Nội dung

Trichomonas vaginalis- trùng roi âm đạo

Năm 1837, Donné phát hiện đặc điểm hình thể của chi Trichomonas bao  gồm 3 – 5 roi ở phía trước, một màng vây, một roi ở phía sau, một khối nhân rõ. Có 3 loài Trichomonas được mô tả kí sinh ở người là: T.hominis, T.buccalisT.vaginalis

Năm 1884, Kunsther đã thấy rất nhiều T.vaginalis kí sinh ở âm đạo và dịch tiết âm đạo trong hầu hết phụ nữ được khám ở bệnh viện Thành phố Booc-do (Pháp). Trichomonas vaginalis được nghiên cứu như là nguyên nhân gây ra các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STDs: Sexually Transmitted Diseases).

Đặc điểm hình thể.

Chỉ thấy thể hoạt động, không thấy thể kén. Kích thước 15 – 30 x 7 – 10 µm. Có 4 roi hướng về phía trước, 

1 roi đi ra phía sau đến giữa thân tạo thành màng vây (màng lượn sóng). Khi trùng roi âm đạo hoạt động màng vây trông như làn sóng. Có một trục đi từ phía trước qua giữa thân kéo dài ra khỏi thân như đuôi của trùng roi dọc theo trục nhất là gần đuôi có nhiều hạt nhiễm sắc (hình 5.9).

Đặc điểm sinh học.

T.vaginalis chỉ có một vật chủ là người. Vị trí kí sinh chủ yếu ở ở âm đạo, trong dịch tiết âm đạo, ở các nếp nhăn ở da, niêm mạc bộ phận sinh dục, tiền liệt tuyến, niệu đạo. T.vaginalis ưa pH hơi toan (6 – 6,5). Khi kí sinh  ở âm đạo, T.vaginalis chuyển pH môi trường âm đạo từ toan sang kiềm. Quá trình chuyển pH là do T.vaginalis tiết

ra một thứ men và phối hợp với nhiều loại vi khuẩn có ở âm đạo. Người ta cho rằng T.vaginalis hạ thấp độ toan âm đạo do đào thải những tế bào thượng bì âm đạo làm giảm lượng glycogen trong tế bào âm đạo. Mặt khác môi trường toan bình thường ở âm đạo phụ nữ khoẻ mạnh (pH: 3,8 – 4,4) là do một loại Dodeclein giống Baccillus acidophilus, loại vi khuẩn này được nuôi dưỡng bằng glycogen của tế bào thượng bì âm đạo. Do đó làm ảnh hưởng đến việc sản sinh ra acid lactic dẫn đến gây giảm độ toan âm đạo. Độ pH môi trường âm đạo thay đổi nên tạo điều kiện cho vi khuẩn trong âm đạo sinh sản và phát triển.

T.vaginalis chuyển từ vật chủ này sang vật chủ khác ở thể hoạt động.  T.vaginalis gặp nhiều ở phụ nữ lứa tuổi sinh đẻ, hiếm gặp ở trẻ chưa dậy thì, ít gặp hơn ở phụ nữ  mạn kinh. Bằng các phương pháp khám nghiệm chuyên khoa, người ta thấy nam giới cũng mắc T.vaginalis với tỉ lệ đáng kể. 

Có thể nuôi cấy T.vaginalis trong một loạt môi trường tế bào đặc hoặc lỏng. Trùng roi phát triển tốt trong điều kiện yếm khí pH tối ưu từ 5,5 – 6 và nhiệt độ thích hợp nhất là 37º C. Trong nuôi cấy thấy T.vaginalis ăn vi khuẩn. Trùng roi có thể tồn tại ở môi trường ngoại giới ẩm ướt trong một vài giờ. T.vaginalis sinh sản vô giới bằng cách phân đôi theo chiều dọc.

Phương thức kí sinh: T.vaginalis bám chặt vào niêm mạc để khỏi bị đào thải. Chúng cử động bằng các roi. Chu kì phát triển của T.vaginalis ở âm đạo thường phụ thuộc vào chu kì kinh nguyệt, nhưng phát triển mạnh vào trước ngày thấy kinh và sau ngày thấy kinh, lúc đó xét nghiệm kiểm tra chất tiết âm đạo sẽ dễ thấy T.vaginalis. Trong thời kì rụng trứng khó tìm thấy kí sinh trùng. 

