỗi đối tượng, mỗi cấp có khác nhau, nhưng nhìn chung gồm 6 nội dung sau:

Giám sát nguồn bệnh sốt rét (bệnh nhân sốt rét và kí sinh trùng sốt rét).

Giám sát vector truyền bệnh sốt rét.

Giám sát cộng đồng.

Giám sát điều kiện tự nhiên (khí hậu, thời tiết, môi trường), kinh tế, xã hội.

Giám sát dịch sốt rét.

Giám sát thực hiện các biện pháp PCSR (chuyên môn kĩ thuật, tổ chức).

Giải quyết mầm bệnh:

Điều trị bệnh nhân sốt rét: sử dụng mọi biện pháp để phát hiện nguồn bệnh – Phát hiện chủ động (ACD: Active Case Detection): thông qua mạng lưới y tế cơ sở, đội y tế lưu động, y tế thôn/bản lấy lam máu tìm kí sinh trùng sốt rét ở những người có sốt hoặc nghi ngờ mắc sốt rét.

Phát hiện thụ động (PCD: Pasive Case Detection): xét nghiệm tìm kí sinh trùng sốt rét ở những bệnh nhân tự đến các cơ sở y tế.

Phát hiện có hệ thống (SCD: Systematic Case Detection): thông qua các đội phòng chống sốt rét, vệ sinh phòng dịch…, phát hiện kí sinh trùng sốt rét qua điều tra cơ bản hoặc điều tra dịch tễ định kì.

Phát hiện sớm và điều trị sớm bệnh nhân sốt rét:

Xây dựng các điểm kính hiển vi để phát hiện sớm mầm bệnh.

Điều trị sớm bệnh nhân sốt rét bằng thuốc đặc hiệu cho mỗi loài kí sinh trùng sốt rét, điều trị đủ liều và chống lây lan.

Điều trị mở rộng chỉ cho các đối tượng ở các vùng có ổ dịch, vụ dịch sốt rét xảy ra. TTPCSR/TTYTDP tỉnh là cơ quan quyết định chọn đối tượng và phạm vi điều trị mở rộng.

Phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa hệ y tế dự phòng và hệ điều trị trong quá trình điều trị và theo dõi bệnh nhân sốt rét.

Mạng lưới y dược tư nhân phải thường xuyên được cập nhật về chẩn đoán và điều trị sốt rét, nhưng phải có trách nhiệm giám sát và báo cáo tình hình bệnh nhân sốt rét cho y tế nhà nước.

Đối với các đơn vị bộ đội có hoạt động dã ngoại, không có điều kiện được chăm sóc về y tế: cấp thuốc sốt rét và hướng dẫn cho bộ đội tự điều trị khi có những biểu hiện lâm sàng của bệnh sốt rét. Sau khi uống một liều thuốc đã cho, bộ đội phải được quân y đơn vị chăm sóc.

Tùy theo tình hình từng địa phương (về mạng lưới y tế, trình độ dân chí) cũng có thể cấp thuốc và hướng dẫn cho người dân tự điều trị khi phải sống trong rừng một thời gian dài (mùa làm rẫy). Sau khi uống liều thuốc đã cho, bệnh nhân phải được đưa về cơ sở y tế để kiểm tra lại.

Giải quyết muỗi truyền bệnh:

Phòng chống muỗi là một khâu tích cực, quan trọng trong công tác PCSR. Để có hiệu quả cần chú ý các nguyên tắc sau:

Dựa vào đặc điểm sinh lí, sinh thái của từng loại muỗi sốt rét để tìm ra phương pháp phòng chống thích hợp.

Kết hợp nhiều biện pháp cùng một lúc để tăng hiệu quả phòng chống muỗi (cơ, lí, hoá, sinh học bằng phương pháp thô sơ hoặc hiện đại…).

Khi dùng thuốc hoá học diệt muỗi, không được gây độc cho người, gia súc, không làm ô nhiễm môi trường với liều diệt côn trùng. Phải có tác dụng diệt côn trùng nhanh, mạnh, có phổ tác dụng rộng, có tác dụng tồn lưu trong thời gian dài. Hoá chất phải dễ bảo quản, vận chuyển, sử dụng và giá thành rẻ.

