Nội dung

Xét nghiệm natri

NATRI

(Sodium)

NHẮC LẠI SINH LÝ

Trong số các chất điện giải đo được trong máu, natri có nồng độ cao nhất. Natri (Na+) là cation chủ yếu của dịch ngoài tế bào. Natri đóng vai trò cơ bản trong điều hòa cân bằng nước và duy trì áp lực thẩm thấu máu. Tính ổn định của nồng độ natri máu là một yếu tố cơ bản giúp duy trì hằng định nội mô trong cơ thể. Bình thường, cơ thể sử dụng từ khẩu phần ăn lượng natri mà cơ thể cần và lượng natri thừa sẽ được bài tiết qua nước tiểu.

Nồng độ Natri máu phụ thuộc vào các yếu tố sau:

– Thể tích tuần hoàn.

– Thể tích dịch ngoài tế bào.

– Aldosteron (gây tái hấp thu Na+ và thải K+).

– ADH (hormone chống bài niệu vùng dưới đồi có tác dụng làm tăng tái hấp thu nước ở các ống thận).

– Yếu tố gây thải natri qua nước tiểu (natriuretic factor) có tác dụng ức chế tái hấp thu natri ở các ống thận.

Tình trạng giảm nồng độ natri máu (hyponatremia) sẽ gây các dấu hiệu và triệu chứng lâm sàng như mệt lả, chuột rút thành cơ bụng, thiểu niệu, mạch nhanh, đau đầu, giảm độ chun dãn ra, rung cơ và thậm chí co giật, hôn mê. Tình trạng tăng nồng độ natri máu (hypernatremia) sẽ gây khô các màng niêm mạc, sốt, khát, vật vã. Các mức nồng độ natri máu

Lượng natri được cung cấp hàng ngày vào khoảng 5 giờ/24 giờ với nguồn gôc chủ yêu từ muối ăn, từ thực phẩm ngũ cốc và các đồ thực phẩm. Natri được thải trừ chủ yếu qua nước tiểu và một phần nhỏ qua mồ hôi. Thải trừ qua phân không đáng kể trừ trường hợp có mất quan trọng qua đường tiêu hóa (Vd: khi BN bị tiêu chảy).

Thải trừ natri qua thận phụ thuộc chủ yếu vào:

– Lượng natri cung cấp trong chế độ ăn.

– Aldosteron.

– Cortisol.

MỤC ĐÍCH VÀ CHỈ ĐỊNH XÉT NGHIỆM

XN định lượng ion ngoài tế bào chủ chốt vừa giúp xác định nguyên nhân vừa phản ánh tình trạng điện giải của cơ thể. XN này được chỉ định khi BN có các triệu chứng mất cân bằng natri và/hoặc các rối loạn kết hợp với bất thường nồng độ natri.

CÁCH LẤY BỆNH PHẨM:

– Máu: XN được tiến hành trên huyết thanh. Không nhất thiết cần yêu cầu BN phải nhịn ăn trước khi lấy máu XN

– Nước tiểu: Lấy mẫu nước tiểu ngẫu nhiên hay thu bệnh phẩm nước tiểu 24h. Khi lấy bệnh phẩm nước tiểu 24h, cần hướng dẫn BN không được làm nhiễm bẩn nước tiểu và chứa bệnh phẩm trong bình chứa thích hợp không có chứa chất bảo quản. Bảo quản nước tiểu bằng trong tủ mát hay bằng đá lạnh.

GIÁ TRỊ BÌNH THƯỜNG

– Huyết thanh: 135 – 145 mEq/L hay 135 – 145mmol/L.

– Nước tiểu: 40 – 220 mEq/24 giờ hay 40 – 220 mmol/L (giá trị rất thay đổi tùy theo lượng muối ăn vào hàng ngày của bệnh nhân).

GIẢM NỒNG ĐỘ NATRI MÁU

Các nguyên nhân chính thường gặp là:

1. Giảm lượng natri cung cấp trong chế độ ăn.

2. Do mất natri quá mức

– Tiêu hóa (Vd: hút dịch vị liên tục, nôn, tiêu chảy).

– Da (Vd: tiết qua mồ hôi, bỏng).

– Thận (Vd: dùng thuốc lợi tiểu, đái tháo đường, tổn thương ống thận, bệnh Addison).

– Chọc dịch cổ chướng liên tiếp.

3. Giảm natri máu do hòa loãng

– Truyền quá nhiều dịch nhất là dich truyền không có chứa điện giải.

– Suy tim mất bù.

– Suy thận.

– Hội chứng thận hư.

– Xơ gan.

4. Suy thượng thận.

5. Hội chứng tiết hormone chống bài niệu (ADH) không thích hợp.

6. Tăng tiết yếu tố gây thải natri qua nước tiểu (natriuretic factor).

Ghi chú:

Giảm natri máu kèm với tăng mất natri qua nước tiểu bao gồm:

– Mất natri nguồn gốc thận (tăng bài niệu, đái tháo đường, tổn thương ống thận).

– Suy thượng thận.

– Hội chứng tiết ADH không thích hợp.