Ngoài vị trí kí sinh ở âm đạo ra T.vaginalis còn kí sinh ở nhiều nơi khác trong cơ thể như buồng trứng, vòi trứng, tử cung ở nữ giới và tuyến tiền liệt ở nam giới. Có trường hợp thấy T.vaginalis kí sinh ở đường tiết niệu nam và nữ như ở niệu đạo, niệu quản, bàng quang, bể thận. 

Tuy T.vaginalis kí sinh ở nhiều nơi như vậy, nhưng tỉ lệ T.vaginalis kí sinh ở âm đạo vẫn cao nhất và đóng vai trò quan trọng trong bệnh phụ khoa.

Vai trò y học.

Trichomonas vaginalis là loại trùng roi có đời sống kí sinh, do vậy tùy theo vị trí kí sinh T.vaginalis sẽ gây bệnh ở các mức độ nặng nhẹ và xuất hiện các triệu chứng lâm sàng khác nhau.

T.vaginalis gây viêm  cơ quan sinh dục-tiết niệu. Trùng roi gây bệnh ở cả nam lẫn nữ, nhưng triệu chứng thường biểu hiện rõ ở phụ nữ. Ở nam giới triệu chứng lâm sàng thường kín đáo.

Ở nữ giới:

Môi trường âm đạo phụ nữ khoẻ mạnh có pH axit nên có khả năng ức chế sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh.

Khi trùng roi kí sinh ở âm đạo đã làm thay đổi pH từ axít sang kiềm, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, mặt khác trùng roi cũng làm tổn thương niêm mạc và gây viêm âm đạo, với biểu hiện lâm sàng ở các mức độ khác nhau:

Giai đoạn diễn biến bệnh cấp tính với biểu hiện: bệnh nhân ra khí hư rất nhiều có mủ vàng hoặc xanh, rất nặng mùi, ngứa âm đạo kèm theo đau đớn như kim châm, âm đạo đỏ tấy, có nhiều nơi bị loét.

Giai đoạn bán cấp và mạn tính: không có viêm tấy, trường diễn kéo dài.

Các triệu chứng thường gặp: cảm giác nóng, rát, ngứa rất khó chịu, nhất là khi có kinh. Khí hư ra nhiều, màu trắng đục, có khi màu vàng hoặc xanh và có nhiều bọt. 

Khám thấy niêm mạc âm đạo có hiện tượng xung huyết, đôi khi có hiện tượng tụ huyết, âm đạo viêm, đỏ, đau. Có trường hợp các triệu chứng không đầy đủ như trên đã mô tả. 

Trùng roi có thể kí sinh ở tử cung, vòi trứng, tuyến Skene, niệu đạo… và gây ra các bệnh viêm âm đạo do T.vaginalis. Diễn biến viêm nhiễm ở âm đạo lâu ngày có thể gây ra các biến chứng trong đường sinh dục do kí sinh trùng cư trú ở nơi đó:

Viêm phần phụ: buồng trứng, vòi trứng viêm làm cho bệnh nhân đau đớn, gây ra hiện tượng rong kinh.

Viêm loét cổ tử cung: bệnh nhân thấy đau ngứa, khám thấy niêm mạc tử cung đỏ viêm nhiễm.

Vô sinh: là một biến chứng hay gặp, nguyên nhân vô sinh có nhiều giả thuyết, nhiều tác giả đề cập tới. Thuyết hiện nay được nhiều người công nhận là do T.vaginalis tiết chất nhầy tạo thành nút bao bọc và phong toả cổ tử cung ngăn cản không cho tinh trùng vào thụ tinh nên không thụ thai được.

Viêm nhiễm đường tiết niệu: các triệu chứng của viêm đường tiết niệu rõ hoặc không, nhiều khi đi tiểu tiện ra mủ, đái buốt và có thể tìm thấy kí sinh trùng trong nước tiểu.

Ở nam giới:

Ở nam giới bệnh không phổ biến, các triệu chứng thường là không có hoặc là biểu hiện ít. Nam giới bị nhiễm T.vaginalis là do quan hệ tình dục với phụ nữ có mầm bệnh ở âm đạo. Tuy nhiên T.vaginalis vẫn gây ra những biểu hiện bệnh lí khác nhau.