Biện pháp cơ – lí học:

Phát quang các bụi rậm phá nơi trú ẩn của muỗi sống hoang dại (An.dirus) để đẩy chúng ra xa nhà, hạn chế tiếp xúc với người.

Phá nơi muỗi sinh đẻ: lấp các vũng nước, vứt bỏ đồ hộp, đậy kín các dụng cụ chứa nước xung quanh khu dân cư. Khai thông rãnh nước, mương máng, suối, khe để nước chảy nhanh cuốn trôi trứng và bọ gậy/quăng muỗi.

Có thể thả bèo, dùng dầu hoả, dầu thực vật… phủ kín mặt nước làm cho lăng quăng muỗi sốt rét không thở được và sẽ chết.

Dùng khói hun để xua đuổi hoặc diệt muỗi: xông hơi bằng DDVP 30%, xà phòng, pháo khói, hương xua, thanh tiết chậm…

Dùng siêu âm, điện trường để xua đuổi hoặc diệt muỗi.

Biện pháp hoá học:

Có thể dùng các loại hoá chất dưới các dạng khác nhau (dưới dạng thuốc xua, kem mỡ, dưới dạng sương mù, thuốc nước để tẩm…) để diệt bọ gậy/quăng hoặc muỗi trưởng thành.

Các loại hoá chất đã sử dụng trong chương trình PCSR như:

Nhóm chlor hữu cơ (organochlorines) gồm có: DDT (Dichloro Diphenyl Trichloroethane), 666… DDT có tác dụng diệt muỗi sốt rét tốt, muỗi bị chết sau 3 – 4 giờ tiếp xúc với thuốc. Phun DDT mặt trong nhà, có tác dụng tồn lưu khoảng một năm và có tác dụng diệt được cả các loại côn trùng có hại khác ở liều cao. Tuy nhiên, hiện nay người ta không sử dụng DDT vì tác dụng gây độc không mong muốn của hoá chất với sức khoẻ con người (Tổ chức FAO đã khuyến cáo), mặt khác có nhiều loài côn trùng và muỗi sốt rét đã kháng với DDT.

Nhóm lân hữu cơ (organophosphates) gồm: actelic, malathion, tenitrothion, lemephos… Nhóm hoá chất này có thể gây độc cho con người, tác dụng tồn lưu ngắn (3 – 4 tháng), thường bị kháng sau vài năm sử dụng. Tuy nhiên, hoá chất này có tác dụng diệt côn trùng nhanh, nên thường được dùng trong các đợt tấn công để dập tắt các vụ dịch sốt rét.

Nhóm carbamates gồm: propoxur, bendiocarb… có tác dụng diệt côn trùng tốt, thời gian tồn lưu dài, nhưng giá thành đắt, ít được sử dụng.

Nhóm pyrethroids có: permethrine, deltamethrin, ICON (lamdecyhalothrin), cyfluthrin… là những hợp chất có nguồn gốc tự nhiên, được chiết xuất từ một loại hoa cúc. Do vậy nhóm hoá chất này ít độc cho người, súc vật và ít có khả năng bị côn trùng kháng. Ngày nay, nhóm thuốc này đang được sử dụng rộng rãi để phòng chống các bệnh do côn trùng truyền.

Nhóm thuốc điều chỉnh sự phát triển của côn trùng (IGRs: Insect Growth Regulators), đại diện: methoprene, dillubenzuron… Đây là các chất điều hoà sinh trưởng, ngăn cản sự phát triển của muỗi tới giai đoạn trưởng thành bằng cách ngăn cản sự tổng hợp chất kitin trong quá trình lột xác của bọ gậy hoặc cắt đứt quá trình chuyển từ quăng thành muỗi trưởng thành.

Việc sử dụng các loại hoá chất trong phòng chống sốt rét, không những phụ thuộc vào đặc điểm của hoá chất đó (dùng để phun hay tẩm, thời gian tồn lưu), mà còn phụ thuộc vào tình hình sốt rét thực tiễn tại địa phương:

Vùng sốt rét có vector truyền bệnh chính là An.minimus phải phun hoá chất vào mặt trong nhà (tường vách, liếp…), nơi muỗi đậu tiêu máu từ 2 mét trở xuống.