– Tăng tiết yếu tố gây thải natri qua nước tiểu (natriuretic factor).

TĂNG NỒNG ĐỘ NATRI MÁU

Các nguyên nhân chính thường gặp là:

1. Mất nước.

2. Đái tháo nhạt.

3. Hôn mê tăng thẩm thấu.

4. Cường aldosterone tiên phát.

5. Cường cortisol.

6. Gắng sức quá mức.

7. Điều trị bằng corticoid, loại tác dụng giữ muối nước (mineralocorticoid).

8. Truyền quá nhiều dịch muối.

9. Truyền trao đổi máu bằng máu dự trữ.

10. Khẩu phần ăn chứa quá nhiều muối, nhất là ở BN bị suy giảm chức năng thận.

11. Viêm phế quản khí quản (tracheobronchitis).

GIẢM NỒNG ĐỘ NATRI NIỆU

Các nguyên nhân chính thường gặp là:

1. Suy thận cấp.

2. Suy tim ứ huyết.

3. Bệnh Cushing.

4. Đái tháo nhạt.

5. Mất nhiều mồ hôi.

6. Tiêu chảy.

7. Giảm thể tích tuần hoàn.

8. Khẩu phần Natri thấp.

9. Hội chứng giảm hấp thu.

10. Hội chứng thận hư.

11. Tăng ure máu nguồn gốc trước thận.

12. Cường aldosterone tiên phát.

13. Hẹp môn vị.

TĂNG NỒNG ĐỘ NATRI NIỆU

Các nguyên nhân chính thường gặp là:

1. Suy vỏ thượng thận.

2. Suy thận mạn.

3. Mất nước.

4. Sốt.

5. Chấn thương sọ não.

6. Suy giáp.

7. Nhiễm toan hóa do ống thận.

8. Ngộ độc salycilat.

9. Hội chứng tiết ADH không thích hợp.

10. Nhiễm độc thai nghén.

11. Dùng thuốc lợi tiểu.

CÁC YẾU TỐ GÓP PHẦN LÀM THAY ĐỔI KẾT QUẢ XÉT NGHIỆM

– Tăng protid máu, tăng lipid máu, truyền dextran, tăng glucose máu là các nguyên nhân có thể gây tình trạng giảm natri máu.

– Các thuốc có thể làm tăng nồng độ natri máu là: ampicillin, steroid chuyển hóa, cholestyramin, clonidin, corticosteroid, thuốc điều trị ho, doxorubicin, dịch muối ưu trương, isosorbid, thuốc nhuận tràng, methyldopa, thuốc ngừa thai uống, progesteron, ramipril, sildenafil, tetracyclin.

– Các thuốc có thể làm giảm nồng độ natri máu là: thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACE – inhibitors), carbamazepine, carvediolol, thuốc điều trị ung thư, thuôc lợi tiểu, lithium, nicardipin, thuốc chống viêm không phải steroid, primozid, sulfonylurea, triamterene, acid valproic, vasopressin.

– Thuốc có thể làm tăng nồng độ natri niệu là: Thuốc lợi tiểu quai (Vd: Lasix).

– Thuốc có thể làm giảm nồng độ natri niệu là: Corticosteroid.

LỢI ÍCH CỦA XÉT NGHIỆM ĐỊNH LƯỢNG NATRI MÁU

1. Đánh giá các tình trạng rối loạn thần kinh (tình trạng lú lẫn, kích động, hôn mê).

2. Để theo dõi các tình trạng suy thận, xơ gan, đái tháo đường, bệnh lý khối u và ở các BN đang được điều trị bằng truyền dịch tĩnh mạch.

LỢI ÍCH CỦA ĐỊNH LƯỢNG NATRI TRONG NƯỚC TIỂU

1. XN hữu ích giúp tìm kiếm và xác định nguyên nhân gây các bất thường nồng độ natri máu. Ví dụ như trong trường hợp hạ natri máu, nếu nguyên nhân của bất thường này là do khẩu phần natri quá thấp, khi đó nồng độ natri niệu cũng sẽ thấp. Tuy nhiên, nếu nguyên nhân của hạ natri máu là do rối loạn chức năng thận (Vd: suy thận mạn) nồng độ natri niệu sẽ bình thường hay cao.

2. XN hữu ích để đánh giá là BN có tuân thủ nghiêm chỉnh chế độ ăn hạn chế muối hay không: một nồng độ natri niệu 24 giờ

3. Trong trường hợp suy thận, XN cho phép phân biệt nguồn gốc trước thận (tỉ lệ Na+/K+ niệu bị đảo ngược) với nguồn gốc thận hay sau thận (tỉ lệ Na+/K+ niệu không bị đảo ngược).

4. Cho phép phát hiện các tình trạng viêm thận gây mất muối.

CÁC CẢNH BÁO LÂM SÀNG

Nhận định kết quả XN nồng độ natri máu phải được xem xét trong bệnh cảnh lâm sàng (trọng lượng cơ thể, tình trạng dịch, phù…). Các tình huống lâm sàng phức tạp đòi hỏi chỉ định XN thêm các điện giải khác trong máu và nước tiểu.