Viêm niệu đạo: có thể cấp tính với những triệu chứng chủ quan rất nặng nề, tiết dịch khá nhiều như nhiễm vi khuẩn lậu. Thể bán cấp có các triệu chứng như ngứa đầu dương vật, có một vài sợi mủ trong nước tiểu, nếu không được điều trị bệnh chuyển sang thời kì tiềm tàng với những biểu hiện đái buốt, đái rắt (đái nhiều lần nhưng lượng nước tiểu mỗi lần lại rất ít). Có thể rất kín đáo với biểu hiện chỉ hơi kích thích lỗ niệu đạo và có giọt mủ vào buổi sáng ở lỗ niệu đạo (giọt sương ban mai). Có nhiều trường hợp bệnh trở thành kinh diễn không biểu hiện triệu chứng gì, hỏi kĩ thấy trước đó vài tuần hay vài tháng bệnh nhân có biểu hiện khác thường khi đi tiểu trong thời gian ngắn.

Viêm bàng quang có biểu hiện lâm sàng giống như phụ nữ và cũng phổ biến như phụ nữ. Với các dấu hiệu đi tiểu ra mủ và cảm giác buồn tiểu.

Ngoài viêm niệu đạo bệnh nhân có thể bị viêm tuyến tiền liệt, viêm túi tinh, viêm ống mào tinh. Tuy nhiên các tổn thương trên thường phối hợp với các bộ phận khác hoặc tiến triển sau khi bị viêm niệu đạo cấp tính.  

Chẩn đoán.

Ở nữ giới thường dễ dàng. Có thể xét nghiệm trực tiếp, soi tươi trong nước muối sinh lí, hoặc cấy chất tiết âm đạo vào môi trường Diamond hoặc môi trường Trusssell – Johnson. Có thể làm tiêu bản hàng loạt trên phiến kính rồi nhuộm giemsa.

Ở nam giới: xoa bóp tuyến tiền liệt, lấy chất nhờn tiết ra từ đầu dương vật để xét nghiệm tìm T.vaginalis. Chụp X quang niệu đạo sẽ thấy có các hang nhỏ trong tuyến. Nếu viêm bàng quang làm nghiệm pháp ba cốc thấy nước tiểu ở hai cốc cuối. 

Dịch tễ học.

Bệnh do Trichomonas vaginalis gây ra đã được mô tả từ trước công nguyên và thường gặp ở hầu hết các nước trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Trong vài thập kỉ qua, tại nhiều quốc gia, bệnh lây truyền qua đường tình dục đã được xếp là 1 trong 5 nhóm bệnh hàng đầu cần có sự quan tâm và chăm sóc của ngành Y tế đối với người trưởng thành. Các bệnh lây truyền qua đường tình dục dễ chuyển sang mạn tính do các triệu chứng nghèo nàn và do không được điều trị đúng nguyên tắc.

Trước đây người ta quan niệm chỉ có 5 bệnh cổ điển lây truyền qua đường tình dục là: lậu, giang mai, hạ cam, hột xoài, Donovanose

Ngày nay nhờ sự tiến bộ về các kĩ thuật chẩn đoán, người ta đã tìm ra hơn 20 loại bệnh. Tác nhân gây bệnh là các mầm bệnh khác nhau với biểu hiện lâm sàng đa dạng, tiến triển phức tạp, khi rầm rộ, khi âm thầm (như virut gây viêm gan B, virut gây bệnh AIDS, Chlammydia trachomatis gây viêm niệu đạo – sinh dục). Trong số đó có mầm bệnh kí sinh trùng là Trichomonas vaginalisCandida sp.

Theo một nghiên cứu của Baberis I.L. và CS (1998), trong tổng số 1060 mẫu dịch mủ âm đạo, niệu đạo đã được nghiên cứu trong 3 năm đối với các bệnh lây truyền qua đường tình dục thì có 583 mẫu xác định dương tính trong đó T.vaginalis chiếm 17,3%, Candida sp. chiếm 32,4%, lậu và giang mai chỉ chiếm

3,2% và 1,4%. Điều này chứng tỏ: các mầm bệnh kí sinh trùng chiếm tỉ lệ cao trong tổng số các bệnh lây truyền qua đường tình dục nói chung. 

Theo tác giả Kapiga S.H. và CS (1998), tỉ lệ nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục trong tổng số 903 phụ nữ đến khám và điều trị tại phòng khám kế hoạch hoá gia đình ở Tanzania cho thấy: T.vaginalis/Candida sp. là 27,2%,  nhiễm HIV 16%,  Neisseria gonorrhoeae 8,2%. 