Vùng sốt rét có vector truyền bệnh chính có cả An.minimus An.dirus thì phải kết hợp cả phun hoá chất trong nhà và tẩm vào màn hoặc quần áo để xua diệt muỗi.

Vùng sốt rét có tỉ lệ người dân nằm màn khi ngủ từ 80% trở lên thì chỉ áp dụng biện pháp tẩm hoá chất vào màn là đủ.

Vùng sốt rét lưu hành nặng, trình độ dân chí còn hạn chế và vùng sốt rét có tỉ lệ người dân nằm màn khi ngủ dưới 80% thì phải áp dụng biện pháp phun hoá chất trong nhà và tẩm vào màn cho những người đi làm rẫy hoặc phải ngủ qua đêm trong rừng.

Các hoá chất hiện đang được dùng để phun như: actelic, malathion, propoxur, deltamethrin, ICON… và các hoá chất thường dùng để tẩm như: permethrine, Kothrine… 

Biện pháp sinh học:

Các biện pháp phòng chống sử dụng tác nhân sinh học đang được áp dụng theo hướng tác động tới các giai đoạn bọ gậy của muỗi sốt rét:

Nuôi cá trong những thủy vực lớn, kênh rạch trong hệ thống thủy lợi hoặc những dụng cụ chứa nước lớn gần nhà để cá ăn bọ gậy.

Dùng các loài vi khuẩn Bacillus: Bacillus thuringiensis típ H – 14 (Bt. H 14) và Bacillus sphaericus (Bs) là hai loài vi khuẩn sinh nội độc tố, nên có vai trò sinh học rất hiệu quả trong phòng chống vector. Chúng không tác động tới các loài không phải là loài đích. Bt. H -14 là loài có thể diệt một số loài muỗi Anopheles, Aedes, còn loài Bs lại có tác dụng đối với Culex quinquefasciatus.

Người ta cũng có thể sử dụng một số loại nấm ăn thịt để diệt bọ gậy.

Dùng bọ gậy loài muỗi Toxorynchities sp. ăn bọ gậy loài muỗi Anopheles sp.

Sử dụng vai trò ăn mồi của copepods đã được công bố từ giữa những năm 1930 – 1950. Người ta đã sử dụng một số loài Mesocyclops sp. nuôi trong các thủy vực, bể chứa nước để ăn bọ gậy của một số loài muỗi truyền bệnh. – Sử dụng bẫy trứng tự diệt bọ gậy bằng những chất liệu có sẵn ở mỗi địa phương. Đây là biện pháp rẻ tiền, hiệu quả, nhưng phụ thuộc vào số lượng bẫy, vị trí đặt và sự hấp dẫn của dụng cụ đối với các loài Anopheles.

Dùng phương pháp tiệt sinh, làm cho côn trùng không thụ tinh và không sinh sản được bằng cách: Nuôi muỗi đực ở phòng thí nghiệm, làm mất khả năng thụ tinh bằng hoá học hoặc phóng xạ, sau đó thả muỗi ra thiên nhiên. Chúng sẽ cạnh tranh giao phối với muỗi đực trong thiên nhiên. Hậu quả là muỗi cái không đẻ trứng được hoặc đẻ trứng nhưng không được thụ tinh.

Có thể làm hàng rào động vật (trâu, bò…) xung quang nơi cư trú, đóng quân để hạn chế muỗi xâm nhập vào nhà.

Bảo vệ người lành:

Ngoài các biện pháp có thể thực hiện được ở phần giải quyết mầm bệnh và muỗi truyền bệnh ở trên, bản thân mỗi cá nhân khi sống và làm việc trong vùng sốt rét cần phải thực hiện tốt những biện pháp sau:

Chống muỗi đốt:

Bằng mọi biện pháp, mọi phương tiện:

Mặc quần áo dài, đi tất, nằm màn… đi gác, đi công tác trong vùng sốt rét dùng mạng che đầu, găng tay…

Xua đập muỗi bằng quạt, vợt điện, hun khói… ở trong và ngoài nhà. – Dùng các loại thuốc xua: DMP (dimethylphtalat), DEP (diethylphtalat), DETA (diethyltoluamid)… xoa vào các chỗ da hở: mặt, gáy, cổ, tay, bàn chân.

