T4 TỰ DO
(Thyroxine libre sérique; T4 liber/ Free Thyroxine, Free T4 [FT4])
NHẮC LẠI SINH LÝ
Khi nồng độ hormon giáp trong vòng tuần hoàn giảm xuống hay khi cơ thể phải đương đầu với tình trạng stress thực thể hay tâm thần, vùng dưới đồi bị kích thích để giải phóng ra hormon gây giải phóng hormon hướng tuyến giáp (TRH). Khi được tiết ra, TRH (thyrotropin – releasing hormon) sẽ kích thích thùy trước tuyến yên sản xuất hormon kích thích tuyến giáp (TSH). Sau đó TSH (Thyroid Stimulating Hormon) kích thích sản xuất và giải phóng tri – iodothyronin (T3) và thyroxin (T4). Như vậy, Thyroxin lưu hành (tetraiodothyronin [T4]) có nguồn gốc duy nhất do tuyến giáp bài tiết và quá trình này phụ thuộc vào TSH của tuyến yên.
Trong máu, T4 lưu hành dưới 2 thể:
1. Thể tự do, có hoạt tính sinh học, chiếm 0,02% T4 toàn phần.
2. Thể liên kết với protein không có hoạt tính sinh học chiếm 99,98% T4 toàn phần. Các protein vận chuyển hormon tuyến giáp bao gồm TBG (50%), TBPA (Thyroxin Binding PreAlbumin [Tiền albumin gắn thyroxin]) và albumin.
Cả nồng độ T4 tự do và T4 toàn phần có thể được định lượng trực tiếp trong huyết thanh bằng phương pháp miễn dịch phóng xạ.
MỤC ĐÍCH VÀ CHỈ ĐỊNH XÉT NGHIỆM
Để chẩn đoán các tình trạng cường chức năng và suy chức năng tuyến giáp, nhất là khi nồng độ globulin mang thyroxin (thyroxine – binding globulin [TBG]) bình thường.
CÁCH LẤY BỆNH PHẨM
XN được tiến hành trong huyết thanh.
Không nhất thiết cần yêu cầu BN phải nhịn ăn trước khi lấy máu XN.
GIÁ TRỊ BÌNH THƯỜNG
8,6 – 17,9 ng/L hay 11 – 23 nmol/L.
TĂNG NỒNG ĐỘ T4 TỰ DO TRONG MÁU
Các nguyên nhân chính thường gặp là:
– Bệnh Hashimoto giai đoạn sớm.
– Sản xuất T4 lạc chỗ.
– Tình trạng cường chức năng tuyến giáp.
· Bệnh nhiễm độc giáp Basedow
· Tình trạng cường giáp do iod gây nên.
– Viêm tuyến giáp.
– Bướu đa nhân độc của tuyến giáp (toxic multinodular goiter).
GIẢM NỒNG ĐỘ T4 TỰ DO TRONG MÁU
Các nguyên nhân chính thường gặp là:
– Bệnh nhiễm amyloid (amyloidosis).
– Bướu cổ đơn truyền.
– Viêm tuyến giáp Hashimoto.
– Nhiễm thiết huyết tố.
– Tình trạng suy chức năng tuyến giáp.
– Xơ cứng bì.
CÁC YẾU TỐ GÓP PHẦN LÀM THAY ĐỔI KẾT QUẢ XÉT NGHIỆM
– Tiến hành sử dụng chất đồng vị phóng xạ để chụp xạ hình trong vòng 1 tuần trước đó có thể làm thay đổi kết quả XN.
– Các điều trị trước đó có thể ảnh hưởng đến chức năng tuyến giáp (Vd: thuốc kháng giáp trạng tổng hợp, lugol, lithium) hay làm nhiễu kết quả định lượng nồng độ FT4 ( Vd: heparin, calciparin, liều cao aspirin hay thuốc chống co giật, propranolol).
– Các thuốc có thể làm tăng nồng độ FT4là: Amiodaron, androgen, carbamazepin, estrogen, corticosteroid, danazol, furosemid, heparin, thuốc ngừa thai uống, phenytoin, propranolol, thuốc cản quang, tamoxifen, thyroxin, axit valproic.
– Các thuốc có thể làm giảm nồng độ T4 toàn phần là: Amiodaran, các steroid chuyển hóa, carbamazepin, corticosteroid, cytemol, estrogen, lithium, phenobarbital, phenytoin, rannitidin.
CÁC HƯỚNG DẪN THỰC HÀNH LÂM SÀNG DỰA TRÊN Y HỌC BẰNG CHỨNG
Theo Viện hàn lâm Hóa sinh lâm sàng Quốc gia của Mỹ (National Academy of Clinnnical Biochemistry) năm 2002:
1. Ở BN có tình trạng giáp ổn định: Khi tình ttrạng giáp ổn định và chức năng trục tuyến yên – dưới đồi không bị tổn thương, định lượng nồng độ TSH huyết thanh là một test nhậy hơn so với FT4 để phát hiện các tình trạng thiếu hụt hay thừa hormon giáp nhẹ (tức là để chẩn đoán các tình trạng rối loạn chắc năng tuyến giáp trên lâm sàng).
2. ở các BN có tình trạng giáp không ổn định: Định lượng nồng độ FT4 huyết thanh là một test có độ tin cậy cao hơn so với TSH để đánh giá tình trạng tuyến giáp, nhất là trong 2 – 3 tháng đầu điều trị tình trạng cường năng hay giảm chức năng tuyến giáp.
CÁC CẢNH BÁO LÂM SÀNG
– Phân tích kết quả xét nghiệm định lượng nồng độ T4 tự do luôn cần được kết hợp với phân tích kết quả nồng độ của các hormon giáp khác và nồng độ TSH. Một nồng độ T4 tự do ở giới hạn bình thường cao có thể được coi là bình thường ở người trẻ tuổi song luuon là bệnh lý ở người có tuổi.
– Mặc dù hiếm gặp song khi có các kháng thể nội kháng sinh T4 có thể gây tăng nồng độ T4 tự do mà không có tình trạng cường giáp.
– Có thể gặp kết quả bất thường nồng độ T4 tự do ngay cả khi chức năng tuyến giáp hoàn toàn bình thường ở các BN có bệnh lý gan hay thận nặng.