Một nghiên cứu khác của Mayand P. và CS (1998), trong số 660 phụ nữ đến khám phụ khoa thấy tỉ lệ mắc các bệnh như sau: Candida sp. 44,9%; T.vaginalis

16% và N.gonorrhoeae 2,3%. Wilkinson D. và CS (1997), nghiên cứu trên 119 bệnh nhân nữ cho thấy tỉ lệ nhiễm các mầm bệnh như sau: Candida sp. 38%, T.vaginalis 14%, HIV 24%, N.gonorrhoeae 4%. 

Theo Lago M. (1994): ở các nước đang phát triển, tỉ lệ nữ nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục thường cao hơn các nước phát triển từ  2 – 3 lần.

Hiện nay ở nước ta, bệnh lây truyền qua đường tình dục đang là vấn đề nổi cộm trong quản lí và chăm sóc sức khoẻ cộng đồng. 

Theo thống kê hàng năm của các địa phương báo cáo về Viện Da liễu Trung ương: toàn quốc có tới 120.000 trường hợp mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục (tính đến 31/12/1998). Người mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục phần lớn đến các cơ sở y tế tư nhân để khám và điều trị hoặc mua thuốc tự điều trị. Trên thực tế số lượng mắc bệnh thực sự chắc chắn còn cao hơn rất nhiều so với các báo cáo. Theo như ước tính hàng năm ở nước ta có tới một triệu người mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác nhau. 

Theo nghiên cứu trên đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao thuộc 2 tỉnh Sông Bé và Hà Bắc cho thấy có tới 69% phụ nữ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Nguyễn Cảnh Cầu cho biết: bệnh lây truyền qua đường tình dục chiếm 2,5% tổng số bệnh da liễu ở phòng khám Bệnh viện 103 và 6,44% ở Viện Quân y 175. Nghiên cứu của Dương Thị Cương nhận thấy: ở Việt Nam có khoảng 60% số phụ nữ có biểu hiện viêm đường sinh dục nhẹ hoặc nặng. Nguyễn Thị Thọ và CS nghiên cứu ở các đối tượng gái mại dâm chuyên nghiệp tại tỉnh Quảng Nam,

Đà Nẵng cho thấy cơ cấu các bệnh lây truyền qua đường tình dục là: giang mai: 47,2%, lậu: 17,46%, T.vaginalis: 30,16%, Candida sp: 3,17%. 

Trịnh Trọng Phụng và CS (1998) nghiên cứu ở các đối tượng có nguy cơ cao cho thấy: tỉ lệ nhiễm T.vaginalis ở gái mại dâm cao hơn rõ rệt so với đối tượng là tiếp viên nhà nghỉ, khách sạn, Karaoke, cà phê vườn… (28,0% so với 9,2%). Tỉ lệ nhiễm phối hợp giữa Trichomonas vaginalis với một số bệnh lây truyền qua đường tình dục khác ở đối tượng gái mại dâm tăng cao, đặc biệt với 1 mầm bệnh khác là 92,5%. Cũng ở các đối tượng trên tỉ lệ nhiễm T.vaginalis có khác nhau ở mỗi địa phương: Cần Thơ 33,3%, An Giang 10,9%, Hải Phòng 22,4%, Thái Nguyên 6,3%, Hà Nội 7,4%, Quảng Ninh 12,0% và Thanh Hoá 6,4%. Tuy nhiên tỉ lệ nhiễm bệnh còn phụ thuộc vào lứa tuổi, trình độ học vấn, thời gian hành nghề…

Như vậy bệnh do Trichomonas vaginalis gây ra được phân bố hầu khắp các nước trên thế giới và các tỉnh ở Việt Nam. Trong đó tỉ lệ mắc bệnh tùy thuộc vào các đối tượng có liên quan đến hành vi sinh hoạt tình dục.

Quá trình phát sinh bệnh do Trichomonas vaginalis gây ra phụ thuộc vào ba yếu tố chính sau đây:

Nguồn bệnh:

Mầm bệnh là thể hoạt động. Thể này có sức chịu đựng khá tốt ở ngoại cảnh, ở trong nước trùng roi có thể sống được tới 40 phút.