Uống thuốc phòng:

Phải tuân thủ theo các quy định uống thuốc dự phòng cho các đối tượng có nguy cơ nhiễm sốt rét cao như: khách du lịch sinh thái, người mới vào vùng sốt rét hoặc đối tượng là phụ nữ có thai, trẻ em ở trong mùa sốt rét (theo quy định của Bộ Y tế – 27-6-2003):

Phụ nữ có thai uống 2 viên chloroquine 250 mg hàng tuần trong thời kì mang thai.

Khách du lịch, người đến công tác có thời hạn (trong vòng 6 tháng) uống thuốc phòng sốt rét hàng tuần trong thời gian ở vùng sốt rét và 4 tuần sau khi ra khỏi vùng sốt rét, uống mefloquine viên 250mg, có thể uống chloroquine viên 250mg khi vào vùng có kí sinh trùng sốt rét còn nhạy với thuốc này.

Người mới đến định cư trong vùng sốt rét, uống thuốc phòng trong vòng 6 tháng đầu. Uống mefloquine hàng tuần, có thể uống chloroquine khi vào vùng có kí sinh trùng sốt rét còn nhạy với thuốc.

Đối với các đơn vị bộ đội có hoạt động dã ngoại, không có điều kiện phòng chống sốt rét: tùy theo thời gian dã ngoại, thường cho uống một đợt trước khi đi và một đợt sau khi về.

Đảm bảo sức khoẻ: 

Đảm bảo ăn uống đủ các chất dinh dưỡng: protit, lipit, gluxit, các vitamin… Luyện tập thể dục, thể thao không ngừng nâng cao sức khoẻ, tăng cường sức đề kháng cơ thể để chống lại bệnh sốt rét.

Biện pháp truyền thông giáo dục:

Nội dung truyền thông tuỳ theo đối tượng:

Tình hình sốt rét trong nước, trong tỉnh, huyện, xã, thôn với các chỉ số về số người mắc, số người chết trong một vài năm gần đây.

Tác hại của bệnh sốt rét đến sức khoẻ, bệnh tật và đói nghèo.

Nguyên nhân dẫn đến bệnh sốt rét.

Tại sao bệnh sốt rét lại là bệnh lây truyền có tính chất xã hội.

Triệu chứng khi mắc bệnh sốt rét.

Phải làm gì khi mắc bệnh sốt rét.

Làm thế nào để không mắc bệnh sốt rét.

Hình thức truyền thông giáo dục cộng đồng ở các tuyến:

Tuyến tỉnh, huyện, xã:

 Sử dụng các phương tiện truyền thông đại chúng bao gồm: đài truyền hình, đài phát thanh, báo chí và các phương tiện khác (có thể cả hai thứ tiếng, chữ viết phổ thông và đồng bào dân tộc ít người chiếm đa số).

Bệnh viện tỉnh, huyện, trạm y tế xã cần có góc truyền thông và kế hoạch tuyên truyền giáo dục cho bệnh nhân sốt rét và người nhà bệnh nhân về tác hại, nguyên nhân, cách đề phòng bệnh sốt rét. 

Tuyến cộng đồng thôn/bản:

Cán bộ y tế tổ chức các buổi nói chuyện trong các trường học, các buổi họp dân. Đặc biệt chú trọng tuyên truyền cho các đối tượng có uy tín trong địa phương (già làng, trưởng thôn, cán bộ phụ nữ, đoàn thanh niên…).

Tổ chức các buổi chiếu phim, chiếu video… bằng những thông tin đơn giản, dễ hiểu, minh họa rõ ràng. 

Có thể dùng khẩu hiệu, pano, áp phích, tờ tranh, tờ rơi cùng với nội dung đơn giản để truyền tải nội dung cho cộng đồng.

Xây dựng đội ngũ cộng tác viên truyền thông là những người nhiệt tình để tuyên truyền theo hình thức mưa dầm thấm lâu, hoặc truyền thông theo vết dầu loang. Sử dụng chính người địa phương để truyền thông trực tiếp tại nhà và bằng chính ngôn ngữ của cộng đồng.