Nguồn bệnh: là những người nhiễm trùng roi (cả phụ nữ và nam giới), nam giới là nguồn bệnh nguy hiểm hơn vì nam giới nhiễm trùng roi thường ít có biểu hiện lâm sàng. Điều đáng lưu ý về mặt dịch tễ là nhiều người mắc bệnh đã không đi khám và điều trị vì có thể họ không có triệu chứng, hoặc chính bản thân họ không biết hết những nguy hại và những hậu quả của bệnh, một số khác do xấu hổ nên họ không muốn đi khám…Đó chính là những lí do dẫn đến các biến chứng nặng nề, tác nhân gây bệnh không được điều trị tận gốc, công tác quản lí bệnh nhân không chặt chẽ và việc giám sát gặp rất nhiều khó khăn. 

Đường lây:

Qua 2 con đường:

Trực tiếp: qua quan hệ tình dục không an toàn.

Gián tiếp: qua nước rửa, đồ dùng, vệ sinh, quần áo, khăn lau, bể tắm… Trong đó đường lây nhiễm quan trọng nhất là quan hệ tình dục. Nam giới có thể lây sang nữ giới và ngược lại. Ngoài ra bệnh có thể do cán bộ y tế làm lây truyền trong quá trình khám hoặc làm thủ thuật ở đường sinh dục.

Khối cảm thụ:

Mọi người ở mọi lứa tuổi đều có thể bị nhiễm nhưng chủ yếu là người trưởng thành, đã có quan hệ tình dục. 

Trong số những người trưởng thành thì những nhóm có hành vi nguy cơ cao như người sinh hoạt tình dục bừa bãi, tình dục không an toàn sẽ mắc bệnh cao hơn.

Phòng chống.

Phòng chống Trichomonas vaginalis giống như với một bệnh lây truyền qua đường tình dục (STDs: Sexually Transmitted Diseases).

Theo kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới đã chứng tỏ rằng nếu có chiến lược, mục tiêu và hoạt động đúng thì việc khống chế các bệnh lây truyền qua đường tình dục rất có hiệu quả. 

Hai mục tiêu cơ bản của chiến lược phòng chống các bệnh lây truyền qua đường tình dục:

Cắt đứt đường lây truyền (biện pháp đối với nguồn truyền nhiễm).

Điều trị tốt để đề phòng các biến chứng và những tiến triển xấu.

Để thực hiện 2 mục tiêu cơ bản trên, chiến lược phòng chống bệnh lây truyền qua đường tình dục cần tập trung vào các nội dung sau:

Phát hiện sớm: phát hiện bằng khám lâm sàng và xét nghiệm để phát hiện trên những người đến khám bệnh không phải vì lí do có bệnh hoặc tổ chức khám bệnh định kì theo quy định bắt buộc với các nhân viên ở các nhà hàng, khách sạn có nguy cơ cao.

Quản lí các ca bệnh: tiếp cận hội chứng được thiết kế để quản lí và điều trị các bệnh nhân STDs có triệu chứng. Đó là một công cụ quan trọng tại các nước nghèo về nguồn lực, không có hoặc thiếu các dịch vụ xét nghiệm về STDs. Sự linh hoạt và hiệu quả của phương pháp tiếp cận hội chứng xuất phát từ sự không cần thiết phải có hỗ trợ của xét nghiệm trong chẩn đoán STDs, nó cung cấp những biện pháp điều trị hiệu quả bệnh cho một lượng lớn bệnh nhân mà có thể không cần thầy thuốc khám lại.

Giáo dục sức khoẻ: bằng các phương pháp thông tin, tuyên truyền bằng mọi hình thức đưa các kiến thức, hiểu biết về bệnh lây truyền qua đường tình dục tới mọi cá nhân trong cộng đồng bằng các phương tiện truyền thông như báo chí, đài phát thanh, ti vi…

Công tác giáo dục: giáo dục cộng đồng để thay đổi nếp sống, hành vi dẫn tới khả năng mắc bệnh STDs, xây dựng nếp sống lành mạnh và biết cách tự phòng ngừa bệnh.

Công tác tư vấn: là vấn đề quan trọng để có thể quản lí tốt bệnh nhân bị lây truyền qua đường tình dục. Nội dung của công tác tư vấn là làm cho bệnh nhân hiểu rõ và hiểu đúng về các bệnh lây truyền qua đường tình dục, chỉ dẫn cho bệnh nhân phương pháp điều trị và dự phòng, biết chủ động sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục với đối tượng có nguy cơ cao, động viên bệnh nhân khai báo bạn tình để điều trị cho họ.